THÁNH GIUSE
– GIA TRƯỞNG HAY TU VIỆN TRƯỞNG
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã hơn
một lần được nghe nói về thánh Giuse, được chiêm ngưỡng thánh Giuse qua các bức
hoạ và truyện tích, để rồi một lần nào đó trong đời cũng tỏ lòng ngưỡng mộ tôn
kính Ngài. Điều đó thật là công bình và chính đáng, vì không phải chỉ có chúng
ta mà cả Giáo Hội, qua các triều đại Giáo Hoàng với bao văn kiện viết về Ngài,
và hầu hết các Dòng Tu đều đặc biệt tôn kính Ngài. Mối tương quan nào đã đặt
Ngài vào một địa vị vinh dự như thế, phải chăng vì Ngài đã đi vào tận căn của
đời dâng hiến, sống đời thánh hiến cách triệt để và đã trở thành nhà mô phạm
tuyệt vời cho mỗi người sống đời hiến dâng?
Nhắc đến thánh Giuse, người ta liên
tưởng đến mái nhà Nazareth, nơi đó Thánh Giuse đã giữ vai trò nào, chức vụ gì,
gia trưởng hay tu viện trưởng? Thiết nghĩ, cả hai vai trò đó, Thánh Nhân đã làm
rất tốt nên đã được người muôn đời và trong mọi hoàn cảnh đều ngưỡng mộ. Với
cương vị là Cha của Chúa Giê su và là Bạn của Đức Maria, thánh Giuse quả là mẫu
người gia trưởng tuyệt vời, là cột trụ vững chắc để bảo vệ và nâng đỡ gia đình
qua từng sóng gió và mọi cảnh huống, cách khôn ngoan, bình tĩnh và sáng suốt ;
rồi với cương vị là tu viện trưởng, Ngài đã hân hạnh tiếp đón hai Đấng chân tu
vào viện tu của mình, để rồi cùng với các thành phần trong tu viện thi đua thực
hành các lời khuyên Phúc Âm.
Vì thế, giờ đây, chúng ta cùng chắp vá
những góp nhặt, những mảnh vụn suy tư, để vẽ vài nét nguệch ngoạc nhưng đầy
cung kính về người Cha kính yêu của mình qua bức hoạ: Thánh Giuse trong tương
quan với ba lời khấn.
1. Thánh Giuse với
lời Khấn trinh khiết
Nhìn các bức họa về các Thánh nhân, các
hoạ sĩ đã khéo léo cho chúng ta thấy mỗi vị mỗi vẻ, mà mỗi vẻ ấy lại là những
gì rất gắn bó, rất gần gũi trong đời thường của các Ngài, hay có thể nói, chính
qua chúng mà các Ngài đã khôn ngoan cộng tác với Ơn Chúa để biến chúng thành
công cụ đưa các Ngài đến đỉnh cao danh vọng trong Nước Trời. Chúng ta hãy cùng
chiêm ngắm một vài vị tiêu biểu như thánh Phêrô với chùm chìa khoá, thánh
Phaolo với thanh gươm, thánh Martino với cây chổi, thánh Vincent với ngọn lửa
đỏ trên đầu, thánh Thérèsé với bó hồng ngào ngạt hương sắc… Thế còn Thánh
Giuse, không ai có thể lẫn lộn Ngài – một bông huệ trắng ngần. Phải chăng đó là
nét thanh cao của một tâm hồn dâng hiến?
Quả thật, nhìn vào bông huệ nơi tay
thánh Giuse, thật đẹp, thật nhẹ nhàng, nhưng quả thật nó được mang cả một đời
với bao trăn trở trĩu nặng. Bông huệ đó gợi cho chúng ta về việc chính Thiên
Chúa kén chọn Ngài để rồi đưa Ngài đi trong “huyền nhiệm của bông huệ trắng”
ấy. Quả là “giữa muôn vàn nam giới, Chúa đã tuyển chọn Người”. Và để “mô phóng”
được thực hiện, Thiên Chúa đã mất bao công sức đưa dẫn con người tiệm tiến bước
vào hành trình Đức Tin. Những hình ảnh đi trước của các tổ phụ và các vua, đặc
biệt là Giuse con Ong Giacop bị bán làm tôi bên Ai cập, rồi trải qua bao thăng
trầm mới được đặt làm tể tướng coi sóc toàn bộ sản nghiệp của Aicập, đã tô đậm
nét một chân dung mới; để khi thời đã điểm, giờ đã tới, Thiên Chúa thi hành
điều Người đã dự định, là nhờ Thánh Giuse thay Người coi sóc và gìn giữ hai kho
báu Nước Trời là Chúa tể trời đất và Mẹ Người. Thật là một địa vị không ai dám
mơ ước, ngay cả các tổ phụ chỉ dám ước được ngóng xa xa ( Môsê)… thế mà Giuse,
một vinh dự không ai sánh bì. Nhưng thiết tưởng, vinh quang không đau khổ chỉ
là vinh quang hão, thập giá vác không đau chỉ là thập giá bùn… vì vậy, để xứng
đáng với sự chọn lựa ấy, Thánh nhân đã phải trả một giá rất đắt, đánh đổi cả
một đời người. Cuộc sống âm thầm khiêm tốn của Ngài mà Kinh Thánh để lại cho
chúng ta, chỉ vỏn vẹn có mấy câu, nhưng cũng đủ cho thấy sự giằng co của một
tâm hồn muốn sống thanh khiết và công chính.
Theo Cha Azevedo “ khiết tịnh là Đức
Ai, là yêu thương”( xx.“ Tu sĩ với Ba lời Khấn” ), đó là một sự dâng hiến trọn
vẹn cho Thiên Chúa, được Thiên Chúa chiếm hữu để rồi tỏ lộ qua cuộc sống của
người dâng hiến dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Một tình yêu được lãnh nhận
nhưng không, rồi lại được mời gọi phân phát vô vị lợi… có lẽ phần nào
giúp ta hiểu đức khiết tịnh của Thánh Giuse. Vì yêu Ngài đã dành phần thiệt về
mình, lặng lẽ rút lui trước sự thật quá hiển nhiên về cái bào thai mà người vợ
đính ước của mình đang mang nặng, mà không một lời than trách hay hạch hỏi.
Theo Luật Dothái thời xưa, việc đính
hôn không những đặt ra nghĩa vụ ràng buộc đôi bên phải đi đến hôn nhân, mà còn
mang nghĩa vụ chung thuỷ với nhau nữa. Luật pháp coi hai người đính hôn như là
vợ, là chồng. Vì thế, ngoại tình được coi như tội phạm ngay từ lúc đính hôn,
chứ không phải từ lúc thành hôn. Đàng khác, trong thời gian đính hôn, luật pháp
cũng dự trù hai thủ tục để ly dị : một mang tính công khai, khi người chồng tố
cáo vợ ngoại tình, và như vậy, bà phải chịu những hình phạt dành cho tội ngoại
tình (x. Ga 8, 5); thủ tục thứ hai mang tính riêng tư, trước mặt hai nhân
chứng, ông trao cho bà tờ tuyên bố từ hôn… ( theo “thánh Giuse trong cuộc đời
Chúa Kytô và Hội Thánh”, Lm Phan Tấn Thành, Rôma 2007, trang 21). Như vậy,
Thánh Giuse đã chọn giải pháp thứ hai để thi hành. Bởi lẽ, dưới ngòi bút của
Thánh Mathu, Thánh nhân cho ta thấy phần nào Thánh Giuse hiểu được điều gì đang
xảy ra với người vợ đính ước của mình, rằng bào thai đó là do Chúa Thánh Thần :
“ … trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh
Thần”(Mt 1, 18b ) Theo suy luận của các Giáo phụ mà đại diện như
thánh Giêrônimô, thánh Bênađô và thánh Tôma Aquinô thời Trung Cổ, thì cho rằng
Thánh Giuse đã biết nguyên nhân khác thường của việc cưu mang của Đức Maria,
một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu của Đức Maria cũng như của Thánh Giuse…” (sđd,
trang 22 ), vì thế Ngài tính chuyện âm thầm rút lui. (x. Mt 1, 19 )
Kinh Thánh Cựu ước còn quan niệm “
người công chính là người đi đứng rập khuôn theo mọi điều răn giới luật của
Chúa, vô phương trách cứ về bất cứ điều gì… trong mọi sự không có gì có thể chê
trách” (x. Kn 10, 4 – 20). Hơn nữa, theo các nhà chú giải Kinh Thánh, thì công
chính là trả lại cho người cái không phải là của mình. Vì thế, khi chọn giải
pháp rút lui, không những Thánh nhân vừa tuân hành luật pháp, vừa tôn trọng
Maria, mà còn tiến xa hơn, là Thánh nhân không dám chiếm hữu người con không
phải là của mình, khi đã biết là do Chúa Thánh Thần. Điều này làm ta dễ hiều
hơn khi chiêm ngắm con người đối diện với Thiên Chúa như Môsê trong bụi gai rực
lửa (x Xh 3, 5), hay như Phêrô trước mẻ cá lạ lùng (x. Lc 5, 8 ).
Nhưng để đi đến quyết định này, thánh
Giuse đã phải trải qua những giờ trằn trọc, những đêm băn khoăn để tìm cho được
chọn lựa đúng, hướng đi đúng, nên dù đã quyết định bỏ trốn, tâm hồn Thánh nhân
vẫn luôn muốn biết việc mình làm có được chuẩn nhận, có “vẹn cả đôi đường”
không??? Vì thế, khi vừa nghe Sứ Thần mời gọi “hãy đón Maria về…”, Giuse lập
tức thi hành mà không một lời tranh cãi thiệt hơn. Một lần nữa, Ngài chấp nhận
Thánh Ý trong tin tưởng phó thác hoàn toàn. Yêu và yêu cho đến cùng, đã giúp
Thánh nhân tô đậm hơn nữa nét đẹp của người công chính và tinh thần của lời
khấn khiết tịnh, bởi càng biểu lộ tình yêu thì càng chứng tỏ sự công chính
thanh khiết của mình, và ngược lại, càng sống đúng thanh khiết, tình yêu cho đi
càng tràn đầy và vô vị lợi.
Quả là một tình yêu siêu vời, với hương
thơm ngào ngạt của bông huệ, Thánh nhân đã làm say ngất lòng người và quyến rũ
bao người ở mọi thời khao khát chiêm ngắm và đi theo.
2. Thánh Giuse với
lời Khấn khó nghèo
Nazareth, Galile, thật là những địa
danh nghèo hèn, ít ai nghĩ tới và nghĩ tốt về nó. Theo bước chân Philip, khi
ông vừa gặp được Đấng Mesia, ông vội đi tìm bạn mình là Nathanael để chia sẻ
cho bạn niềm vui mà mình vừa có được. Nhưng ông đã được bạn mình đáp lại niềm
vui đó bằng câu nói như những người đương thời khi biết nơi xuất phát của Đấng
Mésia : “tự Nazareth thì có cái gì hay đâu…” (x. Ga 1, 46tt ).
Nathanael đó - một người được Đấng Mesia gọi là công chính, không có gì quanh
quéo mà lại có tư tưởng như thế, thì thử hỏi những người khác ra sao? Rồi chính
các đầu mục Do thái cũng đã từng xung khắc với nhau về nơi xuất thân của Đấng
Mesia (x. Ga 7, 41b.52)… Thế mà thánh Giuse được gắn kết rất mật
thiết ở nơi ấy, với cái lí lịch “người thợ thành Nazareth”. Tên đó không chỉ
gắn kết với thánh Giuse mà còn ưu ái theo Chúa Giê su trong suốt những năm họat
động sau này. Vì thế khi đánh giá Chúa Giê su về những việc phi thường Người đã
làm, người Do thái như muốn gạt đi quê hương gốc gác của Chúa, hoặc giả nếu là
người xuất phát từ nơi đó thì không thể có những hành động như thế, và đó là lí
do họ vấp ngã, không tin vào Người (x. Mt 13, 53-58)
Tuy vậy, đó mới chỉ là cái nghèo sở
hữu, còn cái nghèo quyết định, cái nghèo sẽ đưa con người đến chỗ làm con Thiên
Chúa, được hưởng chính sản nghiệp của Chúa như chính Chúa đã hứa “phúc cho ai
có tâm hồn nghèo khó…”, đó chính là cái nghèo hiện hữu, cái nghèo của việc hoá
mình ra không(x. Pl 2, 6-8), cho tha nhân trở nên giàu có (x. 2 Cr 8,9 ). Và chiều
sâu của sự khó nghèo được bày tỏ trong việc dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha tất
cả những gì thuộc về Người, để chỉ lo thi hành Thánh Ý Người.
Ta không nên lẫn lộn giữa người tự
nguyện nghèo và người an phận vì không thể làm gì khác hơn, hay không thể đạt
được điều mơ ước như danh vọng, địa vị, tiền tài… nên đành chấp nhận nghèo khó.
Nơi thánh Giuse, chắc Ngài đã khám phá ra nét đẹp của đời nghèo khó, được Thiên
Chúa ưu ái và lưu tâm đặc biệt, nên Ngài đã an tâm, vui sống trong địa vị Chúa
đã đặt. Bởi khi được chọn thay quyền Chúa làm Cha nuôi của Chúa Giêsu, Ngài
không đòi cho được phải giàu sang với một địa vị xứng đáng, tốt đẹp hơn tình
trạng hiện có; nhưng là với tất cả lòng yêu mến, tin tưởng và phó thác, Ngài
chấp nhận tất cả dự phóng mà Thiên Chúa định liệu và an vui để Cha trên trời
dẫn dắt. Rồi khi để Con Thiên Chúa sinh ra giữa đồng không mông quạnh, thánh
Giuse cũng đã lột tả tất cả cuộc đời và sự nghèo khó của mình, nghèo đến độ
không có người thân, không ai thèm tiếp đón dù về chính quê quán của mình(x. Lc
2, 7b ). Và khi lao động như một người nghèo, Ngài tránh xa mọi miễn
trừ, ngay cả trong việc thi hành luật, không phải vì là Con Thiên Chúa thì cũng
không cần phải tuân theo Luật tổ tiên truyền lại để tỏ lòng tuân phục Thiên
Chúa(x. Xh 13, 2.12.15), nhưng trái lại, Ngài đã vui lòng để Giê su – Con Thiên
Chúa và Mẹ Người dâng của lễ của người nghèo cho Thiên Chúa(x. Lv 12,8 ), còn
mình với tất cả lòng thành kính đi theo (x. Lc 2, 22- 24).
Vì thế, khi chiêm ngắm cuộc đời của
Thánh Giuse, có lẽ khó có ai dám phủ nhận sự nghèo khó của Thánh nhân, không
phải chỉ ở việc sở hữu những của cải vật chất mà còn ở sự hiện hữu của mình, ý
thức thân phận mình – một thụ tạo trước Đấng tạo hoá, nên Ngài đã buông mình
cho sự an bài và dẫn dắt khôn ngoan của Thiên Chúa, để chỉ lo nghĩ – tìm và làm
đẹp lòng Thiên Chúa mà thôi.
Lời của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo
II khi nói về những người sống đời Thánh Hiến, trong Tông huấn Đời sống Thánh
hiến số 18 viết : “ai đã để cho Chúa chiếm hữu, thì chỉ có thể từ bỏ mọi sự và
bước theo Người” (x. Mc 1, 16-20; 2, 14; 10, 21), cũng có thể nói về thánh
Giuse, một khi Thánh nhân đã hết lòng tin tưởng bước theo tiếng gọi yêu thương
của Cha trên trời, như một lời tuyên xưng Thiên Chúa là gia nghiệp duy nhất.
Sống nghèo như thế, Thánh nhân đã tiến tới chân lý Thiên Chúa hứa ban và mặc
khải cho những tâm hồn đơn sơ bé nhỏ ( xx. Lc 10, 21).
3. Thánh Giuse với
lời Khấn vâng phục
“Từ ngàn xưa Cha đã yêu con, Cha gọi
con giữa muôn người, Cha đã đặt vào tim con một sự nhớ nhung Thượng đế, nên hồn
con luôn khắc khoải tìm về nương bóng bên Cha… và giờ đây, con hân hoan hiến
trọn đời con làm của lễ toàn thiêu dâng tiến Cha, và con xin thưa rằng “lạy
Cha, này con xin đến để thi hành ý Cha”.” (x. Dt 10,5). Vâng nếu ở thời đại
chúng ta, có lẽ thánh Giuse sẽ hân hoan biết mấy để long trọng tuyên hứa suốt
đời thuộc trọn về Chúa, bởi như chúng ta biết trong Kinh Thánh, nguồn mạc khải
được linh ứng, thì thánh sử Mathêu đã phác hoạ cho chúng ta chân dung Cha nuôi
Chúa Giêsu khá rõ nét, nhưng đơn sơ mộc mạc trong mấy câu ngắn gọn, và do đó ta
có thể thấy sự trọn lành tuyệt vời khi thi hành Ý Cha trong từng biến cố lớn
nhỏ. Ngài luôn thao thức, băn khoăn tìm về Thiên Ý, không chỉ trong lúc đứng -
khi ngồi, mà còn cả trong khi ngủ - lúc chiêm bao. Và khi dùng kiểu nói đêm
tối, ngôn ngữ Kinh Thánh thường cho phép chúng ta hình dung đó là giờ của ma
quỉ, của quyền lực tử thần. Thế mà ở nơi thánh Giuse, ta thường thấy dường như
Ngài phải luôn dò dẫm trong đêm tối cô đơn, một mình với tìm kiếm. Giữa đêm tối
ấy, Ngài phải chống chọi với tất cả thế lực sự dữ của ý riêng, khó khăn của lề
luật, đam mê của tính xác thịt… để tìm cho được con đường phải đi, việc phải
làm, thì không thể nói là dễ chút nào. Một người công chính sống bởi Đức Tin,
với luật Chúa là đèn soi chân bước, thế mà Ngài vẫn trăn trở, Ngài nghi ngờ
luật Chúa chăng? Nếu thực sự Ngài nghi ngờ, thì làm sao Ngài được kể là người
công chính, và hơn nữa những lo lắng nghi ngờ ấy có nguy cơ bóp chết tiếng nói
của Thiên Chúa khi Thiên Chúa lên tiếng, bởi không quen nghe tiếng Chúa nói thì
làm sao nhận ra được âm điệu của Ngài (x. Ga 10, 27). Vả lại, nếu vẫn tiếp tục
nghi ngờ, thì dù có nhận được ý Chúa thì làm sao dám thi hành cách mau mắn khi
không biết trước những gì sẽ xảy ra trong tương lai trước quyết định đó, và sức
mạnh nào có thể giúp giải toả những áp lực đang đè nặng và luôn bủa vây??? Ơ
nơi thánh Giuse, việc nhận ra Thánh Ý thật mau mắn và cùng lúc với việc thi
hành, ta chỉ có thể cho đó là do lòng tin tưởng phó thác hoàn toàn của người
con, đặt trọn vẹn vào tay Cha giàu lòng từ ái, nên trong khi mình dự định rút
lui, thì Ý Chúa lại bảo Thánh nhân tiến tới - rước Bạn mình về; rồi khi bồng
Con và Mẹ Người đi lánh nạn giữa đêm khuya, hay khi đưa Con Trẻ và Mẹ Người trở
về, Thánh nhân cũng rất sáng suốt nhận định lời mời gọi cộng tác của Thiên Chúa
(x. Mt 2, 13 – 23), ta có cảm giác Ngài như người nô bộc thật trung thành và
cần mẫn, khôn ngoan và thận trọng để thi hành ý chủ, một sự vâng phục không mâu
thuẫn với tự do, và mầu nhiệm đức vâng phục là một con đường dần dần dẫn tới tự
do chân chính. Trong đêm tối Đức tin đó, Ngài đã vui mừng thấy và bước đi trong
ánh sáng, một thứ ánh sáng mà mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe biết, và Ngài
không thể cưỡng lại được, nhưng thay vào đó là việc mau mắn thi hành, và Ngài
đã nhận được mối phúc mà Chúa đã hứa cho những ai theo Chúa sẽ không phải đi
trong tối tăm nhưng sẽ có ánh sáng đem lại sự sống (x. Ga 8, 12). Nhờ ánh sáng
đó, Ngài đã hân hoan bước đi mà không sợ vấp, không nghĩ đến bản thân với những
khó khăn sẽ phải trải qua của việc lội ngược dòng. Đúng như Lời Chúa hứa:“ kẻ
yêu luật Chúa hưởng an bình thư thái, chẳng còn lo gặp chướng ngại nào” (Tv
118, 165)… Và đó chính là con đường dẫn Ngài đến đỉnh cao trên đài vinh quang
hôm nay.
Nhờ tuân phục, thánh Giuse đã được
Thiên Chúa vén mở bức màn bí mật, Con Thiên Chúa đã làm người và nằm gọn trong
vòng tay yêu thương của Cha Giuse, tình thân hữu giữa Thiên Chúa và con người
ngày thêm khăng khít. Điều này, thánh Giuse đã vượt hẳn nguyên tổ của chúng ta,
vì bất tuân mà đã làm ngưng dòng chảy ân Thánh cho con cái, đồng thời sợi dây
ân tình cũng bị cắt ngang. Quả như lời thánh Toma Aquino đã nói “Ai càng gần
gũi với nguồn mạch ân sủng, thì càng nhận được những hiệu quả dồi dào của ân
sủng” (T. Toma, TLTH q.27, a.5,e)
Như vậy, dù chưa bao giờ nghe nói thánh
Giuse đã tuyên hứa những gì, điều đó cũng dễ hiểu, vì đời tu chỉ mới xuất hiện
ở những thế kỷ sau này (IV), nhưng ở nơi Thánh nhân, cả ba Lời Khấn đã tồn tại
trong một con người, và không chỉ tồn tại mà con phát triển cách sung mãn –
tròn đầy, nhờ những nét chấm phá dù ngắn gọn nhưng rất sắc nét nơi Kinh Thánh,
giúp chúng ta khám phá ra chân dung tuyệt vời của Cha chúng ta, chân dung ấy
độc đáo đến nỗi không Tu viện nào có được ngoài Tu viện Nazareth; và vị Tu viện
trưởng tuyệt vời có một không hai trên cõi đời này đã có uy tín và đẹp lòng
Chúa Cha đến đỗi được Chúa Cha trao gởi và ký thác Con một duy nhất của mình và
Mẹ Người vào tu … Nhiêu đó cũng đủ cho
chúng ta duyệt xét lại đời tu của mình với những Lời Khấn công khai trước mặt
toàn thể dân Chúa và đang được thể hiện từng ngày giữa lòng xã hội hôm nay.
Mừng kính thánh Giuse, chúng ta không
chỉ nhìn lên Ngài như một vị thánh, nhưng như một tín hữu đã đi tiên phong
trong cuộc lữ hành đức tin. Cúi xin thánh Giuse chỉ cho mỗi người chúng ta biết
ý thức vai trò và trách nhiệm của mình trong lòng Giáo Hội và nhất là với xã
hội Việt Nam hôm nay.
Tóc mây