Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh
GIUĐA MƯU PHẢN
Mt 26, 14- 16; 20- 25

Danh họa Leonardo Da Vinci
vẽ bích họa Bữa Tiệc Ly (The Last Supper) mất 3 năm liền – không là 7 hoặc 20
năm như một số người nghĩ. Ðó là bức tranh vẽ mô tả Chúa Giêsu và 12 môn đệ
trong bữa ăn cuối cùng trước khi Ngài bị môn đệ Giuđa phản bội.
Leonardo đã tốn nhiều công
phu đi tìm người mẫu. Giữa hàng ngàn thanh niên ông mới chọn được một chàng
trai có gương mặt thánh thiện, một tính cách thanh khiết tuyệt đối làm người mẫu
vẽ Chúa Giêsu. Da Vinci làm việc không mệt mỏi suốt 6 tháng liền trước chàng
trai để hình ảnh Chúa Giêsu có thể hiện ra trên bức họa.
Những năm tiếp theo ông lần
lượt vẽ xong 11 môn đệ, chỉ còn Giuđa – người môn đệ đã phản bội Chúa vì 30 đồng
bạc. Hoạ sĩ muốn tìm một người đàn ông có khuôn mặt hằn lên sự hám lợi, lừa lọc,
đạo đức giả và cực kỳ thâm độc. Khuôn mặt đó phải toát lên tính cách của kẻ sẵn
sàng bán đi người bạn thân nhất, người thầy kính yêu nhất của chính mình…
Cuộc tìm kiếm dường như vô
vọng. Bao nhiêu gương mặt xấu xa nhất, độc ác nhất, Vinci đều thấy vẫn chưa đủ để
biểu lộ cái ác của Giuđa. Một hôm, Da Vinci được thông báo có một người mà ngoại
hình có thể đáp ứng yêu cầu của ông. Người đó đang ở trong một hầm ngục ở Roma,
bị kết án tử hình vì tội giết người và nhiều tội ác tày trời khác.
Da Vinci lập tức lên đường
đi Rôma. Trước mặt ông là một gã đàn ông nước da đen sạm với mái tóc dài bẩn thỉu
xoã xuống, một khuôn mặt xấu xa, hiểm ác, hiển hiện rõ tính cách của một kẻ
hoàn toàn bị tha hoá. Ðúng, đây là Giuđa!
Ðược phép đặc biệt của Đức
Vua, người tù được đưa tới Milan, nơi bức tranh đang vẽ dang dở. Mỗi ngày tên
tù ngồi trước Da Vinci và người hoạ sĩ thiên tài cần mẫn với công việc truyền tải
vào bức tranh diện mạo của kẻ phản phúc.
Khi nét vẽ cuối cùng hoàn
thành, kiệt sức vì phải đối mặt với cái ác một thời gian dài, Vinci quay sang bảo
với lính gác: "Các anh đem người này đi đi…". Lính canh túm lấy kẻ tử
tù nhưng hắn đột nhiên vùng ra, lao đến quỳ xuống bên chân Da Vinci và khóc nức
lên: "Ôi, ngài Da Vinci! Hãy nhìn tôi! Ngài không nhận ra tôi sao?".
Da Vinci quan sát kẻ mà 6
tháng qua ông đã liên tục nhìn mặt, rồi ông đáp: "Không, tôi chưa từng
nhìn thấy anh cho đến khi anh được đưa đến từ hầm ngục Rôma". Tên tử tù
kêu lên: "Ngài Vinci, hãy nhìn kỹ tôi đi! Tôi chính là người mà ngài đã chọn
làm mẫu để vẽ Chúa Giêsu đây…".
Câu chuyện này có thật,
như bích họa Bữa Tiệc Ly là có thật. Chàng trai từng được chọn làm hình mẫu vẽ
Chúa Giêsu đã tự biến mình thành hình tượng của kẻ phản bội ghê gớm nhất trong
lịch sử chỉ sau một thời gian ngắn!
Chúng ta đang
sống trong Tuần Thánh hay Tuần Thương khó của Chúa Giêsu. Nhìn vào Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, chúng ta
thấy Ngài không chỉ đau khổ ngoài thân xác mà còn đau khổ bội phần trong tâm
hồn vì sự bất trung của một số môn đệ thân tín; đặc biệt là Giuđa Iscariô. Thật
đúng như lời thánh vịnh (40): “Cả
người thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót
đạp con".
Nghe qua câu
chuyện của Giuđa, thường chúng ta có khuynh hướng lên án ông; mà quả thực…. ông
đáng bị lên án! Tuy nhiên, chúng ta ít nhìn ra Giuđa cũng là một con người tự
do, đầy yếu đuối, đã không vượt thắng được bản thân mình. Từ việc ham mê tiền
của, và có thể cả mưu đồ chính trị nữa, Giuđa đã phạm sai lầm dẫn đến tội ác.
Từ một tông đồ nhiệt thành, được Chúa chọn gọi, tin tưởng, Giuđa trở nên kẻ
phản bội. Rồi từ sự phản bội, từ nỗi ê chề thất vọng, tuyệt vọng, Giuđa đã tự
đẩy mình đến cái chết bi thảm.
Hình ảnh con
người Giuđa cũng là hình ảnh của mỗi chúng ta. Ai trong chúng ta cũng có tự do,
cũng trải qua những giằng co, chiến đấu với cám dỗ. Mỗi người chúng ta cũng đã
đón nhận được biết bao ân sủng của Chúa. Tuy nhiên, rất nhiều lần, ở nhiều mức
độ khác nhau, chúng ta đã thất tín với Chúa, bội nghĩa với Chúa khi phạm tội.
Khuôn mặt của chúng ta cũng đã nhiều lần biến đổi từ khả ái, thánh thiện sang
khả ố, gớm ghiếc. Trong cuộc sống, biết bao lời nói, hành động của chúng ta đã
làm tổn thương, gây đau khổ cho người khác, thậm chí có thể đưa người khác đến
sự cằn cỗi, tàn úa, chết chóc. “Điều gì
các ngươi đã làm cho một trong những anh em bé mọn nhất của Ta, là các ngươi đã
làm cho chính Ta”.
Qua kết cục bi
thảm của Giuđa, xin cho chúng ta biết dùng tự do để cân nhắc mỗi hành động; đặc
biệt, biết tin tưởng vào lòng từ bi nhân hậu của Chúa, đừng ngã lòng, tuyệt
vọng, nhưng biết sám hối, ăn năn, canh tân đời sống, để chúng ta được sống
trong ân sủng và sự bao dung của Người.
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra những lỗi lầm, yếu đuối của bản
thân. Xin đừng để con bị những lợi lộc vật chất cám dỗ bội phản Chúa. Xin cho
con biết noi gương thánh Phêrô, nhận ra ánh mắt nhân từ của Chúa để sám hối.
Xin cho con được ơn trở lại như Phaolô, biết bỏ đi lỗi lầm của quá khứ phía sau
lưng và lao về phía trước trong sự đổi mới bản thân nhờ ân sủng của Chúa, đến
độ có thể nói như ngài: "Nhờ ơn Chúa tôi được như ngày nay. Ơn Chúa đã
không trở nên vô ích nơi tôi ". Ước chi được như vậy. Amen.
Lm.
Dom. Nguyễn Thành Tiến