CHÚA NHẬT XV TN B: ĐƯỢC
GỌI VÀ ĐƯỢC SAI ĐI
Càng ngày con số những bạn trẻ muốn đi tu trở thành linh mục
tu sĩ phục vụ Chúa càng giảm sút. Điều đó không chỉ xảy ra tại phương Tây, mà
ngay tại Việt Nam. Con số ứng sinh đăng ký dự thi chủng viện hoặc nhà dòng mỗi
năm một giảm. Có nhiều lý do để giải thích cho sự giảm sút ơn gọi: Có người cho
rằng cuộc sống văn minh hiện đại, cùng cám dỗ sống hưởng thụ, tìm kiếm sự giàu
sang, thành công là một cản trở lớn; thanh thiếu niên ngày nay sống dễ dãi
trong quan hệ nam nữ, được sự hỗ trợ của mạng internet, khiến cho nhiều bạn trẻ
bị chệch hướng sống từ khi còn nhỏ; gia đình ngày nay ít con nên không muốn cho
con đi tu; nhưng điều quan trọng hơn hết có lẽ là đời sống đạo đức gia đình giảm
sút, cha mẹ không vun đắp, khuyến khích cho con ngay từ khi còn nhỏ, để con sống
tự do buông thả, khiến con cái không ước muốn sống thánh thiện, không dám quảng
đại dấn thân vì Chúa và Giáo Hội.
Thỉnh thoảng trên báo, chúng ta vẫn gặp có những người đang rất
nổi tiếng nhưng đã dám bỏ lại đàng sau tất cả để bước vào đời sống tu trì theo
Chúa, phục vụ Chúa. Những người này có thể là diễn viên, người mẫu, có người
đang thành công trong công việc như kỹ sư, bác sĩ và những người có quyền lực
như những người làm chính trị… Khi được hỏi lý do gì khiến họ dám bỏ lại công
danh sự nghiệp để chọn cuộc sống của người phục vụ Tin Mừng? Họ đều cho biết rằng:
Mặc dù đầy đủ về vật chất, ở đỉnh cao danh vọng địa vị, nhưng từ trong sâu tâm
hồn, họ vẫn nhận ra một tiếng mời gọi, thôi thúc của Chúa. Vì vậy, họ đã bỏ lại
đằng sau tất cả để bắt đầu một hành trình mới, hành trình bước theo Chúa và để
cho Chúa sai đi.
Lời Chúa tuần này nói cho chúng ta về việc mỗi người được
Chúa gọi và sai đi thi hành chức năng ngôn sứ, đồng thời mời gọi ta đáp lại bằng
sự quảng đại và sẵn sàng để cho Thiên Chúa sử dụng con người và cuộc đời mình.
Bài đọc một cho thấy: Amos là người miền Nam thuộc đất Giuđa
được Chúa gọi và sai đến với dân miền Bắc là Israel. Israel lúc bấy giờ phát
triển phồn thịnh, dân chúng trở nên giàu có và rơi vào lối sống xa hoa, ăn chơi
theo kiểu của dân ngoại, bỏ qua giới răn lề luật của Thiên Chúa. Chúa đã gọi
Amos và sai ông đến đất Israel để lên tiếng cảnh báo cho dân và kêu gọi họ thay
đổi đời sống trở về với giới răn lề luật của Chúa. Amos đã sẵn sàng thi hành
theo lệnh Chúa. Tuy nhiên khi đến đất Israel, ông đã không được dân miền Bắc đón
nhận. Người ta mỉa mai, đuổi ông và nói: “Này
thầy chiêm ơi, mau quay về đất Giuđa quê ông mà kiếm ăn, về đó mà làm ngôn sứ.
Vì đây là đất của nhà vua, là thánh điện của quân vương.”
Tiên tri Amos đã trả lời cho những kẻ xua đuổi ông và nói với
họ: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng
không thuộc dòng dõi ngôn sứ. Tôi chỉ là đứa chăn cừu và hái lá sung. Nhưng
Chúa đã bắt lấy tôi và truyền cho tôi: Hãy đi tuyên sấm cho Israel dân Ta.” Câu
trả lời của Amos cho thấy việc ông thi hành sứ mạng ngôn sứ, lên tiếng cảnh báo
về những sai lầm của Israel và kêu gọi sám hối là do Thiên Chúa bắt lấy ông và sai ông đi. Ông không thể cưỡng lại ý Chúa. Vì thế, ông đến với
Israel là để nói những gì Chúa muốn và làm mọi việc nhân danh Thiên Chúa. Tiên
tri Amos cũng cho thấy ơn gọi và sứ mạng ngôn sứ của ông, không tùy thuộc vào địa
vị, thế giá gia đình hay khả năng của bản thân. Ông chỉ là một kẻ chăn cừu,
không thuộc dòng dõi ngôn sứ, nhưng vì Chúa muốn, vì Chúa chọn và vì Chúa sai
ông đi. Ông làm ngôn sứ không phải là cái nghề để kiếm cơm, kiếm sống nhưng là
thực thi một sứ mạng Chúa trao.
Thánh Marcô có cùng quan điểm với tiên tri Amos khi ông thuật
lại việc Chúa Giêsu chọn gọi các Tông đồ và sai họ đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời.
Các Tông đồ xuất thân chỉ là những con người bình dân ít học, khả năng kém cỏi,
quanh năm làm nghề chài lưới ven bờ hồ Galiêa. Các ông cũng không phải là những
người thuộc dòng dõi quý tộc hay biệt phái mà chỉ những người thuộc giới lao động
bình dân. Nhưng các Tông đồ đã được Chúa gọi và Chúa chọn, Người cho các ông được
ở với Người, được dạy dỗ, huấn luyện được nghe những lời Người giảng và thấy những
việc Người làm. Sau đó, Đức Giêsu đã sai các ông lên đường thi hành sứ mạng
ngôn sứ, rao giảng Tin Mừng, kêu gọi mọi người sám hối trở về với Thiên Chúa.
“Người sai từng hai người
một. Người ban cho các ông quyền trên các thần ô uế. Người chỉ thị cho các ông
không được mang gì đi đường, trừ cây gậy. Không được mang lương thực, bao bị tiền
bạc, được đi dép nhưng được mặc hai áo.” Tại sao Đức
Giêsu đã dặn dò các học trò của mình quá kỹ như vậy? Thưa – Khi sai đi từng hai
người, Chúa không muốn các ông thi hành sứ mệnh cách riêng lẻ tùy tiện, nhưng
trong sự liên kết, hiệp thông với anh em, với cộng đoàn. Đàng khác sai từng hai
người đi là để cho lời giảng dạy của các ông trở nên đáng tin hơn vì luôn có
nhân chứng. Người trao cho các ông quyền trên các thần ô uế, tức là các ông được
sai đi nhân danh Thiên Chúa và thực hiện quyền Thiên Chúa. Vì thế, các ông sẽ
không sợ hãi trước các thế lực chống đối của thế gian ma quỷ và các thần.
“Người chỉ thị cho các
ông không được mang gì đi đường, trừ cây gậy. Không được mang lương thực, bao bị
tiền bạc.” Chúa muốn
các Tông đồ của Chúa ra đi trong tư thế của những người nghèo, không bị lệ thuộc,
ràng buộc bởi vật chất. Các ông sẽ thi hành sứ mạng trong sự tín thác vào Chúa,
không tìm kiếm của cải vật chất, tiền bạc, không tìm kiếm vinh quang, danh dự
hay địa vị không lo thu vén tích góp. Đó là tư cách, tác phong, nếp sống mà
Chúa muốn các môn đệ của Chúa phải có khi được sai đi.
Chúa còn đòi các môn đệ của Chúa phải hết mình sống làm chứng
cho Chúa và rao giảng Tin Mừng của Chúa, không so đo tính toán chọn lựa người
giàu hay nghèo, sang hay hèn: “Anh em vào
nhà nào, thì hãy ở lại đó cho đến khi ra đi.” Những ai đón nhận lời rao giảng
và sám hối thì kẻ đó được Thiên Chúa chúc phúc. Trái lại, nơi nào từ chối không
nghe và không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi đó hãy giũ bụi đất dưới chân trả
lại để cảnh cáo họ.
Tất cả những đòi hỏi của Đức Giêsu là muốn các Tông đồ luôn ý
thức rằng họ chỉ là những kẻ được sai đi. Do đó, họ cần tin tưởng phó thác cuộc
đời và công việc cho Chúa. Họ không làm theo ý riêng hay sở thích hay tùy hứng,
nhưng là người thừa hành, làm theo lệnh của Chúa và đúng ý Thiên Chúa. Vì thực
hiện sứ mạng nhân danh Chúa, nên người Tông đồ luôn tin tưởng nơi Chúa cho dù thuận
lợi hay lúc không thuận lợi, lúc người ta đón nhận hay từ chối.
Thưa quý ông bà anh chị em, theo thánh Phaolô, mỗi người
chúng ta được Thiên Chúa tiền định và chọn lựa từ trước khi tạo dựng vũ trụ.
Ngài muốn chúng ta trở thành những môn đệ và là cộng tác viên của Ngài. Qua Bí
tích Rửa tội, chúng ta được tham dự vào chức năng Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế của
Chúa Kitô và phải thi hành chức năng này trong suốt cuộc đời. Dù là tín hữu hoặc
linh mục hay tu sĩ, chúng ta đều có bổn phận thi hành ba chức năng này theo bậc
sống của mình.
Là cha mẹ, chúng ta thi hành sứ mạng này trong gia đình, xã hội
và bất cứ môi trường nào chúng ta đang sống. Chúng ta sẽ phải trở thành người
nói về Tin Mừng của Giêsu cho mọi người qua lời nói, đời sống và gương sáng của
mình. Chúng ta sẽ phải sống sao cho mọi người không chỉ nghe, mà còn thấy Tin Mừng
của Chúa và thấy Chúa nơi lời nói việc làm của chúng ta.
Lời Chúa hôm nay là một sự thúc bách đặc biệt dành cho những
bạn trẻ đang còn đắn đo chọn lựa cho mình một bậc sống. Chúa đang cần những tâm
hồn trẻ trung quảng đại với Chúa và mời gọi các bạn can đảm dâng trọn đời phục
vụ Chúa trong đời sống tu trì. Chúa cũng muốn tất cả các bạn khác đem Tin Mừng
đến cho những người chung quanh bằng đời sống trẻ trung, nhiệt thành, không
tính toán của các bạn. Chỉ cần chúng ta quảng đại đáp lời, Chúa sẽ bổ khuyết những
gì còn thiếu nơi chúng ta.
Xin giúp chúng ta luôn ý thức sứ mạng ngôn sứ của mình và nhiệt
tâm thi hành trong suốt cuộc đời, để qua đời sống vui tươi, đơn sơ, khiêm nhường,
tin tưởng và phó thác nơi Chúa, chúng ta trở thành chứng nhân của Chúa trong
gia đình và trong xã hội hôm nay. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí