Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 31

Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên C

“Khôn khéo” mà “bất lương”, chỉ “được khen” mà “không được chọn”…

LỜI CHÚA : Lc 16,1-8

080902195020-386-342.jpg (1) Chúa Giêsu còn nói với các môn đệ rằng : "Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. (2) Ông mới gọi anh ta đến mà bảo : "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó ? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa !" (3) Người quản gia liền nghĩ bụng : "Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. (4) Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !".

(5) "Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất : "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy ?" (6) Người ấy đáp : "Một trăm thùng dầu ôliu". Anh ta bảo : "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi". (7) Rồi anh ta hỏi người khác : "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy ?" Người ấy đáp : "Một ngàn thùng lúa". Anh ta bảo : "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi".

(8) "Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

SUY NIỆM

Quý vị và các bạn thân mến,

Hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ dụ ngôn “người quản gia bất lương”. Kết luận về dụ ngôn Chúa dạy cho chúng ta hai điều : Một là người quản gia đó đã có hành động “khôn khéo” nhưng vẫn bị coi là “bất lương”, “được khen” nhưng vẫn “bị sa thải” ; Hai là Chúa cho thấy sự khác biệt giữa “con cái đời này” và “con cái ánh sáng”, sự “khôn ngoan theo đời này” và sự “khôn ngoan của con cái Thiên Chúa”.

Trước tiên, chúng ta xem sự “bất lương” của người quản gia đây là gì. Anh bị người ta tố cáo với ông chủ là anh đã phung phí của cải nhà ông. Thái độ “phung phí của cải nhà ông chủ” của người quản gia cho thấy, anh đã “lạm quyền” của chủ, cách nào đó anh không còn phục tùng chủ, không trung tín và không còn nhớ vị thế của mình chỉ là quản gia. Lẽ ra anh phải biết vai trò của anh, làm quản gia anh được quyền quản lý mọi sự trong nhà, anh phải làm sao cho mọi sự diễn ra tốt đẹp và đem lại ích lợi cho gia chủ. Khi anh “phung phí của cải nhà chủ” có nghĩa là anh đã không còn chu toàn chức năng và bổn phận của anh. Sự “bất lương” của anh là như thế.

Tuy nhiên, anh được chủ khen là “khôn khéo”, vậy sự khôn khéo của anh đây là gì. Anh khôn khéo vì khi biết chủ sắp sa thải, anh đã lấy lòng các con nợ của chủ, bằng cách lấy biên lai ghi giảm số nợ cho họ, nhưng cũng bằng cách này anh đã đẩy con nợ vào chỗ thông đồng với hành vi của anh, nếu anh có bị xử phạt thì anh cũng không phải chịu một mình. Anh đã nghĩ đến nghề nghiệp, đến cuộc sống, đến tương quan của mọi người dành cho anh khi anh thất thế… Và anh đã hành động để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước anh về nhà họ, đó là một việc làm được coi là khôn khéo.

Một điều đáng nói ở đây là : sự khôn khéo của anh không che lấp được sự bất lương, hành vi toan tính của anh không thay đổi và giữ lại được vị thế của anh, anh rất khôn khéo nhưng anh không còn được tín nhiệm, anh đã thất trung. Anh đã biết dùng mưu xảo của mình để định đoạt cuộc đời mình thật khôn khéo, nhưng anh quên rằng ông chủ có thể tố cáo và đủ sức tru diệt anh. Anh nghĩ đến việc luồn lách để chạy tội, để sống, nhưng anh lại quên người có quyền ra hành động cuối cùng ảnh hưởng đến sinh mạng của anh vì các việc do anh đã làm đó là ông chủ. Tại sao anh không xin lỗi chủ về sự phung phí của mình, sao anh không “cải tà quy chính” để tiếp tục sống bình an hạnh phúc. Anh “khôn khéo” nhưng anh “bất lương” là ở điểm đó.

Hơn hết, đây là điều mà Chúa muốn dạy mỗi người chúng ta. Sự khôn khéo chỉ là phương tiện, còn lương tâm của con người mới là cùng đích. Chúa cần người có lương tâm trong sáng và trung tín. Nếu sự trong sáng và trung tín kèm với sự khôn khéo thì thật là điều đáng quý. Nhưng nếu phải chọn giữa thái độ sống vụng về mà có lương tâm ngay chính trước nhan Chúa, và thái độ sống khôn khéo nhưng bất lương, thì chúng ta hãy chọn sự trung tín và lương tâm ngay chính mà thôi.

Sự khôn ngoan của con cái thế gian và sự khôn ngoan của con cái ánh sáng khác nhau ở điểm này. Sự khôn khéo thế gian lấn át lương tâm, họ khéo léo làm mọi sự mà bán rẻ lương tâm của họ. Con cái ánh sáng thì tôn trọng tiếng nói lương tâm, tiếng nói của chính Thiên Chúa trong cõi lòng mình. Con cái Thiên Chúa thì sống trung tín với Chúa, chu toàn bổn phận trong chức năng của mình, quy phục quyền năng và ân ban của Chúa.

Ước gì mỗi chúng ta khi chu toàn bổn phận Chúa trao, cũng biết chọn tiếng nói của Chúa, tiếng lương tâm. Đừng làm điều gì bán rẻ lương tâm và chống lại ý Chúa. Ước gì chúng ta cũng đứng về phía con cái sự sáng, chịu thiệt thòi ở đời này, chấp nhận vụng về trước thế gian để trở nên khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa.

Lạy Chúa,

Chúa là cùng đích cuộc đời chúng con.

Xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan,

giúp chúng con biết tìm kiếm Chúa trong cuộc sống hôm nay,

để mai sau chúng con cũng được kết hiệp đời đời với Chúa

Lạy Chúa,

Xin giúp chúng con chiến thắng những tham lam vô độ, những bon chen bất chính,

khiến chúng con đánh mất ơn nghĩa làm con cái Chúa.

Xin giúp chúng con biết sử dụng ân huệ Chúa ban là tài năng, là thời giờ và sức khoẻ,

để chúng con phụng sự Chúa và làm mọi sự theo thánh ý Chúa.

Xin cho chúng con luôn trung tín với Chúa hôm nay và suốt cuộc đời. Amen.

 

Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên C

CON CÁI ÁNH SÁNG

LỜI CHÚA: Lc 16, 1-8

(1) Ðức Giêsu còn nói với các môn đệ rằng: "Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. (2) Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Anh hãy phúc trình về công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!" (3) Người quản gia liền nghĩ bụng: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. (4) Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!".

(5) "Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: "Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?" (6) Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ôliu". Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi". (7) Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?" Người ấy đáp: "Một ngàn thùng lúa". Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi".

(8) "Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

SUY NIỆM: “…hãy phúc trình về công việc quản lý của anh” (Lc 16, 2b)

1. Tuy hơi khó chấp nhận và khó hiểu, nhưng cách phản ứng anh và dứt khoát trong suy tính, chọn lựa và hành động của người quản gia được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay sẽ ít nhiều hấp dẫn độc giả. Thật vậy, làm sao Chúa Giêsu, ẩn phía sau thái độ của ông chủ, lại khen cách xử trí tuy khôn mà khôn ngoan của người quản gia vì người này đã lộn xộn trong cách quản lý tài sản của chủ, lại dám làm quả liều cuối cùng khi khai man giấy nợ, làm thiệt hại cho chủ mình ? Có lẽ Chúa không khen bản chất hành động, mà khen cách xử trí khôn khéo và sáng suốt trong việc tiên liệu cho tương lai ông ta.

Có lẽ phải đợi đến câu cuối cùng trong trình thuật Tin Mừng, tín hữu mới trở về thực tại qua lời nhận xét của Chúa Giêsu: con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng.... ; và dường như ta được mời gọi dừng lại suy niệm lâu hơn cụm từ con cái ánh sáng.

2. Trước hết, về ý nghĩa: Các môn đệ ngày xưa và Kitô hữu hôm nay được Chúa Giêsu gọi là con cái ánh sáng, là con cái của Ngài, bởi Ngài là Ánh Sáng. Kế đến, về sự so sánh: Chúa Giêsu xác định con cái đời này khôn khéo hơn các môn đệ của Ngài. Cuối cùng, về sứ điệp ẩn chứa trong trình thuật Tin Mừng hôm nay: Các môn đệ Đức Giêsu cũng được mời gọi hành động với sự minh mẫn và khôn ngoan trong việc phân tích kỹ lưỡng hoàn cảnh, suy nghĩ chín chắn và ứng xử thích hợp với căn tính mình để có thể tỏa sáng giữa thế gian, và nhất là để hân hoan trình diện Đấng ta cần phúc trình công việc quản lý đời mình, ngõ hầu đạt được hạnh phúc vĩnh cửu mai này.

Đã hẳn trần gian thì tạm bợ, bạc tiền và danh vọng thì mau qua chóng hết, nhưng sao nó vẫn thu hút trí lòng con người từ đời nọ sang đời kia, nó vẫn khiến cho những tâm hồn thông sáng trở nên mê muội, những cuộc đời tốt lành thành úa hoen tội lỗi. Đã hẳn đời người là hành trình về với Vĩnh Cửu, về với Tạo Thành mà trong đó, mỗi người chỉ là viên quản lý được trao một số quỹ thời gian, tài năng, sức khỏe, ... Ấy vậy mà nhiều người vẫn sống như chẳng có ngày mai, vẫn nghĩ mình là chủ, là chúa.

Do đó, lời gọi mời hãy sống như con cái ánh sáng tuy xót đau nhưng vẫn thiết tha biết chừng nào cho tôi, cho bạn và cho anh chị em.

3. Muốn sống như con cái ánh sáng, nhất thiết phải tìm đến Nguồn Sáng, đi theo Ánh Sáng, để cho Ánh Sáng dẫn lối đời ta, để cho trái tim ta đập chung nhịp với Trái Tim Người. Không khó để tìm thấy những thực hành cho những chọn lựa trên. Chẳng hạn sứ điệp Tin Mừng trong tuần đều chỉ ra những tấm gương cho ta bắt chước: dứt khoát với tội lỗi (Lc 19, 1 -10), làm phúc cho người nghèo (Lc 14, 12 – 14), sẵn sàng vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa (Lc 14, 25 – 33), nhận mình hèn yếu để sám hối và hoán cải (Lc 15, 1 – 10),...Nhất là sáng suốt coi bạc tiền chỉ là phương tiện chứ không phải là chúa của mình; sử dụng của cải đời tạm này mà mua cái nghĩa, mua đức ái tồn tại muôn đời; trung tín với Chúa từ những phận vụ bé nhỏ hèn kém thường nhật;... (Lc 16, 9 – 15).

Cách riêng, đâu là điều Chúa thật sự và cấp thời cần từng người trong chúng ta hoán cải, điều chỉnh hoặc tập rèn để ta trở nên khôn ngoan hơn, để đời Kitô hữu của ta sáng hơn,...? Trong thinh lặng nội tâm và trái tim rộng mở nguyện cầu, ta cùng chân thành xin Chúa chỉ bày và nhẫn nại đón đợi điều Chúa muốn nói.

4. Lạy Chúa Giêsu Ánh Sáng, xin cho con được tan cháy trong Ngài. Lạy Chúa Giêsu Ánh Sáng, xin dẫn con trên lộ trình của Chúa. Xin đồng hành với con trong mỗi bước đường đời, xin ở với con trong từng nơi con hiện diện. Để con ở đâu, Chúa cũng ở đó. Con nói gì, nghĩ gì, làm gì, ...là chính Chúa đang nói, đang nghĩ và đang làm trong con.

Chỉ có thế, con mới hy vọng đạt được sự thông sáng mà Chúa hằng mong đợi nơi con. Để đến ngày ra phúc trình công việc quản lý đời mình, con hân hoan và tin tưởng tiến về phía Người và được Người đón vào Quê Hương phúc lạc vĩnh hằng. Amen.

Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng,

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXI Thường Niên - Lm.J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXXI Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên_Lm. J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXI Thường Niên_MM Tân, SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên- Lm. Tam Thái

Các bài viết cũ hơn
     Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên C: Thiên Chúa Đấng ban niềm hy vọng. Nt. Minh Thùy
     Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXI Thường Niên Năm C: MỜI GỌI TỪ BỎ. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     Suy Niệm Thứ Ba Thường Niên năm C. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy NiệmThứ 2 tuần XXXI Thường Niên C: Hướng về vĩnh cửu...Nt. Minh Thùy
     Suy Niệm Chúa Nhật XXXI Thường Niên C. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Chúa Nhật XXXI Thường Niên C. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM B: CƠN GIẬN CỦA CHÚA. Sr.Anh Thư O.P
     CẦU NGUYỆN CHO CÁC LINH HỒN
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN.Lm. Đa Minh Nguyễn Thành Tiến.
     CHỈ LUÔN MUỐN SỰ THIỆN VÀ NHÌN NGƯỜI KHÁC VỚI CÁI NHÌN CỦA THIÊN CHÚA. Linh Tiến Khải.