THỨ SÁU TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
TINH THẦN CỦA LUẬT
LỜI CHÚA: Mt 12,1-8
1 Khi ấy, vào ngày sabát, Đức Giêsu đi băng
qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói
và bắt đầu bứt lúa ăn. 2 Người Pharisêu thấy vậy, mới nói với Đức
Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabát!” 3 Người đáp: “Các ông chưa đọc trong
Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói
bụng? 4 Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã
cùng thuộc hạ ăn bánh tiến.
Thứ bánh này, họ không được phép
ăn, chỉ có tư tế
mới được ăn mà thôi. 5 Hay các ông chưa
đọc trong sách Luật rằng ngày sabát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sabát mà không mắc tội đó sao? 6 Tôi nói cho các ông hay:
ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. 7 Nếu các ông hiểu được ý
nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt
các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. 8 Quả thế, Con Người làm chủ ngày sabát”.
SUY NIỆM:
Thành ngữ dân gian ta có câu “Đi qua ruộng dưa, chớ
sửa giày. Ở dưới cây mận, không sửa mũ”. Đây là một lời khuyên hữu ích giúp
chúng ta tránh được những nghi ngờ đáng tiếc. Bởi lẽ, những người gian manh xảo
trá thường hay nghi ngờ và dễ dàng kết tội người khác. Nếu khi đi ngang qua vườn
dưa mà chúng ta cúi xuống sửa giày, sẽ dễ bị hiểu lầm là hái trộm dưa. Cũng vậy,
đi qua vườn mận sai trái mà đưa tay sửa mũ, người ta sẽ cho rằng chúng ta đưa
tay hái trái.
Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, nhóm người Pharisêu
kết án các môn đệ Chúa Giêsu vi phạm Lề Luật vì đã hái bông lúa ăn. Thấy vậy Đức
Giêsu liền giải thích cho các ông hiểu tinh thần của luật không phụ thuộc vào
hành động bên ngoài nhưng ở suy nghĩ và con tim. Mục đích của Luật Chúa là đem
lại sự tự do cho con người. Sau cùng, Chúa Giêsu đã khẳng định “Con Người
làm chủ ngày sabát” (c. 8).
Những người Pharisêu thường có những cuộc xung đột ngấm
ngầm hoặc công khai với Chúa Giêsu và các môn đệ. Họ công kích thầy trò Chúa
Giêsu không tuân giữ luật ngày sabát. Hành động bứt bông lúa khi đi qua cánh đồng
chỉ là nguyên cớ để họ khiêu chiến và tìm cớ kết tội Chúa Giêsu. Vì thói ích kỷ
ghen ghét, nhóm người Pharisêu đã không ngần ngại soi mói qua những việc nhỏ để
kết một tội lớn. Trong luật Do Thái, có khoản luật cấm gặt hái trong ngày sabát.
Điều này cốt để người nông dân ngừng tay có thời giờ nghỉ ngơi mà thờ phượng
Thiên Chúa.
Người Pharisêu chỉ coi lề luật như những điều buộc phải
tuân giữ mà chưa hướng đến sự trưởng thành và lòng yêu mến. Nếu chỉ giữ luật
như một điều phải làm, luật đó trở thành gánh nặng đè lên vai con người.
Một cậu bé được bố cho đi chơi thả diều. Nhìn những cánh
diều bay lượn tự do trên bầu trời, cậu hỏi bố điều gì đưa con diều lên cao vậy
bố? Bố cậu trả lời: - Đó là sợi dây đó con ạ. Cậu
con trai vẫn chưa hết ngạc nhiên liền hỏi tiếp: - Bố ơi, rõ ràng là sợi dây
đang kéo con diều xuống cơ mà! Ông bố nói con trai hãy quan sát
kỹ rồi lấy kéo cắt đứt sợi dây. Ngay lập tức cánh diều chao đảo rồi sa xuống đất.
Giống
như sợi dây diều, trong cuộc sống, luật lệ là những điều khoản cần thiết giúp
con người giữ được thăng bằng để có thể tự do bay cao bay xa. Nếu luật lệ trói
buộc làm chúng ta mất đi nhân tính, thiếu đi tình người thì luật đó không còn
giá trị và ý nghĩa. Cuộc sống cần có
những luật lệ quy tắc, để giúp con người hành động cho đúng và xã hội được trật
tự.
Trong đời sống đức tin, Thiên Chúa cũng ban Lề Luật,
giúp cho con người sống trọn đạo hiếu làm con cái Chúa. Tác giả thánh vịnh 118 đã ca ngợi Lề Luật
là mặc khải của Thiên Chúa dành cho dân Israel. “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp CHÚA
TRỜI. Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa, hết lòng hết dạ kiếm tìm Người”
(Tv 118,1-2). Luật Chúa quý hơn “vàng
muôn bạc triệu”, giúp con người giữ được tuổi xuân trong trắng. Luật Chúa
là sự khôn ngoan vô lượng khiến tác giả thánh vịnh luôn yêu mến ấp ủ và suy đi
nghĩ lại trong lòng. Luật Chúa là ánh sáng đưa dẫn con người vượt qua những cơn
mê và bóng tối sự dữ.
Đức Giêsu đến đem lại cho luật Môsê một giá trị đích
thực. Người đã khẳng định với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy
đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Thời Cựu ước,
Luật Chúa được ghi trên phiến đá, khi Đức Giêsu đến, Người đã nội tâm hóa các
điều luật và ghi vào tận sâu thẳm trái tim con người. Đó chính là luật yêu
thương. Luật đó không ghi lại bằng chữ viết nhưng bằng hành động cụ thể.
Đức Giêsu là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, Người
đã trao hiến chính bản thân mình trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Xác tín
về sứ mệnh của Đức Giêsu, thánh Phaolô tông đồ đã khẳng định “Cứu cánh của Lề Luật là Đức Kitô, khiến bất
cứ ai tin đều được nên công chính” (Rm 10,4). Với Đức Giêsu, tất cả các điều
luật của Chúa chỉ tóm gọn trong một điều, đó là luật yêu thương. Ai sống trọn
chữ “Yêu”, người đó đã chu toàn Lề Luật (x. Rm 13,10b).
Khi khẳng định “Con Người làm chủ ngày sabát”
(c. 8), Đức Giêsu đã mặc cho các điều luật một giá trị mới, đó là để tôn vinh
Thiên Chúa và phục vụ con người. Người đã đến để kiện toàn lề luật, để xây dựng
hơn là phá hủy, để kết dệt những tương giao hơn là chia cắt. Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta phải trung
thành giữ Luật Chúa với tâm tình yêu mến như Người đã khẳng định: “Thầy đến
không phải để hủy bỏ lề luật Môsê hoặc lời các Ngôn sứ. Thầy đến không phải để
bãi bỏ, mà là để kiện toàn (Mt
5,17-18). Hoàn tất lề luật theo Đức
Kitô không phải là giữ luật thật chặt chẽ theo chữ viết, nhưng là một chuyển động
của Thần Khí vượt lên trên những giới hạn của ngôn từ. Thần Khí mang đến cho
con người sức sống mới đầy tự do để đạt đến Thiên Chúa.
Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta cũng có thái độ ích
kỷ như những người Pharisêu. Chúng ta dễ dàng lên án người khác hơn là góp ý
xây dựng tình bác ái. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tránh xa thói giả hình
và hay lên án người khác. Hãy nội tâm hóa luật Chúa bằng thái độ tôn trọng và
yêu thương. Chúa Giêsu đã chẳng giải thích trong hoàn cảnh đặc biệt, đó là khi
các thuộc hạ đói bụng, ông Đavít đã vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và
cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Điều này cho thấy,
luật giải thoát con người khỏi cơn đói khát, khỏi những cảnh huống nguy kịch nhất.
Nếu chỉ vì giữ luật mà con người ta phải rơi vào cảnh đói khát, thì luật đó chẳng
có ý nghĩa gì. Ở đây, chắc hẳn các môn đệ không ở trong tình trạng đói về thể
lý, nhưng đói về sự tự do của con cái Chúa, của tình người.
Con người ta hay trói buộc nhau về thứ luật theo từng
câu chữ chết, còn Thiên Chúa giải thoát con người bằng khoản luật tinh thần được
viết trong con tim. Đôi lúc vì giữ luật mà chúng ta đối xử với nhau thiếu tình
người, thiếu bác ái. Tình thương lớn hơn mọi điều luật. Ý thức điều này, chúng
ta cần học theo gương Chúa Giêsu trong sự vâng phục Chúa Cha, đã ghi tạc vào
trái tim con người điều luật quan trọng nhất, đó là luật yêu thương. Tình yêu sẽ
giải thoát chúng ta khỏi thói đố kỵ ích kỷ, để vươn đến sự hoàn thiện như Thiên
Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến luật
Chúa và hết lòng tuân giữ, để chúng con được lớn lên trong tình yêu, được thoát
khỏi thói ghen ghét ích kỷ mà tự do tiến bước. Amen.
Nt. M. Anh Thư, OP