Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Lễ Tro

Mt 6, 1-6. 16-18.

LE TRO_02.jpg

LỜI CHÚA

6 "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

 "Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả : chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em : chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

16 "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả : chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

SUY NIỆM

Mùa chay bắt đầu bằng Thứ Tư Lễ Tro với nghi thức xức tro trên đầu, gợi cho ta nhớ đến trình thuật sáng thế, đến thân phận cát bụi của con người: “Hỡi người hãy nhớ mình là tro bụi, một mai rồi sẽ trở về bụi tro” (x. St 3, 19).

Nhớ đến thân phận cát bụi để mà biết khiêm tốn, sám hối ăn năn bởi vì biết bao tội lỗi và khổ đau mình đã gây ra do sự tự tôn và tính kiêu ngạo của bản thân mình. Vì vậy mùa chay là mùa mà Giáo hội dùng để mời gọi mọi Ki-tô hữu – con cái của mình – trở lại với chính bản thân để biết mình là ai – là tạo vật thấp hèn, và cảm nghiệm tình yêu cứu độ lớn lao của Đấng Tạo hóa – là Thiên Chúa uy quyền nhưng đã hạ mình chiếu cố đến con người, sẵn sàng chia sẻ, ban cho con người tình yêu, sự sống và vinh quang của người nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Hai Con Thiên Chúa Nhập Thể đã hiến thân qua cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người.

Bốn mươi ngày chay tịnh giúp hồi tưởng lại thời gian dân riêng của Chúa khi xưa rong ruổi bốn mươi năm trong sa mạc, hoàn toàn sống trong sự phó thác vào tình thương của Chúa, được Chúa giáo dục, dưỡng nuôi và bảo vệ; gợi nhớ hành trình bốn mươi ngày đêm gian khổ của Ê-li-a tiến về núi Kho-rép để gặp gỡ Thiên Chúa và được Chúa trao sứ vụ; đặc biệt gợi nhớ sự kiện Đức Giê-su vào sa mạc  ăn chay cầu nguyện suốt bốn mươi đêm ngày trước khi thi hành sứ vụ. Vì vậy, theo thánh kinh, con số 40 đã mang một ý nghĩa đặc biệt của sự thanh luyện, gặp gỡ và cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa. Do đó, những ngày ‘chay tịnh’ thánh thiện mà Giáo hội mang đến cho con cái mình có một ý nghĩa đặc biệt như là một cuộc hành trình theo Đức Ki-tô để được thanh luyện, sám hối, chết đi cho tội lỗi của mình và sống cho Thiên Chúa. 

Thường thì đối với rất nhiều Ki-tô hữu nếu không nói là đa số, đơn giản đồng hóa mùa chay với việc mình phải ăn chay vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, cùng với việc nhà thờ tổ chức ngắm, dâng hạt hằng tuần hay theo ngày, tùy phong tục tập quán của mỗi xứ; dẫn đến việc sống mùa chay trở thành máy móc: người ta ăn chay cách hình thức, ăn chay để khỏi lỗi luật; còn việc suy gẫm cuộc thương khó của Chúa để cảm nghiệm sự độc dữ của tội và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa nhiều khi trở thành những cuộc khoe tài, khoe giọng chẳng có tác dụng sám hối, đổi mới canh tân gì cả. Vì vậy, trình thuật Tin mừng hôm nay là lời mời gọi Ki-tô hữu chúng ta dừng lại để nhận ra cách thức sống tinh thần mùa chay mà Thiên Chúa muốn: “xé lòng chứ đừng xé áo” (Ge 2, 12 – 13); hay đặc biệt như lời mời gọi của Người qua ngôn sứ Isaia: «Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục» (Is 58,6-7).

Trong trình thuật Tin mừng, Đức Giê-su dạy chúng ta đừng làm những việc lành phúc đức như ăn chay, cầu nguyện, bố thí một cách khoa trương – làm để lấy tiếng, làm để cho người ta thấy, người ta khen; nhưng trong ‘sự kín ẩn’, trong tinh thần sám hối thực sự: để lòng mình đối diện với Thiên Chúa, sám hối tội lỗi và thực thi ý muốn của người, và đó chính là ý nghĩa thực sự của ‘chay tịnh’. Vì vậy, để sống mùa chay, ngoài việc suy gẫm mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa qua cuộc khổ nạn và vượt qua của Đức Giê-su và sám hối tội lỗi mình, Ki-tô hữu được mời gọi giữ chay tịnh bằng rất nhiều hình thức:

Chay miệng lưỡi – không nói những lời tiêu cực, nói hành, nói xấu, phê bình chỉ trích, lên án người khác, nhưng chỉ nói những điều tích cực, lành mạnh, gieo niềm vui, niềm hy vọng và khích lệ cho tha nhân.

Chay tâm trí: không suy nghĩ, mơ ước những điều sai trái hay phán đoán, nghi ngờ điều xấu cho người khác, nhưng biết tìm kiếm Thiên Chúa trong tâm tưởng và xin người hướng dẫn cuộc đời.

Chay hành động: biết kìm hãm những cơn giận, tránh những cử chỉ khiếm nhã, xúc phạm, những hành vi bất chính nhưng thay vào đó là thái độ thân thiện, cảm thông, thực hiện sự phục vụ, sẻ chia, giúp đỡ tinh thần, vật chất trong tình yêu thương như Đức Ki-tô đã sống, đã thực hiện và mời gọi chúng ta làm như Người….

Và còn rất nhiều nữa những việc làm cũng như cách thức ăn chay mà người Ki-tô hữu có thể tùy theo sáng kiến của mình trong tinh thần ‘sám hối và canh tân’ để sống tinh thần chay tịnh mà Đức Giê-su dạy “Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,” để làm cho cuộc sống thêm phong phú, vui tươi và hạnh phúc.

Lạy Chúa Giê-su, xin thương đồng hành và giúp chúng con sống mùa chay thánh thật ý nghĩa. Xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót Chúa đã luôn tuôn đổ và chảy tràn trên đời sống chúng con; và xin giúp chúng con biết đáp lại tình yêu và lòng thương xót của Chúa bằng sự sám hối, bằng cuộc sống canh tân đổi mới thật sự hầu ơn Chúa không trở thành vô ích nơi chúng con, nhưng đem lại nguồn sống sung mãn dồi dào. Amen.

Nt. Maria Chinh Anh

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần Thánh: TIẾNG GỌI. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần Thánh: SỰ VÔ CẢM ĐẾN NHẪN TÂM CỦA CON NGƯỜI. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc
     Giới thiệu Videos chặng Đàng Thánh Giá tại Côlôsêô Thứ Sáu Tuần Thánh Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ sự tại Hí Trường Colose
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh: VÀI NÉT VỀ HÌNH ẢNH GIU-ĐA. Thầy Louis Xuân Hạ
     Suy Niệm Cuộc Thương Khó Chúa Giêsu Qua Phim "Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Kitô" (The Passion Of Christ)
     Thánh Vịnh - TAM NHẬT THÁNH
     Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 26/03 - 01/04/2015: Câu chuyện của Giuđa Iscariot
     Suy Niệm 14 chặng đàng Thánh Giá
     VIDEO: ĐỨC GIÊSU - MỘT THIÊN CHÚA ẨN MÌNH
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần Thánh: THÁNH THỂ – QUÀ TẶNG TÌNH YÊU. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí