Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Mùa
Thường Niên
«Ngày
sa-bát,
được phép làm điều lành hay điều dữ,
cứu mạng người hay giết đi?»
Lời
Chúa: Mc 3, 1-6
1
Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay.2 Họ rình
xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người.
3 Đức
Giê-su bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra giữa đây! "4
Rồi Người nói với họ: "Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ,
cứu mạng người hay giết đi? " Nhưng họ làm thinh.5 Đức Giê-su
giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay:
"Anh giơ tay ra! " Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.
6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu
lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.
Suy Niệm:
Trình
thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô có cấu trúc song song đối xứng như sau:
(A) Đức
Giê-su đi vào hội đường; họ rình Ngài (c. 1-2)
(B) Đức Giê-su nói với người bại tay (c. 3)
(C) Đức
Giê-su nói với họ (c. 4a)
(D) Họ im lặng (c. 4b)
(C’) Đức Giê-su nhìn họ
chung quanh (c. 5a)
(B’) Đức Giê-su nói với người bại tay (c. 5b)
(A’) Họ ra khỏi hội
đường và tìm cách giết Ngài (c. 6)
1. Sự Dữ và Lề Luật
Bài Tin Mừng theo thánh
Mác-cô hôm nay kể lại việc Đức Giê-su chữa người bại tay trong hội đường vào
ngày sa-bát; biến cố này chính là điểm tới của một loạt vấn nạn của “họ” đối
với lập trường (lời nói và việc làm) của Đức Giê-su về tội lỗi, bệnh tật, lề
luật nhất là luật sa-bát (Mc 2, 1 – 3, 6).
Ø
Lúc
đầu họ nhân danh lề luật để chất vấn Đức Giê-su: “Sao ông này lại dám nói như
vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?”
(2, 7)
Ø
Sau
đó, tiếp tục dựa vào lề luật để dò xét, họ nêu ra nhiều thắc mắc: “Sao! Ông ấy
ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” (c. 16); “Sao các môn đệ ông Gio-an
và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (c.
18); “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép” (c. 24).
Ø
Và
sau cùng, như bài Tin Mừng kể lại, “họ làm thinh” (3, 4). Sự thinh lặng của họ diễn
tả lựa chọn sự chết trong nội tâm: “Ra
khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết
Đức Giê-su” (c. 6).
Như thế, bệnh thể lý
nhường chỗ cho một thứ bệnh khác, gây chết chóc nhiều hơn gấp bội, cho mình và
cho người khác; và thứ bệnh này làm cho Đức Giê-su “buồn khổ”.
Đức
Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ,
buồn khổ vì lòng họ chai đá. (c. 5)
Sự Dữ không thể bị đưa ra
ánh sáng khi ẩn nấp nơi lề luật (dựa vào Lề Luật để làm điều dữ; có thể đọc Rm
7, 7-13), nhưng đã phải lộ diện ở đây, khi đối diện với ý muốn và quyền năng phục
hồi sự sống và trao ban sự sống một cách thuần túy và nhưng không của Đức
Giê-su. Tất cả sẽ trở thành hiện thực và đi tới cùng ở nơi mầu nhiệm Thập Giá,
nghĩa là lúc Chàng Rể bị đem đi (x. Mc 2, 20). Khi mà, mọi người chỉ coi người
bại liệt là bệnh nhân, thì Đức Giê-su nhìn người này vừa là tội nhân và vừa là
bệnh nhân: “Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2, 5). Bởi vì, trên Thập Giá,
Ngài sẽ trở thành “tội nhân và bệnh nhân”, để mặc khải Sự Dữ và Sự Thiện, tha
thứ, chữa lành và mở đường cho chúng ta đi vào Sự Sống, dù chúng ta là ai và
đang ở trong tình trạng nào. Với người bại tay, Người nói:
“Anh giơ tay ra!”
Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.
(Mc 3, 5)
Ngang qua việc chữa lành
rất nhỏ bé, là chữa lành cánh tay bị bại liệt, Đức Giê-su vừa bày tỏ cách rõ ràng
và mạnh mẽ sứ mạng phục vụ sự sống (vì cánh tay mang ý nghĩa biểu tượng: người
ta làm việc với đôi tay để nuôi sống mình và người khác), Đức Giê-su vừa muốn
chạm tới và chữa lành một thứ bệnh nguy hiểm nhưng rất khó đưa ra ánh sáng để
được chữa lành, đó là dùng lề luật như phương tiện để giết chết. Căn bệnh này
có nguồn gốc từ con rắn, tức ma quỉ (x. St 3, 1-7).
Khi cầu nguyện, chúng ta
có thể dùng phương pháp chiêm niệm: Nhìn các nhân vật trong không gian hội
đường; nghe tiếng nói, đặc biệt chú ý đến câu hỏi của Chúa và hãy thử trả lời.
Nhưng nghe cả thinh lặng nữa (đọc ra ngôn ngữ thinh lặng), thinh lặng ở đây muốn
diễn tả điều gì? Tại sao Chúa giận giữ? Quan sát cung cách bên ngoài, chuyển
động (vào hội đường, bước ra giữa và đi ra khỏi hội đường), nhưng nhất là
“chuyển động nội tâm”, vì mọi sự diễn ra trong nội tâm, vì thế trình thuật rất
ngắn. So sánh ý đồ rình xem để tố cáo và ý đồ giết Đức Giêsu.
2. “Ngày sa-bát, được
phép làm điều tốt hay điều xấu, cứu lấy sự sống hay giết đi ?”
Họ có vẻ giữ luật thật kĩ
và còn muốn bảo vệ nữa. Họ chẳng có gì đáng trách xét theo Luật, ngược lại còn
đáng khen nữa. Tuy nhiên, trong lòng chất chứa năng động sự dữ và sự chết: họ
dựa vào luật để tố cáo, nhưng sẽ đến lúc họ sẽ tố cáo vô cớ (như trường hợp
này, vì Đức Giê-su chữa bệnh bằng lời, nên không vi phạm luật sa-bát, nhưng họ
vẫn cứ muốn loại trừ Ngài), hay tự tạo ra chứng cớ bất chấp Lề Luật:
« Chúng ghét con vô cớ » (Ga 15, 25).
Thánh Gioan đã trích Tv
35, 19 hay Tv 69, 5, vì nhìn ra ở đó lời tiên báo về sự thù ghét của thế gian
đối với Đức Giê-su. Không phải vì họ yêu thích lề luật, vốn được lập ra để phục
vụ cho sự sống, nhưng là yêu thích tố cáo, và dùng lề luật làm phương tiện tố
cáo, lên án và giết chết (x. Rm 7; St 3). Câu hỏi của Đức Giêsu: “Ngày sa-bát, được phép làm điều tốt hay điều
xấu, cứu lấy sự sống hay giết đi?”, sẽ làm bật ra điều thầm kín này:
Ngày sa-bát
|
Khía cạnh tích cực
|
Khía cạnh tiêu cực
|
Làm điều tốt
|
hay làm điều xấu ?
|
Cứu lấy sự sống
|
hay giết đi ?
|
Khía cạnh tiêu cực là đơn giản nhất. Thật vậy, tại
sao lại hỏi có được phép làm điều xấu vào ngày sa-bát hay có được phép giết đi
vào ngày này? Vì mọi ngày trong tuần đều không được phép! Khía cạnh tích cực
thì phức tạp hơn: có được phép làm điều tốt ngày sa-bát không? Không luôn luôn
được phép, vì ngày sa-bát cấm làm một số điều tốt: viết thư an ủi một người
bạn, di chuyển tương đối xa để làm từ thiện hay thăm một người bệnh, pha chế
thuốc men... Lệnh cấm của ngày sa-bát hệ ở chỗ hoãn lại một số hành động tốt
đòi hỏi công sức để thực hiện nhưng không khẩn cấp.
a. Giới răn
sa-bát và những giới răn khác
Đặc điểm duy nhất của giới răn sa-bát, vốn làm cho
giới răn này khác với các giới răn khác, là không thuộc bình diện luân lý. Thực
vậy, giới răn sa-bát cấm thực hiện một số hành vi tự nó là tốt, trong khi các
giới răn khác có đối tượng là những hành vi xấu tự tại, nghĩa là những hành vi
này vẫn xấu dù không bị cấm. Vì thế, việc tuân giữ ngày sa-bát diễn tả sự vâng
phục thuần túy, dựa trên sự nhận biết Thiên Chúa, ngang qua tiếng nói công bố
Lề Luật.
Tôi không làm một việc, không phải vì đó là việc
xấu, nhưng vì “Người Ấy” không muốn, và “Người Ấy” không muốn hôm nay. Chẳng
hạn, việc ăn trái cây bị cấm, không phải là hành vi xấu tự tại. Bằng chứng là,
hằng ngày chúng ta vẫn ăn trái cây đủ loại! Vì thế, trong tương quan với Thiên
Chúa, ngang qua luật sa-bát, đối lập tốt/xấu không phải là tiêu chuẩn duy nhất
cho hành động của tôi, cho việc tôi tìm kiếm ơn gọi và sống ơn gọi, để ca tụng
Chúa và đi về với Chúa.
b. Hai lựa
chọn: tốt/xấu và sống/chết
Ngày sa-bát cấm làm một số điều tốt, nhưng không
thể cấm lòng ước ao thực hiện những việc này và cũng chẳng áp đặt được. Ngược
lại, ngày sa-bát giả định lòng ước ao, và khi giả định, ngày sa-bát làm cho
lòng ước ao trở nên sống động hơn. Như thế, khi không cho phép làm một số điều
tốt, ngày sa-bát lại củng cố lòng ước ao hướng đến sự sống, và đồng thời làm
bật ra lựa chọn ngược lại, nghĩa là lựa chọn sự chết.
Đức Giê-su chấn vấn họ về vấn đề mà họ rất có
chuyên môn và thẩm quyền. Nhưng họ im lặng, điều này chứng tỏ câu hỏi của Đức
Giê-su không thuộc bình diện kiến thức, nhưng đụng đến nơi sâu kín trong lòng,
đến lựa chọn của con tim. Trong sự im lặng, chất chứa điều gì, nếu không phải
là lựa chọn “không có, cũng chẳng không” (x. Mt 5, 37). Ngày sa-bát truyền lệnh
không được làm điều tốt này (trong trường hợp của trình thuật Mc 3, 1-6, là
không được chữa bệnh) hôm nay, chính là để con người quyết định lựa chọn sự
sống hôm nay. Xét theo vẻ bề ngoài, im lặng có nghĩa là không quyết định, nhưng
nó lại làm lộ ra lựa chọn của con tim: con tim lựa chọn lề luật và biến lề luật
thành nơi ẩn nấp của ý muốn giết chết. Chính lựa chọn này làm Đức Giêsu giận
dữ; nhưng Ngài cũng đau khổ, nghĩa là thương cảm, vì con tim chai cứng của họ.
3. “Anh hãy đưa tay ra !”
Ngày sa-bát là trung tâm của Mười Điều Răn, và
Mười Điều Răn là trung tâm của Lề Luật. Vì thế, luật sa-bát tượng trưng cho Lề
Luật. Đức Giêsu không dời việc chữa lành vào ngày hôm sau và cũng không trình
bày lập trường của mình về ngày sa-bát; Ngài đáp lại sự im lặng bằng cái nhìn
giận dữ, Ngài đau khổ (thương cảm) vì con tim bệnh tật của họ, và Ngài thực
hiện quyền năng chữa lành người bệnh bằng Lời Sự Sống, chứ không phải bằng việc
làm, vốn bị cấm trong ngày sa-bát. Lời giảng của Ngài về ngày sa-bát không phải
là một giáo huấn lí thuyết, nhưng là hành động, hành động chữa lành. Hành động
trong thinh lặng này loan báo sự thinh lặng của cuộc Thương Khó.
Hành động của Đức Giêsu làm rõ ước ao sự sống của
Ngài đối với người bệnh. Ước ao trao ban sự sống vô hạn, nhưng lại được biểu lộ
trong một hành vi hữu hạn. Khi làm thế, Ngài làm lộ ra ước ao sự chết đang hiện
diện trước mặt Ngài, bởi vì Ngài không vi phạm luật sa-bát, khi chữa bệnh bằng
lời; do đó, lề luật không còn là chỗ ần nấp của họ. Chính những người rình rập
Ngài chứng kiến vực thẳm của lựa chọn sự chết mở ra trong lòng họ. Để đáp lại,
chứ không chống lại, ở đây Đức Giêsu còn làm hơn cả lời giảng “đừng chống lại
kẻ dữ”, Ngài để mình bị chi phối bởi lựa chọn sự chết của kẻ dữ, vì đó là cách
duy nhất để thuyết phục nó.
Nơi Đức Giêsu, quyền năng vốn là một với lời của
Ngài, được bày tỏ ngang qua một hành vi chữa lành rất giới hạn, nhưng lại nói
cho chúng ta quyền năng sự sống vô hạn, nói cho chúng ta lòng ước ao trao ban
sự sống Thiên Chúa cho con người. Lời loan báo này được cảm nhận từ xa như là
việc hủy bỏ ngày sa-bát, xét như là một giải pháp dành chỗ cho quyết định,
nhưng lại có thể chứa chấp lựa chọn hướng tới sự chết. Nếu con tim của những kẻ
đối nghịch hướng tới cực điểm như thế, nghĩa là quyết định giết chết, chính là
vì đã cảm nhận được nơi hành vi của Đức Giêsu lời loan báo về một ngày sa-bát
được đẩy tới cùng đích, nhằm giải phóng hoàn toàn chân lý của ngày sa-bát, đó
là ước ao sự sống nơi con người và trao ban sự sống nơi Thiên Chúa.
Ý nghĩa tận cùng của hành động mà Đức Giêsu thực
hiện, đó là giờ đã đến, giờ quyết định để đưa ngày sa-bát và ngang qua ngày
sa-bát, toàn bộ lề luật đến cùng đích, nghĩa là đến “sự hoàn tất” (x. Mt 5,
17), đó là ước ao và trao ban sự sống, sự sống dồi dào. Hành động chữa lành
người bại tay diễn tả lựa chọn sự sống của Chúa ; hành động này loan báo
Thập Giá, loan báo « Lời Thập Giá » (1 Cr 1, 18).
* * *
Đức Giê-su đã hoàn tất ngày sa-bát, nhưng ngày
sa-bát của người Do-thái vẫn đem lại một ánh sáng rực rỡ cho cách chúng ta hiểu
và sống ba lời khấn của ơn gọi dâng hiến. Thật vậy, luật về ba lời khấn
« cấm » thực hiện những điều liên quan đến sự sống (phái tính, của
cải, ý riêng), tương tự như ngày sa-bát cấm làm một số điều tốt. Tại sao lại
cấm như vậy?
Ba lời khấn có nền tảng vững chắc về phương diện
nhân học (sống ba lời khấn cách đích thật, người ta được triển nở, tự do và
hạnh phúc, chứ không bị tha hóa, mất tự do và bất hạnh), nhưng nền tảng tận
cùng và bền vững vẫn là nền tảng thiêng liêng. Nền tảng của ngày sa-bát là
tương quan ơn huệ nhưng không giữa Thiên Chúa và Dân của Ngài, là kinh nghiệm
về tình yêu Thiên Chúa và ước ao sống theo ý Chúa vì lòng mến; tương tự như
thế, nền tảng của ba lời khấn, là tương quan tình yêu giữa Đức Ki-tô và mỗi
người chúng ta. Chúng ta sống ba lời khấn, là vì kinh nghiệm sâu đậm về tình
yêu đến cùng Đức Ki-tô dành cho chúng ta và để đáp lại, chúng ta ước ao sống
cho Chúa và chỉ một mình Chúa mà thôi, tương tự luật sa-bát có một lý do duy
nhất là ý muốn của Đức Chúa, Đấng ban ân huệ; gạt bỏ Tình yêu Chúa và điều Chúa
muốn ra ngoài, ba lời khấn của chúng ta sẽ trở thành vô nghĩa và sẽ là gánh
nặng không thể chịu nổi. Huấn luyện thiêng liêng trong đời tu phải xây dựng
bằng được mối tương quan này. Nếu không có, sẽ không gánh nổi và sẽ phát sinh
mọi thứ lệch lạc.
Trong “Năm Đời Sống Thánh Hiến”, hiệp thông với
toàn thể Giáo Hội, chúng ta đã cầu nguyện cách đặc biệt cho các tu sĩ nam nữ,
như lời Đức Thánh Cha mời gọi. Chúng hãy tiếp tục tạ ơn và cầu nguyện cho ơn
gọi sống đời thánh hiến.
Và xin cho tất cả chúng ta, dù đang sống trong ơn
gọi nào, gia đình, đời tu hay độc thân, được nhận ra và kinh nghiệm đích thân
tình yêu đến cùng của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô Thánh Thể
và Chịu Đóng Đinh, và ước ao đi theo Người với tâm tình biết ơn.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc