Suy
Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Thường Niên
ĐẤNG CỨU THẾ LÀM GÌ CHO TÔI?
Một dự báo được đăng trên trang Vietcatholic ngày 17/12/2019: Đến năm
2049, chỉ còn 250,000 người Công Giáo tại Úc thực hành đạo, chủ yếu là người Việt
Nam.
Số người thực hành đạo tại Úc đang suy giảm một cách đáng báo động.
Philippa Martyr của tờ Tuần báo Công Giáo cho biết khoảng 90 % người Công Giáo
Úc cho rằng không cảm nhận được gì khi tham dự Thánh lễ. Nhiều người cho rằng
các Thánh lễ mỗi Chúa Nhật quá nhanh, từ 25 đến 45 phút, các bài giảng ngắn ngủi,
không làm đọng lại trong tâm hồn họ bất cứ điều gì.
Hiện nay có khoảng 600,000 người Công Giáo thực hành đạo tại Úc, nhưng
khoảng hai phần ba trong số đó là những người trên 60 tuổi. Trong số người Công
Giáo thực hành đạo tại Úc hiện nay, những người di dân chiếm một tỷ lệ rất lớn.
Các Thánh lễ tiếng Việt đầy chật người, tỷ lệ người Công Giáo gốc Việt thực
hành đạo được kể là cao nhất tại Úc. Tuy nhiên, tỷ lệ đáng mừng này chỉ kéo dài
trong khoảng một hay hai thế hệ, vì những thế hệ tiếp theo chắc chắn bắt đầu mất
dần đi lòng mộ đạo của cha mẹ họ do ảnh hưởng của đời sống cao nhưng nghèo nàn
về giáo lý.
Thưa quý Ông Bà anh chị em, xu hướng lạnh nhạt, xa rời đời sống đức tin đang diễn
ra tại nhiều nơi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như sự lôi kéo của
tiền bạc công việc, vui chơi, thái độ dửng dưng với đời sống tâm linh, các
gương xấu từ trong Giáo Hội, các cử hành phụng vụ của Giáo Hội chạy theo thị
hiếu nhanh gọn đã đánh mất giá trị thiêng liêng và linh thánh, không đọng lại
gì nơi tâm hồn người tham dự.
Nhiều Kitô hữu đã không khám phá về Đức Giêsu, không nhận ra Ngài là động
lực sống, là Đấng truyền cảm hứng sống cho mình, họ để Đức Giêsu đứng bên ngoài
cuộc đời. Trong Tông huấn Christus Vivit
– Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nhấn mạnh cho Giáo Hội đặc biệt cho người trẻ: “Đức Kitô Đang Sống, Ngài không bao giờ
là lỗi thời, không bao giờ mất sự hấp dẫn, trẻ trung, Ngài là Đấng Cứu độ cho
nhân loại.” Các bài đọc Lời Chúa hôm nay một lần nữa nhấn mạnh cho chúng ta
chân lý đó: Đức Giêsu là Ánh sáng cho trần gian, Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng
xoá bỏ tội trần gian.
Tiên tri Isaia trong bài đọc một đã nói về sứ mạng của Người Tôi Trung
của Thiên Chúa và cũng là hình ảnh của Đấng Cứu Thế sau này. Sứ mạng của Ngài
là trở nên Ánh sáng cho muôn dân để đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng
cõi đất: “Hỡi Israel người tôi trung của
ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang. Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đấn
tận cùng cõi đất.” Như thế, Đấng Cứu Thế sẽ là người của Thiên Chúa, Đấng
đem lại cho toàn thể nhân loại ơn cứu độ, là Đấng biểu lộ vinh quang của Thiên
Chúa cho nhân loại. Ngài sẽ khởi đầu sứ vụ bằng việc quy tụ nhà Giacóp, đem
Israel trở về với Thiên Chúa sau những ngày họ bị tản mác khắp nơi.
Tuần trước, Tin Mừng đã kể cho chúng ta việc Đức Giêsu tiến đến với
Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình, trước sự ngỡ ngàng của Gioan Tẩy Giả.
Sau khi bước lên khỏi nước, các tầng trời mở ra và có tiếng Thiên Chúa Cha long
trọng giới thiệu Đức Giêsu với nhân loại: “Đây
là Con ta rất yêu dấu, Người hằng làm đẹp lòng Ta.” Hôm nay, khi thấy Đức
Giêsu tiến về phía mình, Gioan đã giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội
trần gian.” Khi giới thiệu cho mọi người bằng hình ảnh “Con Chiên xoá tội trần gian”, Gioan Tiền
Hô đã nhắc đến một thực hành đặc biệt trong đời sống đạo của người Do Thái: Hằng
năm trong ngày lễ Xá Tội, mọi người quy tụ trước đền thờ Thiên Chúa. Vị thượng
tế cử hành nghi thức sám hối bằng việc bắt một con chiên, đặt tay trên đầu nó
và xưng thú tất cả tội lỗi của dân trước mặt Thiên Chúa. Con chiên ấy trở thành
con chiên phải mang tất cả tội của toàn dân. Nhưng hình ảnh thiêng liêng nhất
đó là con chiên trong ngày Xuất Hành vượt qua Biển Đỏ. Ngày đó mỗi gia đình phải
bắt một con chiên, làm thịt và cùng ăn bữa ăn Vượt Qua, đánh dấu biến cố Thiên
Chúa đã dùng cánh tay hùng mạnh để giải thoát dân Israel ra khỏi cảnh nô lệ Ai
Cập, chôn vùi quân binh Ai Cập dưới lòng biển. Hằng năm Người Do Thái vẫn phải
giết con chiên vào dịp lễ Vượt Qua để tưởng nhớ biến cố quan trọng này.
Như vậy khi giới thiệu Đức Giêsu: “Đây
là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian”, Gioan giới thiệu Đức
Giêsu như là Đấng đổi mới, Ngài sẽ xoá bỏ tội trần gian nhờ cái chết của Ngài;
Ngài sẽ đưa cả nhân loại vào một cuộc vượt qua mới đó là vượt qua cõi chết để
vào cõi sống, vượt qua tối tăm để vào nơi đầy tràn ánh sáng. Tội lỗi là nguyên
nhân khiến cho con người đau khổ và kẻ cầm đầu gây ra tội lỗi chính là ma quỷ.
Kể từ khi nguyên tổ loài người quay lưng chống lại Thiên Chúa, bắt tay với ma
quỷ thì cũng là lúc ma quỷ thống trị thế gian và gieo rắc tội lỗi trên nhân loại.
Từ đó, đau khổ trở thành bóng tối triền miên bao phủ cả nhân loại. Nay Đức
Giêsu là Chiên Thiên Chúa sẽ dùng máu của Ngài để tẩy rửa tội lỗi nhân loại,
dùng quyền năng của Ngài để phá huỷ sức mạnh của ma quỷ trả lại cho con người
cuộc sống tự do, thoát khỏi sự ràng buộc của tội lỗi và sự chết.
Gioan khi giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người, thì đồng thời, ông cũng
khiêm tốn nhìn nhận sự giới hạn thấp kém của mình và phép rửa ông thực hiện.
Ông làm chứng cho mọi người cách chắc chắn rằng: “Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi vì
có trước tôi…Tôi đến làm phép rửa
trong nước để Người được tỏ ra cho dân Israel.” Ông còn làm chứng cho mọi
người rằng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa
chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người…Chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa
trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó
chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng
Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.” Lời chứng của Gioan đã nhìn nhận sự
giới hạn của phép rửa ông thực hiện không có sức tẩy xoá tội lỗi, trái lại Đức
Giêsu sẽ dùng Thần Khí để tha thứ tội lỗi cho tất cả những ai lãnh nhận phép rửa
của Người.
Thưa quý OBACE, Đức Giêsu mãi mãi là Đấng Cứu Độ của nhân loại, Ngài đã
dùng cái chết thập giá và cuộc phục sinh để tẩy xoá tội lỗi cho trần gian và
ban tặng cho nhân loại sự sống thần linh của Người. Một điều chắc chắn rằng, tội
lỗi không bao giờ đem lại niềm vui, nó chỉ có thể đem đến bất hoà và bất an mà
thôi. Ma quỷ dụ dỗ chúng ta phạm tội, nó dùng khoái lạc, hưởng thụ để dụ dỗ
chúng ta, nó nói với chúng ta phạm tội sẽ vui lắm, nhưng khi chiều theo cám dỗ,
chúng ta sẽ bất an, sẽ đau khổ và sẽ bị lệ thuộc vào nó. Chỉ có Chúa Giêsu mới
đem lại bình an và niềm vui đích thực cho tâm hồn. Đến với Chúa Giêsu chúng ta
sẽ được tha thứ, được chữa lành và được phục hồi phẩm giá con người của chúng
ta.
Trong Tông Huấn Đức Kitô Đang Sống,
Đức Thánh Cha Phanxicô quả quyết với chúng ta rằng: “Trên cây thập giá, Đức
Giêsu yêu thương chúng ta và chết vì chúng ta, Ngài đã xoá tội cho chúng ta.
Cho đến ngày hôm nay Ngài vẫn tiếp tục cứu chuộc chúng ta. Hãy nhìn lên cây thập
giá và bám chặt lấy Người, hãy để Người cứu chúng ta, bởi vì những ai để mình
được Người cứu độ sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền trống rỗng và cô
đơn trong tâm hồn” (119). Đức Giêsu không bao giờ phản bội chúng ta, cho dù
chúng ta có chống lại Ngài, Ngài vẫn yêu chúng ta vì Thiên Chúa lớn hơn tất cả
những yếu đuối và nhỏ nhen của chúng ta.
Xin cho chúng ta xác tín cách chắc chắn vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, để
cho Ngài làm chủ và hướng dẫn cuộc đời và dám bước theo lời mời gọi của Ngài
cho dù phải trải qua những thăng trầm vui buồn của cuộc sống. Xin cho chúng ta
cũng mạnh dạn giới thiệu Chúa Giêsu cho đồng nghiệp và những người chung quanh
như Gioan ngày xưa đã nói với mọi người: “Đây
là chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xoá bỏ tội trần gian.” Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí