CHÚA NHẬT V MC B:
CHẤP NHẬN MỤC
NÁT ĐỂ TRỔ SINH MÙA LÚA MỚI
Ở
đất nước nông nghiệp như Việt Nam, cây lúa gắn liền với đời sống của người dân.
Nghề trồng lúa của Việt nay tuy đã có rất nhiều thay đổi tiến bộ, nhưng vẫn bị
xếp vào nền nông nghiệp lạc hậu. Vấn đề quan trọng nhất của nhà nông bây giờ
không còn là nhất nước nhì phân, mà phải là nhất giống, nhì phân, tam cần tứ nước.
Nhà nông ngày nay khi gieo trống, họ luôn quan tâm và chọn loại giống nào cho
năng xuất cao, chất lượng tốt, có giá trị kinh tế cao. Hạt giống chất lượng,
không mang mầm bệnh, có sức kháng rầy, kháng bệnh sẽ đem lại mùa lúa bội thu
cho nhà nông.
Hôm
nay, Chúa Giêsu cũng dùng hình ảnh hạt lúa mì gieo vào lòng đất để nói về sự hy
sinh, tự hiến của Ngài: Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà chết đi, nó mới
sinh được nhiều hạt khác. Chúa Giêsu chính là hạt lúa mì được Thiên Chúa Cha
gieo vào thế gian. Ngài đã chấp nhận hạ mình mang lấy thân phận con người, chịu
mục nát bởi sự giới hạn trong thân phận con người, và nhất là chấp nhận cái chết
trong phận con người để làm trổ sinh một mùa lúa mới, một dòng giống mới.
Khi
nghe các môn đệ báo là có những người Hy Lạp muốn gặp, Chúa Giêsu trả lời : Đã
đến giờ Con Người được tôn vinh ! Giờ Chúa Giêsu nói đến chính là thời điểm
vinh quang của Thiên Chúa được tỏa rạng, Danh Chúa được muôn dân nhận biết. Giờ
ở đây là thời Thiên Chúa thực hiện việc quy tụ con cái của Ngài từ muôn dân,
muôn nước trở nên một dân duy nhất. Nhưng đặc biệt hơn nữa, Chúa Giêsu muốn nói
đến giờ Ngài hoàn tất chương trình cứu độ nhân loại qua cuộc tử nạn và phục
sinh, mà Ngài đã dùng hình ảnh để so sánh : Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà
không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó sẽ sinh nhiều
bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống mình ở đời
này, thì sẽ giữ cho được sự sống đời đời.
Với
hình ảnh này, Chúa Giêsu cho thấy cuộc thương khó và cái chết của Ngài sẽ không
rơi vào vô ích, nhưng sẽ đem lại sự sống mới cho nhân loại. Chúa Giêsu, khi được
Thiên Chúa Cha gieo vào trần gian với sứ mạng giải thoát con người khỏi sự ràng
buộc của ma quỷ, tội lỗi và sự chết, Ngài đã âm thầm thực thi sứ mạng ấy trong
vâng phục và từ bỏ chính mình để rồi hôm nay, Ngài thấy những mầm sống, những
tia hy vọng đầu tiên hé nở qua việc những người dân ngoại tìm đến với Ngài.
Chấp
nhận mang thân phận hạt lúa mì, thì cũng đồng thời phải chấp nhận nghịch lý “được
và mất”: Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống ở đời này,
thì sẽ giữ được sự sống đời đời. Đây là một nghịch lý nhưng không hề vô lý, nghịch
lý này chỉ dành cho những ai nhận ra giá trị vĩnh cửu của Nước Trời và sự sống
đời sau mới dám đánh đổi như thế. Chúa Giêsu chấp nhận nghịch lý này khi hy
sinh mạng sống, chấp nhận cái chết đau đớn, nhục nhã vì tội nhân loại và Thiên
Chúa Cha đã trả lại cho Ngài sự sống lại trong vinh quang và còn đặt Chúa Giêsu
làm Đấng Kitô và là Chúa tể trên trời và dưới đất.
Thiên
Chúa Cha đã chấp nhận của lễ là sự yêu mến và vâng phục của Chúa Giêsu, sự vâng
phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, đã là một hành động tôn vinh Danh Chúa và
Thiên Chúa còn tiếp tục làm rạng Danh Ngài qua chính Người Con yêu quý của Ngài
là Chúa Giêsu. Như thế, giờ tự hiến của Chúa Giêsu trên thập giá sẽ là giờ chiến
thắng của uy quyền Thiên Chúa trên ma quỷ, của sự sống trên sự chết, của ân sủng
và tình yêu trên tội lỗi và hận thù, đồng thời cũng là thời điểm Satan và các
thế lực của nó sẽ bị loại trừ vĩnh viễn.
