Suy Niệm
Tin Mừng Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay
(Lc 15,
1-3, 11-32)
NỖI LÒNG
Câu
chuyện của nhân vật Cha và con trong dụ ngôn mà Thánh sử Luca trình bày trong
bài Tin mừng hôm nay, diễn tả trung thực hình ảnh mong đợi của người Cha trong
bất kỳ thời đại nào hay nền văn hóa nào. Dù người con có ngoan ngoãn ở trong
gia đình hay rũ bỏ tình cha con ra đi, thì tình cha vẫn phủ lấp trên mọi lỗi lầm
của con. Dụ ngôn cũng mặc khải tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu
cho chúng ta thấy bằng hành động. Thiên Chúa là người cha biết thương xót, đi đến
với mọi con cái để đem họ về đoàn tụ và để nối kết họ lại với nhau.
Khởi
đầu dụ ngôn là những lời chỉ trích của những người thuộc phái Pharisêu và các
kinh sư khi Đức Giêsu đón tiếp và ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi,
vốn là những người bị loại trừ khỏi xã hội. vì vậy, không ai được giao tiếp với
họ. vậy mà Đức Giêsu chẳng những đón tiếp mà con ăn uống với họ nữa. ngài chia
sẻ với họ trong bữa ăn đầy tình huynh đệ, giúp họ thoát ra cái mặc cảm tội lỗi
của họ. điều này khiến các kinh sư và người Phariseu không hài lòng.
Để lý giải cho hành động
của mình, Đức Giêsu kể dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” (Lc 15, 11- 32) để mời gọi
những người Phariseu và các kinh sư nói riêng và mỗi người chúng ta nói chung
biết mở rộng tâm hồn đón tiếp những người tội lỗi hòa nhập với xã hội khi họ ăn
năn sám hối và nhất là biết chia sẻ niềm vui với Thiên Chúa khi trước sự hoán
cải của những người lâu nay xa rời Thiên Chúa để đi vào tương quan thân tình
với Người.
Dụ ngôn kể lại : Sau
khi người con thứ đòi chia gia tài, người cha đã làm theo
ý con của mình. Có lẽ khi hành động như vậy, người cha cũng đã rất đau lòng vì
ông thấu hiểu tính tình, tâm tư của từng đứa con mình nhưng ông luôn tôn trọng
tự do của chúng nên ông làm theo ý muốn của chúng. Người cha chia gia tài cho
con và để con tự định đoạt về khối tài sản đó. Từ khi người con thứ ra đi với
phần sản nghiệp của mình, lòng người cha lại đau đáu mong chờ. Ông chờ người
con thứ quay trở về với ông, dù nó có ra sao đi chăng nữa ông vẫn mong ngày nó
trở về. Niềm vui trào tràn đến với ông khi ông nhìn thấy bóng con từ đàng xa.
Ông vội chạy ra đón con, cuống quýt với áo áo, giày giày; với việc giết bê béo
ăn mừng… Ông chẳng màng đến hình dạng xơ xác của người con, đến bài “diễn văn”
soạn sẵn của con. Ông thể hiện tình thương của một người cha thật ấm áp: “Anh
còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm
cổ anh ta và hôn lấy hôn để”. Trong nhà có thứ gì đẹp, thứ gì quý giá ông mang
hết ra cho con: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay,
xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc
ăn mừng”. Trong lòng ông, niềm vui trào tràn, bùng vỡ biểu lộ một tình thương
vô bờ bến, ông chưa bao giờ ghét bỏ dù đứa con trở về với hai bàn tay trắng.
Ông chỉ biết một điều rằng: “Con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay
lại tìm thấy”. Đã có đôi lần, hành xử của chúng ta cũng giống như người con
thứ, ta được bao bọc bởi tình thương của Thiên Chúa, được sống trong tình
thương của Chúa nhưng ta luôn muốn thoát ra khỏi sự bảo bọc đó, ra đi đến những
nơi ta muốn, được thỏa thích làm theo ý của mình. Khi gặp khó khăn thử thách,
ta đến với Chúa với bao toan tính vụ lợi. Lời cầu nguyện của ta chỉ đầy những
lời cầu xin cho mình mà quên lời sám hối ăn năn. Thiên Chúa vẫn hằng mong ta
quay trở về với Người, dù ta có bội nghĩa vong ân, có phung phí biết bao ân
sủng của Người…
Được sống trong nhà cha, ở
bên cha sớm tối nhưng người con cả lại chẳng thấy niềm vui. Cuộc sống của anh
thật tẻ nhạt. Nếu không có bữa tiệc linh đình đón em trở về, có lẽ chẳng ai
thấy được tâm tư trĩu nặng của anh: “Đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và
chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho con lấy được một con dê
con để con ăn mừng với bạn bè”. Hơn nữa, lòng ghen tỵ của anh xóa đi tương quan
huynh đệ, anh nói về người em của mình với giọng đầy khinh bỉ, miệt thị: “Còn
thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở
về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng”. Phản ứng của người con cả không làm cho
người cha tức giận, trái lại ông dịu dàng giải thích với người con cả những ân
sủng mà anh ta không nhận ra khi ở trong nhà cha và niềm vui của mình khi người
em của anh quay trở về: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của
cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã
chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy”. Chúng ta cũng có lúc như người
con cả, được làm con Thiên Chúa, được ở trong nhà Chúa, sống với Chúa, luôn giữ
các giới răn cách tuyệt đối… nhưng ta lại không cảm nhận được niềm vui sống
trong nhà Chúa, không nhận ra được ân sủng của Chúa trên cuộc đời mình. Ta ghen
tỵ với những ân sủng và niềm vui của người khác; ta tính toán thiệt hơn, so đo
với người khác. Ta quên rằng: tình thương và lòng nhân ái của Chúa luôn phủ lấp
trên cuộc đời ta. Ta chỉ thật sự là con của Cha, khi ta yêu thương chính anh em
mình.
Dụ ngôn giới thiệu hình
ảnh người Cha như một biểu tượng về Thiên Chúa. Thái độ bao dung của người cha
trong dụ ngôn cho ta thấy được tình thương của Thiên Chúa không chỉ với người
tội lỗi hoán cải mà còn với cả những người không nhận ra tình thương của Chúa,
ghen tỵ và thiếu sự cảm thông đối với người khác. Chúa cũng mời gọi mỗi người
chúng ta chia sẻ niềm vui với người tội lỗi khi họ sám hối và trở về với Chúa
như chính Chúa đã vui mừng khi đón tiếp và chia sẻ với họ.
Nt. Maria Phương Trâm, Đa
Minh Đức Mẹ Mân Côi