CHÚA NHẬT IV MC B :
YÊU ĐẾN NỖI BAN
TẶNG CON MÌNH CHO THẾ GIAN
Các
nhà nghiên cứu cho thấy ngày nay, xu hướng gia đình ít con ngày càng tăng. Người
ta thường cho rằng : Ít con để nuôi dạy cho tốt. Tuy nhiên, các nghiên cứu dường
như cho kết quả ngược lại và không phải cứ đông con là con cái hư hỏng, mà đa số
các trường hợp con cái hư hỏng lại rơi vào những gia đình ít con. Không khó để
giải thích cho vấn đề này. Với các gia đình Châu Á, việc có ít con sẽ biến những
đứa con thành “lá ngọc cành vàng”, thành “cậu ấm cô chiêu”, được cha mẹ chiều
chuộng, lo cho từ A đến Z. Vì thế, cha mẹ vô tình biến những đứa con của mình
thành những ông hoàng, bà chúa, muốn gì được nấy ; đến nỗi cha mẹ không dám nặng
lời la mắng hay sửa dạy, cũng không dám rời con, biến con mình thành những con
Kanguru ở trong lòng mẹ dù đã khôn lớn.
Thiên
Chúa là Cha, Ngài chỉ có một Người Con duy nhất là Chúa Giêsu. Vậy mà, Thiên
Chúa đã không hề chiều chuộng Con của Ngài. Vì yêu thế gian, Ngài đã trao tặng
Người Con ấy cho nhân loại, để nhân loại nhờ Người mà được cứu độ. Hôm nay, Tin
Mừng Gioan đã khẳng định : Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để
ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời.
Khi
trao tặng Con Một cho thế gian, Thiên Chúa đã chấp nhận mọi rủi ro xảy đến cho
Con của Ngài, và còn chấp nhận việc Con của Ngài sẽ bị thế gian phản đối, từ chối.
Đúng như thế, nhân loại đã chiều theo lối sống dễ dãi, buông mình theo dòng chảy
của thế gian và sự dữ từ chối điều thiện, điều lành. Đại diện cho cả nhân loại
đón nhận Con Thiên Chúa làm người chính là dân Do Thái. Dù là một dân được tuyển
chọn và được chuẩn bị từ lâu, nhưng dân Do Thái đã không ngừng phản bội lại
Thiên Chúa và sứ mạng của họ.
Sách
Sử Biên Niên tóm tắt một gian đoạn lịch sử của Israel, là một chuỗi những phản
bội, thất trung của hàng lãnh đạo là các tư tế. Đáng lẽ, họ phải là những người
dẫn dắt dân Israel đi theo đường lối của Thiên Chúa, nhưng ngược lại, chính họ
đã sống bê tha, học đòi theo lối sống của dân ngoại, làm cho đền thờ ra ô uế,
dân chúng ra hư hỏng. Thiên Chúa đã nhiều lần sai các tiên tri đến để sửa dạy,
uốn nắn lại đời sống của họ cho phù hợp với ý Chúa, nhưng họ đã từ chối phục
thiện và còn chống đối và giết hại những người Chúa sai đến. Trước sự ngỗ nghịch,
cứng đầu của họ, Thiên Chúa đã cảnh cáo họ bằng việc để cho dân ngoại xâm chiếm,
cướp phá và bắt họ đi làm nô lệ.
Thiên
Chúa giống như người Cha vì quá thương con, không nỡ nhìn thấy con mình đau khổ,
Ngài đã dùng một ông vua dân ngoại là Kyrô tuyên bố cho Israel được hồi hương,
khôi phục lại đất nước và còn cung cấp vật liệu giúp họ phục hồi lại Giêrusalem
sau nhiều năm bị bỏ hoang tàn. Với những hành động yêu thương như thế, Israel
dường như vẫn không tỉnh ngộ để nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa, họ vẫn
cứ nghiêng chiều về điều xấu. Thiên Chúa đã cho chính Con Một của Ngài đến để
nói cho họ về tình yêu của Thiên Chúa, và để yêu thương họ đến tận cùng.
Trong
câu chuyện với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã cho ông thấy trước hình ảnh Con
Thiên Chúa sẽ bị treo lên để đem lại ơn cứu độ cho tất cả những ai tin Ngài.
Khi nhắc lại sự kiện ông Môsê treo con rắn nơi hoang địa như dấu chỉ để ai tin
vào Thiên Chúa mà nhìn lên con rắn bằng đồng, thì được cứu, Chúa Giêsu đã muốn
nói trước đến cái chết thập giá của mình. Con rắn đồng trong hoang địa chỉ là dấu
chỉ cho những ai tin vào Thiên Chúa và lời của Môsê thì được cứu thoát khỏi rắn
cắn, còn khi Chúa Giêsu bị treo lên, Ngài sẽ kéo mọi người đến với Ngài và ai đến
với Ngài, tin vào Ngài thì đón nhận được sự sống và ơn cứu độ từ chính Ngài ban
tặng cho kẻ ấy.
Chúa
Giêsu đã diễn tả tình yêu quảng đại của Thiên Chúa khi nói : Thiên Chúa yêu thế
gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Ngài, thì không phải
hư mất, nhưng được sống đời đời. Yêu đến nỗi ban con một tức là yêu không tính
toán thiệt hơn, không cân nhắc so đo, là dám trao tặng tất cả. Khi trao ban Con
Một cho nhân loại, Thiên Chúa đã chấp nhận trao ban cả “khúc ruột” của mình cho
nhân loại. Con một là người con thừa tự, là tương lai và hy vọng của người cha,
vậy mà Thiên Chúa đã không hề hối tiếc khi quyết định trao tặng Người Con ấy
cho nhân loại. Chúa Giêsu trở nên một trong chúng ta, chia sẻ cùng một kiếp người
và mọi đau khổ, buồn vui với con người chúng ta.
Thiên
Chúa có quyền và có thể kết án con người vì những tội lỗi họ gây ra, nhưng
Thiên Chúa đã không làm như thế, mà Ngài để cho con người có quyền tự do chọn lựa
số phận cùng đích của mình : thuộc về Thiên Chúa hay đứng về phía đối nghịch, đứng
về phía ánh sáng hay bóng tối. Số phận của mỗi người sẽ là bất hạnh hay hạnh
phúc, hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ và quyết định của mỗi người. Ai quyết định
sống theo chân lý thì thuộc về ánh sáng, còn ai để mình chìm trong bóng tối,
thì phải chịu cảnh mù lòa, tối tăm đời đời.
Thánh
Phaolô đã xác tín vào tình yêu của Chúa khi chia sẻ với Cộng đoàn Ephêsô :
Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu thế gian, dù chúng ta có chết vì
tội lỗi hoặc bị ma quỷ lôi kéo, Người vẫn cho chúng ta được sống cùng với Chúa
Kitô. Điều đó cho thấy lòng quảng đại, bao dung của Thiên Chúa thì lớn hơn tội
của chúng ta. Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương không phải vì chúng ta đáng
yêu, hay bởi chúng ta đã làm được điều gì đó, nhưng chỉ vì lòng quảng đại và
tình yêu vô hạn của Chúa mà thôi. Thiên Chúa luôn mong muốn chúng ta sống cho xứng
đáng với tình yêu của Ngài, tin và đón nhận Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô.
Tin,
là đòi chúng ta phải chấp nhận bước theo con đường và sự hướng dẫn của Chúa.
Ngài dẫn chúng ta đi con đường của Tám mối phúc thật, tức là con đường phải cố
gắng hy sinh, phải từ bỏ chính mình cùng với sự lôi cuốn, hấp dẫn của danh vọng,
của cải, thế gian. Ngài muốn chúng ta phải luôn làm mới lại con người và cuộc sống
bằng việc sám hối canh tân, bằng yêu thương tha thứ, bằng quan tâm chia sẻ.
Đến
Con mình mà Thiên Chúa còn chẳng tiếc với ta, thì tại sao chúng ta vẫn cứ nấn
ná, hồ nghi lòng quảng đại, tha thứ của Chúa mà chưa trở về để lãnh nhận ơn tha
thứ ? Đừng bao giờ thất vọng về tình trạng của mình, dù chúng ta có tội lỗi đến
mấy thì Thiên Chúa vẫn sẵn sàng thứ tha ; cũng đừng ỷ nại để rồi chúng ta không
cố gắng sửa chữa những sai lầm và không quyết tâm làm lại cuộc đời. Cũng vì ỷ nại
như thế, mà nhiều người đã vuột mất cơ hội sửa chữa sai lầm. Mùa chay là mùa tốt
nhất để mọi người thực hiện quyết tâm của mình, đừng để mùa chay qua đi vô ích
mà hãy bắt đầu làm một việc gì đó cụ thể cho mình và cho người bên cạnh.
Hãy
quyết tâm bước ra khỏi bóng tối của sự mờ ám trong công việc, trong hành động của
mình, bằng việc tập sống và làm việc tốt với một lương tâm ngay thẳng, một tâm
hồn thanh thản, đừng nuôi dưỡng sự giận dữ và thù oán với anh em, mà hãy tập
nghĩ tốt, giải thích tích cực những việc làm của anh em, điều đó sẽ giúp giảm bớt
đi những nghi kỵ. Hãy kiềm chế miệng lưỡi, đừng nói những điều thiếu suy nghĩ,
gây tổn thương hoặc gieo nghi kỵ cho nhau, mà hãy nói với nhau bằng lời nói
chân thành mang tính xây dựng.
Các
bậc cha mẹ hãy đem gia đình mình ra khỏi bóng tối của cãi vã, giận dỗi, bằng
cách chiếu sáng gia đình bằng niềm vui, tiếng cười và sự thứ tha. Hãy cứu gia
đình và con cái mình khỏi tình trạng khô khan, nguội lạnh bằng cách tái lập nếp
sống đạo đức của từng thành viên và của gia đình, siêng năng đến với Thánh lễ
và các Bí tích, và lập nên những giờ kinh, giờ cầu nguyện chung của gia đình.
Chúng
ta là con của ánh sáng, chúng ta đừng sợ khi sống trong ánh sáng, đừng ngại khi
làm việc tốt, đừng sợ khi phải thể hiện mình là người con Chúa, là người được Chúa
yêu thương. Hãy để Đức Kitô loại trừ khỏi tâm hồn những bóng tối của đam mê và
dục vọng, sống vượt lên trên con người cũ với bản năng thấp hèn ; sống thân
tình với Đức Giêsu như với bạn hữu. Nhờ đó, Ngài sẽ dẫn dắt cho mỗi quyết định và hành động
của chúng ta và đưa ta tới hạnh phúc đích thực. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc