Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XV Thường Niên
Đường vào sứ vụ : đi cho đến
cùng
Lời
Chúa: Mt 10, 34-42
(34) "Anh em đừng tưởng Thầy đến
đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm
giáo. (35) Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha
mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. (36) Kẻ thù
của mình chính là người nhà.
(37) "Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn
Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì
không xứng với Thầy. (38) Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy,
thì không xứng với Thầy. (39) Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.
(40) "Ai đón tiếp anh em là đón
tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy.
(41) "Ai đón tiếp một ngôn sứ,
vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón
tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh
phần thưởng dành cho bậc công chính.
(42) "Và ai cho một trong những
kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của
Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu".
Suy
Niệm
“thầy đến… để đem gươm giáo”.
Thanh gươm của Thần Khí, tức là lời Thiên
Chúa (x.Ep 6, 17)
“Thầy đến để gây chia rẽ…” mối chia rẽ vì
một tình yêu đến cùng : chia tay nhau lên đường loan báo ơn tha thứ và lòng
thương xót của Thiên Chúa,
“ai không vác thập giá mình mà theo Thầy…”,
mệnh lệnh đòi đi cho đến cùng
“ai đón tiếp anh em là đón tiếp thầy”,
bước đường của đời sứ vụ, là bước đi nhân
danh Giêsu, loan báo tình yêu cứu độ : “vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái
tôi có tôi cho anh đây : Nhân danh ĐỨC GIÊSU KITÔ người Nagiaret, anh đứng dậy
mà đi” (Cv 3, 6).
Là môn đệ của Đức Giê-su Kitô hôm nay, mỗi
hoàn cảnh là một bước đường được mở ra cho người môn đệ để loan báo Danh Thánh
: “vì không có một Danh nào khác dưới gầm trời này đã được ban cho nhân loại, để
chúng ta phải nhờ vào Danh đó mà được cứu
độ (Cv 4,12)
Tại một buôn làng mới nhận được ánh sáng
Tin Mừng năm chưa đấy một năm, thì qua
năm sau, 1975, không tiếp tục đựoc chăm sóc vì thiếu vằng chủ chăn. Nhưng giữa
bà con vẫn có giáo lý viên như thầy dậy, dù không có nhà nguyện và cũng không
được phép tập trung.
Dễ thôi, trong mỗi gia đình, các em bé vẫn
được mẹ kể truyện thánh kinh và dạy đọc kinh mỗi khi đêm về, nhờ vậy các em
cũng thuộc được vài ba kinh quen thuộc.
Cho tới năm 1986, Bap Lick, ông già làng,
bất chấp tất cả, đã đứng ra mời gọi bà con cùng nhau qui tụ cầu nguyện. Chuyện
không dễ dàng vì không biết phải bắt đầu từ đâu, kinh kệ theo thời gian bà con
đã quên nhiều rồi. May mắn cách đó không xa vẫn còn một “thầy” trước đây đã dạy
đạo, vẫn giữ được đầy đủ sách kinh và ca nguyện, thế là 2,3 bạn trẻ mua giấy mực
tới ghi chép các lời kinh và bài hát về tập lại cho bà con nhà. Lời kinh bài hát
nằm sẵn trong ký ức người lớn, nay ùa về, bà con nhớ lại mau lẹ; số người chưa
biết thì ráng học thuộc. Phải hình dung khung cảnh bon làng ở giữa rừng, không
đèn điện, các em thiếu nhi trước giờ chẳng có gì vui chơi, nay tối tối rủ nhau
đi tập hát, giai điệu của các bài thánh ca cũng hấp dẫn và rung động lòng người
: thế là bon làng đêm đêm vang tiếng hát nguyện cầu,
Qua tới ngày 1.1.1994, `khi tất cả các
giáo lý viên vùng này đã có cơ hội học hỏi,
và nhận lệnh lên đường loan báo Tin Mừng, thì trong khi cả bon làng cầu nguyện,
bap Troi, anh Khê, chị Khên, chị Pứt đã theo chân bap Nghé lên đường, tiến về
phía Dak Sinh, cầu 7, cầu 8. Từ cầu 8 có mẹ Jack dẫn anh em qua Bu Jrah bên kia
sông.
Trên đường tới cầu 7 cầu 8 thì có thể chở
nhau bằng xe máy, nhưng từ cầu 8 tới bờ sông phải đi bộ băng rừng từ sáng tới
trưa mới tới được bờ sông, tới đây, nghỉ ngơi, ăn uống, kết bè qua sông, rồi lại
phải lội bộ băng rừng thêm 4 giờ đồng hồ mới tới làng. Trên đường có khi nghe tiếng cọp gầm, nhưng không sao, cọp
chỉ lên tiếng để mình tránh xa thôi, chứ gặp voi với heo rừng mới đáng sợ.
Mỗi chuyến đi, trên đường về mấy anh chỉ
còn mặc mỗi quần đùi, vì quần áo trên người chia hết cho các ông trong làng, tình yêu đòi chia sẻ đến cùng là vậy.
Cánh đồng xa lắm, nhưng người môn đệ một
khi nhận được lệnh lên đường là phải đi cho đến cùng. Đêm đầu tiên, vì cũng là
bon Bù Jrah với nhau, nên bà con tới khá đông. Sau phần cầu nguyện, bà con bắt
đầu kể về khúc suối nước trong và rộng,
“gọi là thiêng”, nghĩa là nếu tắm giặt hay ăn uống thế nào cũng bị phát
bệnh hoặc bị ghẻ lở.
Nước thiêng gì lạ vậy, có khác chi vũng nước
độc, trước giờ mỗi lần bệnh tật là phải cúng heo gà. Thế là ngay sáng hôm sau, bap
Nghé đứng giữa bà con, loan báo quyền năng Thiên Chúa, ông đưa cao thánh giá,
nhân danh Giê-su, cất tiếng nguyện cầu
xin Thánh Thần Thiên Chúa đến xua đuổi quỉ thần và thánh hóa suối nước, từ đó
bà con có thể xử dụng nước mà không một thế lực nào có thể hại được bà con.
Người được sai đi loan báo Tin Mừng cũng
có nhiệm vụ cầu nguyện xin Chúa chữa lành các bệnh nhân, và Chúa đã thực hiện
những điềm thiêng dấu lạ khi ra tay chữa lành, đặc biệt một vài nguời bệnh đã
cúng cả bầy heo mà chẳng tới đâu, nay được khỏe mạnh cách lạ lùng.
Ngay trong buổi đầu gặp gỡ, bà con thích
thú và chăm chú lắng nghe.
Bap Nghé vừa đọc lời Chúa bằng tiếng kinh, vừa đọc lại
bằng tiếng Mạ và bắt đầu giảng dạy, dẫn giải để bà con nhận biết Thiên Chúa quyền
năng, giải thoát con người khỏi mọi sức mạnh thần thiêng của ma vương quỉ thần,
vì thế bà con có thể bỏ đi những tập quán kiêng cữ lạc hậu mà không còn sợ hãi.
Từ ngôi nhà thứ nhất, qua nhà thứ hai, cứ
mỗi nhà ở một ngày, vừa giảng dạy, vừa tập hát, vừa giúp bà con già trẻ lờn bé
học và đọc kinh. Sinh hoạt nghe đơn điệu nhưng giữa núi rừng âm u thì vui và sống
động lắm. Vì thế ngay tuần lễ đầu tiên đã có người sẵn sàng tin theo.
Sau 2 tháng, nhóm 2 chú với 3 thanh niên nam
nữ đã đi từ khu 1, qua tiếp khu 2, 3 và 4, và đồng thời cũng tuyển lựa được 4
người của 4 khu để đặt làm người đứng ra hướng dẫn cộng đoàn, 4 anh em này cứ mỗi
tháng qua bên bap Nghé một tuần để vừa học giáo lý, vừa tập đọc kinh và tập hát
thánh ca, về dạy lại cho bà con của mình.
Đi cho đến cùng, chứ đâu phải chuyện ngày
một ngày hai,
Cả năm trời, nhóm bắp Nghé trở qua, nhóm 4
anh em trở lại, từ từ hình thành thêm 4 điểm cầu nguyện.
Ròng rã suốt 9 năm trời, dù vẫn chưa có
nhà nguyện, cũng không có linh mục, thế nhưng lòng tin các tín hữu mỗi ngày
thêm vững mạnh, vì giữa núi rừng xa xôi hẻo lánh nghèo nàn, con dân sau khi đã
bước ra khỏi vùng đất mê tín lạc hậu, không còn tin kiêng vào những chuyện vớ vẩn,
thì biết cậy dựa ai bây giờ ngoài Thiên Chúa uy quyền, và Thiên Chúa, đấng xót
thương con người cũng đâu thể rời bỏ con cái hết lòng cậy trông.
Và dịp lễ phục sinh 2003, bà con đã tìm đến
một giáo xứ nằm cách xa 3 giờ xe gắn máy, cha xứ ở đây đã tiếp nhận và thế là từ
giếng nước rửa tội, Thiên Chúa đã cúi xuống gọi tên từng người và ôm ấp họ
trong tình yêu của Người. Số người được rửa tội trong đêm phục sinh và 2 đợt tiếp
theo là hơn 300 thuộc 63 gia đình.
Tất cả bắt đầu từ một tình yêu đến cùng,
làm thành sức mạnh cho những bước đi đến cùng.
MM Tân, SJ.