Suy Niệm
Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XX Thường Niên Năm C
Tình yêu là lẽ sống . . . ?
Lời Chúa: Mt
22,34-40
34 Khi nghe tin Ðức Giêsu đã
làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau lại. 35 Rồi
một người thông luật trong nhóm hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: 36 "Thưa
Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?" 37 Ðức
Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng,
hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Ðó là điều răn lớn
nhất và điều răn đứng đầu. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng
giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất
cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy".
Suy Niệm:
Đã có lần Đức Cố
Hồng Y FX Nguyễn văn Thuận từng nói với Bill Gate rằng: “Sự văn minh đích thực
là không để ai ở lại phía sau”. Và Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II cũng nói:
“Sự văn minh đích thực là phục vụ sự sống”. Thế nhưng, “những điều trông
thấy mà đau đớn lòng”. Một thế giới quá chênh lệch giàu nghèo. Một thế giới quá
đề cao đồng tiền mà quên cả lương tri con người. Một thế giới lấy kinh tế làm
đầu nên đã làm đảo lộn biết bao thuần phong mỹ tục, và những giá trị đạo đức
truyền thống của các tiền nhân. Khoa học tiến bộ, nhưng đạo đức và phong
hoá xuống cấp trầm trọng. Sự tiến bộ của khoa học dường như đang giúp sức cho
sự dữ gia tăng. Khoa học tiến bộ đang phục vụ cho văn hoá sự chết hơn là phục
vụ cho văn hoá sự sống. Người ta tìm muôn nghìn cách thức để lừa đảo, gian manh
và trụỵ lạc. Đứng trước viễn cảnh đen tối của xã hội hôm nay, Sĩ Phu Bắc Hà đã
đúc kết thành bốn câu thơ:
Nhân phẩm từ đây giảm giá rồi
Chỉ còn lương thực tăng giá thôi
Lương tâm bán rẻ hơn lương thực
Chân lý chân giò một giá thôi!
Một thế giới thượng vàng hạ cám đã làm lệch đi rất nhiều những giá trị của
cuộc sống. Một thế giới xem ra những nghĩa cử yêu thương thật hiếm hoi. Đó
chính là một thách đố cho người ky-tô hữu chúng ta. Liệu rằng chúng ta có dám
sống triệt để giới răn mến Chúa yêu người giữa một xã hội loại trừ Thiên Chúa
và thiếu thốn tình người hay không? Liệu rằng chúng ta có dám chịu thiệt thòi
để người khác hưởng thụ trên lòng quảng đại của chúng ta hay không? Liệu rằng
chúng ta có dám yêu người khi mà người ta đang chơi xấu, đang lợi dụng, đang
làm hại chúng ta? Đây là một thách đố và cũng là đòi hỏi triệt để, vì căn tính
của người môn đệ Chúa là “yêu mến tha nhân như chính mình”. Vì tình yêu là lẽ
sống, là hơi thở của người ky-tô hữu. Không có tình yêu thì sức sống của người
tín hữu đã không còn. Không có lòng quảng đại thì không còn là nhân chứng cho
Tin mừng Nước Trời của Chúa. Chúng ta không thể nói yêu Chúa mà trong lòng vẫn
còn thù ghét anh em của mình. Chúng ta phải vượt lên trên lòng ích kỷ, sự hẹp
hòi của nhân thế để làm chứng cho một tình yêu nhân ái, bao dung và vị tha.
Đây chính là sứ
điệp mà Tin Mừng hôm nay muốn loan báo. Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu mến
Chúa trên hết mọi sự. Đồng thời Ngài cũng đòi buộc chúng ta phải yêu mến tha
nhân như chính mình. Chính Thầy Chí Thánh Giê-su đã làm gương cho chúng ta.
Chính Ngài khi bị treo trên thập tự giá đã giới thiệu cho nhân thế một tình yêu
tinh ròng đến nỗi “dám chết cho người mình yêu”. Ngài đã chọn thập tự giá làm
biểu tượng cho tình yêu tự hiến của mình. Với thanh dọc, Chúa chấp nhận
cực hình để tôn vinh Chúa Cha. Với thanh ngang, Ngài muốn ôm trọn nhân loại
trong tình thương của Chúa. Người ky-tô cũng được mời gọi trở nên đồng hình
đồng dạng với Thầy Giê-su khi chúng ta sống tôn vinh Chúa Cha, và yêu mến anh
em như chính mình.
Chính tình yêu
đó sẽ giúp chúng ta vượt thắng những tham lam bất chính, những thói hại người
hại đời để tìm tư lợi riêng cho bản thân mà người đời vẫn đang sống. Có thể là
người, chúng ta cần địa vị, cần danh vọng nhưng vì lòng yêu mến Chúa chúng ta
không thể bán rẻ lương tâm, không làm hại đồng loại. Có thể chúng ta cũng
cần của cải để sinh sống, nhưng vì Chúa, chúng ta biết sống quảng đại để mua
lấy hạnh phúc Nước Trời. Có thể đồng loại, vẫn mưu toan làm hại chúng ta, nhưng
vì Chúa chúng ta nhịn nhục và nhẫn nại với nhau trong yêu thương và tha thứ.
Như vậy, chỉ có
ở trong tình yêu Chúa, chúng ta mới dám sống yêu thương đồng loại như chính
mình. Chính nhờ tình yêu Chúa, sẽ giúp chúng ta trao ban sự sống sung mãn cho
nhân thế qua những nghĩa cử yêu thương, bác ái và vị tha. Chính tình yêu đối
với Chúa, sẽ giúp chúng ta sống nhân ái và bao dung với tha nhân là hình ảnh
của Ngài.
Ước gì giữa một
thế giới đang băng hoại về tình người, chúng ta hãy thắp lên ngọn lửa của yêu
thương, để sưởi ấm cho những ai đang cô đơn, thất vọng vì thiếu vắng tình
thương, sự cảm thông và nâng đỡ của anh em. Ước gì giữa một thế giới đang bán
rẻ lương tri, người Ky-tô hữu hãy biết sống tôn trọng lẫn nhau, biết sống cho
tình người cao quý, hơn là những của cải vật chất tầm thường. Ước gì người
ky-tô hữu chúng ta, đừng vì danh lợi thú mà đánh mất nhân phẩm con người là
hình ảnh Thiên Chúa. Ước gì giữa một xã hội mà chân lý bị vùi giập, chúng ta
dám sống cho sự thật, cho dẫu rằng, có bị nghi kỵ, hiểu lầm, kết án và tẩy
chay. Giữa một thế giới mà người ta có thể nhân danh quyền lợi của mình để giết
hại người khác một cách phi nhân, ác đức, đặc biệt là các thai nhi vô tội,
chúng ta hãy sống theo gương Thầy Giê-su dám chết cho người minh yêu, dám sống
mình vì mọi người, và dám trở nên mọi sự cho mọi người như Thầy Giê-su. Nguyện xin Chúa
là tình yêu, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim yêu thương của Chúa. Amen.
Jos Tạ Duy Tuyền