Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 2

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Thường Niên Năm C

ĐẠO CHÚA LÀ ĐẠO CỦA NIỀM VUI

cn2c.jpg

Giáo phận Bùi Chu là một trong những giáo phận có đông người Công Giáo, có rất nhiều các vùng hoặc các giáo xứ mang tên “Quần” hoặc tên “Lạc” như Quần Cống, Quần Liêu, Quần Phương, Quần Lạc hoặc là Lạc Bắc, Lạc Thành và cả xứ Lạc Đạo …vv. Chữ “Quần” muốn nói đến sự quây quần xum họp và chữ “Lạc” muốn nói lên niềm vui tươi hoan lạc. Các tên này đã được các nhà truyền giáo đặt cho các giáo xứ từ những ngày đầu khi đạo Chúa vào đến đất Bùi Chu. Các Ngài muốn giới thiệu cho mọi người biết, theo đạo Chúa là một đạo ngập tràn niềm vui, theo đạo là sống quây quần bên nhau, yêu thương nhau, cùng nhau chia sẻ niềm vui của đạo. Mặc dù cách giải thích có vẻ đơn giản, nhưng đó là sự đúc kết điểm chính yếu và là nét đặc trưng của đạo Chúa.

Chúa nhật tuần trước mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Ngài khai mở một thời đại mới, thời đại tình thương cứu độ của Thiên Chúa được công bố cho mọi người. Hôm nay Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta hoa quả của ơn cứu độ đó là niềm vui. Niềm vui này chắc chắn không phài là những cuộc vui ăn uống, rượu chè, theo kiểu thế gian mà là niềm vui vì ơn phúc lành và sự canh tân đổi mới mà Chúa Giêsu đem đến cho mọi người. Tiên tri Isaia trong bài đọc một đã không giấu được niềm vui của những người tin theo Chúa, ông đã bộc lộ niềm vui đó qua những lời lẽ đầy màu sắc hân hoan: “Vì lòng mến Sion, tôi sẽ không nín lặng, vì lòng mến Giêrusalem tôi nghỉ yên sao đành, tới ngày Đấng Công Chính xuất hiện tựa hừng đông; Vị Cứu Tinh của thành rực lên như ngọn đuốc”. Ông nói đến ngày mà Thiên Chúa bày tỏ vinh quang của Ngài trước mặt muôn dân. Vinh quang ấy không làm cho con người khiếp sợ không dám đến gần, trái lại, vinh quang của Chúa sẽ được mọi người ngắm nhìn, thán phục. Vị tiên tri dùng những hình ảnh niềm vui của cô dâu chú rể để trình bày cho thấy sự xuất hiện của Thiên Chúa trở thành vinh dự và niềm vui hân hoan cho cả dân tộc. Thiên Chúa không còn ở xa, nhưng đến gần bên con người, cùng kết ước, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với con người và ban cho con người được vinh dự trở thành người nhà, người thân của Thiên Chúa: “Chúa sẽ cầm lấy tay ngươi. Chẳng ai còn réo tên ngươi: “Đồ bị ruồng bỏ”, nhưng được gọi là “Ái khanh lòng Ta hỡi”. Chúa sẽ đem lòng sủng ái ngươi. Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Ngươi sẽ là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ”.

Tin Mừng Gioan thuật lại câu chuyện Chúa hiện diện tại tiệc cưới Cana và giải gỡ bế tắc cho gia đình đám cưới, đem lại cho họ vinh dự và niềm vui. Câu chuyện muốn gợi lên cho ta nhiều bài học. Thánh Gioan cho biết hôm đó Chúa Giêsu, Đức Maria và các môn đệ của Chúa được mời dự tiệc. Chi tiết này cho thấy Thiên Chúa không dửng dưng với đời sống của con người, Ngài trở nên thân thiết với mọi người. Vì thân thiết, nên gia chủ đã mời cả Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các môn đệ cùng dự tiệc cưới. Chắc chắn sự hiện diện của Chúa, một vị thầy đang được biết đến, sẽ là niềm vui và vinh dự cho gia đình. Quan trọng hơn, sự hiện diện của Chúa Giêsu là sự hiện diện mang đến phúc lành cho đôi tân hôn và gia đình. Nhưng để có sự hiện diện này, điều cần thiết là họ phải mời Chúa vào thăm gia đình, cùng dự tiệc, cùng chung vui và cùng chia sẻ với gia đình.

