THỨ BA TUẦN IV MÙA
CHAY
NHỊP BƯỚC
YÊU THƯƠNG
LỜI CHÚA: Ga 5, 1-3a.5-16
1 Nhân một dịp lễ
của người Dothái, Đức Giêsu lên Giêrusalem. 2 Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có
một hồ nước, tiếng Hipri gọi là Bếtdatha. Hồ này có năm hành lang.3a Nhiều người
đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt. 5 Ở đó, có một người đau ốm đã
ba mươi tám năm. 6 Đức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng
đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” 7 Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài,
khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có
người khác xuống trước mất rồi!” 8 Đức Giêsu bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng
mà đi!” 9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.
Hôm đó lại là ngày
sabát. 10 Người Dothái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sabát,
anh không được phép vác chõng!” 11 Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh
đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng mà đi!” 12 Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo
anh: ‘Vác chõng mà đi?’13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả
thế, Đức Giêsu đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. 14 Sau đó, Đức Giêsu gặp người
ấy trong Đền Thờ và nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại
phải khốn hơn trước!” 15 Anh ta đi nói với người Dothái: Đức Giêsu là người đã
chữa anh khỏi bệnh. 16 Do đó, người Dothái chống đối Đức Giêsu, vì Người hay chữa
bệnh trong ngày sabát.
SUY NIỆM
Có những đôi mắt không thể nhìn ngắm bầu trời trong xanh. Có
những trái tim héo úa vì mạch máu đã cạn khô. Có những đôi tay không thể cầm nắm
ôm ấp. Có những đôi chân chẳng bao giờ bước đi. Họ là những người mắc đủ mọi chứng
bệnh đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt dọc suốt năm hành lang xung quanh hồ
Bếtdatha.
Trong một lần lên Giêrusalem dự lễ, khi đi ngang qua hồ này Đức
Giêsu đã chứng kiến cảnh những người bệnh nằm đợi chờ một phép lạ xảy ra. Gặp một
người đàn ông bị bệnhsuốt 38 năm,Đức Giêsu tiến đến và hỏi: “Anh có muốn khỏi bệnh
không?” Anh đã nằm ở đây suốt nửa cuộc đời để mong có người đưa xuống hồ khi nước
động, vậy mà Đức Giêsu lại hỏi một câu có vẻ như dư thừa nhưng câu hỏi đó cũng
chạm đến nỗi đau và lòng khát khao của anh. Người đàn ông không trả lời đúng
câu hỏi mà nói như kể lể: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem
tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Nghe vậy
thay vì đưa anh xuống hồ, Đức Giêsu truyền cho anh vác chõng mà đi. Các câu hỏi
và việc làm giữa Đức Giêsu với người bệnh như không ăn khớp với nhau nhưng diễn
tả một ý nghĩa khác. Đức Giêsu không chỉ chữa bệnh thể lý nhưng tái sinh số phận,
cho con người thoát khỏi sự trói buộc của tội lỗi như người Dothái từng quan niệm.
Người đàn ông vui mừng vác chõng đứng dậy bước đi trong niềm hạnh phúc khôn vơi.
Con số 38 năm sống trong đau bệnh còn diễn tả một ý nghĩa
khác. Đó là 38 năm dân tộc Dothái chịu thử thách trong sa mạc trước khi tiến
vào Đất Hứa. Vì đức tin yếu kém, họ không tìm được ánh sáng hy vọng để trở về. Con
số 38 năm cũng là khoảng thời gian dài tôi luyện để đức tin được trưởng thành
và đứng vững trong mọi thử thách. Chữa bệnh cho người đàn ông này, Đức Giêsu
cũng chữa cho người Dothái khỏi cái nhìn hẹp hòi ích kỷ trong việc giữ luật
sabát. Đức Giêsu là hiện thân của sự sống, Người đến tái sinh mọi số phận đang
bị giam cầm bởi tội lỗi và luật lệ vì đánh mất tự do làm con cái Chúa.
Ai trong chúng ta cũng từng đối diện với bệnh tật và nhiều nỗi
sợ hãi. Có nỗi sợ chung của gia đình, cộng đồng, có nỗi sợ riêng của bản thân.
Có người sợ thất nghiệp, nghèo đói, sợ già, sợ cô đơn. Có nỗi sợ kết tinh thành
giọt nước mắt long lanh, cũng có nỗi sợ cứ trơ trọi khô khan như sỏi đá. Có những
nỗi sợ không gọi thành tên nhưng luôn day dứt tái tê cõi lòng. Khi gặp bệnh tật
khó khăn, chúng ta thường bi quan thất vọng gặm nhấm nỗi buồn của mình. Đôi lúc
Thiên Chúa gửi đến chút khó khăn để thử thách lòng trung thành của chúng ta.
Trong tình thương nhiệm mầu của Thiên Chúa, những khó khăn đau khổ mà chúng ta
gặp không sánh gì với ân phúc lớn lao mà Thiên Chúa ban tặng. Thánh Phaolô tông
đồ đã xác tín về điều này khi nói “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao
được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thụ tạo
những mong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người”
(Rm 8, 18-19).
Đau khổ, bệnh tật và cái chết luôn là gánh nặng đè trên thân
phận con người khiến chúng ta dễ dàng chán nản thất vọng. Khi đã tin tưởng tuyệt
đối vào Chúa chúng ta có đủ sức mạnh thắng vượt con người yếu đuối của mình và
giữ trọn lòng trung thành.Hãy biểu lộ lòng tin và xin Chúa cho ta một cơ hội để
được sống. Thiên Chúa không bao giờ lãng quên những ai kêu cầu Người. Tuy
nhiên, cũng có lúc chúng ta sẽ phải chấp nhận thất bại đớn đau, nhưng điều quan
trọng là không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ đánh mất niềm tin và hy vọng.
Hãy tin tưởng trao phó mọi gánh nặng lo toan cho Chúa. Hãy hướng
về phía trước để thấy đích đến của hành trình. Hãy ngước mắt lên cao để thấy
mây trời lồng lộng, để thấy con người là tạo vật bé nhỏ trong vũ trụ bao la.
Hãy chìm sâu trong cầu nguyện để cảm nhận lòng bao dung độ lượng của Thiên
Chúa. Hãy cám ơn Chúa vì qua những thử thách gian nan mà chúng ta có cơ hội luyện
đức kiên nhẫn như lời thánh Giacôbê khẳng định: “...đức tin có vượt qua thử
thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng
những việc hoàn hảo để anh em nên hoàn hảo...Phúc thay người biết kiên trì chịu
đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự
sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người” (Gc 1, 3-4.12)
Thiên Chúa dựng nên loài người vốn cao quý, cho được tận hưởng
hạnh phúc, chỉ vì tội lỗi làm cho hình ảnh con người bị hoen ố. Thiên Chúa biết
rõ mọi nhu cầu, ước muốn và những yếu đuối của chúng ta, Người luôn yêu thương
quảng đại ban cho chúng ta ân sủng để tiến tới sự hoàn thiện. Chúa Giêsu chính
là món quà vô giá mà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại. Chỉ nơi Chúa Giêsu,
con người mới được giải thoát khỏi sự trói buộc của tội lỗi và sự chết, được
lãnh nhận nguồn sức sống Thần Linh và tìm thấy ý nghĩa đích thực cho cuộc đời
mình.
Với trái tim đầy nhân ái, Chúa Giêsu thực sự là vị lương y
luôn thấu hiểu mọi nỗi khổ đau của thân phận con người. Chúa Giêsu đã đến nâng đỡ, an ủi giúp họ thoát khỏi tình trạng đau khổ đang
đè nặng, trao cho họ ơn tha thứ và sự bình an. Người không chỉ chữa bệnh nhưng
là phục sinh số phận. Cuộc sống xã hội hôm nay còn rất nhiều người mang những
chứng bệnh nan y cả thể xác lẫn tâm hồn, họ đang cần được chữa lành, cần được lắng
nghe và cảm thông. Là kitô hữu, chúng ta được mời gọi thăm viếng, an ủi và nâng
đỡ những người đau yếu, bệnh tật, tội lỗi. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải
có trái tim nhân ái như Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu là hiện thân của tình thương Thiên Chúa, xin
hãy đến chữa lành mọi thương tích nơi thân thể và tâm hồn chúng con. Trong tình
thương của Chúa, xin biến đổi tiếng khóc thành tiếng cười, dòng lệ buồn thương
thành dòng hoan lạc hân hoan. Amen.
Nt. Maria Anh Thư, OP