THỨ HAI TUẦN II THƯỜNG NIÊN
THIÊN
CHÚA ƯA THÍCH TẤM LÒNG HƠN LÀ HY LỄ
Lời Chúa Mc 2,18-22
18 Khi ấy, các
môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay ; có người đến hỏi Đức Giê-su
: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn
đệ ông lại không ăn chay ?” 19 Đức Giê-su trả
lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với
họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. 20 Nhưng khi tới
ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. 21 Chẳng ai lấy
vải mới vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại
càng rách thêm. 22 Cũng không ai
đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng
mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới !”
Suy niệm
Đối
với người Do Thái, ăn chay là một hình thức sống đạo lý tưởng, là nghi thức tỏ
lộ sự buồn đau trước Thiên Chúa về lỗi lầm của mình. Qua việc ăn chay, người Do
Thái hy vọng Gia-vê Thiên Chúa nhân hậu thứ tha và cứu thoát. Có những ngày ăn
chay theo luật buộc, nhưng cũng có những ngày ăn chay do lòng đạo đức của từng
cá nhân, hay của từng nhóm.
Tin Mừng thuật lại: “Bấy
giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến
hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người
Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?" Chúng ta cần lưu ý rằng, câu
hỏi chất vấn này không nhắm đến việc các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm luật ăn chay
theo luật buộc, nhưng nhắm đến cách thức sống được coi là chưa đạo đức, chưa thánh thiện
của các môn đệ Chúa Giêsu, vì họ không ăn chay như những nhóm khác.
Đối với người Do Thái đương
thời, một cuộc sống đạo đức lý tưởng phải như nhóm môn đệ theo ông Gioan. Họ
sống theo thầy mình, ăn chay triệt để, theo kiểu “mặc áo lông lạc đà, thắt
lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”. Trong khi đó, môn đệ Chúa
Giêsu không thấy ăn chay, hãm mình. Ngay cả Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần bị lên
án là tay ăn nhậu và bạn bè với quân tội lỗi.
Chúa Giêsu trả lời những
người chất vấn Ngài bằng việc đưa ra hình ảnh tiệc cưới. Tiệc
cưới là một trong biến cố làm thay đổi đời sống thường ngày của người Do-thái.
Theo Adolf Pohl, đối với người Do-thái, tiệc cưới là một niềm vui lớn. Niềm vui
ấy đẩy lui tất cả sang một bên. Các kinh sư gấp cuốn sách Tora lại. Kẻ thù giải
hòa với nhau. Người người sẽ tấu lên những khúc nhạc vui, trống đàn hòa tấu,
nhảy nhót mừng rỡ trước cô dâu, và ca ngợi vẻ đẹp của cô dâu. Họ mừng tiệc cưới
bảy ngày trời. Sau bảy ngày mừng vui, mọi người trở về lại với cuộc sống thường
nhật, với những luật lệ nghiêm ngặt và khô khan.
Câu
trả lời của Chúa Giêsu cho chúng ta hai ý tưởng để suy gẫm :
-
Ngài chính là chàng rể,
đang ở giữa các môn đệ. Có Chúa ở cùng thì còn niềm vui, nên không có đau khổ,
không cần ăn chay. Chỉ khi nào chàng rể bị mang đi, thì lúc đó họ mới ăn chay.
Ngài muốn thay đổi tư tưởng về việc ăn chay của người Do thái khi họ quy về
chính mình (hãm mình, đền tội, hay xin ơn…). Việc ăn chay phải hướng về Thiên
Chúa, hướng về “Chàng Rể sẽ bị đem đi” là chính Chúa Giêsu, Đấng sẽ dùng cái
chết để cứu chuộc con người.
Mỗi
người chúng ta cũng vậy. Khi tâm hồn có Chúa, chúng ta cảm thấy bình an và có
niềm vui thực sự. Ngược lại, nếu phạm tội, chúng ta đánh mất Chúa. Chúng ta để
cho Chúa bị mang đi khỏi cuộc đời của mình. Ăn chay để tưởng nhớ đến cái chết
của Chúa Giêsu, vì tội lỗi của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ yêu mến, và khao
khát Chúa đến với chúng ta bằng cuộc sống hoán cải, bởi “rượu
mới” phải được đổ vào “bầu da mới”.
-
Chỉ có Thiên
Chúa mới nhìn thấy mức độ chân thành và lòng yêu mến của chúng ta, được thể hiện
qua những việc đạo đức, thờ phượng. Ngài ưa thích tấm lòng của chúng ta,
hơn là của lễ chúng ta dâng: “Vâng
phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu”
(1 Sm 15,22). “Vì Ta muốn tình yêu
chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là của lễ
toàn thiêu” (Hs 6,6).
Con
người thường thích đánh giá sự thánh thiện và đạo đức qua những hình thức bên
ngoài. Những người được cho là đạo đức, thường là những người làm nhiều hơn
những gì luật buộc, như ăn chay, lần hạt, xem lễ mỗi ngày… Những hình thức đó
là phương tiện rất tốt để chúng ta yêu mến, tôn thờ Thiên Chúa. Thế nhưng, nó
không phải là chuẩn mực để chúng ta xét đoán, phê bình người khác. Việc
chúng ta ăn chay hay làm bất cứ một việc đạo đức nào, hãy làm vì lòng yêu mến
Chúa hơn là làm vì nệ luật, vì thói quen. Chúng ta hãy làm vì lòng yêu mến tha
nhân, hơn là vì tiếng khen của người đời. Bởi lẽ, của lễ chỉ có giá trị
khi chúng tượng trưng cho tấm lòng thành. Một của lễ thiếu tấm lòng
sẽ trở nên vô nghĩa, thậm chí làm cho Chúa ghê tởm.
Lạy Chúa, chúng con cám ơn
Chúa vì đã luôn tìm cách ở lại và mang niềm vui đến trong cuộc đời chúng con
trong Bí Tích Thánh Thể. Xin Chúa giúp chúng con sống niềm vui có Chúa bằng tấm
lòng chân thành, yêu mến Ngài trong tất cả cử chỉ đạo đức, thờ phượng. Và cũng
xin giúp chúng con thể hiện tình liên đới, yêu thương với anh chị em bằng cả
tấm lòng, hơn là bận tâm so sánh, bình phẩm cách sống đạo của họ. Bởi vì chỉ có
Chúa mới là Đấng hiểu rõ nhất lòng chúng con. Amen.
Lm. Giuse Mai Văn Điệp,
OP