Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

CHỦ NHẬT 4 CHAY B

toiyeu_1.jpg

Tình yêu là cách thức tuyệt vời để Thiên Chúa vượt qua khoảng cách diệu vợi mà tội lỗi đã gây ra để đến với con người. Tình yêu gắn liền với thập giá lại còn là phát minh của sự khôn ngoan Thiên Chúa mà con nguời không sao hiểu nổi. Tình yêu đồng nghĩa với chia sẻ, quan tâm, mong muốn điều tốt lành nhất cho nguời mình yêu. Đó chính là những gì mà Chúa Giê su đã nói đến khi mạc khải tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta.

Sách 2Sb 36,14-16:

Vua Ba by lon kết thúc Vương quốc Đa vít. Ông thiêu hủy Đền thờ, triệt hạ tường thành Giê ru sa lem và lưu đày sang Ba by lon thành phần ưu tú của Is ra el. Một cuộc lưu đày gần 50 năm. Nhưng cuộc ly hương đau đớn nầy đã mang lại những giá trị thực cho Dân tộc đang lạc đường vì cuộc sống tội lỗi. Chính vinh quang Thiên Chúa đã rút ra được điều tốt lành từ điều dữ.

Thánh vịnh 136

Đây là bài ca hồi tưởng cố hương của người bị lưu đày vẫn chưa chấm dứt thời gian trị bệnh. Họ mơ đến việc trả thù. Thỉnh thỏang cũng là bài ca của chúng ta mơ đến sự vươn lên và luôn sẵn sáng đổ lỗi cho hoàn cảnh đã làm cho chúng ta phải mang kiếp nô lệ mà không dám nhìn thẳng chúng ta để tìm ra những nguyên nhân đích thực gây nên tai ương.

Thư Ep 2,4-10

Chính nhờ Chúa Giê su mà chúng ta nhận đuọc ân sủng của Chúa Cha. Thánh Phao lô muốn cho chúng ta biểu được Lòng Thương Xót của Cha lớn lao dường nào, vượt xa những điều gì chúng ta mơ ước. Tin rằng chúng ta có thể xứng đáng được ơn Cứu độ là một điều ảo tưởng. Ơn CỨU ĐỘ là món quà cho không của TÌNH YÊU mà Thiên Chúa Cha ban tặng cho chúng ta.

Tin mừng Gioan 3,14-21

Một tình yêu khó tin

NGỮ CẢNH

Chương 2 tin mừng Gio an đề cập đến những thay đổi mà Chúa Giê su thực hiện khi bắt đầu công cuộc rao giảng: rượu mới (2,1-11), đền thờ mới (2,13-22), phụng tự mới (4)... Có một số người do thái đã tin vào Ngài (2,23-25). Nhưng trước hết phải canh tân toàn diện con người, điều kiện căn bản để được chấp nhận vào trật tự mới (c.3). Đây là chủ đề cuộc nói chuyện giữa Chúa Giê su và ông Nicôđêmô. (3,1-21), và cũng là ngữ cảnh gần của đoạn văn của chúng ta.

Có thể đọc đoạn văn theo bố cục như sau:

1. Phần đầu (3,1-12) nói về sự cần thiết phải tái sinh bởi Thần khí để thấy được Nước Thiên Chúa.

2. Phần hai (3,13-21) xác quyết rằng chỉ có Con Người từ trời xuống mới có thể mạc khải chương trình của Cha, tức là tái sinh con người bằng cái chết và sự sống lại của Đức Ki tô (cc 13-17), nhờ niềm tin và danh con Một, tuyệt đối cần thiết để hưởng ơn Thần khí (cc16-21).

TÌM HIỂU

Giương cao: đoạn văn khởi đầu bằng việc nhắc lại câu truyện kì diệu về con rắn đồng xảy ra trong thời gian dân Thiên Chúa lang thang trong sa mạc (Ds 21,8-9). Sự so sánh nhằm vào ba điểm: con rắn đồng giải thoát người do thái khỏi những con rắn độc giết hại; cũng thế Con người sẽ giải thoát khỏi sự chết; con rắn đồng được giương lên cao, trên đầu gậy do ông Mô sê dựng lên; Con Người cũng sẽ bị giương lên cao khi bị đóng đinh trên thập giá lúc Ngài sẽ được tôn vinh. Sau cùng để được cứu thoát cần phải ngước nhìn lên con rắn đồng; hướng nhìn về phía Đấng bị đóng đinh (x.19,37), người tín hữu sẽ tìm được sự sống. Con Người “sẽ được giương cao” là kiểu nói đặc biệt của tin mừng Gio an ám chỉ Đức Ki tô bị treo trên thập giá, được lặp lại ba lần: (ở đây; 8,28;12,32) tương ứng với ba lần loan báo khổ nạn trong các tin mừng nhất lãm.

Yêu: lí do chính yếu của việc Chúa Con đến trần gian và nguồn mạch nguyên thủy của ơn cứu độ chúng ta là tình yêu của Thiên Chúa. Động từ agapan, yêu, rất quan trọng đối với Ga, xuất hiện lần đầu tiên ở đây. Như trong 1 Ga 3,1; 4,9-11 và ở Rm 5,8; 8,32, ở đây chúng ta có lời khẳng định rằng Thiên Chúa yêu thương con người và rằng tình yêu ấy có đối tượng là toàn thể nhân loại.

Ban: đây là chứng cớ cho thấy rằng Thiên Chúa yêu thương thế gian và muốn cứu độ nó: Ngài đã ban Con của Người. Ban hoặc cho ở đây có một ý nghĩa khá gần với giao phó. Bằng từ nầy, Chúa Giê su không những ám chỉ đến sự Nhập thể nhưng còn đặc biệt đến cuộc Khổ nạn. Cao điểm tình yêu Thiên Chúa đối với nhân lọai được thể hiện bằng việc trao phó Con trên thập giá. Thư thứ nhất của thánh Gio an còn nói rõ ràng hơn: “Tình yêu cốt ở điều nầy: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10).

Được sống: sứ mạng của Con thiết yếu hướng đến sự sống của chúng ta. Hành động của Ngài được nhấn mạnh một cách đặc biệt; trước tiên bằng cách phủ định (“không chết”), rồi sau đó khẳng định (“có sự sống đời đời”). Cả hai cách diễn tả soi sáng cho nhau; mục đích không nhằm đưa chúng ta xa rời cuộc sống thể lí, nhưng giúp chúng ta đi vào một cuộc sống nơi đó không còn bị sự chết đe dọa nữa.

Được cứu độ: điểm thứ hai trong sứ mạng của Con là để cứu độ trần gian. Ở đây cũng có cách diễn tả kép. Hoặc là án xử hoặc là ơn cứu độ. Nhưng mục tiêu mà Thiên Chúa nhắm đến khi trao phó Con của Người hoàn toàn có tính cách tích cực: không phải để lên án, nhưng để cứu độ.

Lên án và cứu độ, cả hai từ soi sáng cho nhau: án xử theo đó người ta không được cứu thoát, là án xử trừng phạt. Ơn cứu độ là sự giải thoát khỏi tội lỗi và khỏi các hậu quả của nó, khỏi tất cả những gì tách rời khỏi Thiên Chúa. Thiên Chúa đã sai Con của Người đến để chúng ta có thể quay trở về với tình yêu của Người và có sự sống trong Người.

Ai tin vào: Thiên Chúa muốn ban ơn cứu độ và ban phát không giới hạn trong Con độc nhất của Người (3,14.18). Người không bắt buộc ai, nhưng để hưởng nhờ ơn cứu độ người ta phải tin. Tin, theo nghĩa tuyệt đối (x. Mc 16,16) có nghĩa là tin “vào danh của Con Một của Thiên Chúa”. Sự gắn bó với “danh” Chúa Giê su, nghĩa là vào bản thân Ngài, chính là đức tin chân thật hoàn toàn ngược lại với đức tin không hoàn hảo của nhiều thính giả (2,24) và đặc biệt của ông Ni cô đê mô (3,2). Ai từ khước tin, là từ chối ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho họ.

 Ánh sáng đã đến thế gian: cách diễn tả nầy qui chiếu đến lời Tựa (1,5). Tuy nhiên ở đây ý tưởng phong phú hơn nhờ lời giải thích tại sao con người đã “chuộng bóng tối hơn”. “Bởi vì hành động của họ là gian ác”. Ở đây chúng ta đối nghịch với phái ngộ giáo mà nhiều lần người ta gán cho Ga. Thật vậy khuynh hướng nầy cho rằng ơn cứu độ chỉ hệ tại ở sự hiểu biết (gnosis) mạc khải, bất kể những cố gắng luân lí và mọi cuộc sám hối trở về.

Đến cùng ánh sáng: Khởi sự trong đêm tối (3,2), cuộc đàm thoại khép lại với một ám chỉ đến ánh sáng. Đó là một kiểu dụ ngôn: ai làm sự lành thì không sợ ánh sáng ban ngày; nhưng ánh sáng thật, ánh sáng mà khi đến gần người ta không ngần ngại, là chính Con Thiên Chúa, ánh sáng đã đến thế gian. “Sống theo sự thật”, kiểu nói nầy không có ý nghĩa luân lí cho dù đó là cách giải thích thông thường mà người ta gán cho nó. Sự thật là chương trình của Thiên Chúa vừa được nhắc đến. Sự thật là điều cần phải toả sáng trong chính cuộc sống của mình, chính là Chúa Giê su Ki tô.

SỨ ĐIỆP

Nhìn vào cuộc đời đầy dẫy những bất công, chúng ta không khỏi bị sốc, và không ít lần đã đặt câu hỏi: Thiên Chúa của chúng ta ở đâu? Ngài đang làm gì? Ngài còn nhớ hãy đã quên chúng ta rồi?

Các bài đọc ngày chủ nhật hôm nay gặp chúng ta trong những vấn nạn trên và mang lại cho chúng ta một sứ điệp hi vọng: “Thiên Chúa đã yêu thương trần gian đến nỗi đã sai Con một đến”. Trong Tin mừng thánh Gioan, điều mà Chúa Giê su gọi là “thế gian” khi thì có nghĩa là toàn thể tạo thành, khi thì có nghĩa là nhân loại, lúc chỉ những thế lực chống lại Thiên Chúa. Nhưng trong trường hợp ở đây, Đức Ki tô nói với chúng ta về tình yêu bao la mà Thiên Chúa mang đến cho tạo thành và cho tất cả mọi người. Ngài yêu thương tất cả, tất cả mọi người không trừ ai, cả những người chống đối và bất trung nhất. Khi ban cho chúng ta Con chí ái của Ngài, Cha đã ban cho chúng ta tất cả. Ngài dấn thân hoàn toàn cho ơn Cứu độ thế gian. Ngoài ra, danh xưng Giê su có nghĩa là: “Chúa cứu độ”. Và hôm nay, Ngài nhắc chúng ta rằng Ngài không đến đển lên án nhưng để cứu thế gian.

Nhưng Ngài cứu chúng ta khỏi điều gì? Chiến tranh ư? Ô nhiểm ư? Các thiên tai ư ? Bạo lực ư ? Thất nghiệp ư ? Rõ ràng, chúng ta thấy tất cả các tai ương đó và nhiều cái khác tiếp tục đổ ập xuống thế gian. Chúng ta cầu nguyện xin Chúa giải thoát chúng ta, nhưng đừng quên nhìn nhận trách nhiệm của từng người chúng ta trong việc để cho sự ác lan tràn. Khi chúng ta thiếu khôn ngoan, khi chúng ta không sống như những người có trách nhiệm, chúng ta chỉ phải nhìn nhận mình có lỗi, vì Thiên Chúa không có trách nhiệm về những sai lầm của chúng ta.

Và một ngày nào đó, ai trong chúng ta cũng nhận ra rằng chính mình đã được bảo vệ mà không hề biết ? Hãy nhớ lại những tai ương hay tai nạn mà chúng ta đã may mắn được che chở và thoát nạn. Nhưng điều chính yếu lại quan trọng hơn. Tin mừng nói với chúng ta về ơn Cứu độ vĩnh viễn mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta: « Tất cả những ai tin vào Ngài được sự sống đời đời ». Đức Ki tô đã đến chiến thắng trên sự dữ và sự chết để chúng ta được tham dự vào sự sống của Ngài ngay từ bây giờ và mãi mãi.

Để chúng ta hiểu điều đó, tin mừng Thánh Gioan kể cho chúng ta nghe một biến cố đã xảy ra nhều thế kỉ trước, trong cuộc Xuất Hành. Người Híp pri lại một lần nữa càm ràm chống lại Thiên Chúa. Họ đã bị rắn lửa cắn và nhiều người đã chết. Bấy giờ họ mới biết rằng mình bị phạt vì đã phạm tội. Thế là họ chạy đến Mô sê nài xin ông can thiệp với Thiên Chúa. Ngài truyền cho ông Mô sê cho đúc con rắn đồng và treo trên lên đầu một cây cột, để ai bị rắn cắn mà nhìn lên sẽ được cứu thoát. Mới nhìn, chúng ta tưởng là phù phép; nhưng thực sự không phải thế. Đó là một hành vi đức tin vào Thiên Chúa độc nhất. Theo ngôn ngữ kinh thánh, « nhìn lên » có nghĩa « thờ phượng ». Khi nhìn lên con rắn, người ta thờ phượng Thiên Chúa vì tin rằng mình sẽ được Ngài cứu thoát.

Hôm nay, thánh Gioan mời gọi chúng ta nhìn lên thánh giá. Chúng ta phải dám nhìn lên đấng chịu đóng đinh và thờ lạy Ngài. Nhìn về Đức Ki tô Cứu độ là một cái nhìn đức tin, một cái nhìn đầy tin tưởng và tin yêu. Khi hướng về Đức Ki tô, chúng ta nhận được sự chữa lành và sự sống. Chính đó mục tiêu của Mùa Chay là thời gian sám hối và trở về với Thiên Chúa. Điều đó rất quan trọng, vì rất thường chúng ta có khuynh hướng hay bị cám dỗ nhìn nơi khác, nhưng rốt cục, chúng ta không thấy gì. Chúng ta tưởng tìm được hạnh phúc, nhưng thường chỉ có thất vọng và trống rỗng. Vậy chúng ta phải lắng nghe lại lời mời gọi của Thiên Chúa: « Hãy hết lòng trở về với Ta ».

Như người Híp pri, cuộc sống khó khăn khiến chúng ta nghi ngờ ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho thế gian. Hằng ngày, chúng ta phải đối đầu với mọi sự dường như đang đi vào chỗ bế tắc.Nhưng Tin mừng nhắc chúng ta không được bi quan. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta tất cả mọi sự để thế gian nầy được cứu thoát. Nhưng Ngài không thể cứu chúng ta mà không có chúng ta. Chính chúng ta phải chiến đấu chống lại sự giả dối và sữ dữ để Ánh sáng của sự Sống chiếu giải trong chúng ta và trên thế giới.

Trong thế giới đầy xáo trộn và bạo lực của chúng ta hôm nay, hãy học nhìn lên những dấu chỉ của Sự sống chiến thắng trên sự chết, để nổ lực dấn thân vỉ một thế giới công bằng và liên đới hơn. Ngang qua tất cả những điều đó, chính sự sống đang dâng trào. Cũng giống như những chồi non báo hiệu một mùa xuân mới.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Sử biên niên là sách gì?

THƯA: Sách Sử biên niên gồm hai quyển, thuộc loại sách Sử Cựu Ước sau thời lưu đày, sử dụng tư liệu trong các Sách Thánh và nhiều sách khác để viết lại lịch sử Ít ra ên nhằm giúp cộng đồng Do thái tìm lại gốc rễ của mình và nhận ra mình đang sống cùng một lịch sử thánh như các thế hệ trước lưu đày.

2. HỎI: Nội dung bài đọc một như thế nào?

THƯA: Bài đọc một trích từ những trang cuối cùng của sách Sử biên niên 2 (và của Bộ Kinh Thánh Híp pri), ghi lại những biến cố xảy ra ở thế kỉ thứ 6-5 vào lúc cuối thời quân chủ. Mọi thành phần Dân Chúa đều đã phạm tội: từ đầu mục tư tế cho đến người dân đã chạy theo những ngẫu tượng của ngoại bang. Họ đã làm hoen ố đền thờ Chúa và xúc phạm Danh Thánh Người. Sau nhiều lần sai các sứ giả mời gọi họ sám hối, nhưng họ vẫn làm ngơ, trái lại còn ra tay giết chết các tiên tri. Nên Thiên Chúa buộc lòng phải trừng phạt cho dân đi lưu đày để họ khám phá lại những hồng ân của Thiên Chúa.

3. HỎI: Tác giả ghi lại các biên cố ấy để làm gì?

THƯA: Tác giả tìm cách hiểu về các biến cố đã xảy ra: tại sao Thiên Chúa là Đấng trung thành với giao ước lại để cho Dân Ngài phải lầm than như thế?

4. HỎI: Tác giả đọc lại các biến cố nào?

THƯA: Tác đọc lại ba biến cố lớn sau đây: tội lỗi của nhà Ít ra ên dẫn đến sự sụp đổ của nền quân chủ, hai là biến cố lưu đày, và ba là chiếu chỉ cho phép người lưu đàyhồi hương của vua Ky rô.

5. HỎI: Câu 14 nói đến điều gì?

THƯA: Các câu 12-14 nói đến đời sống tội lỗi và bất trung của Ít ra ên là nguyên nhân gây ra việc thành Giê ru sa lem bị triệt hạ và dân thành bị lưu đày Ba bi lon. Thế nhưng Thiên Chúa vẫn trung thành với Giao Ước, không ngừng gửi các tiên tri đến vì Ngài muốn tất cả được cứu độ.

6. HỎI: Mục đích việc trừng phạt của Thiên Chúa là gì?

THƯA: Thiên Chúa bừng bừng nổi giân vì dân Israên phạm tội bất trung với Ngài. Ngài trừng phạt họ nặng nề bằng cách phát lưu họ nơi đất khách quê người chính là để họ nhận ra tội mình đã phạm, sám hối và quay trở về với Ngài. Hình phạt của Thiên Chúa luôn có tính cách điều trị và chữa lành.

7. HỎI: Hình phạt lưu đầy xảy ra vào đời Vua nào?

THƯA: Vào thời Vua Xít ki gia hu. “Vua đã làm điều dữ trái mắt ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của vua, và không chịu hạ mình xuống trước mặt ngôn sứ Giê-rê-mi-a là người đã nói nhân danh ĐỨC CHÚA” (Sb 2, 36,12).

8. HỎI: Tiên tri Giê-rê-mi-a đã nói gì?

THƯA: Giê-rê-mia chỉ thực hiện vai trò tiên tri là không ngừng nhắc lại Luật của Thiên Chúa và hăm dọa dân bằng những hình phạt nặng nề nếu họ không chịu sám hối trở về với Ngài. Và ông đã vô cùng thất vọng khi thấy các biến cố ông cảnh báo đã xảy ra.

9. HỎI: Sau khi đã chữa lành, Thiên Chúa đã làm gì cho dân Ngài?

THƯA: Sau khi dùng hình phạt để chữa trị và thanh luyện cho dân, Thiên Chúa đã thương xót và tha thứ cho họ. Ngài chuẩn bị mọi phương thế cần thiết để đưa dân Ngài từ đất lưu đày trở về cố hương.Bài đọc thứ nhất cho thấy Ngài đã dùng bàn tay một người ngoại đạo là vua Ky rô Ba tư cho phép Dân Israên trở về tái thiết quê hương. Đó là cách Ngài tỏ cho thấy tình thương tha thứ của Ngài.

10. HỎI:Vua Kyrô Ba tư đã làm gì?

THƯA: Khi vừa lên ngôi, vua Ba tư (538-529 tr CN) truyền cho những  người lưu đày trở về quê hương. Đó là một điềukhông ai hi vọng cũng không dám mơ đến. Vì thế, người đời sau coi ông như là dụng cụ trong bàn tay của Thiên Chúa.

11. HỎI: Câu 21 nói lên điều gì?

THƯA: Câu 21 cho thấy suy tư của tác giả về các biến trên: “Thế là ứng nghiệm lời ĐỨC CHÚA phán, qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a rằng: cho đến khi đất được hưởng bù những năm sa-bát và suốt thời gian nó bị tàn phá, nó sẽ nghỉ, cho hết bảy mươi năm tròn”. Sự kiện ấy đã được tiên tri Giê rê mia báo trước: vì trái đất không giữ trọn bổn phận của mình đối với Thiên Chúa, nên sẽ bị phạt bằng cách không còn ai hiện diện và làm việc trong khoảng 70 năm ở đó nữa.

12. HỎI: Biến cố thứ ba là gì?

THƯA: Biến cố thứ ba quan trọng nhất là chiếu chỉ Vua Ky rô (536 tr CN) cho phép những người lưu đày trở về cố hương.

13. HỎI: Tại sao nói rằng Vua Ky rô là dụng cụ trong bàn tay của Thiên Chúa?

THƯA: Chương trìnhcủa Thiên Chúa được hoàn thành một cách lạ lùng: chính nhờmột người ngoại là vua Ky rô mà Thiên Chúa giao phó cho việc tái thiết thànhGiê rusa lem và phụchưng dântuyển chọn. “ĐỨC CHÚA tác động trên tâm trí Ky-rô, vua Ba-tư” để ông ra chiếu chỉ: “Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Giê-ru-sa-lem tại Giu-đa. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người, thì xin ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy tiến lên. ..!” (Sb2 36,23).

14. HỎI: ‘Bảy mươi năm’ (c.21) có nghĩa gì?

THƯA: Tác giả nói ‘bẩy mươi năm’ là qui chiếu đến tiên tri Giê rê mia khi ông nói đến thời gian lưu đày ở Babilon (Gr 29,10). 70 không phải là con số thực (vì lưu đày chỉ kéo dài khoảng 60, 50 năm) mà chỉ một thời gian dài gần một đời người.

15. HỎI: Bài đọc một nhấn mạnh đến điểm nào?

THƯA: Bài đọc một nhấn mạnh đến sốphận của đền thờ Giê ru sa lem. Đền thờ là dấu chỉ cho sự hiện diện của Thiên Chúa nên khi Đền thờbị tục hóa bởi sự bất trung của Dân Chúa đối với Giao Ước, Ngài không còn hiện diện nữa cho đến khi đền thờ được tái thiết. Thiên Chúa, Đấng đã kí Giao ước với dân vẫn trung thànhdù Dân của Ngài tỏ ra bất hiếu bất trung.

16. HỎI: Tác giả bài đọc một muốn gửi đến sứ điệp gì?

THƯA: Tác giả muốn khẳng định hai điều quan trọng về đức tin: một là dù Dân Ngài tội lỗi và bất trungThiên Chúa vẫn luôn là Thiên Chúa của cha ông, và Ngài làm mọi sự để ngăn cản họ rơi xuống vực thẳm. Hai là khi dân rơi xuống vực thẳm thì Ngài tìm mọi cách để đưa họ lên,vì không có gì mà Thiên Chúa không làm được.

17. HỎI: Bài đọc thứ nhất đã được tiếp nối trong bài tin mừng như thế nào?

THƯA: Tình thương của Thiên Chúa đã nhiều lần được bày tỏ qua các biến cố trong lịch sử, và cuối cùng đã hoàn toàn được biểu lộ trong một người, một gương mặt, đó là Chúa Giê su Ki tô. Ngài là hồng ân trọn vẹn của Thiên Chúa, Ngài là dấu hiệu của tình thương, là chính tình thương sâu thẳm bao la của Thiên Chúa.

18. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng như thế nào?

THƯA:  Chương 2 tin mừng Gio an đề cập đến những điều mới mẻ mà Chúa Giê su mang đến trần gian khi bắt đầu công cuộc rao giảng: rượu mới (2,1-11), đền thờ mới (2,13-22), phụng tự mới (4)... Có một số người Do thái đã tin vào Ngài (2,23-25). Nhưng trước hết phải canh tân toàn diện con người, điều kiện căn bản để được chấp nhận vào trật tự mới (chương 3). Đây là chủ đề cuộc nói chuyện giữa Chúa Giê su và ông Nicôđêmô. (3,1-21), và cũng là ngữ cảnh gần của đoạn tin mừng của chúng ta.

19. HỎI: “Giương cao Con Người lên” có ý nghĩa gì?

THƯA: Khi nói đến việc Con Người được giương cao lên, Thánh Gioan không có ý nói đến việc Chúa Giê su thăng thiên, nhưng muốn ám chỉ đến việc Ngài bị treo trên thập giá, một việc mà ngài coi như một lễ đăng quang, một cuộc hiển linh của Chúa Ki tô, có sức thu hút tất cả mọi người đến với Ngài.

20. HỎI: Với điều kiện nào thì nhìn lên Con Người được giương cao trên thập giá mới được cứu độ?

THƯA: Cũng như xưa con rắn đồng đã cứu dân Híp pri với điều kiện họ nhìn lên nó với niềm tin rằng đó là dấu chỉ của lòng nhân hậu và quyền năng cứu thoát của Thiên Chúa. Thì nay, ai tin tưởng nhìn lên Chúa Giê su, Con người bị treo cao trên thập giá là dấu chỉ ơn cứu rỗi và sự sống cho loài người, cũng sẽ được cứu độ.

21. HỎI: “Sự sống đời đời” trong tin mừng thánh Gioan có nghĩa gì?

THƯA: Trong Tin mừng thánh Gioan, “sự sống đời đời” chỉ ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa ban cho những ai tin vào Ngài qua lời Con của Ngài. Sự sống đời đời nầy không những có ý nghĩa như sự sống vĩnh cửu mà còn là sự sống đang diễn ra nơi những ai tin: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Ai nghe lời Ta và tin vào Đấng đã sai Ta thì có sự sống đời đời..” (Ga 5,24).

22. HỎI: Tình yêu Thiên Chúa biểu lộ qua ơn Ngài ban cho nhân loại. Ơn đó là gì?

THƯA: Ơn Thiên Chúa ban tặng cho loài người trước tiên biểu lộ qua việc sai Chúa con đến trong thế gian qua việc nhập thể. Rồi kế đến, qua việc gương cao Chúa Con trên thập giá, trong mầu nhiệm chết và sống lại.

23. HỎI: Lời Chúa mang lại cho chúng ta sứ điệp gì trong mừa Chay nầy?

THƯA: Lời Chúa hôm nay cho ta thấy lịch sử của Dân Chúa và của từng người chúng ta là lịch sử của tội lỗi và ân sủng, của bất trung và tha thứ, của phản bội và yêu thương. Chính trong tội lỗi nặng nề mà con người được Thiên Chúa tỏ cho thấy Ngài yêu thương vô cùng, như lời thánh Phao lô: “Nơi đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng càng chan chứa” (Rm 5,20). Tình yêu thương ấy thể hiện bằng sự kiên trì, kêu gọi, trừng phạt, thương xót và tha thứ. Mùa Chay là thời gian hồng phúc để lắng nghe và cảm nghiệm được tiếng gọi mời của tình yêu nhân hậu ấy. Chúng ta hãy cầu xin cho được ơn khiêm tốn đáp lại lời yêu thương của Thiên Chúa và can đảm quay trở về với Ngài, chuẩn bị mừng ngày cùng được sống lại với Đức Ki tô phục sinh trong đời sống mới.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV mùa chay B: YÊU ĐẾN NỖI BAN TẶNG CON MÌNH CHO THẾ GIAN. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy tuần III Mùa Chay. Nt. Maria Chinh Anh
     Thánh Vịnh - Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm B
     Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 05/03 - 11/03/2015: Câu chuyện Chúa Giêsu tẩy uế Ðền Thờ
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Mùa Chay: YÊU CHÚA VÀ YÊU NGƯỜI. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm tuần III Mùa Chay: LÒNG TRỜI. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Tin Mừng Thứ Tư Tuần III Mùa Chay: ĐỨC KITÔ VÀ LỀ LUẬT. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ 3 Tuần III Mùa Chay: THA THỨ. Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần III Mùa Chay: XUỐNG KHỎI ĐỈNH NÚI ĐỂ BƯỚC VÀO TÒA CÁO GIẢI. Thiên An
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Tuần III mùa chay. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông