Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần III Mùa Chay
XUỐNG KHỎI ĐỈNH NÚI ĐỂ BƯỚC VÀO TÒA CÁO GIẢI
Lời Chúa: (Lc 4:24-30).
24 Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. 25 "Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi."
28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.
30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
Suy Niệm:
Chiều thứ Sáu 28. 3. 2014, Đức Thánh Cha đã làm Đức ông Guido Marini, Trưởng ban Nghi lễ Phủ Giáo hoàng ngỡ ngàng khi ngài bất ngờ tiến đến Tòa giải tội, quỳ xuống và xưng tội như một hối nhân.
Khi được Đức ông Marini hướng dẫn đến Tòa giải tội để ban bí tích Giao hòa cho mọi người, Đức Phanxicô đã “bất ngờ” tiến đến một tòa giải tội, quỳ xuống và xưng tội với một vị linh mục trẻ. Ắt hẳn cả Đức ông Marini và vị linh mục đó đều ngỡ ngàng trước hành động của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên, trong tư cách là một Kitô hữu, việc Đức Giáo hoàng đến với tòa giải tội để lãnh nhận bí tích Giao hòa là một việc làm hết sức bình thường.Ngài cũng chẳng chọn lựa trước vị giải tội cho mình nhưng khiêm nhường tiến đến trong tư cách là một hối nhân để xin ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Cử chỉ này của Đức Thánh cha cho thấy rằng ngài không chủ trương “bãi bỏ tội lỗi” như Eugenio Scalfari, một người vô thần viết trên tờ La Repubblica, sau khi ông này căn cứ vào những lời nói và cử chỉ của Đức Thánh cha vốn thường nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Quả thực, Đức Thánh cha thường đề cập đến lòng xót thương của Thiên Chúa, nhưng ngài cũng không ngừng nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đều là người có tội, đã xúc phạm tới Thiên Chúa, cần xét lương tâm hàng ngày, và cải thiện đời sống. Ngài cũng nhắc đến ngài như người tội lỗi, công khai xin tha thứ tội lỗi, và yêu cầu mọi người cầu nguyện cho ngài
Vâng, Mùa chay ngoài việc ăn chay, cầu nguyện, sám hối, một động thái nữa mà Giáo hội mời gọi tất cả tín hữu phải làm là giao hòa với Chúa và tha nhân.
1/ Mùa chay tái tạo con người mới
Phụng vụ trong bài đọc một cho chúng ta thấy. Quan Na-a-man là một vị tướng tài giỏi, nhưng ông lại mắc một chứng bệnh dơ bẩn là bệnh cùi, khao khát cháy bỏng của ông chắc không gì hơn là mong muốn mình được khỏi bệnh. Nhưng với một cương vị quyền uy và giầu có, để phải nghe một đứa tớ gái trong nhà ắt phải là một sự hạ mình đầy can đảm mà ông phải nghĩ đến. Và khi đến trước Êlisa, và nghe tiên tri nói:"Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông Gio-đan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch." Một lần nữa cái tôi của ông lại nổi lên, máu tự ái dân tộc trỗi dậy ông nói: "Nước các sông A-va-na và Pác-pa ở Đa-mát chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Ít-ra-en sao? Ta lại không thể tắm ở các sông ấy để được sạch hay sao? ". Nhưng nhờ có các tôi tớ khuyên bảo ông đã thuận theo, ông đã làm như lời ngôn sứ chỉ dạy, và da thịt ông trở nên như da thịt đứa trẻ nhỏ, ông đã lành bệnh.
Quả vậy, ý nghĩa xưng tội trong mùa chay, không đơn thuần chỉ để sạch tội như những lần xưng tội trong năm, nhưng qua việc xưng tội trong mùa chay đối với người kitô hữu còn là cuộc tái tạo lại con người mới, làm cho chúng ta được tươi trẻ lại, để làm được việc này, chúng ta cần phải có thái độ khiêm nhường, bỏ đi cái tôi tự cao tự đại và có lòng khao khát để được đổi mới. Trái lại, bao lâu chúng ta chưa xóa bỏ được tính kiêu căng tự phụ, thì việc đến tòa cáo giải sẽ là một công việc khó khăn và nặng nề, và như thế mãi mãi chúng ta không bao giờ được đổi mới, hình ảnh đó chúng ta thấy nơi những người đồng hương với Chúa Giêsu, họ đã không đón nhận những lời Chúa Giêsu mời gọi, chỉ vì tính kiêu ngạo là một dân tộc được tuyển chọn, có lề luật, có đền thờ, vì thế họ đã khước từ Chúa Giêsu, khước từ được đổi mới.
2/ Mùa Chay là mùa thực thi ý Chúa
Để trở nên con người mới, người kitô hữu không làm theo ý riêng mình, cũng như con người không tự giải thoát chính mình nhưng được giải thoát do ơn của Thiên Chúa. Ê-li-sa đã nói với tể tướng Na-a-man:"Ông hãy đi tắm bảy lần trong sông Gio-đan. Da thịt ông sẽ trở lại như trước, và ông sẽ được sạch." Điều Ê-li-sa và Na-a-man đều biết là sông Gio-đan cũng như sông ở Đa-mát cũng chẳng có gì khác biệt, nhưng việc xuống sông Gio-đan tắm bảy lần chính là làm theo ý Thiên Chúa là phát sinh hiệu quả, và Chúa Giêsu cũng lấy lại hai hình anh của lịch sử để lại, là Tiên-tri Ê-li-a cho hũ bột và bình dầu của bà góa tại Zarepta, Sidon, không cạn, và Tiên-tri Ê-li-sa chữa Naaman, tướng Syria, khỏi bệnh cùi, để minh chứng rằng, dù là dân riêng hay dân ngoại, Thiên Chúa chỉ ngó đến cho những ai thực thi ý Chúa. Như thế trong mùa chay thanh, Mẹ Giáo hội kêu mời, ăn chay, cầu nguyện, sám hối, bác ai, chính là ý Chúa muốn và Mẹ Giáo hội dạy, nhờ đó qua mùa chay thánh này, mỗi kitô hữu trở nên một con người mới như lời Chúa Giêsu mời gọi: "Anh em hãy nên thanh như Cha anh em là Đấng Thánh".
Thiên An