Chúa chữa người bại tay
LỜI CHÚA Mc 3, 1 - 6
(1) Ðức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. (2)
Họ rình xem Ðức Giêsu có chữa người ấy ngày sabát không, để tố cáo Người. (3)
Ðức Giêsu bảo người bại tay: "Anh chỗi dậy, ra giữa đây!" (4)
Rồi Người nói với họ: "Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ,
cứu mạng người hay giết đi?" Nhưng họ làm thinh. (5) Ðức Giêsu
giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay:
"Anh giơ tay ra!" Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.
(6) Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm
cách giết Ðức Giêsu.
SUY NIỆM
1. Ngày hưu lễ, Chúa Giêsu vào
hội đường. Ở đó có người bị bại một cánh tay. Nhóm biệt phái theo rình mò xem
Chúa có chữa cho người bệnh này không. Biết thế, Chúa gọi người bệnh ra đứng
giữa họ và hỏi: Ngày hưu lễ nên làm lành hay làm ác, cứu sống hay giết chết
? Họ không trả lời, vì họ ngoan cố không muốn biết sự thật mà chỉ tìm cách
tố cáo thôi. Chúa nhìn họ vừa buồn vừa giận vì thái độ ngoan cố của họ. Rồi
Chúa bảo người bệnh: Hãy đưa tay ra. Tức thì người ấy khỏi bệnh. Thấy vậy, nhóm
biệt phái và liên kết với nhóm của Hêrôđê tìm cách giết Chúa.
2. Theo truyền thống, người
bại tay này làm nghề thợ xây đá. Nghĩa là anh cần có một bàn tay khỏe mạnh sớm
hết sức, để có thể nuôi sống bản thân và gia đình. Không lạ gì trước những
người Do thái “chẻ sợi tóc làm tư” dò xét, bắt bẻ để lên án. Theo luật Do thái,
chỉ được chữa bệnh vào ngày sabat trong trường hợp nguy tử. Trường hợp của anh
không phải là nguy tử, nhưng Ngài không thể nào để đến ngày mai. Ngài đã
can đảm dám chữa lành anh ngay hôm nay. Ngày sabat là ngày dành cho Chúa, ngày
làm điều lành, ngày cứu người. Nhờ đó, bàn tay anh có thể duỗi thẳng, anh có
thể cầm lấy bàn tay người khác, cũng như có thể mưu sinh bằng chính bàn tay của
mình (5 phút Lời Chúa).
3. Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Chúa Giêsu có một phản ứng trước sự mù quáng của những người biệt phái. Chúng
ta cứ tưởng tượng một bệnh nhân đang quằn quại trong đau khổ cần một bàn tay
săn sóc chữa trị, thì người ta lại nại đến luật ngày Hưu lễ để bắt bẻ và cấm
chế. Thánh Marcô như muốn tô đậm phản ứng của Chúa trước thái độ mù quáng
như thế, khi viết: ”Chúa Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng chai
đá của họ”. Chúa Giêsu vốn là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Chúng
ta hãy chiêm ngưỡng thái độ của Ngài đối với những người khốn khổ, những người
tội lỗi, các bệnh nhân, những người bị đẩy ra bên lề xã hội, Ngài đồng bàn với
họ, cảm thông với họ, tha thứ cho họ.
4. Có câu chuyện kể rằng: hôm
ấy một rabbi Do thái cưỡi ngựa đi từ Giêricô về Giêrusalem vừa đi vừa hát thánh
ca, trên đường đi, chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực, nhanh tay vớ
được cành cây nên rabbi không rơi xuống vực. Ông thấy con ngựa rơi xuống nước
nên không hề hấn gì, nhưng bờ cao không lên được, ông định chặt nhành cây lấp
đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày sabat không được làm
việc tay chân nên thôi, ông liền phục trong bụi cây rình thấy một người hành
hương cưỡi ngựa đi qua, ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực, cướp ngựa
phóng đi và tiếp tục hát thánh ca...
Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho
thấy việc Chúa Giêsu vạch trần sự giả hình của họ, ngày sabat mọi người đến
nghe Lời Chúa, còn họ thì đến với ý đồ xấu nhằm để hại người. Giống như câu
truyện trên, rabbi kia không dám cứu con ngựa của mình lên vì sợ phạm luật
nhưng lại dễ dàng giết người cướp ngựa... Chúa Giêsu biết họ đang rình mò tìm kế
hại Ngài, nhưng Ngài vẫn không ngần ngại chữa lành cho anh bị bại tay và qua đó
Ngài đặt cho họ một câu hỏi để họ suy nghĩ: ”Ngày sabbat nên làm điều lành hay
làm điều dữ” ?
5. Chúa Giêsu thấu rõ ác tâm
của nhóm biệt phái, nhưng Ngài không chống đối bằng lời nói mà lấy việc làm,
lấy việc cứu giúp người bệnh để sửa dạy họ. Ngài nêu gương cho chúng ta, thay
vì ra mặt công khai chống đối kẻ làm hại mình hay người tội lỗi, chúng ta lấy
việc lành, lời cầu nguyện, sự hy sinh của chúng ta để dẫn đưa họ về nẻo chính
đường ngay.
6. Truyện: Luật là luật
Chúng ta đã biết những người
biệt phái luôn có cái nhìn cứng nhắc về lề luật. Họ chủ trương “luật là luật”
và đã là luật thì phải giữ. Có thế thôi. Đối với những người như thế,
chúng ta nên đọc và suy nghĩ về câu truyện này:
Một người Do thái qua đời, sau
khi đã khám nghiệm các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng ý
nghĩa của y học và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất.
Giữa lúc đang chuẩn bị hạ
huyệt người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, mọi
người rất đỗi ngạc nhiên vì thấy kẻ chết đã sống lại.
Thế nhưng vị giáo trưởng chủ
trì tang lễ ra hiệu cho mọi người thinh lặng rồi nói với kẻ chết như sau:
- Chúng tôi không biết rõ ông
đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ, ông quả
thực đã là người chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của bác
sĩ.
Nói xong, ông truyền cho tang
lễ đóng nắp quan tài lại và tiếp tục nghi thức an táng.
Lm Giuse Đinh Lập Liễm