Sự hiện diện của Chúa và thân mẫu còn là sự hiện diện trợ giúp. Với sự tinh tế của một phụ nữ, Đức Maria đã phát hiện ra sự lúng túng của gia chủ khi hết rượu lúc đang ăn tiệc. Đức Maria đã khéo léo can thiệp, Mẹ đã đề nghị cùng Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi”. Hơn ai hết, Mẹ Maria tin rằng Chúa Giêsu sẽ quan tâm đến tình trạng này. Mẹ không yêu cầu Chúa làm gì, nhưng Mẹ chỉ trình bày cho Chúa về hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình. Chúa Giêsu dù chưa đến giờ bày tỏ vinh quang của Ngài, nhưng Chúa cũng không thể trì hoãn lời đề nghị của Mẹ: “Thưa Mẹ, việc đó là của gia đình họ, giờ con chưa đến”. Câu trả lời của Chúa không làm Đức Maria thất vọng, nhưng Mẹ tin tưởng chờ đợi và dặn các người giúp việc: “Hễ Người bảo gì thì cứ làm theo”. Chúa đã ra tay, Ngài truyền cho những người giúp việc đổ nước đầy sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy, mỗi chum chứa được từ tám mươi đến một trăm hai mươi lít nước. Chúa ra lệnh: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc”. Các gia nhân đã làm như thế. Phép lạ đã xảy ra do lời đề nghị và tin tưởng của Đức Maria, nhưng có thể nói, phép lạ xảy ra còn nhờ vào sự vâng lời của các đầy tớ khi họ đổ nước vào chum và khi họ múc nước đó cho người quản tiệc để đem lên tiếp khách. Người quản tiệc ngạc nhiên khi nếm nước đã thấy hóa thành rượu ngon, ngon hơn các rượu trước đó. Ông chỉ biết thắc mắc : Sao không thiết đãi rượu ngon ngay từ đầu, mà lại giữ lại đến cuối bữa mới đãi.

Hình ảnh của tiệc cưới là hình ảnh của xum họp, niềm vui, tiếng cười và sự no thỏa. Tiệc cưới tại Cana đang nửa bữa hết rượu là điều hết sức xấu hổ cho đôi tân hôn. Tin Mừng muốn nhấn mạnh rằng sự hiện diện của Chúa Giêsu và Đức Mẹ cứu nguy cho gia đình đôi tân hôn. Cũng vậy, cuộc sống của nhiều gia đình và của thế giới này đang cạn dần niềm vui. Nhiều gia đình đang có nguy cơ rơi vào tình trạng khô cằn, thiếu niềm vui, thiếu sức sống, buồn chán, bế tắc vì họ đã quên mời các vị khách đặc biệt đó là Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

Qua câu chuyện, Thánh Gioan còn muốn nói đến niềm vui lớn lao hơn đó là niềm vui mà Chúa Giêsu sẽ khai mở cho nhân loại. Ngài sẽ quy tụ nhân loại trở thành một dân mới, được dẫn dắt bởi Tin Mừng, được yêu thương chăm sóc bởi mục tử nhân lành. Isaia đã dùng hình ảnh bữa tiệc rượu, để nói lên niềm vui do Thiên Chúa quy tụ: “Ngày ấy Thiên Chúa sẽ thiết đãi các dân trên núi này một bữa tiệc, tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon”. Niềm vui Chúa Giêsu khai mở sẽ là niềm vui vượt quá sự mong đợi của lề luật cũ, của cách thực hành đạo cũ. Câu chuyện tại Cana cho thấy sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy của người Do Thái đã trở nên lỗi thời vô dụng, không có khả năng tẩy rửa tội lỗi. Chúa Giêsu là Đấng sẽ đổ vào đó một thứ nước trong lành có sức thanh tẩy tội lỗi và biến nó trở thành rượu ngon vượt trội và với số lượng dư thừa. Như thế, Tin Mừng muốn nói rằng: Kể từ đây nếp sống cũ và những thực hành cũ không còn phù hợp, nó trở nên nhàm chán và là gánh nặng gây mệt mỏi cho con người. Chúa Giêsu là rượu mới, là niềm vui mới được ban tặng cho nhân loại mới. Niềm vui của Ngài đem lại là niềm vui giải thoát khỏi những ràng buộc của luật cũ, của tội lỗi và các hình thức nô lệ của ma quỷ. Những ai được quy tụ, được tham dự tiệc cưới của Ngài sẽ không bao giờ thiếu vắng niềm vui và hạnh phúc.

Thưa quý OBACE, Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta hai điều: Thiên Chúa mở ra cho chúng ta một lối sống trong vui tươi và hy vọng và Ngài muốn hiện diện, đem niềm vui sự bình an đến cho các gia đình. Chúng ta đón nhận giáo huấn, đi theo con đường của Chúa và sống với Chúa, cuộc đời sẽ đầy tràn niềm vui, cho dù cuộc sống chung quanh còn nhiều sóng gió. Kitô giáo là đạo của niềm vui, hân hoan và hy vọng. Khác với các tôn giáo khác, Giáo lý Tin Mừng của Chúa Giêsu là con đường rõ ràng dẫn chúng ta đến hạnh phúc chân thật là nước trời. Tin Mừng của Ngài giải thoát chúng ta khỏi mọi sự sợ hãi, khỏi tình trạng nô lệ để ta được sống tự do trong tư cách là con của Chúa. Các niềm tin dân gian và các tôn giáo khác gây cho con người nhiều sợ hãi và lo lắng khiến cho con người phải tin kiêng, cúng bái, sợ bóng, sợ ma quỷ. Niềm tin vào Thiên Chúa cho chúng ta sức mạnh để chúng ta đương đầu với mọi hoàn cảnh trong tin tưởng có Thiên Chúa quyền năng đang ở cùng chúng ta, yêu thương, bảo vệ ta như người cha lo cho con cái. Vì thế, chúng ta sống trong sự tin tưởng phó thác như con thơ ở trong vòng tay cha mẹ.

Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta đem niềm vui về cho gia đình. Niềm vui đích thực không phải là những cuộc tụ tập ăn nhậu hoặc bài bạc, nhưng là mời được Chúa và Đức Mẹ về với gia đình qua việc rước lễ, đọc kinh, lần hạt mân côi sớm tối. Chúa, Đức Mẹ vừa là khách vừa là bạn, với gia đình. Ngài sẽ chia sẻ mọi khó khăn, lo toan với gia đình, an ủi nâng đỡ và ban lại cho gia đình niềm vui hân hoan. Ngài sẽ loại bỏ những cái không phù hợp trong cách sống, cách làm ăn của gia đình và thay vào đó là rượu mới, niềm vui mới của Chúa.

Nhờ sự hiện diện, bầu cử của Mẹ Maria, nguyện xin Chúa thương giải gỡ các khó khăn cho các gia đình. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Thường Niên_Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Thứ Hai Tuần II Thường Niên_Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Thường Niên C_ Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Thường Niên C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Thường Niên-Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Thường Niên- Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Thường Niên_Lm J.P

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Mùa Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Thường Niên_Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần II Thường Niên-Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy tuần II Quanh Năm C: PHỤC VỤ VÀ HIẾN DÂNG_ Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Quanh Năm_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật II Thường Niên A: ĐỨC GIÊ-SU LÀ CHIÊN CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA_ Lm. Đan Vinh
     CHỦ NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN: Lời chứng của ông Gioan_ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật II Thường Niên A: GIỚI THIỆU CHÚA CHO ANH CHỊ EM_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Thường Niên C: Đức Giê-su “Kẻ Mất Trí”_Nt. Maria Vũ Thị Chinh Anh, OP