Thứ Sáu Tuần Thánh
THẬP GIÁ CHÚA KITÔ
Kính thưa cộng đoàn.
Hôm nay Giáo hội kỷ niệm việc Chúa Giêsu bước vào cuộc tử nạn. Nhìn từ lăng kính xã hội thì cuộc tử nạn nói lên sự thất bại của Chúa Giêsu trong công cuộc rao giảng nước Chúa. Tại sao Chúa lại để mình thua thiệt và chết tức tưởi trên thập giá như vậy mà không xử dụng đến vũ lực hay quyền phép. Vì đối với loài người, sự thua thiệt này là không thể chấp nhận được, nhất là khi trong tay mình có đủ điều kiện để vượt lên.
Nhìn những sự kiện đang xảy ra tại các nước châu Á hiện nay chúng ta thấy rõ điều đó. Trung Quốc thì muốn làm bá chủ biển đảo trên biển đông, đã gây bao sóng gió và tranh chấp giữa họ với các nước láng giềng …v.v. để rồi các nước tranh nhau mua sắm vũ khí, ai cũng muốn dương súng bắn vào nhau để chiếm lấy uy danh và lợi lộc, chẳng ai muốn lép vế trước đối phương, thua là nhục.
Vậy giữa cái nhìn của loài người và Chúa Giêsu, ngài muốn nói gì với thế giới và nhất là với chúng ta con cái của Ngài? Qua cái chết của mình, Chúa Giêsu trước hết muốn nói lên tình yêu thương bao la của Thiên Chúa, Ngài không nỡ để nhân loại phải chịu án chết vì tội lỗi của mình, chỉ có máu Chúa đổ ra mới có thể tẩy xóa hết được tội lỗi của nhân gian, và muốn dạy chúng ta hãy lấy tình yêu, sự hy sinh để đổi lấy sự sống, đổi lấy lòng người, đổi lấy hòa bình. Con người chỉ có thể đem lại hạnh phúc cho nhau trong sự hy sinh, tha thứ, bởi vì con người qúa nhiều bất toàn, nếu đòi hỏi người khác hoàn hảo, tôn trọng mọi sự sẽ không bao giờ có điều đó trên thế gian này.
Cũng chính trong tâm tình trên, Lời Chúa mời gọi gì nơi Giáo hội và từng người Kitô hữu chúng ta? Trong bối cảnh của thế giới đầy biến động hôm nay, Chúa Thánh Thần đã thổi một làn gió mới vào Giáo hội, đã ban cho Giáo hội một vị chủ chăn có tâm hồn và cách hành động tuyệt vời theo bước chân của Chúa Giêsu. Trong bài Huấn Từ Đầu Tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô với chủ đề “Cần tuyên xưng Đức Kitô chịu đóng đinh” là bằng chứng sống động nói lên sự hoạt động khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha nói: "Khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa!". Tôi ao ước rằng tất cả chúng ta, sau những ngày ân sủng này, có lòng can đảm, can đảm chính là để đi trong sự hiện diện của Chúa, với Thánh Giá của Chúa, để xây dựng Hội Thánh trên máu của Chúa được đổ ra trên Thánh Giá, và để tuyên xưng một vinh quang duy nhất: là vinh quang của Đức Kitô chịu đóng đinh. Và bằng cách này, Hội Thánh sẽ tiến lên. Tôi ước mong cho tất cả chúng ta rằng Chúa Thánh Thần, nhờ lời cầu nguyện của Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, ban cho chúng ta ân sủng để đi, xây dựng và tuyên xưng Đức Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Như vậy thôi. (Trích bản dịch Bài Huấn Từ của của ĐTC Phanxiciô I trong Thánh Lễ với các Hồng Y tại Nguyện Đường Sistine hôm thứ năm 14 tháng 3, 2013.).
Như vậy, cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mà chúng ta tưởng niệm hôm nay, cùng với lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, đang mời gọi tất cả chúng ta là môn đệ của Chúa. Hãy thấy giá trị của Thập giá. Muốn lãnh nhận được ơn cứu độ cũng như có thể biến cải tâm hồn mình và thế giới, chúng ta cũng không đi con đường nào khác ngoài con đường của Chúa đã đi, là chấp nhận thập giá và hy sinh vác lấy với một tấm lòng quảng đại, cho đi, tha thứ và yêu thương. Thế giới này sẽ không có loại vũ khí nào có thể chống lại được ước nguyện hiệp nhất của chúng ta trong sự hy sinh này. Ước mong mỗi người Kitô hữu hãy cùng ghé vai để cùng với Chúa Kitô vác thập giá đời mình lên núi cây dầu, để cho anh chị em và cho thế giới được ơn biến đổi tốt đẹp hơn trong sự hy sinh của chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Tạ Minh Chiến
YÊU MẾN THẬP GIÁ ĐỨC GIÊSU
Trong thánh lễ đầu tiên trong cương vị Giáo hoàng hôm 14/3 vừa qua tại nhà nguyện Sistina, Đức Thánh Cha Fancis I đã chia sẻ với Hồng Y đoàn rằng: Khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa!"
Kính thưa quý ông bà và anh chị em, trong bầu khí thiêng liêng của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh này, chúng ta cùng với cả Giáo hội Suy tôn Thánh Giá của Chúa Giêsu. Trong nghi thức hôm nay, sau khi được nghe Bài Thương Khó của Chúa, Giáo Hội long trọng tôn vinh Thập Giá như cờ hiệu chiến thắng, là biểu tượng của tình yêu thương tha thứ, và là niềm vinh dự cho mỗi người chúng ta.
Ngày xưa thập giá chỉ đơn giản là một dụng cụ hành hình ghê sợ mà con người đã nghĩ ra để hành hạ nhau làm khổ nhau, chính vì thế mà bản án chết treo thập giá là một bản án khủng khiếp dã man người Lamã đã dùng để răn đe những kẻ nổi loạn và những tên nô lệ bỏ trốn, nó ghê sợ đến độ mà người Roma cấm không được áp dụng bản án này cho công dân của họ, còn đối với người Do Thái, thì kẻ nào bị đóng đinh thập giá, đó không chỉ là kẻ thất bại mà con là kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa. Trong cái nhìn ấy người Do Thái đã cố tình để áp đặt bản án thập giá cho chúa Giêsu với những ngụ ý như vừa nêu. Điều đó có nghĩa là họ không chỉ muốn loại trừ một người mà các lãnh đạo Do Thái cho là “kẻ gây rối” mà họ còn muốn nhục mạ, và xóa tất cả uy tín danh dự của người đó cả trong khía cạnh tôn giáo và dân sự.
Thế nhưng Thiên Chúa thì không chịu thua mưu kế của con người, và tình yêu thương của Thiên Chúa vượt trên sự độc ác và mưu mô của con người, Ngài đã biến sự độc ác của con người trở thành cơ hội thể hiện tình yêu của Ngài và biến cây thập giá thành cây đem lại ơn cứu độ cho con người, và là biểu tượng chiến thắng của tình yêu vâng phục. Bài Thương khó chúng ta nghe hôm nay, thánh Gioan cho thấy, Chúa Giêsu đã biết trước tất cả mọi sự sẽ xảy ra cho Ngài, và Ngài đã có một tư thế sẵn sàng để đón nhận cây thập giá, không ngỡ ngàng, không chạy trốn. Tất cả những sự việc này đã được tiên báo trong Thánh Kinh qua bài ca về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa: vì yêu mến và vâng phục một cách trọn vẹn, mà người tôi tớ ấy đã chấp nhận đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đưa má cho kẻ giật râu và không hề che mặt giấu mày để tránh những lời phỉ nhổ. Chính vì sự vâng phục và yêu mên tuyệt đối đó, mà Thiên Chúa đã tôn vinh Người, ban cho người vinh quang và danh dự.
Thánh Phaolô đã nhìn thấy nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh là hình ảnh của người tôi tớ khiêm hạ mà Isaia đã loan báo, và hơn thế nữa, Ngài còn chính là vị Tư Tế đến từ nơi Thiên Chúa, băng qua các tầng trời mà đến, để chia sẻ thân phận con người và cảm thông với đau khổ của chúng ta, Ngài đã học được thế nào là vâng lời, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập giá, chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban cho Người một danh hiệu vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
Chúa Giêsu không mãi mãi chết treo ở trên thánh giá, nhưng Ngài đã được mai táng và phục sinh, Ngài đã biến thánh giá trở thành dụng cụ, thành nấc thang đưa Ngài vào vinh quang Phục Sinh, để từ đây ngài mãi mãi tiêu diệt nọc độc của thần chết và đem lại sư sống cho cả nhân loại. Vì thế, cái chết thập giá của Chúa Giêsu không phải là một sự thất bại, mà là một sư chiến thắng của Thiên Chúa trên quyền lực và mưu mô của ma quỷ, và là sự chiến thắng của tình yêu thương, của sự sống trên sự chết, chính trên cây thập giá mà nhân loại nhận ra Ngài là Đấng Công Chính là Con Thiên Chúa.
Thánh giá từ đây không còn là hình ảnh chết chóc nữa, mà đã trở thành biểu tượng của tình yêu thương tha thứ, một tình yêu hy sinh đến cùng và là tình yêu trao ban đến cùng, trao ban cả sự sống cả con người cho người mình yêu. Chính từ trên cây thập giá Đức Giêsu trở nên một Tư tế, đã hiến dâng chính bản thân mình, sự sống của mình làm của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa để xin ơn tha thứ cho nhân loại, để giao hòa con người với Thiên Chúa và để giao hòa con người với nhau. Cũng khi ở trên cây thập giá, Đức Giêsu đã dâng lời van xin lên cùng Chúa Cha: lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng lầm không biết. Tha thứ là như thế, không chỉ tha và xin Thiên Chúa tha cho kẻ làm khổ và giết mình, mà Chúa Giêsu còn biện hộ cho nó là: vì nó lầm không biết. Đó là bài học tha thứ không giới hạn, tha không điều kiện mà Đức Giêsu đã từng giảng dạy các tông đồ và giờ đây Ngài đã thực hành để nêu gương cho chúng ta.
Thập giá trở thành niềm vinh dự cho chúng ta, và mỗi người tin hữu được mời gọi tin và tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu chịu đóng đinh, và yêu mến Đức Giêsu chịu đóng đinh như lời ĐTC Fancis I đã chia sẻ: Chúng ta được mời gọi lên đường, bước vào con đường của Đức Giêsu, dám chấp nhận một hành trình theo Chúa, dù hành trình ấy là một hành trình thập giá đau khổ. Chúng ta còn được mời gọi tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, và yêu mến gắn bó với Đức Giêsu chịu đóng đinh, vì chúng ta không thể tìm kiếm một Đức Giêsu không thập giá, và cũng đừng bao giờ tim kiếm một thập giá mà không có Đức Giêsu, vì khi chúng ta tuyên xưng một Đức Kitô không thánh giá, thì chúng ta không phải là môn đệ Đức Kitô nữa, và lúc đó chúng ta sẽ thuộc về thế gian. Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta làm mọi thứ, xây dựng và phát triển mà chúng ta không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô thì có gì sai ? Thưa, lúc đó anh em biến mình và Giáo Hội trở thành một cơ quan hỗ trợ cho tổ chức phi chính phủ, chứ không còn phải là giáo Hội của Chúa Kitô nữa.
Thưa quý ông bà và anh chị em, từ Lời Chúa trong ngày Thứ Sáu tuần Thánh này, và dựa trên giáo huấn của ĐTC, chúng ta được mời gọi đừng sợ hãi, đừng tránh né thập giá nhưng hãy yêu mến, đón nhận và tôn vinh Đức Giêsu và thập giá của Người, vì chính nhờ Đức Giêsu và thập giá của Người mà chúng ta được đưa vào trong gia đình của Thiên Chúa, trở thành con cái và là người nhà của Thiên Chúa, được chung hưởng niềm vui và hạnh phúc của thiên Chúa. Chính nhờ tình yêu thương và sự hy sinh của Đức Giêsu trên thập giá mà chúng ta được cứu độ, được thoát khỏi nanh vuốt tử thần, và được chung phần chiến thắng của Chúa Giêsu.
Chính vì thế, chúng ta được mời gọi hãy để cho thập giá của Đức Kitô ảnh hưởng, chi phối và hướng dẫn cuộc sống chúng ta và hãy dành thời giờ thinh lặng quỳ dưới chân thập giá của Chúa Giêsu để lắng nghe tiếng nói yêu thương từ thập giá và để học được bài học tha thứ và hy sinh từ nơi thập giá Chúa. Hãy can đảm vác thập giá mình hằng ngày và bước theo Chúa Giêsu. Hãy chủ động và vui vẻ đón nhận thập giá của mình, thập giá ấy là những khó khăn vui buồn trong cuộc sống, là những bổn phận trách nhiệm mà chúng ta đang lãnh nhận, bổn phận là linh mục, tu sĩ hay chỉ là những người giáo dân, bổn phận là cha là mẹ hoặc là những người con đang sống trong gia đình hay đang làm việc ngoài xã hội, đó là thập giá của riêng ta, hãy bước theo Chúa Giêsu chứ đừng bước theo một lối đi nào khác. Chỉ khi chúng ta bước theo Chúa Giêsu thì thập giá cuộc đời chúng ta mới có thể trổ sinh hoa trái, còn nếu chúng ta bước đi theo một con đường nào khác, chúng ta sẽ không thể gặp được Chúa Giêsu phục sinh.
Có một thực tế là nhiều bạn trẻ ngày nay đã ngại ngùng khi nói về thập giá Chúa Giêsu, đối với nhiều người, thập giá có khi chỉ còn là món đồ trang sức chứ không còn là niềm tin và lời tuyên xưng, càng không phải là vinh dự của họ nữa. Chiêm ngắm thập giá Chúa hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta biết yêu mến, tôn thờ và khiêm tốn học từ nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh những bài học như chúng ta vừa suy niệm. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí