CHỦ NHẬT THỨ NĂM CHAY B
Hành trình mùa Chay dẫn chúng ta đồng hành với
Chúa Giê su trên con đường hi sinh thập giá. Niềm vâng phục của ông A bra ham
cũng như những đau khổ của Dân Chúa trên bước đường lưu đày đã giúp chúng ta
khám phá ra các nguồn suối hi vọng đầy sức sống. Hôm nay, cuộc hành trình ấy
đưa chúng ta lên tới điểm cao nhất: cùng với Chúa Giê su chúng ta leo lên đồi
Can vê với hy vọng được Ngài lôi kéo chúng ta lên tới Thánh ý Thiên Chúa Cha
hằng yêu thương chúng ta.
Sách Gr 31,
31-34:
Chúng ta biết rằng dù chúng ta có khước từ, Thiên
Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Người muốn tha thứ cho chúng ta để từ nay, Lề
luât không không còn áp đặt từ bên ngòai nữa. Trái lại, trong Giao Ước mới, Lề
luật của Thiên Chúa sẽ được ghi khắc trong đáy sâu thẳm tâm hồn. Lề luật ấy
không còn là một bộ luật vô hồn, mà là Một Đấng đang yêu thương. Việc vâng phục
Lề luật từ nay sẽ có nghĩa là sống cùng một sự sống với Đấng đang hiện diện
trong chúng ta.
Thánh vịnh
50:
Chúng ta hãy khiêm nhường xin Thiên Chúa tha thứ
tội lỗi, với niềm xác tín rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta một thần khí mới, một
sự sống mới. Chỉ có ơn Thiên Chúa mới có thể tẩy rửa tâm hồn chúng ta để biến
thành nơi ở xứng đáng đẹp lòng Thiên Chúa.
Thư Hr 5,7-9:
Thánh Phao lô dạy cho chúng ta biết cái giá mà
Chúa Giê su phải trả để thiết lập Giáo Ước với Israel mới là Giáo Hội. “Ngài đã
phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”. Trên thánh giá,
Ngài đã cho thấy sự vâng phục tuyệt đối trước Thánh ý Thiên Chúa Cha và tình
yêu tột cùng của Ngài dành cho nhân lọai.
Tin mừng Ga
12,20-33
Giờ của Chúa
Giê su
NGỮ CẢNH
Tin mừng Ga được bố cục làm hai phần: phần đầu là
sách ghi lại các dấu chỉ (1-12), và phần sau là cuộc Khổ nạn và Phục sinh
(13-21). Tuy nhiên khó mà ấn định giới hạn rạch ròi giữa hai phần. Việc xức dầu
ở Bê ta ni a (12,1-11) và cuộc khải hoàn vào thành Giê ru sa lem (12,12-19)
thường được các sách Tin mừng đặt ở phần dẫn vào cuộc Khổ nạn. Riêng Ga thì lại
thêm đoạn nói về việc giờ của Ngài đã đến nhân dịp một nhóm người Hi lạp bày tỏ
ước mong được thấy Ngài (12,20-36).
Chúng ta có thể đọc đoạn văn nầy theo bố cục như
sau:
1. Nhập đề: (12,20-22): gặp gở nhóm người Hi lạp
và ước muốn của họ.
2. Chúa Giê su trả lời (23-26) cho biết giờ của
Ngài đã đến.
3. Tâm tư xao xuyến của Chúa Giê su trước giờ của
Ngài (27-33): đó là giờ vinh quang, nhưng cũng là lúc Ngài được giương cao khỏi
đất.
GIẢI THÍCH
Mấy người Hi lạp: “lên Giê ru sa lem thờ phượng
Chúa”. Đây là những người ngoại trở lại với đức tin do thái giáo. X. Cv 8,27.
Một lần nữa trong tin mừng, Gio an cho thấy một ám chỉ đến lễ Vượt qua sắp được
cử hành.
Được gặp ông Giê su: có vẻ như những người Hi lạp
nầy không chỉ tỏ cho thấy mình là những người trở lại đạo do thái. Họ còn tìm
cách gặp Chúa Giê su. Nơi họ đã hoàn thành lời tiên báo của người biệt phái: “Kìa
thiên hạ đều đi theo ông ấy hết!” (12,19).
Ông Phi líp, ông An rê: x.1,40-44; 6,5-8. có lẽ
người ta đến với họ vì họ mang tên Hi lạp. Họ gốc ở Bết sai đa vùng Ga li lê
nơi có nhiều người hi lạp nhất.
Chúa Giê su: như ở 8,9; 4,11-16 ; 6,26. Chúa
Giê su không trực tiếp trả lời. Ngài tìm cách hướng những người đàm thọai đến
mầu nhiệm của bản thân Ngài, ngay chính lúc « họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã
đâm thâu » (19,37).
Giờ: câu trả lời của Chúa Giê su cũng còn nhắm đến
các môn đệ của Ngài và đám đông nữa. Việc người hi lạp đến, - được coi như một sự vượt qua của dân ngoại - đối với Chúa
Giê su là một dấu chỉ: đã đến lúc phải tôn vinh Thiên Chúa và cứu độ thế gian
bằng cuộc Khổ nạn của Ngài. Những người hi lạp nầy đại diện cho tất cả các dân
ngoại đi tìm một đấng Cứu độ (như những người Sa ma ri ta nô :
4,15.25.39-42).
Được tôn vinh: đây chính là vinh quang đích thực.
Không phải thứ vinh quang được đám đông tung hô, mà là vinh quang được mạc
khải, ngang qua sự chết và phục sinh, căn tính Chúa Giê su đối với Cha và cho
chúng ta. Chúng ta sẽ có thể chiêm ngưỡng một khi Ngài sẽ được tôn vinh.
Hạt lúa: một lời nói bao hàm cả một dụ ngôn. Một
hạt giống chết trong lòng đất sẽ sinh ra nhiều hạt khác (x. 1Cr 15,36-44). Đây
là cách thức thứ hai trả lời cho người Hi lạp. Hy tế của Chúa Giê su sẽ đem lại
“nhiều hoa trái”, sẽ khiến cho các tín hữu trên toàn thế gian qui tụ lại. Dụ
ngôn có thể áp dụng cho tất cả mọi người tin vào Chúa Giê su.
Mạng sống mình: dịch sát chữ: “linh hồn mình”,
nghĩa là sự sống con người. Ở đây có hai từ hi lạp khác nhau: “linh hồn”
và “sự sống” vĩnh cửu.
Ai yêu “sự sống” mình thì sẽ mất. Đó là luật của
ơn cứu độ đòi hỏi một sự từ bỏ chính bản thân mình. Trong Giáo hội, chúng ta
thường có khuynh hướng chọn giữa cuộc sống phàm trần của chính mình và đức tin
vào Chúa Giê su.
Trong các tin mừng nhất lãm có những công thức
tương tự và luôn luôn đi sau một lời loan báo Khổ nạn (Mc 8,35; Mt 16,25;
10,39; Lc 9,24; 17,33). Sự nhấn mạnh ấy là dấu cho thấy rằng giáo huấn nầy của
Chúa Giê su chắc chắn đã được đặc biệt đề cao thời các tông đồ.
Thầy ở đâu: lời khẳng định kép về tương quan giữa
cái chết của Chúa Giê su và sự từ bỏ của người tôi tớ. Chúa Giê su sẽ lặp lại
lời hứa của Ngài trong 14,3 và một cách long trọng hơn nữa trong lời nguyện với
Cha: “Lạy Chúa.. con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con
cũng ở đó với con” (17, 24).
Cha: vinh dự của người tôi tớ sẽ là được tham dự
vào vinh quang của Con. “Vậy đã là Con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa
cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Ki tô; vì một khi cùng chịu đau
khổ với Người, chúng ta sẽ được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8,17).
X. thêm 1 Cr 15,43; Ep 2,6.
Cuộc phục sinh ông La gia rô vừa chứng tỏ cho các
môn đệ thấy Chúa Giê su là sự sống lại và là sự sống.
Xao xuyến: bản văn hi lạp của câu nầy khó hiểu.
Động từ hi lạp có nghĩa là “xao xuyến” chỉ xuất hiện trong Ga, được áp dụng cho
Chúa Giê su ba lần: khi Chúa Giê su thấy Ma ri a khóc thương La gia rô (11,33),
ở đây và khi nói về việc ông Giu đa làm phản (13,21). Đó là một ám chỉ đến Tv
42,6-7, mà Mc và Mt đặt trên miệng Chúa Giê su ở vườn cây dầu. Gioan viết lại
trình thuật hấp hối một cách khác hẳn :
Gioan 12
|
Mác cô 14
|
27: Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến;
|
34: Tâm hồn Thầy buồn đến chết được (Tv 42)
|
Thầy
biết nói gì đây Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ nầy.
|
35: Và Ngài cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ
ấy, nếu có thể được.
|
Nhưng chínhvì giờ nầy mà con đã đến!
28: Lạy Cha, xin tôn vinh danh Cha.
|
36: “… nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều
Cha muốn.
|
Trong hai cảnh khác nhau trên đây, có cùng một
cuộc chiến đấu nội tâm giữa ý muốn nhân loại của Chúa Giê su và sự vâng phục
của Con, sự thông hiệp với chương trình của Thiên Chúa. Ga ám chỉ đến một quyết
định hơn là một cuộc chiến; và đã cho thấy vương quyền của Chúa Giê su trong
suốt quá trình khổ nạn.
Xin tôn vinh danh Cha: Điều mà Chúa Giê su ao ước
không gì khác hơn là sự tỏ hiện vinh quang Thiên Chúa sẽ được mạc khải trong
cái chết và sự sống lại của Ngài: “Xin cho danh Cha cả sáng, nước Cha hiển trị,
ý Cha thể hiện” (Mt 6,9-10).
Tiếng từ trời: coi tiếng sấm là “giọng Thiên Chúa
nói” là điều bình thường trong Thánh Kinh. Như trong khung cảnh Si nai (Xh
19,19; G 37,4; Tv 29,3-9). Đoạn nầy có thể được đặt song song với trình thuật
Biến hình:
|
Gioan 12
|
Mác cô 9
|
Sự tỏ hiện của Thiên Chúa
|
28: Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống
|
7: Và từ đám mây có tiếng phán rằng:
|
Chứng cho Con
|
30: Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà
vì các người.
|
7: Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời
Người!
|
Đã tôn vinh: Cha đã tôn vinh danh của Người qua
các việc mà Người đã ban cho Chúa Giê su thực hiện (11,4).
Sẽ còn tôn vinh nữa: lời Thiên Chúa đáp lại lời
cầu nguyện của Chúa Giê su là chìa khóa mở ra ý nghĩa chính yếu của khung cảnh
trung tâm (13,37-33). Sự tôn vinh Cha sẽ được thực hiện trong cái chết và phục
sinh của Chúa Giê su. Ơn ban Thánh Thần và sự bành trướng tin mừng sẽ là sự
hoàn thành sau hết của công việc tôn vinh nầy.
Một thiên thần: sự phỏng đoán của đám đông có thể
nhắc tới vị thiên sứ đã xuất hiện trong cơn hấp hối theo Lc 22,43.
Giờ đây: giờ đang đến không những là giờ thử thách
của Chúa Giê su, mà còn là giờ của toàn thể thế gian. Giờ của Đức Ki tô (12,27)
cũng là giờ của chúng ta (hai lần lặp lại ở đây). Đó là giờ chống đối, thuận
theo hay chống lại Chúa Giê su, xét xử chúng ta. Tin mừng đã nói về giờ nầy
trong các câu 3-8. Đó là giờ của vương quốc sự thật và giờ mà Sa tan bị xua
đuổi.
Được giương cao lên khỏi mặt đất: X. 3,14. Kiểu
nói gợi lại việc đóng đinh thập giá và tôn vinh. “Đất” được nói tới như trong
c.24. Trong hiến tế, Chúa Giê su không biến mất khỏi thế gian nhưng được giương
cao và được tôn vinh.
Tôi sẽ kéo: X. người mục tử nhân lành (10,16) và
lời tiên tri của ông Cai pha (11,52).
Ám chỉ: có lẽ nên dịch theo nghĩa mạnh của từ nầy
là: tỏ ra, cho một dấu chỉ. Chúa Giê su trao ban thập giá như là dấu chỉ mạc
khải bản thân và việc Ngài làm (được giương cao và kéo lên).
Sẽ phải chết cách nào: cách ném đá mà người ta
thường đe doạ Ngài lẽ ra đã làm cho Ngài quị ngã xuống đất. Cách đóng đinh thập
giá mang một ý nghĩa biểu tượng. Nó đưa Chúa Giê su lên cao khỏi mặt đất.
SỨ ĐIỆP
« Chúng tôi muốn thấy Chúa Giê su ». Đó
là yêu cầu của những người Hi lạp sau ngày lễ lá. Họ là những người có thiện
cảm với Do thái giáo, đến Giê ru sa lem dự lễ Vượt qua. Khi biết tin Chúa Giê
su khải hoàn vào thành Giê ru sa lem, họ đi tìm các môn đệ. Cuối cùng gặp ông
Phi líp, họ bày tỏ lòng khát khao muốn thấy Chúa Giê su, chiêm ngưỡng vinh
quang của Đấng mà mọi người cảm mến chúc tụng.
« Chúng tôi muốn thấy Chúa Giê su ». Đó
là một lời nói diệu kì phát xuất từ tâm hồn ao ước Thiên Chúa. Tất cả chúng ta
đều muốn như thế. Hãy tưởng tượng xem điều gì xảy ra nếu chúng ta có thể thấy
Ngài đang trên đường vào nhà thờ chúng ta. Chúng ta sẽ ngưỡng mộ Ngài. Nhưng
Ngài không tỏ hiện vì lí do đó. Tin mừng chủ nhật hôm nay cho chúng ta một câu
trả lời khác của Chúa Giê su đáp lại sự mong chờ của những người Hi lạp ấy. Ho
ao ước nhìn thấy Ngài, họ sẽ được mãn nguyện, nhưng vinh quang mà họ được mời
gọi nhận lãnh chính là vinh quang của đấng chịu đóng đinh.
Lời Chúa nhắc cho chúng ta nhớ biến cố đã xảy ra
trong tuần thánh sau chủ nhât lễ Lá. Đó là giây phút mà Ngài sẽ được tôn vinh,
nhưng không theo cách người ta nghĩ. Đó là giờ mà Ngài chờ đợi ngay từ đầu sứ
mạng. Nếu nhóm người hi lạp ước mong thấy, thì họ sẽ mãn nguyện khi nhìn
thấy một người giống như tất cả mọi người khác, bị đau khổ tận cùng cho đến
chết. Ho sẽ nhìn thấy cải chết của đấng là tác giả của sự sống, một người bị
treo cao trên tất cả, bị đóng đinh trên thập giá. Chính con người mang tên Giê
su ấy khi bị treo lên khỏi đất sẽ nhận được vinh quang Thiên Chúa ban thưởng,
bởi vì Ngài sẽ lôi kéo tất cả mọi người đến với Ngài, nhưng dưới diện mạo của
một người tử tội.
Đức Ki tô cũng nói như thế với từng người chúng ta
hôm nay. Nếu chúng ta muốn gặp Ngài, chúng ta đừng quên một điều rất quan trọng: chúng ta sẽ gặp Ngài
nơi mà chúng ta không bao giờ nghĩ là nhìn thấy Ngài. Ngài luôn ẩn nấp dưới
hình dạng hay diện mạo mà chúng ta không bao giờ nghĩ đến. Ngài hiện diện nơi
các bệnh nhân mà chúng ta thăm viếng trong các bệnh viện; Ngài là người bị xã
hội loại trừ vì nhiều lí do, là người tù nhân hay nạn nhân của những vu khống
và tin đồn. Tất cả những gì mà chúng ta làm cho một người bé nhỏ nhất trong anh
em, là chúng ta làm cho chính Ngài.
Với Chúa Giê su, các giá trị đã bị đảo chiều. Sự
bị khinh dễ trở nên cao cả. Thất bại trở nên chiến thắng. Dụng cu hành hình dữ
dằn nhất thời đại đã trở thành thánh giá vinh quang. Chúng ta nhìn thấy nơi đó
một biểu tượng rạng ngời tình yêu. Thánh giá hiện diện chẳng những trong các
nhà thờ chúng ta, mà còn nơi các ngả đường và trên đỉnh đồi. Khi nhìn lên Thánh
giá, chúng ta khám phá ra một tình yêu được tôn vinh vượt trên tất cả những gì
chúng ta có thể tưởng tượng.
Nhưng « thấy » Chúa Giê su không thôi
chưa đủ. Ngài chờ đợi chúng ta bước đi theo Ngài và bắt chước Ngài. Đó là một
lời mời gọi thường được lặp đi lặp lại trong các sách tin mừng: vác thập giá và
theo sau Chúa Giê su. Con đường của Đức Ki tô không bằng phẳng nhưng là một dốc
thẳng đứng, là cánh cửa hẹp, hoàn toàn trái với những gì mà người ta mơ ước.
Trong khi con người thường quan tâm đến tiền bạc, danh vọng, thì Chúa Giê su đi
tìm con người trong thân phận một con người nô lệ. Ngài đếntrần
gian sống giữa chúng ta và trở nên người rốt hết. Chính vì thế mà Ngài mời gọi
chúng ta đi theo Ngài đến tận cái chết để được dự phần vào trong sự phục sinh
của Ngài.
Đi theo Chúa Giê su cũng là chịu đau khổ cùng với
anh em chúng ta, cùng với những người sống trong sợ hãi và thất vọng. Ngài cũng
mời gọi chúng ta gặp gỡ những người dấn thân trong cuộc chiến chống lại nghèo
khổ. Nhiều người ki tô hữu có sáng kiến ăn chay và không tiêu xài để chia sẻ
nhiều hơn với những người nghèo nhất. Vì hoàn cảnh khó khăn của họ, những người
nầy biết rõ rằng tự sức, con người không thể nào tự giải thoát được. Chính vì
thế mà khắp nơi trên thế giới người ta có một lối sống khác đi. Họ muốn xây
dựng một giáo hội bắt đầu phục vụ người khác. Chính Giáo hội đó cho phép chúng
ta gặp Chúa Giê su.
Mỗi ngày chủ nhật chúng ta cử hành Thánh Thể hiệp
thông với toàn Giáo Hội đã nhận lãnh sứ mạng hướng dẫn chúng ta đến với Chúa
Giê su. Khi sai chúng ta đi làm chứng cho tình yêu và niềm hi vọng đặt nơi
chúng ta, Chúa Giê su nhắc chúng ta nhớ rằng Ngài ở với chúng ta mọi ngày cho
đến tận thế. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện xin Ngài ban cho chúng ta sức mạnh và
can đảm thực hiện sứ mạng mà Ngài giao phó cho chúng ta.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Tiên tri Giê rê mia là ai?
THƯA: Giê-rê-mi-a được gọi làm tiên tri thời vua
Giô-si-a,và hoạt động tại Giê-ru-sa-lem từ năm 626 trước công nguyên đến ngày
Giê-ru-sa-lem bị tàn phá 587. Bấy giờ tình hình chính trị và tôn giáo có nhiều
xáo trộn và bất ổn. Giê-rê-mi đã sống trải qua 40 năm khủng khiếp nầy, là lúc
nền quân chủ kết liễu, quốc gia tàn lụi và chấm dứt. Ông là một nhân vật sầu
thảm, cô đơn, báo trước Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và hướng dẫn mọi người đặt
niềm tin tưởng và hi vọng vào sự giải cứu trong tương lai.
2. HỎI: Bài đọc thứ nhất nói đến điều gì?
THƯA: Sau nhiều lần giao ước mà thất bại với loài
người, cuối cùng Thiên Chúa đã nhờ tiên tri Giê rê mia loan báo một giao ước
mới mà Ngài sẽ thực hiện với dân Ngài. Đó là giao ước mới, nội tâm hiệu nghiệm
và vĩnh cửu. Ngài sẽ ghi Lề luật của Ngài trong tâm hồn và ban Thánh Thần để con
người có thể nhận biết Thiên Chúa. Ngài sẽ tha hết mọi tội lỗi của dân.
3. HỎI: Tại sao bài đọc một là bản văn độc đáo của
Cựu Ước?
THƯA: Thưa vì nội dung
củanó. Dân Do thái thường mơ đến một đền thờ mới, một vị vua mới, một đền thờ Giê-ru-sa-lem mới, nhưng chưa bao giờ dám mơ đến một Giao Ước mới vì chỉ có Thiên Chúa mới đưa ra sáng kiến như thế.
4. HỎI: Bối cảnh lịch sử bài đọc một như thế nào?
THƯA: Chúng ta đang ở vào thế kỉ thứ 6, thời kì
thử thách lớn cho niềm Hi vọng Ít ra ên. Hai lần quân Canđê đánh bại Ít ra ên
và chiếm thành Giê ru sa lem: vào năm 597 và năm 587. Chính trong hoàn cảnh bi
đát đó mà Thiên Chúa có sang kiến mạc khải cho biết Ngài là một Thiên Chúa
‘Cha’ ngỏ lời yêu thương trong một Giao
Ước mới.
5. HỎI: Giao ước là gì?
THƯA: Giao Ước là khế ước (hợp đồng) qui định
những nghĩa vụ và quyền lợi mà cả hai bên kí kết phải tuân giữ. Giao Ước trong
Kinh Thánh là sáng kiến của Thiên Chúa đi vào mối tương quan với con người,
phát sinh những nghĩa vụ và quyền lợi đối với nhau, và được kí kết qua một nghi
thức.
6. HỎI:Trong Cựu Ước thường nói đến mấy giao ước?
THƯA: Ba giao ước chính: Giao Ước với ông Noe (St
9,1-17), là lời Thiên Chúa hứa không tiêu diệt nhưng bảo tồn sinh mạng cho loài
người. Giao ước với ông Abraham (St17,1-27), là lời hứa ban tình bạn và ơn cứu
độ. Giao Ước Sinai (Xh 19,24), qui tụ đám dân vừa thoát ách nô lệ Ai cập thành
một Dân riêng.
7. HỎI: Giao Ước cũ được thực hiện ở đâu, giữa ai,
nội dung như thế nào?
THƯA: Giao Ước cũ được kí kết ở núi Si nai, giữa Thiên
Chúa và dân Híp pri vừa được Mô sê dẫn ra khỏi Ai cập vào khoảng cuối thế kỉ 13
tr CN. Qua Giao ước nầy, người Israên tôn thờ Thiên Chúa là Thiên Chúa độc
nhất; đổi lại, Thiên Chúa hứa nhận họ là dân riêng của Ngài. Ngài sẽ bảo vệ họ,
còn họ sẽ giữ Lề Luật của Ngài. Mười điều răn là những khoản luật qui định đời
sống luân lí mà dân Israên phải tuân giữ theo tinh thần Giao ước trên
8. HỎI: Giao Ước mới được thực hiện ở đâu, giữa
ai, nội dung như thế nào?
THƯA: Giao Ước mới là sự hoàn thành việc kết ước giữa
Thiên Chúa và toàn thể nhân loại, được thực hiện ở nhà tiệc li Giê ru sa lem,
được kí kết trong máu Chúa Giê su trên thánh giá, mang lại ơn tha tội cho loài
người để trở thành dân Mới của Thiên Chúa.
9. HỎI: Cụm từ ‘sẽ đến ngày’ có nghĩa gì?
THƯA: Toàn bộ Kinh thánh đều hướng về tương lai ấy
với niềm xác tín không lay chuyển là những ngày Thiên Chúa hứa sẽ đến.
10. HỎI: Cụm từ ‘sau những ngày đó’ là những ngày
nào?
THƯA: ‘Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en
sau những ngày đó’, sau những ngày đó là thời gian bất trung của dân. Nói khác
đi, một giai đọan mới bắt đầu.
11. HỎI: Lời Chúa nói: ‘Ta sẽ ghi vào lòng dạ
chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta’ có nghĩa gì (31,33)?
THƯA: Trên núi
Sinai, Thiên Chúa đã ghi Lề luật của Ngài trên những bia đá, nhưng từ
nay, Luật ấy sẽ được khắc vào trong chính tâm hồn con người. Bao lâu mà Luật
chỉ được khắc ghi trên tảng đá hay trong sách, luật chỉ là chữ chết. Có đưa ra
những lời hứa quay trở lại thành thật nhất, con người vẫn luôn tái sa ngã. Để
luật Thiên Chúa đi vào nội tâm con người như một bản tính thứ hai, thì chính
tâm hồn con người phải thay đổi.
12. HỎI: Lời Chúa: ‘Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng,
còn chúng sẽ là dân của Ta’ (34) có nghĩa gì?
THƯA: Chỉ sự thuộc về nhau. Đó chính là chương
trình, hay bản chất của Giao Ước. Thuộc về nhau thực sự chính là ‘biết nhau’.
Đây không phải là sự biết nhau theo trí thức, mà là tương quan thân mật như vợ
chồng trong hôn nhân. Cựu Ước vẫn thường dùng những từ thuộc về đời sống
thânmật ấy để mô tả tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Ngài.
13. HỎI: Các tiên tri khác có loan báo về một giao
ước mới không?
THƯA: Kiểu nói ‘Giao Ước mới’ chỉ xuất hiện một
lần duy nhất trong tiên tri Giê rê miacủa Cựu Ước. Tuy nhiên các tiên tri khác
cũng loan báo về một niềm hi vọng tương tự như thế. Như Ê dê ki ên chẳng hạn:
‘Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các
ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các
ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các
ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của
Ta và đem ra thi hành.’ (Ed 36,26-27).
14. HỎI: Giao Ước cũ và mới có gì khác biệt không?
THƯA: Có nhiều khác biệt như trong đoạn văn Giê rê
mia đã nêu lên. Một là Giao ước vĩnh cửu, không gì có thể tiêu hủy được, ngay
cả tội lỗi. Hai là Giao Ước nội tâm, Thiên Chúa ghi luật pháp của ngài trên
trái tim, và ban Thánh Thần trong tâm hồn con người để họ nhận biết Ngài. Ba là
Giáo ước hiệu nghiệm, thực hiện lời Thiên Chúa hứa với nguyên tổ đem lại chiến
thắng cho con người và tái lập tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa với họ
trong máu của Chúa Giê su. Trên đây là những điều mà Giao Ước cũ không thể thực
hiện được.
15. HỎI: Bản văn kết thúc như thế nào?
THƯA: Bản văn kết thúc bằng một câu lạ lùng:‘Ta
sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa’. Việc
tha thứ tội lỗi phải là bước đầu, là nền tảng cho một Giao Ước vững chắc. Ở câu
30,12 Giê-rê-mia cho biết tội lỗi của dân nặng nề vô cùng, không thể tha thứ
được vì thế họ không có cách nào khác ngoại việc chờ Thiên Chúa đi bước trước
bằng cách tha thứ tội lỗi cho họ.
16. HỎI: Lời hứa ấy đã được thực hiện chưa?
THƯA: Đã thực hiện rồi, trong ‘giờ’ của Chúa Giê
su Ki tô. Thật vậy, nội dung của Giao ước mới hệ tại ở việc Thiên Chúa khắc ghi
Lề luật của Ngài trong tâm hồn, và ban Thánh Thần cho loài người để họ có thể
nhận biết Thiên Chúa. Điều đó đã được thực hiện trong cuộc Vượt qua của Đức Ki
tô.
17. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Ga 12, 20-33)như
thế nào?
THƯA: ĐoạnTin mừng nằm trong phần dẫn vào phần thứ
hai Tin mừng Gioan ghi lại cuộc Khổ nạn và Phục sinh (13-21). Việc xức dầu ở Bê
ta ni a (12,1-11) và cuộc khải hoàn vào thành Giê ru sa lem (12,12-19) thường
được các sách Tin mừng đặt ở phần dẫn vào cuộc Khổ nạn. Riêng Ga thì lại thêm
đoạn nói về ‘giờ’ của Ngài đã điểm nhân dịp một nhóm người Hi lạp bày tỏ ước
mong được thấy Ngài (12,20-36).Chúa Giê su gặp gở nhóm người Hi lạp và tiếp
nhận ước muốn của họ(12,20-22). Kế đến, Ngài trả lời (23-26) cho biết ‘giờ’ của
Ngài đã đến. Đoạn Tin mừng kết thúc bằng ghi chú của thánh Gioan về tâm tư của
Chúa Giê su (27-33): Ngài xao xuyến trướccuộc khổ nạn mà cũng là‘giờ’ vinh
quang, lúc Ngài được giương cao khỏi đất.
18. HỎI: “Chúng tôi muốn được thấy (gặp) ông Giê
su”, ‘thấy’ có nghĩa gì?
THƯA: Những người hi lạp muốn ‘thấy’ Chúa Giê su. ‘Thấy’
ở đây không có nghĩa là muốn thấy mặt Ngài, vì họ có thể thấy Ngài mà không cần
đến ông Phi líp. Thực ra, họ muốn nói chuyện với Ngài, như khởi đầu tiến trình
đức tin. Tin mừng Gioan dùng động từ ‘thấy’ để chỉ thực tại đức tin. Kiểu mẫu
cho đức tin nầy chính là ông Gioan khi đứng trước ngôi mộ trống của Chúa Giê su
trong ngày Phục sinh: “Ông đã thấy và tin”.
19. HỎI: “Ai ghét sự sống mình..”, ‘ghét’ có nghĩa
gì?
THƯA: Theo cách hiểu sê mít, thì ‘ghét’ ở đây có
nghĩa là yêu mến ít hơn. Do đó ai ghét sự sống mình có nghĩa là không bám chặt
sự sống mình đời nầy, không coi nó như một giá trị tuyệt đối.
20. HỎI: Tôn vinh có nghĩa gì?
THƯA: Trong Kinh Thánh,vinh quang của Thiên Chúa
là chính sự hiệndiện của Ngài, sự hiện diện tỏa sáng như ngọn lửa bừng cháy
giữa bụi gai,nơi mà Thiên Chúa đã mạc khải hiện diện của Ngài cho ông Mô sê (Xh
3). Vì thế tôn vinh có nghĩa là mạc khải sự hiện diện của Thiên Chúa.
21. HỎI: Lời: ‘Lạy Cha, xin hãy tôn vinh Danh Cha’
có nghĩa là gì?
THƯA: Có nghĩa là: ‘Xin hãy tỏ cho mọi người biết
Cha như là Cha rất yêu thương con cái, đã ký kết với nhân loại một Giao Ước
tình yêu. Đó chính là sự cứu độ, là hạnh phúc của con người, và là mục tiêu sứ
vụ của Chúa Giê su: ‘Ta sinh ra và đến trong thế gian để làm chứng cho chânlí’
(Ga 18,37).
22. HỎI: “Ta đã tôn vinh Danh Ta và sẽ còn tôn
vinh nữa”, ‘tôn vinh’ ở đây có nghĩa gì?
THƯA: Động từ ‘tôn vinh’ thứ nhất là tác động của
các dấu chỉ mà Chúa Giê su đã làm để làm chứng cho Chúa Cha. Còn động từ ‘tôn
vinh’ sau ám chỉ đến cái chết và việc Chúa Giê su bị treo cao trên thánh giá.
23. HỎI: Làm sao để hiểu cuộc tử nạn lại là một sự
‘tôn vinh’?
THƯA: Vinh quang là ánh quang tỏa rạng sự hiện
diện của Thiên Chúa, là ánh huy hoàng vừa kinh khủng vừa mê hoặc của thần linh.
Vinh quang của Ngôi Lời nhập thể phầnnào bị che khuất, nay trong cuộc khổ nạn
sẽ được bộclộ cách sung mãn: vìkhi thân xác bị tan vỡ, thì sự hiện diện
thầnlinh sẽ tràn ngập nhân tính của Chúa Giê su trong sự sống lại và thăng
thiên.
24. HỎI: Chúa Giê su có thái độ nào trước giờ
quyết định của Ngài?
THƯA: Tin mừng Gioan cho chúng ta thấy thái độ của
Ngài: “Bây giờ hồn ta xao xuyến” (27 a). Giống như một người đứng trước sự
chết, Chúa Giê su thực sự xao xuyến, rúng động, sợ hãi trước cuộc tử nạn. Thái
độ nầy được các Tin mừng nhất lãm diễn tả qua cuộc chiến đấu gay go trong vườn
cây dầu trước giờ Thương khó. Nhưng cuối cùng, Ngài đã hoàn toàn làm chủ được
hoàn cảnh khó khăn với ý muốn tôn vinh Thiên Chúa Cha.
25. HỎI: Sứ điệp Lời Chúa hôm nay thế nào?
THƯA: Chúa Giê-su Ki-tô đã nhận lấy những khổ đau
và sự chết để hoàn thành sứ mạng yêu thương và cứu vớt loài người. Vậy các môn
đệ Chúa Giê-su, là các Ki-tô hữu chúng ta, được mời gọithể hiện kiếp sống‘hạt
lúa chịu chết đi’trong lòng đất để sinh ra nhiều hạt lúa khác, ‘dám coi thường
mạng sống mình’ vì Chúa và vì anh em như chính Chúa Giê-su đã thực hiện và làm
gương cho chúng ta.