Suy Niệm Thứ Năm Tuần Thánh
THÁNH THỂ – QUÀ
TẶNG TÌNH YÊU

Cách
đây vài tháng, cộng đồng mạng khâm phục một người mẹ trẻ về sự hy sinh của cô
dành cho con. Cô sống tại Hà Nội. Mang thai được vài tháng, một lần đi khám
thai, bác sĩ phát hiện cô có một khối u ác tính trong vòm mắt. Các bác sĩ nói nếu
cô đồng ý hóa trị ngay trong giai đoạn đầu thì có thể ngăn chặn được khối u.
Tuy nhiên, nếu thực hiện hóa trị, đứa bé trong bụng cô sẽ bị ảnh hưởng và có
nguy cơ sẽ chết. Sau khi suy nghĩ và bàn với chồng, cô đã nhất định từ chối các
biện pháp hóa trị để không làm ảnh hưởng đến thai nhi. Cô nói rằng : Tôi sẵn
sàng chết vì ung thư để con tôi được ra đời khỏe mạnh. Sau những ngày đó, cô đã
phải hết sức vất vả để chống chọi với khối u ác tính và để bảo vệ đứa con. Sau
đó, cô đã sinh ra một bé trai kháu khỉnh, dễ thương, nhưng rất tiếc, cô chỉ có
thể nghe tiếng khóc của con mà không thể nhìn thấy con. Cô chia sẻ trong niềm
vui : Đôi mắt của tôi đã đổi được mạng sống của một con người. Tôi sẽ không bao
giờ hối hận về quyết định của mình.
Người
phụ nữ trên được coi là can đảm, là mẫu gương của tình mẫu tử vì đã dám chấp nhận
sự mù lòa, đau đớn vì bệnh tật và chấp nhận cái chết để cứu mạng sống của đứa
con mình.
Trong
buổi chiều ngày Thứ Năm Thánh hôm nay, chúng ta còn được chứng kiến một tình
yêu hy sinh cao cả, vĩ đại hơn, đó là tình yêu của Chúa Giêsu dành cho nhân loại.
Ngài không chỉ hy sinh, chấp nhận đau khổ và cái chết, mà còn muốn trao tặng
chính máu thịt của Ngài làm của ăn, của uống để đem lại cho chúng ta sự sống.
Chỉ
những ai đã nuôi con, mới hiểu hết nỗi lòng cha mẹ đối với con cái, chỉ những
ai sống trong tương quan tình yêu với Chúa Giêsu thì mới có thể cảm nhận được
tình yêu của Ngài mà thôi. Thánh Gioan đã cảm nghiệm và đã nhận ra tình yêu
thương của Chúa Giêsu dành cho các học trò qua từng lời nói, từng hành động
trong bữa tiệc chia tay này.
Trước lễ Vượt Qua, Chúa
Giêsu biết giờ của Người đã đến, …Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình,
và người yêu thương họ đến cùng. Yêu đến cùng là yêu như thế nào ? Đó là yêu trọn
vẹn, không so đo tính toán, không cân nhắc thiệt hơn và cũng không bao giờ hối
tiếc. Yêu đến cùng là chấp nhận mọi sự thiệt thòi, rủi ro về mình, chấp nhận
đau khổ và cả cái chết, là làm tất cả những gì có thể cho người mình yêu, để
người mình yêu được sống hạnh phúc. Vì thế, Thánh Gioan thấy Chúa Giêsu như một
người Cha biết trước mình không còn nhiều thời gian ở với các môn đệ, nên Ngài
đã làm tất cả những gì có thể để đem lại hạnh phúc cho môn đệ mình.
Ngài chỗi dậy, rời bàn ăn,
cởi áo ngoài ra, lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các
môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Với từng cử chỉ đang diễn ra trước mắt các tông
đồ, Thánh Gioan đã nhận ra nhiều ý nghĩa nơi hành động của Chúa Giêsu. Chỗi dậy rời khỏi bàn ăn, cởi áo ngoài ra :
Chúa Giêsu đã rời bỏ địa vị là một vị Thiên Chúa, một người Thầy để bước đến với
con người. Ngài chấp nhận hy sinh đến hiến mạng sống mình cho các môn đệ. Ngài lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu và
rửa chân cho các môn đệ : Với hành động này, Chúa Giêsu cho thấy Ngài đã chấp
nhận một cuộc hoán đổi vị trí, từ một Thiên Chúa, Ngài chấp nhận làm con người
; từ một người Thầy, Ngài chấp nhận làm đầy tớ ; từ địa vị được tôn thờ, Ngài
chấp nhận trở thành kẻ phục vụ. Chỉ kẻ nô lệ mới rửa chân cho chủ, vậy mà, Chúa
Giêsu lại làm công việc ấy cho các môn đệ của mình.
Không
chỉ hạ mình làm kẻ phục vụ, Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa khi Ngài tự hiến chính
mình để phục vụ trọn vẹn cho nhân loại. Ngài đã đi đến tột cùng của tình yêu
khi dâng tặng thịt mình làm của ăn và máu mình làm của uống cho nhân loại : Đây là mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn.
Đây là máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống. Khi yêu nhau, người ta muốn ở
mãi bên nhau và nên một với nhau. Vì yêu, Chúa Giêsu cũng muốn ở mãi với con người,
muốn nên một với con người. Ngài đã chấp nhận trở thành của ăn, của uống để cho
những người Ngài yêu được ăn, và để ngài có thể đi vào trong tâm hồn, vào trong
từng đường gân thớ thịt của con người, làm nên máu thịt con người. Với hành động
trao ban máu thịt của mình cho các môn đệ, Chúa Giêsu cho thấy máu thịt của
Ngài không chỉ trở thành lương thực bổ dưỡng mà còn có sức thanh tẩy tâm hồn
con người khỏi mọi tội lỗi, biến đổi những kẻ đón nhận và trao ban cho họ sức sống
thần linh của Thiên Chúa.
Giống
như một người cha sắp phải chia tay con mình, ông muốn làm tất cả những gì có
thể cho con, Chúa Giêsu cũng vậy. Ngài không chỉ gây bất ngờ cho các môn đệ khi
rửa chân và ban thịt máu cho các ông làm của ăn, của uống, Ngài còn làm một việc
táo bạo hơn nữa, đó là trao cho các ông quyền nhân danh Ngài để thực hiện những
việc Ngài vừa làm, tức là lập nên chức Linh Mục : Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy. Khi trao ban cho các
tông đồ chức Linh mục, Chúa Giêsu biết rất rõ từng người trong các ông. Chúa biết
các ông yếu đuối, thấp hèn và còn mang đầy sự ghen tị, nhỏ nhoi. Vậy mà, Chúa
đã tin tưởng đặt quyền năng của mình vào tay các ông. Khi trao cho các ông : Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy,
Chúa vừa cho các tông đồ nhân danh Chúa để làm công việc của một vị Thiên Chúa,
đồng thời Chúa cũng hạ mình để “vâng lời” các ông. Vì thế, khi các ông làm công
việc này, thì Chúa lại hiện diện bằng việc làm cho bánh rượu trở nên thịt máu Chúa
và trở nên lương thực để các ông phân phát cho mọi người.
Mặc
dù được Chúa trao ban chức linh mục, nhưng Chúa không hề làm thay đổi con người
của các tông đồ, cũng không biến các ông thành siêu nhân, nhưng vẫn muốn các
ông sống trọn thân phận con người với những giới hạn của con người. Chọn những
con người bất toàn để thi hành nhiệm vụ siêu việt, chọn những người yếu đuối, tội
lỗi để thực hiện công việc thánh thiêng, Chúa Giêsu muốn các tông đồ ý thức điều
đó, để các ông không cậy dựa vào sức riêng mình, nhưng khiêm tốn cậy dựa vào
quyền năng và sự nâng đỡ của ơn Chúa.
Chắc
chắn trong bữa tiệc ly hôm đó, các tông đồ chưa thể hiểu hết ý nghĩa việc Chúa
làm và những điều Chúa mong đợi nơi các ông. Vì thế, Chúa Giêsu đã giải thích :
Việc Thầy làm bây giờ, anh em chưa hiểu
được, nhưng sau này, anh em sẽ hiểu… Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho
anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Đó là bài học quan trọng
Chúa muốn các ông đón nhận. Rửa chân cho nhau tức là phải dám từ bỏ vị trí của
mình, rời khỏi chỗ an toàn, êm ấm của mình để bước đến với anh em, để phục vụ
anh em. Rửa chân cho nhau là phải dám cúi xuống, từ bỏ những tự ái cùng với
kiêu căng để khiêm nhường phục vụ anh em, không đòi hỏi, không điều kiện và
không mong đợi bất cứ sự đền đáp nào.
Hãy
yêu như Thầy đã yêu và hãy làm như Thầy đã làm, đó chính là bài học Chúa muốn
nơi mỗi người. Chúa muốn chúng ta phục vụ không vì miễn cưỡng, nhưng hãy làm với
sự thúc đẩy của tình yêu. Khi được tình yêu thúc đẩy, ta sẽ biết phải làm gì để
đem đến niềm vui và hạnh phúc cho anh em. Yêu như Chúa yêu là dám trao ban con
người và cả cuộc đời cho anh em, là trở nên tấm bánh chấp nhận bị bẻ ra, bị
nhai nát để cho anh em được sống hạnh phúc.
Hãy
cúi xuống để có thể lắng nghe và thông cảm với những đau khổ và nhọc nhằn của
anh chị em. Bao lâu chúng ta không dám cúi xuống, không dám rửa chân cho anh
em, thì chúng ta không thể nghe, không thể nhìn thấy những đau khổ, bất hạnh của
anh chị em mình. Hãy cúi xuống để phục vụ cha mẹ già trong gia đình, bằng sự
yêu thương kính trọng ; hãy cúi xuống để yêu thương và phục vụ chồng, vợ và con
cái của mình bằng sự hy sinh, bằng sự trao ban và yêu thương đến tận cùng ; hãy
quan tâm đến nhau nhiều hơn, hãy quan tâm đến hàng xóm láng giềng, những người
sống bên cạnh chúng ta, hãy để cho trái tim mình nhạy bén và nhắc bảo chúng ta
biết phải làm gì cho nhau.
Hãy làm việc này mà nhớ đến
Thầy là lời
mời gọi tha thiết Chúa gửi đến cho từng người. Hãy siêng năng đến với Bí tích
Thánh Thể, siêng năng lãnh nhận, cầm lấy
mà ăn để nhận được sự nâng đỡ bổ sức và tình yêu thương của Chúa. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy còn là lời nhắc nhở tất cả chúng ta
chu toàn chức linh mục của mình là thờ phượng, tế tự Thiên Chúa, là dâng hy lễ
mỗi ngày cùng với những hy sinh, vất vả để làm nên của lễ tôn vinh Thiên Chúa,
đem ơn cứu độ cho chính mình và cho gia đình. Đừng để cho công việc và sự lười
biếng làm ta quên lệnh truyền thiêng liêng này, đồng thời cũng cầu nguyện và
thông cảm cho các linh mục thừa tác, họ là những con người yếu đuối, hèn mọn luôn
cần đến sự nâng đỡ và cảm thông của mọi người.
Xin
cho mỗi người cảm nhận được tình yêu và thấm nhuần bài học yêu thương phục vụ
Chúa dạy hôm nay, để nhờ theo bước Chúa trong những ngày thánh này, chúng ta
cũng dám sống và thực hành điều Chúa muốn chúng ta hôm nay : Hãy yêu như Thầy
đã yêu và hãy làm như Thầy đã làm cho anh em. Amen.
Lm. Giuse Đỗ
Đức Trí – Gp. Xuân Lộc