Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 2

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Thường Niên
Lễ Thánh Phao-lô Tông Đồ trở lại

«Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng»

thu 6 tuan II TN.jpg

Lời Chúa: Mc 16, 9-18

9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ.10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc.11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. 12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê.13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.

14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy.

15 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

Suy Niệm

Bản văn Tin Mừng có thể chia làm ba phần như sau:

(A) Nghe lời chứng (c. 9-13)

(B) Kinh nghiệm đích thân gặp gỡ
      Đức Ki-tô phục sinh (c. 14)

(A’) Đi làm chứng (c. 15-18)

Ở điểm cầu nguyện thứ hai, nghĩa là phần (B), với tâm tình tạ ơn, chúng ta có thể đọc lại cuộc đời của chúng ta trong năm vừa qua, dưới ánh sáng mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô; chúng ta được mời gọi đặc biệt nhớ lại những biến cố Chúa dùng để giúp chúng ta nhận ra và gặp gỡ Người.

1. Nghe lời chứng (c. 9-13)

Chúng ta hãy lắng nghe và đi vào tâm tình của những người đã từng sống với Đức Giê-su đang buồn bã khóc lóc (x. Mc 16, 9). Chắc chắn, Đức Ki-tô phục sinh cũng cảm thông với họ, như đã cảm thông với bà Maria Magdala và hai môn đệ trên đường Emmau.

Nhưng tại sao họ lại buồn bã khóc lóc ? Giống như bà Maria và hai môn đệ trước khi gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh, họ chỉ nhìn vào các biến một cách khách quan và cục bộ : là chết rồi, là thất bại, là ngõ cụt, là thất vọng, là không khởi đi từ đâu và cũng không dẫn tới đâu. Vì thế, họ buồn rầu khóc lóc, không thấy hướng đi, ý nghĩa cuộc đời, « ngũ quan » khép kín, bị ngăn chặn không nhớ lại ơn huệ sáng tạo, lịch sử cứu độ và nhất là không nhớ lại lời dạy của Đức Giê-su về mầu nhiệm Vượt Qua; vì không nhớ lại, nên họ cũng không thể mở ra với lời chứng của các chứng nhân, với sự hiện diện vô hình của Đấng Phục Sinh, với sự sống sau sự chết.

Chúng ta hãy lắng nghe các chứng nhân chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh, với tất cả niềm xác tín, niềm vui và niềm hi vọng. Chúng ta có thể nhớ lại kinh nghiệm cầu nguyện của chúng ta với hai biến cố :

Ø  Biến cố Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cho bà Maria Magdala (Mc 19, 9)

Ø  Biến cố Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cho môn đệ trên đường Emmau (Mc 16, 12).

Chúng ta hãy lắng nghe và đi vào tâm tình của các chứng nhân chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh: hai môn đệ đã chia sẻ với tất cả niềm xác tín và niềm vui như thế nào ? Và các ông đã ước ao thông truyền kinh nghiệm của mình như thế nào ? Nhưng rốt cuộc, các ông đã « hụt hẫng » như thế nào, khi những người nghe không tiếp nhận chứng từ của họ ? Và chúng ta đã có kinh nghiệm làm chứng nhân chưa ? Phải chuẩn bị mình thế nào để làm chứng ; và khi người nghe không tin, lúc đó, sẽ phải phản ứng ra sao ? Chúng ta có thể tự hỏi tại sao những người nghe lại không tin ?

Các môn đệ đóng kín cửa phòng, hình ảnh của việc đóng kín tâm hồn, không chịu ra khỏi mình để nhớ lại lời loan báo của Đức Ki-tô, và nhất là lời loan báo của Kinh Thánh, và đọc các biến cố Đức Ki-tô và những biến cố liên quan đến đời mình dưới ánh sáng của lời Kinh Thánh. Đức tin và ơn gọi của chúng ta dựa trên lời chứng của Giáo Hội và của rất nhiều người xa gần. Chúng ta đã từng ở trong tình trạng không tin như thế chưa ?

2. Đích thân gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh (c. 14)

Đức Giê-su tỏ mình ra đang khi các ông dùng bữa. Tại sao Đức Giê-su lại chọn lúc này, chứ không vào lúc khác, chẳng hạn đang cầu nguyện, đang hội họp, hay như chúng ta, đang đọc kinh hay chầu Thánh Thể ?

Lắng nghe lời khiển trách của Đức Giê-su : không tin và cứng lòng, đối với các chứng nhân. Chúa coi trọng việc chúng ta làm chứng cho nhau như thế nào : lời của của người khác dành cho chúng ta, lời chứng của chúng ta dành cho người khác. Tại sao Chúa coi trọng lời chứng như thế ?

Như thế, Đức Ki-tô mời gọi chúng ta, trước khi trở thành chứng nhân, chúng ta được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe các chứng nhân. Và điều này phải làm chúng ta ngặc nhiên : kinh nghiệm này cũng phải có, ngay cả đối với các tông đồ, vốn là các chứng nhân ưu tuyển ! Thật vậy, trước khi trở thành chứng nhân, chính các tông đồ cũng đã phải trải qua kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác, vốn đã được ban ơn nhận ra Đức Ki-tô phục sinh trước. Đó là chứng từ của bà Maria Magdala (x. Mc 16, 11 và Ga 20, 18), chính vì thế bà được Truyền Thống Giáo Hội tặng ban tước hiệu « Tông đồ của các Tông Đồ » ; và đó cũng là chứng từ của hai môn đệ từ Emmau trở về :

Bấy giờ, hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. (Lc 24, 35)

Tuy nhiên, để trở thành chứng nhân, lắng nghe lời chứng vẫn chưa đủ, bởi vì đó mới chỉ là lời mời gọi hướng đến, chứ không thay thế được, kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô phục sinh.

*  *  *

Đó chính là kinh nghiệm thiêng liêng làm nên sự biến đổi tận căn của thánh Phao-lô mà chúng ta mừng kính hôm nay. Theo lời của ông Kha-na-ni-a, mà chính thánh nhân kể lại trong sách Công Vụ Tông Đồ, kinh nghiệm thiêng liêng của thánh Phao-lô có ba yếu tố:

(1) “Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh” (Cv 22, 14a). Tương tự như các tông đồ, ơn được gặp gỡ, “trở lại” và trở thành tông đồ của Đức Ki-tô, không phải vì sự xứng đáng hay tài năng của mình, nhưng do sự lựa chọn nhưng không của Thiên Chúa. Như chính thánh Phao-lô xác tín: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ” (Gl 1, 15).

(2) “Được thấy Đấng Công Chính” (Cv 22, 14b). Theo lời kể của chính thánh nhân, trong sách Công Vụ Tông Đồ, ngài đã không “thấy Đấng Công Chính” như chúng ta thấy nhau, nhưng ngài được “Ánh sáng chói lọi từ trời chiếu xuống bao phủ” (Cv 22, 6). Ánh sáng của Đấng Công Chính đã không làm cho thánh nhân mù mắt, nhưng bao phủ lấy ngài và làm cho ngài “không còn trông thấy nữa” (c. 11), để khi nhìn thấy lại, ngài chỉ có thể nhìn mọi sự dưới Ánh Sáng và trong Ánh Sáng của Người mà thôi. Vì Người là Ánh Sáng.

(3) “Và nghe tiếng của miệng Đấng ấy phán ra” (Cv 22, 14b). Thánh nhân đích thân nghe tiếng nói của Đấng Phục Sinh: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?... Ta là Giê-su Na-da-rét mà ngươi đang bắt bớ.” (c. 7-8). Đức Ki-tô Phục Sinh vẫn đang hiện diện sống động, như Người đã hứa (x. Mc 16, 20; Mt 28, 20), nơi các tín hữu, nơi Giáo Hội, nơi Kinh Thánh, nơi Thánh Thể… để gọi đích danh chúng ta (x. Ga 20, 16) và ban cho chúng ta Lời soi dẫn của Người:

Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi.
(Tv 119, 105)

Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô Phục Sinh của thánh Phao-lô, với ba yếu tố được hiểu như trên, vốn đã biến đổi cuộc đời và làm nên ơn gọi của thánh nhân, cũng phải là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta, tùy theo cách thức và mức độ Chúa ban cho chúng ta. Và chúng ta được mời gọi quảng đại đáp lại, như thánh Phao-lô: “Lạy Chúa, con phải làm gì?”

3. Đi làm chứng (c. 15-18)

Đức Ki-tô phục sinh vẫn tin tưởng các môn đệ của mình, ngang qua việc trao sứ mạng. Chúng ta hãy dừng lại suy gẫm từng lời của Đức Ki-tô:

Ø  “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Như thế, Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô có tầm mức sáng tạo, bởi vì sứ điệp của Tin Mừng và sứ điệp của sáng tạo là một, vì cả hai đều có cùng một nguồn gốc là Ngôi Lời Thiên Chúa. Để hiểu điều này chúng ta có thể đọc Rm 10, 18 dưới ánh sáng của Tv 19, 5.

Ø  « Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án ». Khi không tin, người ta đã tự kết án chính mình, như Đức Giê-su nói trong Tin Mừng theo thánh Gio-an : « kẻ không tin, thì bị kết án rồi » (Ga 3, 18). Và thực tế cuộc sống cho thấy, khi không tin vào sự sống, người ta sẽ chẳng mấy chốc làm việc cho sự chết, sống cho sự chết và thuộc về sự chết, bởi vì đối với họ chết là mạnh nhất, là cùng đích. Ngược lại, lòng tin mang lại cứu độ, như Đức Giê-su hay tuyên bố : « lòng tin của con đã cứu con ».

Ø  « Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ. »

Thế hệ dầu tiên đã được ơn đặc biệt như thế, để khai sinh ra Giáo Hội. Còn chúng ta, những ơn này bây giờ vẫn được ban, nhưng dưới những hình thức khác, tuy không ngoạn mục, nhưng sâu xa và bền vững hơn :

Ø  Nhận định thần loại, nghĩa là phân biệt và nhận ra cách hành động của Chúa và các hành động của Sự Dữ, dưới ánh sáng của Lời Chúa, và nhất là ngôi vị của Đức Ki-tô trong mầu nhiệm Vượt Qua.

Ø  Thông truyền đức tin và kinh nghiệm, cho dù có rất nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa… (kinh nghiệm của các nhà truyền giáo)

Ø  Con rắn, thuốc độc, biểu tượng của sự dữ và bạo lực. Chúng ta có thể chiến thắng nhờ Thập Giá Đức Ki-tô ; như lời Tv 8 : « Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ, cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan ».

Ø  Hiện diện, quan tâm chăm sóc bệnh nhân, là điều không thể thiếu bên cạnh các biện pháp chữa trị y khoa, và sẽ là điều còn lại sau cùng giúp người bệnh tín thác vào tình yêu Thiên Chúa ngay trong thử thách bệnh tật và sự chết.

Nhưng trên hết là, chúng ta được mời gọi thi hành sứ mạng « nhân danh Đức Ki-tô », chúng ta chỉ là tôi tớ, là nữ tì ; và vì thế, phải để cho Chúa hành động; đó ơn huệ “thần nhiệm” Chúa đã ban cho Thánh Phao-lô:

Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi,
mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.
Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân
trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,
Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.
(Gl 2, 20)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Thường Niên_Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Thứ Hai Tuần II Thường Niên_Lm. Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Thường Niên C_ Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Thường Niên C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Thường Niên-Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần II Thường Niên- Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Thường Niên_Lm J.P

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần II Thường Niên_Lm. Antôn nguyễn Cao Siêu. S.J
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Thường Niên_Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần II Thường Niên-Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Thường Niên Năm C- LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần II Thường Niên Năm C- Lm. Giuse Đổ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần II Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần II Mùa Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Thường Niên_Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần II Thường Niên-Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB