CHỦ NHẬT LỄ LÁ
Thánh lễ bắt đầu bằng Cuộc rước lá để tưởng nhớ cuộc Khải Hoàn vào thành Thánh Giê ru sa lem của Chúa Giê su. Trong khi các Tông đồ hân hoan vì tin rằng cuối cùng Nước Chúa đã khai mạc, Chúa Giê su nhận thức một điều hoàn toàn khác: bên kia vinh quang, Ngài nhìn thấy Dân Ngài khước từ, và lên án Ngài. Đúng là Ngài đến để khai mạc Nước, nhưng là Nước của Thiên Chúa chứ không phải Nước của loài người.
Sách Tiên tri Is 50,4-7
Trong khi người ta chờ đợi một vì Vua quyền năng dùng sức mạnh để cai trị, thì Isaia lại cho các đồng bào mình thấy hình ảnh của Người Tôi tớ sống trong sự tỏa sáng của Lời Thiên Chúa và chấp nhận gánh hết tội lỗi của thế gian. Sứ Điệp nầy hoàn toàn bị người ta phớt lờ.
Thánh Vịnh 21
Phụng vụ chỉ đọc lại một vài câu Thánh vịnh 21, nhưng toàn bài là một lời sấm Thiên sai gây ngạc nhiên có thể áp dụng cho Chúa Giê su. Tiếng kêu khốn cùng của Người Công chính bị mọi người bỏ rơi chuyển thành tiếng kêu hân hoan. Mầu nhiệm Chết-Sống lại.
Thư gửi tín hữu Phi líp phê 2,6-11
Bản văn nầy là một trong những chứng từ sớm nhất diễn tả Niềm Tin của Hội thánh vào Chúa Giê su là Chủ tể muôn loài. Còn đối với chúng ta, nó là lời diễn tả chính Thiên Chúa. Toàn bộ cuộc sống của Ngài là một hiến dâng của Tình Yêu. Sự Phục sinh của Ngài khẳng định chiến thắng của Tình yêu ấy. Từ nay, Danh của Ngài trổi vượt trên mọi Danh khác.
Tin mừng Lc 19,28-40
NGỮ CẢNH
Cuộc hành trình tiến về Giê ru sa lem của Chúa Giê su đã đến đích. Sau Giê ri cô xuất hiện các chặng cuối cùng: Bết pha ghê và Bê ta nia (19,29), ngoại ô Giê ru sa lem (19,41), và đi vào trong đền thờ (19,45). Trong trình thuật nầy, Luca mô tả việc Chúa Giê su sai các môn đệ chuẩn bị tiệc li trước cho Người (19,28-34), sau đó, đám đông ồn ào và huyên náo đón rước Người vào Thành Thánh (19,35-38) kèm theo phản ứng giận dữ của những người Biệt Phái (19,39-40); cuối cùng là lời than thở của Chúa Giê su trên Giê ru sa lem (19,41-44).
TÌM HIỂU
Tiến lên Giêrusalem: ở đây chúng ta gặp lại chủ để về « lên đường » khởi đầu từ 9,51 và được lặp lại nhiều lần. Chính xác hơn, đoạn tiếp theo dường như là kết luận của một đơn vị văn chương bắt đầu bằng lời loan báo Khổ nạn lần chót: « Nào chúng ta cùng lên Giê ru sa lem » (18,31). Cả hai câu chuyện ở Giê ri cô trình bày những điều kiện cần có để đi theo Chúa Giê su trên con đường nầy: đó là đức tin vào đấng Messia, như người mù đã bày tỏ; đó còn là sự sám hối, như ông Gia kêu đã kinh nghiệm. Dụ ngôn về các nén bạc cảnh giác trước ảo tưởng về một sự trở lại ngay lập tức của Vua-Messia. Nhưng khung cảnh theo sau đó được trình bày như là một diễn biến trước cuộc khải hoàn cuối cùng.
Ngài sai: chi tiết nầy nhắm đề cao sự tiền tri (biết trước) của Chúa Giê su về những biến cố tương lai. Giống như ở 22,8.
Một con lừa con: đây là con lừa con, hãy còn theo lừa mẹ (Mt 21,2; Mc 11,2), một con vật hiền từ dễ sai khiến, hoàn toàn khác với ngựa là con vật của chiến tranh. Chúa Giê su tỏ uy quyền bằng việc cưỡi con lừa nầy, vốn không phải của Ngài, như Ngài sẽ xử dụng đền thờ (19,45-46) và nhà Tiệc li (22,10-13). Việc sử dụng con lừa con chưa ai cỡi cho thấy Chúa Giê su là chủ của nó, như Thiên Chúa là chủ của các lễ vật đầu mùa trong phụng tự. Chúa Giê su khai mào một thế giới mới. Và Kinh Thánh cũng sẽ cho biết không ai được đặt vào trong huyệt đá nơi Chúa Giê su sẽ được chôn cất (923,53).
Giúp Người cỡi lên: việc sử dụng con lừa nầy cũng giống như lần hiến thánh vua Salomon (1V1,38). Đó là xa giá của đấng Messia và rất khác với cuộc rước khải hoàn của các vua trần thế. Sự khiêm tốn của nó hoàn toàn trái ngược với tiếng hò la của « đoàn môn đệ ».
Luca không trích dẫn lời tiên tri của Dacaria 9,9 được Mt và Gioan trích dẫn (Mt 21,5; Ga 12, « Hãy bảo thiếu nữ Xion: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ»). Nhưng chắc chắn đấng ngồi trên lưng lừa là đấng Messia, và Vua (19,38), Con Vua Đa vít được người mù Giê ri cô nhận ra (18,38), không xa hoa, không đắc thắng như vua Đa vít, tổ tiên Ngài, khi được hiến thánh làm vua ở Hê bron (2Sm 2,4).
Tất cả đoàn môn đệ: Theo Luca, Chúa Giê su không được dân cư thành Giê ru sa lem hay khách hành hương lễ Vượt Qua tiếp đón, như các tác giả Tin Mừng khác kể lại. Ngài được « đám đông » các môn đệ, những người tin vào Ngài đón tiếp. Luca không nói rằng Chúa Giê su sẽ đi vào trong thành thánh. Lập tức Ngài dừng lại để khóc thương thành ấy.
Vui mừng: các môn đệ hân hoan vui mừng như ông Gia kêu (19,6). Như tiên tri Gia ca ria đã tiên báo ở đầu câu được trích dẫn trên kia: «Kìa thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỉ ! Hỡi thiếu nữ Giê ru sa lem, hãy vui sướng reo hò!» (Dc 9,9).
Chúc tụng Đức Vua: câu trích dẫn Tv 118,26 nầy đã được Luca loan báo (x.13,35). Ngược với Mt và Mc, Luca thêm vào tước Vua định nghĩa « đấng phải đến (x. Ga 12,13). Chính trong cuộc Khổ nạn (23,2-3) và trên thập giá (23,37-38.42) mà Chúa Giê su sẽ thực sự được nhìn nhận là Vua.
Bình an – Vinh quang: lời sấm tiên tri Da ca ria 9,10 đã nói về công trình hoà bình mà đấng Messia-Vua thực hiện. Nhưng vinh quang thì dành cho Thiên Chúa. Việc nối kết hai câu theo trật tự ngược lại nhắc nhở bài ca của các thiên thần ở Bết lê hem (2,14), chỉ khác là bình an không ở dưới đất, nhưng ở trên trời, như là nguồn cội vì là quà tặng của Thiên Chúa cho loài người.
Việc đối chiếu lời tung hô của các môn đệ và bài ca các thiên thần là có chủ ý và tỏ cho thấy thần học của Luca. Vinh quang của Thiên Chúa toả sáng trên trời, chung quanh máng cỏ nơi Chúa Giê su nằm; các mục tử đã lặp lại lời ca tụng (2,20) và thiếp theo, tất cả những người được chữa lành, nuôi dưỡng và được Chúa Giê su tha thứ. Giờ đây, lời chúc tụng phát xuất từ chính đám rước các môn đệ. Đó là Hội Thánh mà Chúa Giê su đến để thiết lập: Chúa Giê su luôn luôn ở trung tâm. Sau dấu chỉ hang đá (2,12), giờ đây là dấu chỉ con lừa con, trước khi nói đến dấu chỉ thập giá: tất cả đều đề cao sự nghèo hèn và khiêm nhu.
Trách: người Biệt phái bực bội vì đám đông tung hô Chúa Giê su như là đấng Messia.
Đá: hình ảnh rất hùng hồn diễn tả sự không thể làm im tiếng kêu lớn của đức tin. Hình ảnh ấy gợi lại những viên đá có thể trở thành con cái Abraham (3,8), nhưng có lẽ cũng là những viên đá hoang tàn của Giê ru sa lem mà một cách nào đó sẽ làm chứng cho Chúa Giê su (19,44).
Người ta cũng có thể chú ý rằng Tv 118, được trích dẫn ở trên, nói về viên đá bị loại bỏ sẽ trở nên viên đá góc (x.20,17). Lời yêu cầu của người Biệt phái rõ ràng không thể được Chúa Giê su chấp nhận: nó chứng tỏ lòng không tin của họ (19,27). Từ đây Luca không còn nói về nhóm Biệt phái nữa.
Bài Thương khó theo Thánh Lc 22,14-23,56
Cuộc khổ nạn theo tin mừng Luca là một bi kịch diễn ra trên nền tảng sâu xa của lịch sử và kéo theo những hệ lụy trên bình diện xã hội và chính trị.
Và đó cũng là một bi kịch diễn ra trong thâm tâm của mỗi người. Nó được coi như là một lời mời gọi gởi đến cho người môn đệ. Tất cả đều hướng tới một dấn thân cá nhân đi theo Chúa Ki tô: vì thế, chúng ta tìm thấy ở đó, như trong toàn bộ tin mừng nầy, các mâu thuẩn đan xen vào nhau: lòng thương xót của Chúa Giê su và những đòi hỏi phải sám hối; chiến đấu và nhân ái; tha thứ và xét xử.
Sự khác biệt giữa Luca và các Tin mừng nhất lãm khác giúp ta tìm được các chủ đề thần học của trình thuật nầy.
I. Các đặc tính của trình thuật Luca.
1. Phần bỏ đi
- Luca không nói tới việc các môn đệ chạy trốn trong khi Chúa Giê su bị bắt; và người ta có cảm tưởng là họ hiện diện trên đồi Can vê (23,49).
- Luca không nói tới các người làm chứng gian trước Hội đồng Do Thái (chỉ nhóm một lần vào buổi sáng) và tránh không nói rằng Hội đồng coi Chúa Giê su như là có tội: không nói gì tới bản án.
- Hoạt cảnh lăng mạ không diễn ra trước Hội đồng và được Luca gán cho bọn lính canh. Luca cũng không đề cập đến cảnh sỉ vả và nhổ nước bọt. Cũng thế, ông không nói tới những màn chế nhạo Chúa Giê su của bọn lính trong dinh thự của Phi la tô, cũng không thấy nói đến việc đánh đòn, vòng gai, trừ hai lần ám chỉ (23,16.22).
- Tiếng kêu duy nhất của Chúa Giê su trên thánh giá là tiếng kêu phát ra từ lòng tín nhiệm. Thay vì trích dẫn Tv 22 như Mt và Mc, tác giả Luca trích dẫn Tv 31. Do đó không thấy so sánh với lời về Elia.
2. Phần bổ sung
- Trong trình thuật về Tiệc li, Luca thêm vào tuần rượu thứ nhất.
- Tiếp sau khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể là một loạt các lời Chúa Giê su cho thấy có một vài điểm trùng hợp với diễn từ giả biệt trong Gioan, nhưng viễn tượng chung chung khá khác biệt: chiến đấu vì Nước.
- Luca nói đến hai lần về hoạt động cùa Satan (22,3.31).
- Trong lúc Chúa Giê su bị bắt có nói đến việc hai môn đệ cố gắng chiến đấu chống lại và việc Chúa Giê su chữa lành tên đầy tớ.
- Phiên toà bị ngắt quãng bởi cảnh Chúa Giê su ra trước tòa Hê rô đê; từ đây có hai lần xét xử của Phi la tô, ông nầy tuyên bố điều câu quan trọng mà Mt và Mc không nói đến; ba lần (23,4.14.22), ông khẳng định sự vô tội của Chúa Giê su.
- Trên đường lên Can vê, Chúa Giê su gặp nhiều phụ nữ than khóc Ngài; sự hiện diện của đám đông (cũng như trong lúc đóng đinh); im lặng dường như đồng cảm với Ngài, và tỏ lòng thống hối.
- Cuối cùng cái chết của Chúa Giê su được đánh dấu bằng bằng lời nói: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”; lòng tín thác của Chúa Giê su nơi Chúa Cha trong lời trích dẫn Tv 31. Lời nói sau cùng, cũng như lời đầu tiên (2,49) của Chúa Giê su trong Luca là với Chúa Cha.
II. Ý nghĩa và chủ đề
1. Ý nghĩa
Từ những đặc điểm nêu trên, tác gải nêu bật các ý nghĩa sau đây:
Phần lớn các chổ bỏ đi là những cảnh tượng quá bạo lực và thống khổ; nó khiến cho trình thuật trong Mác cô mang một sắc thái bi kịch mà Luca chủ ý muốn làm dịu bớt.
Còn những chổ thêm vào nói chung diễn tả lòng nhân từ và thương xót của Chúa Giê su. Chúng ta tìm thấy ở đây một trong các chủ đề nổi bật của tin mừng Luca; trong ngữ cảnh Khổ nạn, nó tạo nên một dấu ấn lạ lùng.
Ngoài ra, Luca còn kể lại một số các chi tiết hoặc lời nói mang lại cho cuộc khổ nạn các sắc thái mới. Phần nào không còn sự căng thẳng bi kịch, nhưng là sự sâu sắc về tín lí. Một cách nào đó Gioan dung hợp hai khía cạnh của Mác côvà Luca.
2. Các chủ đề thần học nổi bật
- Cuộc chiến đấu giữa Chúa Giê su và Satan (22,3.31.53), có các môn đệ nhảy vào (22.28.35-58.40.46).
- Chúa Giê su là người tôi tớ (22,27.37).
- “Chịu đau khổ để vào trong vinh quan g” (22,28-30.37; 23,42-43; 24,26).
- Vương quyền của Chúa Giê su (22,29.79; 23, 2=3.38)
- Sự vô tội của Chúa Giê su (23,4.14.15.22.41.47).
- Chúa Giê su trong cuộc khổ nạn là đấng cứu độ và mẫu gương cho các chứng nhân. Trong tác phẩm thứ hai, Luca sẽ trình bày cái chết của người tín hữu theo hình ảnh của Chúa Giê su (Cv 7,55- 60).
SỨ ĐIỆP
Ai trong chúng ta cũng đều có thể nhận ra rằng, bạo lực là một thực tại nổi cộm trong thế giới hôm nay. Nó tạo nên một vòng lẩn quẩn bạo lực và trả thù. Sự kiêu căng đã thúc đẩy con người muốn thống trị, chà đạp và hạ thấp anh em mình, và không ngần ngại làm cho anh em mình phải đau khổ và chết. Tin mừng cuộc khổ nạn trình bày cho chúng ta thấy liều thuốc giải độc giết người ấy.
Chúng ta vừa nghe, Chúa Giê su đã bị cáo tội, xét xử và kết án một cách bất công. Ngài là nạn nhân của lòng thù hận và bạo lực nung nấu tâm hồn con người. Trước thực trạng đó, tin mừng thánh Lu ca nhấn mạnh đến những cử chỉ tha thứ và xót thương rải rác trong khắp trình thuật khổ nạn.
- Ngài chữa lành đứa tôi gớ của vị Thượng tế bị Phê rô chém đứt tay.
- Ngài bảo vệ các môn đệ của Ngài và để họ trốn thoát.
- Ngài trấn an ông Phê rô đã chối Ngài. Chúng ta thấy Ngài có một cái nhìn đầy lòng xót thương đối với sự yếu đuối của một người tưởng rằng mình mạnh mẽ.
- Trước các phụ nữ than khóc khi Ngài đi qua, Ngài không nghĩ đến mình nhưng đến dân Israel.
- Vào giây phút cuối, Ngài cứu thoát một tên ăn cướp bị đóng đinh với Ngài khi chấp nhận lòng thống hối và thỉnh nguyện của hắn.
- Và nhất là Ngài đáp lại tiếng hò la chửi bới của đám đông bằng lời kêu xin Cha Ngài tha thứ cho họ: “Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng chẳng biết việc chúng làm”.
Bạo lực đã đổ ập xuống trên đầu Chúa Giê su, nhưng Ngài đáp trả lại bằng yêu thương. Trong cuộc Khổ nạn, Ngài đã chiến thắng sự dữ và sự chết bằng sự dịu dàng và lòng cảm thông. Đó chính là chiến thắng của Thập giá.
Chúng ta đang sống trong một thế giới đang khổ đau vì bạo lực càng ngày càng gia tăng: chiến tranh sắc tộc, bạo lực thể xác và tinh thần đối với trẻ em, sự bất an trong một vài địa phương, bạo lực trong trường học. Ngày nay, chúng ta cũng tiếp nhận tin mừng ấy như lời mời gọi chiến đấu cho sự sống, cho nền giáo dục và cho hòa bình. Đức Ki tô cho chúng ta thấy rằng chỉ có tình yêu mới có thể tiêu diệt hận thù.
Trình thuật khổ nạn theo thánh Luca là một lời khẩn thiết mời gọi mọi người hãy hòa giải. Đó là tin mừng của một tình yêu tha thứ và mời gọi chúng ta tiếp nhận ơn tha thứ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Con của Người. Chúng ta hãy hướng về thập giá Đức Ki tô. Cũng như Ngài, chúng ta khẩn xin ơn Tha thứ của Cha cho tất cả những ai đang sống trong thời đại chúng ta: “Lạy Cha, xin tha cho chúng!”. Chúng ta hãy để mình đánh động bởi lời cầu xin ấy để chính chúng ta cũng trở thành những chứng nhân của lòng thương xót Thiên Chúa.
ĐÀO SÂU
BÀI TIN MỪNG CUỘC KIỆU LÁ
1. HỎI: Cuộc kiệu lá có phải là một tái hiện dân gian của việc Chúa Giêsu vào thành Giê-ru-sa-lem không?
THƯA: Không, đó không phải là tái hiện dân gian, nhưng là một hành động phụng vụ mở màn cho việc cử hành lễ Vượt Qua. Đó là một cách tuyên xưng đức tin được thể hiện qua cử chỉ, thậm chí đi trước cả lời nói.
2. HỎI: Cuộc rước nầy muốn khẳng định điều gì?
THƯA: Muốn khẳng định rằng Chúa Giêsu tình nguyện đi đến cái chết để bắt đầu hành trình trở về trong vinh quang của Cha.
3. HỎI: Việc Chúa Giêsu dẫn đầu nhóm môn đệ lên Giê-ru-sa-lem có nghĩa gì?
THƯA: Việc Chúa Giêsu dẫn đầu nhóm môn đệ lên thành Giê-ru-sa-lem ở đây không đơn giản có ý nghĩa đen, nhưng có một ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ: Chúa Giêsu hướng về cuộc khổ nạn trong sự vâng phục Thiên Chúa Cha hoàn toàn. Tại Giê-ru-sa-lem Ngài sẽ tự hiến như một con chiên sát tế cho Thiên Chúa và sẽ trở về với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Các tông đồ đi theo Ngài lúc bấy giờ chưa hiểu, nhưng đến ngày Ngũ tuần họ sẽ hiểu.
4. HỎI: Tại sao Chúa Giê-su phải di chuyển một cách kín đáo: “Anh em hãy đi vào làng trước mặt kia, anh em sẽ thấy một con ngựa chưa ai cỡi bao giờ..”?
THƯA: Bởi vì Ngài biết rõ mưu đồ của ma quỉ sắp giăng ra chống lại Ngài, nhưng Ngài không để cho chúng ra tay trước khi Ngài thiết lập bí tích Thánh Thể và Truyền chức. Ngoài ra, Chúa Giêsu còn phải truyền lại một điều quan trọng cho các môn đệ: Giới luật yêu thương. Đó sẽ là dấu ấn không thể phai mờ của Giê-ru-sa-lem mới.
5. HỎI: Chúa Giê su còn nói rõ chi tiết: “trên con lừa chưa từng có ai cỡi” có nghĩa gì?
THƯA: Tất cả các chi tiết ấy nêu bật lời chứng trực tiếp của những người đã thấy và đã nghe và sau đó đã làm chứng. Còn chi tiết “trên con lừa chưa từng có ai cỡi” có thể tượng trưng cho sự kiện là: không có người nào có thể thực hiện một sự hy sinh lớn như thế để hòa giải nhân loại với Thiên Chúa, ngoại trừ Thiên Chúa làm người.
6. HỎI: Tại sao bây giờ Ngài công khai tự nhận là Chúa trong câu: “Chúa cần đến nó”.?
THƯA: Khi Thánh Luca viết Tin Mừng, niềm tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và do đó là Thiên Chúa đã khá vững mạnh nơi các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, do đó tác giả có thể thêm tước hiệu Kitô ấy (= Chúa). Đàng khác, Giờ khổ nạn đã gần kề, do đó Chúa Giê su có thể tỏ ra bản tính thật của mình. Vì từ nay, nguy cơ được người ta tôn lên làm vua không còn nữa: Chúa Giêsu sẽ nhận được vương miện khác không được làm bằng vàng nhưng bằng gai nhọn.
7. HỎI: Các tông đồ đặt áo choàng của họ trên lừa như một cử chỉ lịch sự với Thầy mình chăng?
THƯA: Đúng, đó là lý do rõ ràng nhất, nhưng cũng còn một lí do biểu tượng khác: Chúa Kitô yêu cầu các môn đệ của mình tham gia vào sứ mạng của Ngài trong việc mở rộng vương quốc Thiên Chúa. Cởi chiếc áo choàng để dâng cho Chúa là một hành vi tuyệt vời nhưng đồng thời là một cử chỉ nhỏ vì đối với người Do Thái chiếc áo choàng tượng trưng cho rất nhiều điều, ví dụ như bảo vệ khỏi lạnh giá trong đêm. Chúa muốn chúng ta làm các công trình lớn, cũng như làm các công việc nhỏ hàng ngày với tinh thần phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
8. HỎI: Thánh Luca muốn nói với chúng ta điều gì khi viết: “Bình an trên trời ...”?
THƯA: Tác giả muốn cho chúng ta thấy sự hoàn tất một thực taị hay hay đúng hơn là chính Thực tại. Khi khải hoàn đi vào thành Thánh, Chúa Giêsu đã hoàn tất nền “hòa bình” mà Thiên Chúa đã hứa cho thời đại thiên sai và “vinh quang” xuất phát từ Thiên Chúa đạt đến trời cao.
9. HỎI: Vì những gì lý do gì mà người Pha-ri-siêu yêu cầu Chúa Giê su can thiệp để niềm phấn khởi không bùng phát trong dân?
THƯA: Bởi vì họ muốn ngăn cản đám đông tỏ ra phấn khích ủng hộ Chúa Giê su và dùng những lời đầy hy vọng tung hô Ngài là đấng Messia.
10. HỎI: Việc Chúa Giê-su khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem cho chúng ta những bài học gì ngày hôm nay?
THƯA: Con người chúng ta có khả năng dùng lời nói để ngợi khen Chúa, tạ ơn Ngài khi mọi thứ diễn ra tốt đẹp, nhưng trong những lúc khó khăn, khi “gió đổi chiều” trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ sẵn sàng đóng đinh Ngài một lần nữa.
Bất cứ khi nào sứ điệp của Ngài xung đột với những ý tưởng và ý kiến chúng ta, chúng ta có thể dễ dàng đi từ niềm phấn khởi đối với Ngài sang thái độ khinh thường lời Ngài dạy. Do đó, Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta phải sống tương ứng với đức tin chúng ta tuyên xưng, trong gia đình, nơi làm việc, trong xã hội. Chúa Giêsu ít quan tâm đến những người chỉ biết nói "Lạy Chúa, Lạy Chúa" và sau đó hầu như không nhận ra Ngài là Chúa và là Đấng Mê-si-a.
BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
1. HỎI: Tiên tri Isaia đã nói điều gì trong bài đọc một?
THƯA: Tiên tri Isaia đã bộc lộ tâm tư thầm kín của mình. Ông cho thấy đời ông giống như các tiên tri khác: ông gặp bách hại khi thực hiện sứ mạng rao giảng Lời mà Thiên Chúa đã giao phó cho ông. Nhưng chính nhờ được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa mà ông đã tìm được sức mạnh cần thiết để đứng vững nơi chính Chúa.
2. HỎI: Ông biểu lộ lòng mình để làm gì?
THƯA: Tiên tri Isaia không bày tỏ lòng mình để được an ủi, nhưng lả để rao giảng. Ông dùng tâm tư của mình để khuyên nhủ đồng bào mình cố gắng chấp nhận cuộc thử thách hiện tại và tìm cách gán cho nó một ý nghĩa.
3. HỎI: Đặc điểm chính yếu của một người tôi tớ đích thực của Thiên Chúa là gì?
THƯA: Là có “đôi tai rộng mở” theo kiểu nói của tiên tri Isaia. Tức là lắng nghe Lời Chúa, để cho Người dạy bảo, là sống trong sự tin tưởng nơi Người: “Sáng sáng, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ” (Is 50,4).
4. HỎI: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin..”. Lời Chúa Giê su nói với ông Phê rô có ý nghĩa gì?
THƯA: Lời nói ấy chỉ được Lu ca ghi lại, cho thấy sự tinh tế đặc biệt của Chúa Giê su, sẽ giúp Phê rô chỗi dậy thay vì tuyệt vọng sau khi phản bội chối Thầy mình.
5. HỎI: Ngoài lời động viên ấy, Chúa Giê su còn tỏ dấu gì để nâng đỡ ông Phê rô?
THƯA: Và cũng trong chiều hướng đó, chỉ có Thánh Lu ca ghi lại chi tiết nầy, sau khi Phê rô chối Ngài ba lần, Chúa Giê đã quay lại nhìn ông, khiến ông nhớ lại lời Chúa đã báo trước, nên ông ra ngoài khóc nức nở (22,61-62).
6. HỎI: Hêrôđê Antipas là ai?
THƯA: Một khung cảnh khác của riêng Lu ca trong cuộc Khổ nạn của Chúa Giê su là phiên tòa Hê rô đê Antipas. Ông là con của Hê rô đê đại vương. Sau khi Cha chết, ông được người La mã chấp nhận cho làm vua trên vùng đất Ga li lê, trong khi vùng Giu đê tức là tỉnh Giê ru sa lem lại được cai trị bởi một tổng trấn La mã.
7. HỎI: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Họ làm gì?
THƯA: Đó chính là lúc lính La mã vừa đóng đinh Chúa Giê su trên thập giá. Họ đã làm điều họ không biết. Họ đã đuổi ra ngoài Thành Thánh đấng Thánh Tối cao. Họ đã đuổi Thiên Chúa của mình. Họ đã giết chết đấng là Chủ tể sự sống. Nhân danh Thiên Chúa, Hội đồng tối cao Do thái đã đã lên án Thiên Chúa. Còn Chúa Giê su đã làm gì? Lời nói duy nhất của Ngài là lời tha thứ. Chính trong Đức-Ki-tô-tha-thứ cho đối thủ của mình mà chúng ta khám phá tình yêu của Thiên Chúa như thế nào.
8. HỎI: Người trộm lành đã làm gì?
THƯA: Trước tiên, anh ta đã nói lên sự thật: “Đối với chúng ta thật là đích đáng với những gì chúng ta đã làm”. Kế đến anh ta nhìn nhận Chúa Giê su là đấng Cứu thế và khiêm nhường xin Ngài thương cứu giúp anh.
9. HỎI: Tại sao trình thuật khổ nạn của Lu ca kết thúc bằng câu:“Ngày sa bát bắt đầu ló dạng?
THƯA: Thánh Luca kết thúc bài tường thuật cuộc Khổ nạn và cái chết của Đức Ki tô bằng cách gợi lên ngày Sa bát: ngài xác định rằng những người phụ nữ theo Chúa Giê su từ Ga li lê đến nhìn kĩ ngôi mồ để xem xác chúa Giê su được đặt như thế nào, chuẩn bị dầu và thuốc thơm và về nhà nghỉ lễ. Như thế, bài trình thuật khổ nạn kết thúc trong ánh sáng hi vọng và bình an.
10. HỎI: Ngày sa bát có ý nghĩa như thế nào?
THƯA: Đối với người Do thái, và thánh Lu ca, ngày sa bát là tiền ảnh của thế gian sắp đến: một ngày mà người ta đắm mình trong ân sủng của Thiên Chúa, ngày Thiên Chúa nghỉ ngơi sau khi đã hoàn thành công cuộc sáng tạo. Như thế trong cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê su Naiga rét, nhân loại mới được sinh ra: triều đại ân sủng đã bắt đầu. Từ nay thánh giá chỉ cho chúng ta con đường phải theo: đó là con đường yêu thương tha nhân và tha thứ bất kể như thế nào.