SUY
NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN III MC
Lc 18 9 – 14
LỜI CHÚA
9 Đức
Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà
khinh chê người khác : 10 "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện.
Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu
thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : 'Lạy Thiên
Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại
tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con
dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.' 13 Còn người thu thuế
thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa
thưa rằng : 'Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội
lỗi.' 14 Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về
nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn
mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."
SUY NIỆM
Kiêu căng là căn bệnh khó chữa của con người.
Cha của tính kiêu ngạo là ma quỉ.
Sự kiêu ngạo tự mãn dễ đưa người ta đến chỗ sống
giả hình.
Ngày xưa khi Ađam, Eva nghe theo sự xúi dục của ma
quỉ, phạm tội kiêu ngạo chống lại lệnh Thiên Chúa, Ông Bà đã không chấp nhận
được sự ‘trần trụi’ của mình và phải ‘kết lá vả che thân’.
Trong thực tế cuộc sống con người vẫn thường tìm
cách che đậy những sự thật khiếm khuyết của mình và tô vẽ cho mình những hình
ảnh giả tạo.
Người ta che đậy mình bởi vì người ta không chấp
nhận chính mình, và do đó người ta cũng không thể chấp nhận được những yếu
đuối, khiếm khuyết của tha nhân.
Trong cuộc sống cạnh tranh thị trường, cạnh tranh quyền
lực, địa vị được còn, thua mất, người ngày nay nhiễm căn bệnh chạy theo thành
tích. Nhất là trong môi trường giáo dục: Để tăng uy thế, tiếng tăm cho trường,
lớp, lấy giá trị uy tín cho bản thân mà Ban giám hiệu cũng như các giáo viên
không ngại làm mọi cách để các học sinh của mình đạt được điểm số cao, dù chỉ
là những điểm số, thành tích trống rỗng không chất lượng, không đúng thực lực
học sinh, bằng cách dạy và giải trước những đề kiểm tra hay đề thi sẽ ra. Vì
vậy mà học sinh có ’dốt’ mấy cũng được lên lớp đều, thậm chí còn có thể là học
sinh khá! Đồng thời cũng vì lợi ích cơ quan, tập thể, cá nhân, người ta thường
tìm cách hạ bệ người khác và tô bóng bản thân mình bằng những vinh hoa giả tạo
lắm lúc chóng tan như bọt xà phòng. Người ta thích báo cáo, biểu dương thành
tích, mà lắm khi chỉ là những thành tích ảo.
Trong đời sống tâm linh, tôn giáo, vô hình chung,
người ta cũng tôn mình lên: Tôi cũng còn khá, có lòng đạo đức: tôi đi dâng lễ
hằng ngày, làm phúc, bố thí, tham gia công tác tông đồ...;không như những người
kia: khô khan, tham lam, trộm cướp, nghiện ngập, ngoại tình, dữ tợn, đỏng đảnh,
lẳng lơ, khó tính, khó sống.... Hay nói khác đi, những thói xấu của người khác
tôi để trong cái túi trước mặt tôi, còn những thói xấu của tôi, tôi lại để
trong cái túi đeo sau lưng nên khó có thể nhìn thấy để sửa chữa. Tôi cảm thấy
mình tốt hơn vô khối người khác nên ngầm tự mãn và coi thường người anh em.
Người Biệt phái hôm nay đến với Chúa để khoe
khoang công trạng của anh ta và chê bai người thu thuế tội lỗi. Còn người thu
thuế thì “đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm
ngực vừa thưa rằng : 'Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.'’’ Và
Đức Giê-su tuyên bố: “Người thu thuế khi trở về nhà thì đã được nên công chính
rồi, còn người Biệt phái thì không.” (c. 14)
Chúng ta cần cảnh giác kiểu sống đạo liệt kê, báo
cáo thành tích. Có những tập thể, những hội đoàn thường làm những báo cáo các
việc đạo đức, các cuộc thăm viếng hay hoạt động bác ái xã hội, dẫn đến một hiện
tượng tiêu cực là các thành viên đi công tác thăm viếng vào nhà nào cũng chào
hỏi thăm xã giao vài câu rồi vội vàng ‘rút lẹ’ để đi cho được nhiều nhà và cho chóng
xong bổn phận....
Người Pha-ri-sêu là mẫu người đạo đức, thánh thiện
điển hình trong xã hội Do-thái. Họ giữ luật rất ngặt, rất chặt chẽ; nhưng đồng
thời họ lại rất tự cao, tự mãn về bản thân mà coi khinh đồng loại (dân ngoại
chỉ là lũ chó; những người thu thuế, gái điếm, tội lỗi bị gạt ra ngoài lề xã
hội; đàn bà, con trẻ chẳng có giá trị, tiếng nói gì; đám dân đen là bọn người
dốt nát...); nhưng Đức Giê-su thường lên án sự nệ luật và giả hình làm cho trái
tim trở nên khô cằn không sức sống của họ. Họ là những người thông thạo Kinh
thánh, nhưng họ lại quên mất rằng trong Kinh thánh, suốt dọc dài lịch sử cứu
độ, Thiên Chúa luôn bênh vực những kẻ nghèo hèn khiêm hạ và hạ bệ kẻ kiêu căng
tự mãn.
Qua trình thuật Tin mừng hôm nay, một lần nữa Đức
Giê-su nhắc nhở và mời gọi chúng ta cần trở lại với Thiên Chúa trong tinh thần
khiêm tốn, biết sám hối tội lỗi mình và biết tôn trọng nhân phẩm của anh em
đồng loại. Mỗi Ki-tô hữu chúng ta cần tận dụng thời gian thuận tiện mà Giáo hội
dọn sẵn cho chúng ta trong mùa chay thánh này để trở về với Thiên Chúa là cha
nhân hậu và đầy lòng xót thương trong tinh thần sám hối và khiêm tốn thẳm sâu.
Xin mượn Thánh vịnh 50 để dâng lên Chúa lời cầu
nguyện thống hối:
“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương
con,
Mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin ngài
thanh tẩy.
Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh
ngày đêm.
Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm
điều dữ trái mắt ngài.”
“Ngài thấy cho lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,
đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.
Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con
thấu triệt lẽ khôn ngoan.” (Tv 50, 3-6a.7-8)
Lạy Chúa Giê-su là Đấng cứu độ chúng con! Xin
thương xót chúng con là những kẻ tội lỗi.
Xin chữa chúng con khỏi căn bệnh tự mãn – thường
làm cho chúng con trở nên dốt nát, mù lòa trước những lầm lỗi của bản thân và
khinh thường tha nhân; đồng thời xin làm cho chúng con nên những thọ tạo mới
của Chúa-
“Xin tạo cho chúng con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.”
“Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,
Con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không
chấp nhận
Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan
nát,
Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh
chê.” Amen. (Tv 50,12.18 – 19)
Nt. Maria
Chinh Anh