Suy Niệm Tin
Mừng Thứ Ba Tuần V Mùa Chay
SỰ
HỢP LÝ VÀ ĐỨC TIN
Lời Chúa: Ga 8, 21-30
21 Đức Giê-su lại nói với
họ: “Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi
tôi đi, các ông không thể đến được.” 22 Người Do-thái mới nói : “Ông ấy sẽ tự tử
hay sao mà lại nói : ‘Nơi tôi đi, các ông không thể đến được’ ?” 23 Người bảo họ
: “Các ông bởi hạ giới ; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế
gian này ; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. 24 Tôi đã nói với các ông
là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi
Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” 25 Họ liền hỏi Người : “Ông là
ai ?” Đức Giê-su đáp : “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. 26 Tôi
còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng
chân thật ; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người
nói.” 27 Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha. 28 Người bảo họ :
“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu,
và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế
nào, thì tôi nói như vậy. 29 Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi ; Người không để tôi
cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” 30 Khi Đức Giê-su nói thế, thì
có nhiều kẻ tin vào Người.
SUY NIỆM:
Bài
Tin Mừng hôm nay nằm trong bố cục Ga 8,13-30, nói về cuộc tranh luận của Đức
Giêsu với những người Pha-ri-sêu trong đền thờ, về bản thân Đức Giêsu. Cuộc
tranh luận này diễn ra, sau khi các kinh sư và những người Pha-ri-sêu nghe dân
chúng bàn tán về nguồn gốc của Đức Giêsu Kitô. (x. Ga 7, 25-30; 7, 40-52).
Trong
bài Tin Mừng mừng hôm nay chúng ta bắt gặp thái độ của hai typ người, một typ
người luôn đòi tính hợp lý của khả giác; còn typ người kia vượt lên tính hợp lý
để đón nhận chiều kích huyền nhiệm của niềm tin. Quả vậy:
Con người luôn tìm sự hợp
lý
Trong
tương giao, con người thường hay bày tỏ “điều này thì hợp lý, rất khoa học”, còn
“điều kia thì phi lý quá, không hợp logic tí nào”. Khi phán đoán như thế, họ
đang dựa vào những kinh nghiệm khả giác, những gì mà họ có thể cân - đo - đong
- đếm và thực nghiệm được; và như thế họ cho là xác thực, là khả tín.
Cũng
thế, trong tin mừng hôm nay người Do-thái nói với nhau: “Ông ấy sẽ tự tử hay
sao mà lại nói: ‘Nơi tôi đi, các ông không thể đến được’?”(c.22). Nơi tôi đi,
các ông không thể đến được. Ông này quả là bất thường, khó hiểu; chúng tôi và
ông chẳng phải đang đứng với nhau sao, có nơi nào ông đi tới được mà chúng tôi
không thể đến chứ? Chúng tôi cũng có chân tay, cũng có khối óc như ông vậy sao
mà không đi được?! À, chỉ trừ khi ông đi chết, đi tự vẫn thì chúng tôi mới
không đến được thôi, bởi lẽ chúng tôi đâu ngu xuẩn đến độ phải tự vẫn. Họ suy
nghĩ thật hợp lý, và nếu chúng ta có ở đó, thì hẳn chúng ta cũng sẽ đứng về
phía họ, vì lẽ , con người luôn dùng sự hiểu biết của mình làm thước đo cho mọi
sự, cái gì nằm ngoài trí hiểu, không hợp logic thì cái ấy là phi lý, không thể
chấp nhận được.
Quả
thế, Đức Giêsu nói về Nước Trời, về sự hằng hữu, về những thực tại siêu việt;
Ngài nói về những điều mà họ chưa một lần kinh nghiệm tới, thì họ làm sao có thể
chấp nhận được; làm sao có thể nghe lọt tai được, khi mà họ không thể kiểm chứng
bằng trí hiểu của mình. Chính vì thế mà họ đã vấp ngã, họ không thể chấp nhận một
Đấng Mê-si-a, một con người tầm thường làm nghề thợ mộc vốn họ biết rõ về gia cảnh.
Trong
niềm tin của mỗi chúng ta cũng vậy, ta hay tìm cho mình một sự hợp lý, hợp với
trí hiểu của mình; mà đôi lúc bỏ qua những cảm thức ân sủng gợn sóng nơi lương
tri, tâm khảm mình. Và thế là, chúng ta dễ dàng chối bỏ mầu nhiệm Nước trời, tệ
hơn nữa coi những suy nghĩ ấy là mê tín, là ảo tưởng cần loại trừ.
Và trên sự hợp lý là niềm
tin
Sự
khôn ngoan là một ân ban đặc biệt từ Thiên Chúa, khi Ngài phú bẩm cho con người
trí khôn và sự tự do vượt trên hết mọi thụ tạo khác. Tuy nhiên, trí hiểu của
con người thì nhỏ bé không thể thấu đạt hết chân lý. Ý thức điều đó, con người
dễ dàng có mối tương giao huyền nhiệm với thực tại siêu nhiên, điều mà trí hiểu
của mình không thể thấu đạy hay lý giải được. Đây là thái độ của týp người thứ
hai.
Họ
đứng trước một con người, mà trong mắt họ thật vĩ đại, người có thể làm bao việc
thiện hảo tốt lành cho người khác khi chữa bệnh, trừ quỷ và cho cả kẻ chết sống
lại. Một con người đang nói với họ về một thực tại mà họ chưa thể thấu cảm,
nhưng trong sự khát khao mong đợi Đấng Ki-tô, họ tin rằng Thiên Chúa có thể làm
được mọi sự nơi Người. Chính lẽ đó, khi họ nghe Đức Giêsu nói: “Các ông bởi hạ
giới ; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này ; còn tôi,
tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội
lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ
mang tội lỗi mình mà chết.” (c.23-24) và họ đã tin (x.c 30). Đức tin là thế, đó
là thái độ khiêm tốn hạ mình xuống trước thực tại siêu nhiên mà lý trí con người
không thể hiểu thấu được. Điều chúng ta không hiểu, điều chúng ta không thể kiểm
chứng bằng trí hiểu thì không hẵn rằng điều ấy là phi lý, là không chân thực.
Chính nhờ thái độ này, Thần Khí Thiên Chúa sẽ đỗ tràn hồng ân trên tâm hồn ta,
để cõi lòng được rộng mở và mặc khải chân lý sáng dần lên nơi tâm hồn mình.
Niềm tin họ được cũng cố
Đọc thật chậm, thật từ tốn chúng ta sẽ bị đánh
động bởi điều này “Người bảo họ: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ
các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì,
nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy”.
Đúng
là như vậy, “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Tôi
Hằng Hữu”. Một xác quyết chân thật, điều mà từ miệng tên đại đội trước thốt lên
dưới chân thập giá Đức Kitô rằng: “Quả thật, người này đích thực là Con Thiên
Chúa” (x. Mc 15,39). Một xác tín của người ngoại bang, một con người vốn không
tin vào Đấng cứu độ của dân Do Thái, càng thêm lòng tin kiên vững cho mỗi người
Ki-tô hữu chúng ta. Điều mà trong cựu ước, ở bài đọc sách Dân Số hôm nay, Mô-sê
đã làm như một biểu tượng tiên báo về Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa trong tân ước.
Con rắn đồng được treo lên, để hễ ai nhìn lên
nó thì được chữa lành, được sống.
Thập
giá Đức Kitô mà chúng ta chiêm ngắm hằng ngày trở thành một biểu tượng của ơn cứu
độ như thế. Đó là hình ảnh của sự phục sinh, của niềm khao khát về cuộc sống
mai hậu vốn vĩnh hằng mà ta tin tưởng tín thác khi chiêm ngắm Thập giá Đức
Kitô.
Cầu nguyện
Lạy
Chúa, từ thái độ của lý trí chúng con luôn tìm cho mình những giải thích hợp lý
trong cuộc sống; xin ban Thánh Thần của ngài cho mỗi chúng con, để nhờ đó chúng
ta biết thực tại hữu hạn của mình mà khiêm tốn tin tưởng đón nhận hồng ân siêu
việt của Chúa.
Nhất
là trong những ngày còn lại ngắn ngủi của Mùa chay này, chúng con biết khiêm tốn
dọn lòng mình và chuẩn bị tâm hồn chiêm ngắm Thập Giá Cứu Độ của Chúa với cả
lòng yêu mến, tín thác và tin tưởng nơi sự phục sinh mà Chúa dành cho mỗi chúng
con. Amen.
Xuân Hạ, OMI