CHÚA NHẬT LỄ LÁ
GÓP PHẦN XÂY DỰNG VƯƠNG QUỐC TIN YÊU HẠNH PHÚC
HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 11,1-11:
(1) Khi Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem, gần làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ (2) và bảo: “Các anh đi
vào làng trước
mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh
tháo dây ra và đem nó về đây. (3) Và
nếu có ai bảo:
“Tại sao các anh làm
như vậy?” thì cứ nói là Chúa cần
đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay”.(4) Các ông ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền tháo dây lừa ra. (5) Mấy người đứng đó nói với các ông: “Các anh tháo lừa ra làm gì vậy?” (6) Hai ông trả lời như Đức Giê-su đã dặn. Và họ để mặc các ông. (7) Hai ông đem
con lừa
về cho Đức Giê-su, lấy áo
choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giê-su cỡi lên. (8) Nhiều người cũng trải áo họ xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. (9) Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò
vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! (10) Chúc tụng
triều đại
đang tới, triều đại vua Đa-vít tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!” (11) Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai.
2. Ý CHÍNH:
Phụng vụ Lễ Lá hôm nay
gồm hai phần: Rước Lá (x Mc 11,1-11) và Thánh
Lễ với
Tin Mừng về sự Thương Khó của Chúa Giêsu (Mc
14,1-15,47)
- Phần thứ I (Mc 11,1-11): Đức Giê-su vào thành
Giê-ru-sa-lem
với tư cách là Đấng Thiên Sai, được dân chúng đi theo và hoan hô như
đón mừng một ông Vua khải hoàn vào thành để lên làm vua. Nhưng Đức Giê-su không đáp ứng khát mong của dân Do Thái để làm vị Vua Thiên Sai mang tính trần thế, mà Người chọn thái độ hiền hòa của vị Vua
Mục Tử khi chọn ngồi trên lưng
lừa thay vì trên ngựa chiến.
- Phần thứ II (Mc 14,1-15,47): Đức Giê-su chính là Tôi Tớ đau khổ của
Đức Chúa.
Người đến không phải
để đòi người ta hầu
hạ, nhưng để hầu hạ người ta
thể hiện qua việc rửa chân cho môn đồ và chấp nhận đi
con đường “Qua đau khổ
thập giá để vào trong vinh quang phục
sinh”. Người còn thể hiện tình yêu tột đỉnh
khi lập phép Thánh Thể để ban Mình Máu Người làm lương
thực nuôi dưỡng Đức Tin của các tín hữu, và sẵn
sàng hy sinh tính mạng bằng việc chấp nhận
cái chết thập giá để đền tội
thay và sống lại để phục
hồi sự sống muôn đời
cho chúng
ta.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1: + Núi Ô-liu: hay
Núi Cây Dầu, nằm về phía Đông thành Giê-ru-sa-lem. Tại đây Đức Giê-su đã trải qua giờ phút hấp hối trước khi bị bắt (x. Mc 14, 26-50), và sau khi sống lại,
Người đã ban huấn lệnh cuối cùng trước khi lên trời cũng tại núi này (x.
Cv 1,12).
- C 2: + Một con lừa con chưa ai cỡi
bao giờ: Đức Giê-su dùng lừa con thay vì lừa mẹ.
Lừa con chưa bị ai cỡi, nên xứng đáng được
Đức Giê-su sử dụng
trong nghi thức khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem để lên làm Vua. Người cưỡi
lừa chứ không cưỡi ngựa để cho thấy Người là ông Vua hòa bình chứ không lên làm
vua bằng sự chinh chiến.
- C 3: + “Chúa” cần đến
nó: “Chúa” hay “Chúa thượng” (Ky-ri-os) và Đức Chúa (A-do-nai), là hai tước hiệu dành để kêu cầu Thiên Chúa và Đấng
Thiên Sai. Khi tự gán cho mình tước hiệu “Chúa Thượng” (x. Tv 110,1-7), Đức Giê-su muốn nói với người Do Thái rằng: Tuy là “Con Đa-vít”, Người
vẫn cao trọng hơn Đa-vít và có trước ông (x. Mt
22,43-45). Thánh Phao-lô cũng đã tuyên xưng: “Đức Giê-su là Chúa” (Rm 10,9). Tước
hiệu “Ky-ri-os” (“Chúa Thượng”), ám chỉ quyền tối cao của Đức Ki-tô ngang hàng với Thiên Chúa (x. Pl
2,10). +
Người sẽ gởi lại đây ngay”: Đức Giê-su đã liên lạc trước để mượn lừa của một người quen và
cho mật khẩu cho hai bên khi trao và nhận lừa. Người cũng hứa khi dùng lừa xong
sẽ mang trả lại.
- C 4-8: + Nhiều người trải áo họ xuống mặt đường...
Chặt nhành lá ngoài đồng mà rải: Bên Cận Đông, dân chúng thường trải áo hay chặt cành lá trải trên đường để tỏ lòng tôn kính Đức Vua hay vị tướng chiến thắng từ mặt trận trở về (x 2V 9,13). Ở đây, dân chúng đón
rước Đức Giê-su như một
ông Vua
Mê-si-a. Họ hy vọng Người đến để giải
phóng
dân tộc Do Thái khỏi
ách thống trị của đế
quốc Rô-ma.
- C 9-11: + Hoan hô!: hay
Ho-san-na. Chữ này bắt nguồn từ
chữ: Ho-si-a-nah” nghĩa là “Xin ban ơn
cứu độ” (x. Tv 118,25-26). Lời tung hô:
“Ho-san-na!”, nghĩa là “Hoan hô!” hay “vạn tuế!”. (Mt
21,9). +
Chúc tụng triều đại đang tới,
triều đại vua Đa-vít tổ phụ chúng ta: Vị Vua Thiên Sai mà dân chúng đang mong chờ là con cháu thuộc hoàng tộc Đa-vít, có sứ mạng tái lập vương quyền của Đa-vít. Chính vì quan niệm sai lầm như vậy,
nên không lạ gì khi mấy ngày sau, đám đông dân chúng lại vào hùa với bọn đầu mục Do Thái để đòi quan
tổng trấn Phi-la-tô tha Ba-ra-ba là kẻ cầm đầu
phiến quân và kết án tử hình cho Đức Giê-su, vì Người
không đáp ứng tiêu chuẩn Vua cầm quân chiến đấu với người Ro-ma như ý
họ muốn (x. Mc 15,9-14).
4. CÂU HỎI: 1)
Trong Tin Mừng đọc trước khi rước lá, Đức Giê-su đã làm gì để cho thấy Người là Đấng Thiên Sai, nhưng là vị vua mục
tử hiền lành? Còn dân Do thái lại đang trông
mong một Vua Thiên Sai như thế nào? 2) Bài
Thương Khó trong Thánh Lễ chứng
minh Đức Giê-su chính là Ngươi Tôi Tớ Đau Khổ Của
Đức Chúa qua những sự kiện gì? 3)
Tại sao Đức Giê-su lại
cưỡi lừa con thay
vì lừa mẹ khi khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem? 4) Khi dùng lừa khải hoàn vào thành, Đức Giê-su đã thực hiện lời tuyên sấm của vị Ngôn Sứ nào? 5)
Khi tự xưng là “Chúa” trong
câu nói “Thì cứ nói là Chúa cần đến nó”, Đức Giê-su muốn ám chỉ điều gì
về thân thế của Người? 6) Qua sự kiện hai môn đệ thấy mọi
việc xảy ra đúng như lời
Đức Giê-su đã nói trước cho thấy Người là ai? 7) Khi trải áo choàng xuống mặt
đường để đón rước Đức Giê-su, dân chúng thể hiện lòng tin thế nào về Người? 8) Hô-san-na
nghĩa là gì? 9) Tại sao dân chúng mới hoan hô Đức Giê-su bằng câu “chúc tụng triều đại vua Đa-vít”vào Chủ Nhật Lễ Lá, mà đến sáng Thứ Sáu lại đòi Phi-la-tô đóng đanh Người vào thập giá?
SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò
vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới,
triều đại vua Đa-vít tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời !”(Mc 11,9).
2. CÂU CHUYỆN: CHẤP NHẬN HY SINH VÌ DANH ĐỨC
GIÊ-SU.
Linh mục G. Par-ker, quản nhiệm
giáo xứ thánh Giu-se giáo phận Nor-wich ở Con-nec-ti-cut Hoa Kỳ, đã trả lại số
tiền 5.000 đô-la do nghị sĩ Chris-to-pher J.Dodd đã giúp đỡ trường học của giáo
xứ, để phản đối vị nghị sĩ Công giáo này, đã bỏ phiếu ủng hộ các dự luật về phá
thai. Cha Par-ker đã gọi số tiền Dodd ủng hộ ngôi trường của giáo xứ là "tiền
vấy máu các thai nhi vô tội" và không ngần ngại gọi ông nghị sĩ này là "Môn
đồ của Tử Thần". Việc làm của cha khiến nhiều người cảm kích, dân chúng khắp
nơi khi nghe biết đã gởi về giúp đỡ cho trường học của
giáo xứ số tiền lên tới 61.000 đôla. Nhiều tổ chức bênh vực sự sống và nhiều cơ quan truyền thông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ngài.
3. THẢO LUẬN: 1) Bạn đánh giá thế
nào về hành động của linh mục Par-ker trong câu chuyện trên? 2) Trong ngày Lễ
Lá hôm nay, Đức Giê-su đã khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem như một
ông vua thế nào? 3) Để góp phần kiến tạo Vương Quốc
Yêu thương hạnh phúc, chúng ta phải làm gì cụ thể để đẩy lùi giặc
nghèo đói, lạc hậu, bất công, dối trá, vô cảm, bất
nhân... Cụ thể là xua trừ các tệ nạn sì-ke ma túy, cờ bạc, rượu chè, đĩ điếm, cướp giật... ra khỏi môi trường ta đang sống?
4. SUY NIỆM:
Phụng vụ Chúa nhật Lễ Lá hôm
nay là sự khởi đầu của Tuần Thánh. Sau khi diễn lại việc Đức Giê-su khải hoàn
vào thành Giê-ru-sa-lem, chúng ta sẽ cùng bước theo Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó của
Người tại thành Giê-ru-sa-lem:
1) ĐỨC GIÊ-SU KHẢI HOÀN VÀO THÀNH NHƯ MỘT VỊ VUA THIÊN SAI:
Qua việc khải hoàn vào
thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đã thực hiện lời tiên báo của ngôn sứ Gia-ca-ri-a về Đấng Mê-si-a cỡi lừa tiến vào Giê-ru-sa-lem. Điều này cho thấy Người chính là Đấng Mê-si-a
Thiên Sai được các ngôn sứ tiên báo sẽ đến. Vào thời
bấy giờ, nhiều người Do Thái đang trông mong Đấng
Thiên Sai đến thiết lập một Vương Quốc
giống như thời vua Đa-vít và Sa-lô-môn thời xưa, bằng
việc lãnh đạo dân Do Thái đứng lên đánh đuổi quân Rô-ma ngoại xâm ra khỏi bờ cõi đất nước.
Nhưng khi khải
hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem trên lừa con thay vì trên
mình ngựa chiến, Đức Giê-su lại cho thấy Người
là Vua
Mê-si-a hòa bình, đến để thiết lập một Vương
Quốc Yêu
Thương Hạnh Phúc.
2) ĐẶC ĐIỂM CỦA VUA THIÊN SAI GIÊ-SU:
- Là Người Tôi Tớ Đau Khổ
của Thiên Chúa: Người đến như
một
Tôi Tớ khiêm hạ sẵn sàng gánh lấy bệnh tật tội lỗi của loài người, cam chịu nhục
hình đau khổ để đền tội cho loài người như
ngôn sứ
I-sai-a đã tuyên sấm (x. Is 53,2-12). Đức Giê-su chấp nhận con
đường “Qua đau khổ thập
giá để vào trong
vinh quang phục sinh” (x. Lc 24,26).
- Là Vua Mục Tử Tốt Lành:
Người không đòi được hầu hạ,
nhưng để
phục vụ chăn dắt và sẵn sàng thí mạng để bảo vệ đàn chiên (x. Mt 20,28), cụ
thể qua việc Người quỳ gối rửa chân cho môn đồ và sẵn
sàng chịu chết để chiên được sống đời đời (x. Ga 10,11).
- Là Vua xây dựng Hòa Bình:
Khi khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su ngồi trên con lừa biểu tượng
hòa bình, thay vì ngồi trên ngựa chiến (x. Mc 11,7-10). Điều đó cho thấy sứ mạng
của Người không phải để chinh chiến giải phóng về mặt chính trị như các
đầu mục dân Do Thái trông mong, nhưng để thiết lập một Vương Quốc
Hòa Bình, trong đó mọi người yêu thương nhẫn nhịn tha thứ
cho nhau và giúp nhau ngày càng nên hoàn thiện.
- Là Vua Tình Yêu: Người đến
để thiết lập một Vương Quốc Tin Yêu, trong đó mọi
người đều là con của một Cha Chung là Thiên Chúa, đều là môn đệ của một Tôn Sư tối
cao, đều đi theo một Thủ Lãnh duy nhất trên đường về nhà Cha là Đạo Công Giáo
(x. Mt 23,8-10). Người còn thể hiện tình yêu tột đỉnh
khi lập phép Thánh Thể để ban Mình Máu Người làm lương thực nuôi dưỡng đức tin
của các tín hữu, và sẵn sàng hy sinh tính mạng, chịu chết đau thương trên cây
thập giá để đền tội thay và sống lại để phục
hồi sự sống đời đời
cho những
ai tin vào Người.
- Là Vua đến cho chiên được
sống dồi dào: Để kiến tạo Nước Trời hay Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su đã đề ra một
bản Hiến Chương gọi là Tám Mối Phúc, để mời gọi mọi người gia nhập
vào Nước ấy (Mt 5,1-12). Để được gia nhập Nước Trời là Hội Thánh hôm nay và
Thiên Đàng mai sau, chúng ta cần sống tinh thần Tám Mối Phúc Thật như sau: Có tinh thần nghèo khó, hiền lành, bị đau buồn khóc lóc,
khao khát nhân đức trọn lành, biết thương xót người khác, có lòng
trong sạch, sẵn sàng chịu bách hại vì đức tin.
- Là Vua Thẩm Phán xét xử
công minh: Đức Giê-su nêu gương tin yêu Chúa Cha
và dạy các môn đệ thực thi tình yêu cụ thể đối với tha nhân. Đến ngày tận thế, Người
sẽ tái lâm để làm Vua Thẩm Phán xét xử mọi người tùy theo các việc chia sẻ bác
ái cụ thể họ đã làm hay không làm đối với những người nghèo đói, bệnh tật và bị
bỏ rơi… là hiện thân của Người (x. Mt 25,34-40).
3) CON ĐƯỜNG THƯƠNG KHÓ CỦA
VUA GIÊ-SU:
Chỉ có một con đường duy
nhất đưa chúng ta lên trời là đường Giê-su như Người
đã khẳng định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến
với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Con đường của Đức Giê-su chọn theo
thánh ý Thiên Chúa là đường hẹp, leo dốc và ít người muốn đi, là Đường Thánh
Giá như lời Chúa Giê-su phán: “Con Người phải chịu đau khổ
nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư
loại
bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại” (Mc 8,31).
Đức Giê-su đã chấp nhận đau khổ để cho nhân loại được
hạnh phúc, chấp nhận chịu chết để mọi người chúng ta được sống đời đời. Vì thế,
đối với Đức Giê-su: đau khổ và chết cho người mình yêu là cách tuyệt hảo nhất
để biểu lộ tình yêu tột đỉnh: «Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương
của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình» (Ga 15,13). Thiết tưởng
người Ki-tô hữu cần sử dụng thường xuyên cách biểu lộ tình yêu tuyệt hảo này
trong cuộc sống đời thường của mình như lời Chúa dạy: «Anh em hãy yêu thương
nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 15,12). Yêu thương trước hết là yêu người
thân của mình như cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè… Tiếp đến yêu thương hết
mọi người, kể cả những kẻ thù ghét bách hại chúng ta (x. Mt 5,44). Yêu thương cụ
thể là năng nghĩ đến người yêu và làm vui lòng họ, sẵn sàng chia sẻ những gì
mình có, hy sinh chịu thiệt cho người yêu được hạnh phúc…
4) TÍCH CỰC GÓP PHẦN XÂY DỰNG VƯƠNG QUỐC TIN YÊU HẠNH PHÚC:
Mỗi tín hữu chúng ta cần tích
cực xây dựng Nước Trời là Hội Thánh ở trần gian bằng việc năng tham dự các nghi
lễ phụng vụ, các cuộc ngắm nguyện, đi đàng thánh giá chung cộng đoàn… Tiếp đến, chúng ta cần xây dựng Vương Quốc
yêu thương của Chúa bằng việc sống Tám Mối Phúc, nhất là thực
hành bác ái yêu thương cụ thể là phục vụ Đức
Giê-su bị bỏ rơi trên cây thập giá, hiện thân qua những
người nghèo đói, bệnh tật và bị bỏ rơi. Đây là điều kiện
để trong ngày tận thế Vua Thẩm Phán Giê-su sẽ đón nhận chúng ta vào Vương Quốc
Thiên Đàng đời sau.
Để nên giống Đức Giê-su, mỗi
ngày mỗi người chúng ta cần động viên nhau chiến đấu với ba thù là ma quỷ, thế
gian và xác thịt mình. Cụ thể là chiến đấu chống lại các sự gian ác, nghèo đói,
bất công và thù hận trong xã hội; Tránh kết án và loại trừ lẫn nhau, nhưng sẵn
sàng tha thứ những xúc phạm của tha nhân và an ủi những người đau khổ bất hạnh
để làm chứng cho Đức Giê-su, hầu Vương Quốc Hội Thánh ngày
một lan rộng đến tận cùng thế giới như lời Chúa dạy.
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong
ngày Lễ Lá hôm nay, Chúa đã chọn ngồi trên lưng lừa
thay vì trên mình ngựa chiến để khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem. Qua đó Chúa muốn biểu lộ sứ mạng
của Chúa là đến thiết lập một Triều Đại Thiên Sai hòa bình. Chúa
đến không phải để thống trị, nhưng
để phục vụ; để ban bình
an và chia sẻ vui buồn với loài người chúng con. Xin cho chúng con luôn biết quên mình để nghĩ đến người khác, biết cư xử bao dung hiền hòa với tha nhân, cho
chúng con biết nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân và tha
thứ vô điều kiện cho những xúc phạm của
kẻ khác đối với chúng con... để chúng con xứng đáng là con ngoan của Chúa
Cha, nên môn đệ đích thực của Chúa và
nên anh chị em của mọi người trong Vương Quốc
Hòa Bình của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH-HHTM