Tin Mừng thứ
5, tuần I Muà Chay (2014) – Mt 7,7-12
“Hãy xin thì sẽ được” (Mt 7,7)
Gần
đây, có thể tính từ dạo Tết Giáp Ngọ, người ta thấy nhiều gương mặt lem luốc ngồi
ở những ngã tư “đèn xanh đèn đỏ” ở vùng Sài gòn, Biên Hoà, để khất thực. Khách
lữ hành ắt hẳn không biết rõ nguồn gốc của những con người đáng thương này, kể
cả người già và những em nhỏ chưa đủ tuổi khôn, nhưng cũng phải chịu cảnh “dãi
nắng dầm mưa”. Nhưng điều mà ai cũng biết, và biết rất rõ, đó chính là: họ là
người, những con người đáng thương, đáng tội. Cũng như mọi người khác, họ được
sinh ra trong trời đất, lẽ ra đáng được hưởng những điều kiện tối thiểu để sống
đúng vị trí của mình trong xã hội. Thế nhưng, họ đang phải “men theo” một nếp sống
lầm than, mà theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong sứ điệp muà chay 2014, họ đang
sống trong cảnh “misere”, cảnh lầm
than vật chất và tinh thần.
Nếu
những con người này đọc bài Tin Mừng hôm nay (Mt 7,7-12) nói về việc tín thác vào
tình thương quan phòng của Cha chúng ta ở trên trời, liệu họ có thể xác tín được
câu “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy,
cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7) ? Câu hỏi này cũng có thể gây cớ vấp
phạm cho những ai xin hoài mà không được, “vượt lên chính mình” mãi mà vẫn thấy
cảnh lầm than, cơ cực! Nhưng với các tín hữu, trong ánh mắt của niềm tin và với
lòng tín thác nơi Thiên Chuá quan phòng và từ bi nhân hậu, chúng ta tin Chuá luôn
mong muốn điều thiện hảo cho các con cái của Người.
Bối
cảnh Tin Mừng ngày hôm nay, thứ năm tuần thứ I Muà Chay, đặt chúng ta trong trình
thuật mà trong đó thánh sử Mátthêu đã ghi lại những bài giảng của Đức Giêsu, được
gọi là “Bài Giảng Trên Núi” (5,1-7,27). Trong đó, phần giải thích Kinh Lạy Cha
mà Đức Giêsu đã dạy các môn đệ được tìm thấy trong toàn bộ đoạn Mt 6,19-7,11. Để
hiểu được ý nghĩa của những điều kiện trong Lời Kinh này, ắt hẳn cần hiểu và cảm
nghiệm được tình phụ tử mà Thiên Chuá đã dành cho mỗi người chúng ta. Nếu như các
lời giảng của Đức Giêsu giải thích Lời Kinh này được Mátthêu trình bày sâu sắc
trong những đoạn đã nêu trên, thì đoạn Tin Mừng hôm nay (Mt 7,7-11) là một lời đúc
kết sâu sắc và tinh tuý nhất, trong đó, cần kể đến câu kết của bài Tin Mừng (câu
12). Trong phần đúc kết này (7,7-11), người Kitô hữu được mời gọi sống và cảm
nhận tình thương của Thiên Chuá trong cuộc đời của mình, một tình thương vô biên
mà lời lẽ của con người không sao diễn tả trọn vẹn được.
Đó
là một tình thương, mà theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong sứ điệp Muà Chay
2014, được gọi là “lôgích yêu thương của
Mầu Nhiệm Nhập Thể và Thập Giá”. Thiên Chuá đã quá yêu thế gian đến nỗi đã
sai Con Một giáng trần, để sống kiếp người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Người
đã xuống dòng sông Giordan, cùng với đoàn người muốn hoán cải vì tội lỗi của họ,
dù rằng Người là Con Chiên vô tì vết. Người đã đến với con người, đồng bàn với
cả những người được gọi là “tội nhân” như ông Giakêu, như người phụ nữ xứ
Samaria, để hoán cải họ và để họ cảm nhận được Thiên Chuá yêu thương. Người đã
mang lấy cái nghèo của chúng ta, không chỉ là cái nghèo lầm than vật chất, tinh
thần và luân lý,
để trao ban cho chúng ta sự sống mới, nguồn sinh lực là chính ân sủng của Người.
“Điều mang lại cho chúng ta tự do chân thực,
ơn cứu độ thực sự và hạnh phúc đích thực, chính là tình yêu thương xót, dịu
dàng và chia sẻ của Người. Cái nghèo của Đức Giêsu Kitô làm cho chúng ta được
giàu sang chính là sự kiện Người làm người, gánh lấy những yếu đuối của chúng
ta, tội lỗi của chúng ta, thong truyền cho chúng ta lượng từ bị vô biên của
Thiên Chuá. Cái nghèo của Chuá Kitô là sự giàu sang lớn nhất: Chuá Giêsu giàu
lòng tín thác vô biên nơi Thiên Chuá Cha, tín thác nơi Cha trong mọi lúc, luôn
luôn và chỉ tìm kiếm thánh ý và vinh danh Thiên Chuá.”
Điểm
chốt của bài Tin Mừng hôm nay lại là lời mở ra cho tất cả chúng ta sống, có thể
gọi là “Luật Vàng” cho đời sống luân lý Kitô giáo: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em
cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó.” (Mt
7,12). Để thực thi được những điều tốt đẹp cho người khác, ắt hẳn người Kitô hữu
được mời gọi sống cho tha nhân, và yêu thương họ như yêu thương chính mình. Đức
Giêsu không bãi bỏ Luật Môsê và lời các ngôn sứ, nhưng kiện toàn tất cả trong
cuộc đời của Người. Và hành vi yêu thương vô bờ bến mà Người đã thực hiện chính
là Cuộc Khổ nạn trên đồi Calvê năm xưa: Nơi đó, Người tỏ lộ tình yêu dành cho
Chuá Cha, và tình yêu không điều kiện cho nhân loại, trong đó có chúng ta, những
con người đang thống hối ăn năn trong hành trình Muà Chay thánh này.
Lm.
Dom Hữu Cường