Một
lần nữa, Chúa Giêsu nói về việc Ngài sẽ bị chết treo, nhưng cái chết treo này sẽ
không còn là nỗi ám ảnh sợ hãi cho con người, cũng không còn phải là sự nguyền
rủa của Thiên Chúa nữa nhưng sẽ là đỉnh cao, là điểm quy tụ lôi kéo mọi người
quay về với Thiên Chúa: Một khi được giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi
người lên cùng tôi. Với cái chết treo trên thập giá, Thiên Chúa sẽ thiết lập một
giao ước mới với một dân mới được Thiên Chúa yêu thương, điều này đã được
Giêrêmia loan báo trước từ lâu : Ta sẽ lập với nhà Israel và Giuđa một giao ước
mới,…Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng lề luật của Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng
và chúng sẽ là dân Ta. Từ đây, dân mới là Hội Thánh, trong đó có mỗi chúng ta,
được Thiên Chúa yêu thương cách riêng và Ngài đã ghi khắc lề luật của Ngài
trong mỗi chúng ta, để từ đây, chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa mà thôi.
Nghịch
lý của hạt lúa mì vẫn mãi là đòi hỏi và thách thức cho mỗi người : Là cha mẹ,
chúng ta càng cảm nhận được nghịch lý này đang là một thách thức cho mỗi gia
đình. Thế gian kéo chúng ta về một cuộc sống dễ dãi, buông thả, không cần cố gắng,
không phải hy sinh, nhưng trái tim và ơn gọi làm cha mẹ lại đòi chúng ta phải
chấp nhận hy sinh, tiêu hao cuộc đời, sinh lực, tâm trí, khả năng cho cho gia
đình, cho con cái, với hy vọng tương lai hạnh phúc sẽ đến với con cháu mình.
Hơn thế nữa, ơn gọi làm con Chúa và ơn gọi nên thánh thúc đẩy chúng ta phải chấp
nhận tiêu hao cả con người cùng với sự hy sinh từng ngày để vun đắp hạnh phúc
và đời sống đức tin cho con cháu. Hãy chấp nhận mục nát cái tôi ích kỷ, nhỏ
nhen để vun đắp cho gia đình thêm ấm cúng, thuận hòa. Hãy chôn vùi vĩnh viễn những
đam mê như rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập, những lời nói
chua ngoa hay những lời chửi bới tục tĩu để cho lòng nhân ái bao dung được nảy
mầm, cho hạnh phúc được đơm bông kết trái.
Nếu cha mẹ dám chấp nhận một cuộc sống lương
thiện, ngay thẳng thật thà, thì họ sẽ gặt được những hoa trái là những đứa con
lương thiện. Nếu cha mẹ dám chấp nhận mục rã, hủy bỏ sự ươn lười của mình, họ sẽ
gặt được những đứa con chăm ngoan. Nếu cha mẹ siêng năng trong đời sống đạo đức
và công tác tông đồ, thì hoa trái của họ sẽ là những đứa con đạo hạnh, nết na.
Cha mẹ nào cũng muốn hy sinh cho con, vì con, nhưng có những sự hy sinh uổng
phí hoặc là hy sinh không đúng chỗ. Có người hy sinh vất vả chỉ để kiếm tìm cơm
bánh cho con, mà lại quên vun đắp cho gia đình mình ấm cúng, thuận hòa, hạnh
phúc. Có những người chỉ lo tìm kiếm của cải vất chất mà quên xây dựng đời sống
đạo đức và tâm hồn cho con cái. Những hy sinh như thế là chưa đúng và còn là uổng
công.
Là
những người Công Giáo, đôi khi chúng ta cảm thấy mình bị thua thiệt so với những
người khác, chỉ vì chúng ta muốn trung thành với Chúa Giêsu và giao ước mới của
Ngài. Chúa Giêsu đòi chúng ta phải sống triệt để quy luật của hạt lúa mì, chấp
nhận mục rã ở đời này để được hạnh phúc đời đời mai sau. Trong khi người đời chạy
theo xu hướng hưởng thụ buông thả, nghiện ngập ăn chơi, thì chúng ta lại chấp
nhận từ bỏ và tiết chế. Trong khi người đời tìm kiếm sự giàu sang vật chất thì
chúng ta lại tìm kiếm gia tài trên trời ; và trong khi người đời dửng dưng, vô
cảm với nhau, thỏa mãn trên sự nghèo khổ của anh em thì chúng ta lại đang muốn
sống quan tâm, chia sẻ và cảm thông. Đó chính là quy luật của hạt lúa mì. Quy
luật này phải là lý tưởng sống cho mỗi người trong thời đại hôm nay.
Mang
thân là hạt lúa mì, mỗi người còn phải chấp nhận một sự nghiền nát, nhào nặn và
đốt nóng để trở thành tấm bánh được dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày trên bàn thờ,
để tôn vinh Thiên Chúa, đem lại ơn cứu độ cho mình và cho mọi người ; đồng thời
còn là tấm bánh được bẻ ra cho anh em. Xin cho chúng ta dám bẻ thời giờ, sức khỏe,
tuổi trẻ, khả năng, của cải, lương thực để chia sẻ và đem lại cuộc sống hạnh
phúc cho anh em. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc