Suy
Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIX Thường Niên
TỈNH THỨC VÀ TRUNG THÀNH
Lời
Chúa: Lc 12, 39 – 48
(37) Hôm sau, khi Ðức Giêsu và ba môn đệ ở trên núi xuống, có đám
người đông đảo tới đón Người. (38) Và kìa một người đàn ông từ trong
đám đông kêu lên rằng: "Thưa Thầy, tôi xin Thầy đoái nhìn đứa con trai
tôi, vì tôi chỉ có một mình cháu. (39) Thế mà quỷ nhập vào cháu,
khiến cháu bỗng dưng la lên, vật mình vật mẩy, sùi cả bọt mép, và khó lắm nó
mới chịu rời cháu, bỏ cháu lại đó mệt nhừ. (40) Tôi có xin các môn
đệ Thầy trừ tên quỷ đó, nhưng các ông trừ không được". (41) Ðức
Giêsu đáp: "Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi phải ở cùng
các người và chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Ông đem cháu lại
đây!" (42) Ðứa trẻ đang tiến lại, thì quỷ vật nó xuống và lay
nó thật mạnh. Ðức Giêsu quát mắng tên quỷ ô uế, chữa đứa trẻ, và trao lại cho
cha nó. (43) Mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của
Thiên Chúa. Ðang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Ðức Giêsu làm,
Người nói với các môn đệ: (44) "Phần anh em, hãy lắng tai nghe
cho kỷ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời". (45)
Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bị che khuất,
đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người
về lời ấy.
(46) Các ông
chợt suy nghĩ tự hỏi xem ai là người lớn nhất trong các ông. (47)
Ðức Giêsu biết điều các ông đang suy nghĩ trong lòng, Người liền đem một trẻ
nhỏ đặt bên cạnh mình (48) và nói với các ông: "Ai tiếp đón một
em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp
đón Ðấng đã sai Thầy. Thật vậy ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ
ấy là người lớn nhất".
Suy
Niệm
Trong một xã hội đầy biến chuyển không ngừng trên thế giới
ngày nay, con người nhất là những người thuộc nhóm kinh doanh thương mại… luôn
tỉnh thức, để việc buôn bán của họ không bị sập tiệm hoặc đóng cửa và họ cũng kịp
thời cơ nắm bắt những thay đổi, hầu làm tăng nguồn vốn, tài sản của họ. Đối với
người Ki-tô hữu, mẹ Giáo Hội không ngừng nhắc nhở con cái mình lắng nghe và đáp
ứng những đòi hỏi khẩn cấp của thời đại dưới ánh sáng Tin Mừng. Đó là mối ưu tư
trong quá khứ, hiện tại và tương lai đối với moị người, mọi thời. Cách đây hơn
hai thiên niên kỷ, Chúa Giê-su đã dạy dỗ và nhắc bảo những ai muốn theo Chúa,
muốn sống Tin Mừng cách tận căn, đặc biệt là các môn đệ thân tín, kề cận Ngài về
sự tỉnh thức và lòng trung thành.
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong trình thuật lên Giêrusalem của
Đức Giê-su, nơi Ngài sắp và sẽ thực hiện cuộc xuất hành. Vì thế, Ngài chuẩn bị
cho các môn đệ có một lối sống trong tương lai, sau khi Ngài phục sinh. Đó là:
tuyên xưng về Con Người, tránh thói giả hình và đứng vững trước cơn bách hại
(12,1-2), thái độ đối với của cải (12,13-34), thái độ cần tỉnh thức (12,35-40)
và phải có lòng trung thành (12,41-48).
“Anh em biết điều này, nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn
ông không để nó khoét vách nhà” (39). Chúa Giê-su dùng đại từ “anh em” có ý chỉ
về mọi người. Ngài cảnh báo chúng ta cần tỉnh thức qua dụ ngôn “kẻ trộm đến viếng
nhà”. Nếu không tỉnh thức, chúng sẽ “rinh” hết của cải mà ông ta có, thậm chí
sinh mạng của ông cũng khó bảo toàn. Ngày nay, vấn đề này vẫn thường xảy ra
trong cuộc sống mà tin tức về những phi vụ cướp của, giết người thường được
đăng trên báo chí. Vì khi kẻ trộm đến, hẳn không ấn định giờ giấc ngày đêm, lâu
chóng. Đức Giê-su nói tiếp “anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút
anh em không ngờ, Con Người sẽ đến” (40). Đức Giê-su ví việc Ngài đến như kẻ trộm
đột nhập vào chính giây phút chủ nhà chểnh mảng, xao lãng hoặc không nghĩ tới,
không thèm quan tâm đến.
Trong đời sống thiêng liêng, kẻ trộm còn được xem như hình ảnh
quỷ dữ. Chúng đi lang thang trên mặt đất và thấy ngôi nhà tâm hồn của ai đó đã
mở cửa, quét tước sạch sẽ mà lại vắng chủ. Thế rồi nó bèn đi chiêu mộ thêm bảy
quỷ khác dữ tợn hơn nó, cùng đến cư ngụ trong tâm hồn người đó (x.Mt 12,43-45).
Thật thế, nếu tâm hồn ta không đón rước Chúa, không mời Chúa làm chủ hướng dẫn
cuộc đời, thì không sớm thì muộn, quỷ dữ sẽ đột nhập và hoành hành trong ta.
Dụ ngôn về kẻ trộm đã khiến Phê-rô giật mình và thưa “Lạy
Chúa, Chúa nói dụ ngôn ấy cho chúng con hay cho mọi người?”. Lúc này, Chúa
Giê-su lại đưa ra một hình ảnh và cương vị mới, đó là người quản gia, người được
chủ đặt lên coi sóc mọi tài sản và các tôi tớ trong nhà (42). Chủ xem trọng người
quản gia và cho rằng ông có khả năng bao quát mọi việc, quan tâm chăm sóc đến
người khác, nhất là cung cấp thực phẩm cho kẻ ăn người ở đúng lúc, đúng thời,
giải quyết mọi nhu cầu cần thiết cho họ. Đây là hình ảnh của vị mục tử tốt, lo
lắng chăm sóc cho đàn chiên được ngôn sứ Edekien nói đến. Ngừơi đó đi tìm chiên
lạc, bồi dưỡng chiên đau yếu, chữa lành chiên suy nhược, băng bó chiên bị
thương… Khi chủ về, thấy quản gia làm tốt nhiệm vụ, chủ sẽ đặt anh coi sóc tất
cả tài sản của mình. Đó là một nhiệm vụ cao cả, đáng kể hơn, vì anh đã chu toàn
đúng với bổn phận được giao. Như vậy, người quản gia này có một sự trung thành,
đáng tin cậy và khôn ngoan.
Ngược lại, nếu người ấy cho rằng : chưa đến giờ rồi mải mê rượu
chè, cờ bạc, chơi bời. Hơn nữa, còn đối xử tệ bạc với những ngừơi được giao phó
cho mình, chểnh mảng trong việc cấp phát lương thực cho gia nhân. Chủ nhà về bất
chợt và thấy anh ta có những hành vi bất xứng với chức vụ được giao, chủ sẽ sa
thải, đuổi việc, thậm chí có thể bắt phạt, tố cáo và bỏ tù, vì anh ta đã vi phạm
qui luật giao kèo. Lúc ấy, chủ cứ xét xử công minh xứng với hành vi của tên quản
gia bất lương này. Đây cũng là hình ảnh của những mục tử không lo lắng chăm sóc
cho đàn chiên : Chiên mập béo thì chúng xén lông, làm thịt. Chiên đau ốm chẳng
thuốc thang chữa chạy. Chiên gầy yếu chẳng bồi dưỡng quan tâm… Mục tử này sẽ phải
trả lẽ về những hành vi xấu đối với đàn chiên, khi không làm tròn sứ mạng được
giao.
Trong hai câu cuối bài Tin Mừng, Đức Giê-su nhấn mạnh “Người mục
tử biết ý Thiên Chúa mà không làm theo sẽ bị phạt nặng hơn. Vì ai được cho nhiều
sẽ bị đòi hỏi nhiều”. Lời Chúa Giê-su cảnh giác các môn đệ khi xưa cũng là tiếng
chuông cảnh tỉnh người Ki-tô hữu, đặc biệt những người sống đời thánh hiến hôm
nay. Chúng ta là những người thừa hưởng ân huệ của Thiên Chúa rất nhiều, bắt đầu
từ khi lãnh Bí Tích Rửa Tội, nên được Thiên Chúa đòi hỏi nhiều hơn ở đời này và
đời sau sẽ bị Thiên Chúa tra vấn về những việc làm, lời nói khi không làm tròn
bổn phận.
Lạy Chúa,
chúng con là những Giám Mục, Linh mục, tu sĩ, ban hành giáo… là những người được
Chúa đặt lên coi sóc và phục vụ đoàn chiên Chúa. Xin cho chúng con biết sống xứng
đáng với ân huệ Chúa trao, để làm trổ sinh hoa trái ấy và chia sẻ cho những người
chúng con gặp gỡ, phục vụ.
Lạy Chúa,
xin hãy biến đổi chúng con thành khí cụ bình an của Chúa. Amen.
Nữ
Tỳ Thánh Thể