SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN V MÙA CHAY – NĂM B
LỜI CHÚA: Ga : 11:45-57
45 Trong số những người Do-thái
đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin
vào Người. 46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể
cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. 47 Vậy các thượng tế và các người
Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: "Chúng ta phải làm gì đây?
Người này làm nhiều dấu lạ.
48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy
tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi
thánh của ta lẫn dân tộc ta." 49 Một người trong Thượng Hội
Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu
gì cả, 50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà
một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt."
51 Điều đó, ông không tự mình
nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp
phải chết thay cho dân, 52 và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng
còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. 53
Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su.
54 Vậy Đức Giê-su không đi lại
công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang
địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.
55 Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua
của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các
nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ.
56 Họ tìm Đức Giê-su và đứng
trong Đền Thờ bàn tán với nhau: "Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông
có nghĩ thế không? "
SUY NIỆM
“Thà một
người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” (c.50)
Một câu nói thật hợp tình,
hợp lý, đầy sự khôn ngoan – bày tỏ một tấm lòng yêu nước thương dân của vị
thượng tế. Tuy nhiên đây lại là một câu nói được dùng để che đậy một kế hoạch
đầy mưu mô, thâm hiểm muốn giết người vô tội để thỏa lòng giận ghét, ghen
tương, đố kỵ. Vâng, những con người, nhóm người đầy uy tín mẫu mực, được kể là
công chính thánh thiện trong dân lại đồng tình bóp méo, xuyên tạc sự thật : "Chúng ta phải làm gì
đây? Người này làm nhiều dấu lạ.48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp
tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh
của ta lẫn dân tộc ta."- và âm mưu độc ác - cho ta thấy tác hại lớn lao của
thói tự mãn, phô trương và lòng hận thù; đồng thời cũng cho thấy sự xuống cấp
của tôn giáo, sự ruỗng mục của xã hội lúc bấy giờ.
Tội ác, sự bất công, sự dữ trên vẫn còn tiếp diễn
ở các thời đại, qua dòng thời gian; bởi vì nó là tội phát xuất từ lòng con
người bị sa tan thống trị. Và hơn bao giờ hết, ngày nay, kẻ thù giấu mặt là sa-tan
tiếp tục lộng hành trong thế giới con người. Những ‘bản án’ bất công tiếp tục
diễn ra vì quyền lợi của một ai đó hoặc một nhóm người nào đó. Bằng một câu nói
nhẹ nhàng, hữu lý, đẹp đẽ, người ta có thể kết thúc sự nghiệp hoặc ngăn chặn cơ
hội thăng tiến hoặc con đường sống của một con người: “Anh có năng lực đấy,
nhưng cơ quan tôi hơi bị trội về nhân lực, mà lại không đủ công việc, xin anh vui
lòng tạm nghỉ. Anh có khả năng đi tìm việc với mức lương cao hơn; chúng tôi rất
tiếc, nhưng biết làm sao được.” – Và thế là kết thúc một sự nghiệp, phá vỡ hạnh
phúc của một gia đình. Tại sao thế? Đơn giản bởi vì anh ta không thức thời,
không thỏa hiệp với những việc làm ‘không trong sáng’ của họ, hay bất đồng quan
điểm với họ, không về phe với họ…. Có những Ki-tô hữu tâm sự: Con không thể làm
việc được ở cơ quan đó, mặc dù con là người có tài và có triển vọng, nhưng con
không thể thông đồng với những cán bộ để ăn chặn, đục khoét của công. Và cũng
không thiếu những sự kiện: “Con quan lại được làm quan, con sãi ở chùa lại quét
lá đa” theo kiểu hiện đại.
Những sự kiện bất công xã hội trên luôn còn tồn
tại trong mọi thời đại. Nhưng đối với Chúa Giê-su, lời vị thượng tế tuyên ‘bản
án’ dành cho Người không phải là một lời hoa mĩ suông của ông ta: “Thà một
người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân phải tiêu diệt”, nhưng Thiên Chúa
đã để cho lời ông ta trở thành lời tiên tri loan báo về Đức Giê-su con của
Người. Đấng sẽ chịu chết để trở thành nguồn ơn cứu độ cho muôn dân.
Đức Giê-su Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta để
làm cho những ai tin vào Người được trở nên công chính. Ngài đã chết vì yêu
thương con người. Chính cái chết của Người đã tiêu diệt thần chết là sự hận
thù. Người đã chết và đã phục sinh để ban cho chúng ta sự sống thần linh của
Người. Mùa chay, mùa Giáo hội mời gọi Ki-tô hữu chúng ta suy ngắm mầu nhiệm
tình yêu của Đức Giê-su Ki-tô trong cuộc thương khó và mầu nhiệm vượt qua của
Người, để nhìn lại chính bản thân mình, nhận ra tội lỗi mình đã góp phần vào
cái chết ấy để sám hối, trở về bằng cuộc canh tân đổi mới thực sự. Vâng, những
thói tự mãn, kiêu căng làm cho chúng ta dễ đố kỵ, và tìm cách hạ bệ tha nhân và
phạm muôn vàn tội lỗi khác. Đồng thời mỗi khi chúng ta cư xử bất công, trùy dập
một ai đó, hoặc có những lời nói làm mất đi thanh danh tiếng tốt của người anh
em, thì chính chúng ta cũng đã tham gia vào bản án mà Đức Giê-su phải chịu. Hoặc
khi chúng ta lặng thinh không dám nói lên lời bảo vệ và làm chứng cho sự thật
là chúng ta cũng đã tham gia vào bản án bất công. Hơn nữa, để sống chứng nhân,
Ki-tô hữu phải can đảm sống sự thật, không toa rập và chống lại những gian dối,
bất công xã hội bằng những phương tiện có thể được trong khả năng của mình. Tuy
nhiên, sự khiêm tốn, mềm mỏng, khéo léo sẽ là trợ tá đắc lực cho việc bảo vệ
công lý.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết cho con để con được
sống!
Xin Chúa chữa trị thói kiêu căng tự mãn đã ăn vào
cốt tủy của tâm hồn,
Để chúng con biết sống khiêm nhường và can đảm làm
chứng, sống cho sự thật.
Xin ban cho con tấm lòng bao dung quảng đại của
Chúa, để chúng con biết sống hòa giải, thứ tha những lầm lỡ anh em xúc phạm đến
chúng con, như Chúa vẫn đã hằng luôn tha thứ cho chúng con.
Xin đổ tình yêu Chúa vào trong trái tim con, để
con luôn biết sống yêu thương và phục vụ, như Chúa đã đến để phục vụ và yêu
thương chúng con cho đến chết và vẫn hằng yêu thương đến muôn đời. Amen.
Nt. Maria Chinh Anh