Ngày 04 tháng 07 năm 2022
Thứ hai, sau Chúa nhật XIV, Thường Niên
“Này
con, cứ yên tâm,
lòng tin của con đã cứu
con”
Tin Mừng
Mt 9, 18-26
18
Người còn đang nói với họ như thế, thì bỗng một vị thủ lãnh đến gần bái lạy
Người và nói: "Con gái tôi vừa mới chết. Nhưng xin Ngài đến đặt tay lên
cháu, là nó sẽ sống."19 Đức Giê-su đứng dậy đi theo ông ấy, và
các môn đệ cũng đi với Người.
20
Bỗng một người đàn bà bị băng huyết đã mười hai năm tiến đến phía sau Người và
sờ vào tua áo của Người,21 vì bà nghĩ bụng: "Tôi chỉ cần sờ
được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu! "22 Đức Giê-su quay
lại thấy bà thì nói: "Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa
con." Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa.
23 Đức Giê-su đến nhà viên thủ
lãnh; thấy phường kèn và đám đông xôn xao, Người nói:24 "Lui
ra! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy! " Nhưng họ chế nhạo Người.25
Khi đám đông bị đuổi ra rồi, thì Người đi vào, cầm lấy tay con bé, nó liền trỗi
dậy.26 Và tin ấy đồn ra khắp cả vùng.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch
CGKVP)
Suy niệm
1. Thân phận con người
Bải Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay kể lại biến
cố Đức Giê-su thực hiện hai phép lạ, phép lạ này trong phép lạ kia: một chữa
bệnh và một làm cho sống lại; những phép lạ này liên quan đến hai nghịch cảnh
trong cuộc sống:
Ø Người
cha có đứa con gái mới 12 tuổi đã chết. Sự bất hạnh của em bé, nhưng cũng là
nỗi đau của bố, của mẹ, của cả nhà.Theo lời kể của Thánh Mát-thêu, em bé đã
chết rồi, còn theo các thánh sử Mác-cô và Luca (x. Mc 5, 21-43; Lc 8, 40-56),
lúc người cha xin Đức Giêsu thì em bé chưa chết; nhưng lúc Ngài đang trên đường
tới nhà, cháu bé mới chết. Chi tiết này làm bật lên nỗi đau của người bố và của
cả gia đình là một nỗi đau kéo dài.
Ø Người
phụ nữ, có lẽ đã lớn tuổi, mang một thứ bệnh kín đáo trong người đã 12 năm. Trong
cuộc đời của mỗi người chúng ta, có những thứ bệnh ai cũng biết, nhưng cũng có
những thứ bệnh chỉ có một mình biết, kéo dài, nỗi đau triền miên.
Hai nghịch cảnh, hai lứa tuổi nói cho chúng ta thật nhiều
về thân phận và những vấn đề lớn của con người: bệnh tật và cuối cùng là cái
chết, có thể xẩy ra ở bất cứ lứa tuổi nào; bệnh tật và sự chết làm bật lên sự
liên đới của nhiều người; bệnh tật và sự chết là điều không thể tránh được, là
giới hạn con người không thể vượt qua, vì thế tất yếu dẫn con người đến vấn đề
Thiên Chúa, và buộc phải lựa chọn tin hay không tin.
Và Lời Chúa cũng mặc khải cho chúng ta biết cách Thiên
Chúa, ngang qua Đức Giêsu-Ki-tô, liên đới với thân phận con người như thế nào,
với đau khổ và cả sự chết.
2. Lòng tin
a. Để được chữa lành, Chúa cần lòng tin và chỉ cần
lòng tin mà thôi. Lòng tin của người phụ nữ thật đơn sơ, nhưng mạnh mẽ: “Tôi
chỉ cần sờ được vào áo của Người thôi là sẽ được cứu”. Ở những nơi hành hương,
người ta vẫn thể hiện lòng tin bằng cách đụng vào tượng thánh hay thánh tích. Tuy
nhiên, ơn chữa lành đã không xẩy ra khi bà thực hiện hành động này, nhưng chỉ
xẩy ra khi ánh mắt của Đức Giê-su hướng về bà và lời của Ngài dành cho bà một
cách đích thân:
Này
con, cứ yên tâm,
lòng tin của con đã cứu con.
(c.
22)
Được khỏe là một nhu cầu quan trọng, nhưng điều này vẫn
chưa giải quyết được hết những vấn đề liên quan đến “sự sống” của một con
người. Đời sống con người cần sức khỏe, nhưng khỏe thôi vẫn chưa đủ. Hơn nữa,
xét cho cùng, người ta đâu có khỏe được mãi, và có rất nhiều phận người, sinh
ra đã tật nguyền. Vì thế, người phụ nữ đau khổ nhiều năm và có nhu cầu chữa
bệnh, Đức Giê-su đáp ứng nhu cầu của bà, nhưng đồng thời Ngài khơi dậy lòng ước
ao của bà và hướng bà tới đối tượng đích thật của lòng ước ao. Đó là nhận biết
Đấng Ban Ơn và đi vào tương quan đích thân với Ngài, để cho Ngài “cứu độ” bà,
nghĩa là giải phóng bà khởi mọi sự dữ, ban cho bà “sự sống dồi dào” chiến thắng
bệnh tật và sự chết, không chỉ cho hôm nay, nhưng còn cho mãi mãi, như niềm hi
vọng mà phép lạ phục hồi sự sống cho bé gái mở ra cho bà và cho loài người.
b. Cái chết của đứa con, nhưng lòng tin lại là lòng
tin của người cha: “Con gái tôi mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên cháu,
là nó sẽ sống”. Lòng tin của bố cứu được con mình. Điều kì diệu này được ghi
lại khắp nơi trong các Tin Mừng. Chính vì thế mà chúng ta được mời gọi cầu
nguyện cho nhau, cho người sống và kẻ chết. Vì Chúa cũng yêu thương những người
chúng ta thương yêu trong Chúa.
Khi đến nhà em bé, Đức Giê-su đã không quan tâm đến
tiếng tăm của mình, nhưng quan tâm đến sức khỏe và sự sống của em bé: “Họ chế
nhạo Người” (c. 24). Sau này, trong cuộc Thương Khó, Ngài sẵn sàng mang vào
mình cái chết sỉ nhục tận cùng, để bày tỏ lòng thương xót và dẫn chúng ta vào
Niềm Hi Vọng. Làm cho một em bé hồi sinh là biến cố cá biệt, nhưng đem lại cho
nhân loại chúng ta niềm hi vọng thật lớn và phổ quát: tất cả người chết sẽ sống
lại, không phải để sống sự sống cũ, nhưng để sống sự sống mới, nếu Đấng Phục
Sinh “cầm lấy tay”.
3. Niềm Hi Vọng
Cách Đức Giêsu đến với mỗi người mỗi khác: với người
phụ nữ, bà cố để đụng được vào gấu áo của Người, nhưng với em bé, Ngài đến tận
nơi: “Người đi vào, cầm lấy tay em bé, nó liền trỗi dậy”. Đó chính cũng là cách
Chúa ban ơn cứu độ cho từng người, luôn luôn đích thân và duy nhất. Bởi lẽ
người ta không thể công thức hóa ơn cứu độ, lề luật hóa lòng tốt của Thiên Chúa
được.
Những gì Ngài làm cho người phụ nữ và cho em bé, thật
lạ lùng, nhưng cũng thật giới hạn. Vì người phụ nữ cũng sẽ bệnh lại và sẽ chết;
em bé sau đó lớn lên và cũng sẽ qua đi. Nhưng đó là những dấu chỉ làm cho chúng
ta xác tín rằng, Đức Giê-su quan tâm đến sự sống của mỗi người, của cả loài
người chúng ta, và với mầu nhiệm Vượt Qua, Người làm cho chúng ta hi vọng đón
nhận ơn huệ còn lạ lùng hơn, và đó sẽ là ơn huệ sự sống vô hạn.
Chính niềm hi vọng đặt nơi ngôi vị của Đức Kitô chịu
đóng đinh và phục sinh, làm cho chúng ta bình an và can đảm đảm nhận hôm nay
phận người của mình và thân phận của cả những người khác nữa, nhất là những
người thân yêu của chúng ta trong Gia Đình và trong ơn gọi dâng hiến.
Lm
Giuse Nguyễn Văn Lộc