SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN I TN B
Mc 1, 29 - 39
Chúa Giêsu thi hành sứ mạng cứu độ bằng việc rao giảng,
chữa lành mọi thứ bệnh tật và trừ quỷ
29 Hôm ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa: "Mọi người đang tìm Thầy đấy !" 38 Người bảo các ông: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó." 39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
SUY NIỆM
Hậu quả của tội lỗi là đau khổ, bệnh tật và sự chết. Vì thế, khi Chúa Giêsu chữa lành mọi thứ bệnh tật là Ngài làm công việc giải thoát, giải thoát con người khỏi bệnh tật, khỏi ma quỷ, khỏi sự chết. Đó cũng là việc tha thứ tội lỗi, là một hành vi cứu độ, và Chúa Giêsu chính là Đấng cứu độ.
Khi thi hành sứ mạng cứu độ, Chúa Giêsu rất quan tâm đến đau khổ của con người, đau khổ do bệnh tật, do quỷ ám, do chết chóc. Phúc âm hôm nay kể lại: Sau khi ra khỏi hội đường, nơi giảng dạy công cộng, Đức Giêsu đi đến nhà ông Simon Phêrô, Ngài tiếp tục sứ mạng cứu độ của mình. Bà mẹ vợ ông Simon Phêrô lên cơn sốt nặng, người ta xin Ngài can thiệp. Ngài cầm tay, đỡ bà chỗi dậy, cơn sốt biến mất khỏi bà. Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng không những bằng lời công bố giảng dạy, nhưng còn bằng hành động giải thoát. Cử chỉ Chúa Giêsu dùng để chữa bệnh cho bà mẹ vợ ông Phêrô, cũng là cử chỉ mà Chúa Giêsu đã dùng để cứu sống cô bé con ông Giaia: “Người đến gần, cầm tay cô bé…và lập tức cô bé chỗi dậy” ( Mt 5,10 ). Vào thời Chúa Giêsu, người ta có khuynh hướng gán cho cơn sốt có tính cách quỷ nhập và là một tai ương ngang bằng với sự chết. Vì vậy, việc Chúa Giêsu chữa bệnh cho bà mẹ vợ ông Phêrô, chỉ về quyền năng siêu việt của Ngài trên sức mạnh của thần dữ, và chỉ về sự chiến thắng của Ngài trên sự chết. Ngài còn muốn dạy cho chúng ta hiểu về sự phục sinh của Ngài. Chiều tối hôm ấy, dân chúng trong thành đem đến với Ngài những người đau ốm, đủ thứ bệnh tật, cả những người bị quỷ ám, họ xin Ngài đặt tay chữa lành. Qua những lần chữa bệnh, trừ quỷ, Chúa Giêsu còn muốn báo hiệu vương quốc của Thiên Chúa đã đến, không phải bề ngoài như người Dothái mơ tưởng, mà là vương quốc của tâm hồn. Vì thế, Chúa Giêsu không muốn tiết lộ thân thế của Ngài, Ngài cấm ma quỷ không được nói về Ngài, vì chúng biết Ngài là ai. Việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật về thể lý này, nhằm chuẩn bị một dấu chỉ khác, mà Đức Giêsu về sau cũng đã thực hiện tại Ca-phác-na-um, khi Ngài nói với người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi” ( Mc 2,5 ). Dân chúng tin có một mối dây liên kết giữa bệnh tật và tội lỗi, vì thế sau khi chữa lành bệnh tật cho đám đông, Chúa Giêsu loan báo ơn tha thứ tội lỗi. .
Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay, và mãi mãi là Đấng cứu độ. Ngài luôn làm việc cứu độ và muốn cứu độ mọi người. Chúng ta cộng tác với Ngài để cứu độ chính mình và cứu độ tha nhân. Chúa Giêsu đã cứu độ bằng lời giảng dạy Tin Mừng, vì thế chúng ta cần lắng nghe, học hỏi, suy niệm và sống lời Chúa. Sau đó chúng ta cần rao giảng lời Tin Mừng và giúp mọi người sống lời Chúa như vậy, để lời Chúa là chân lý sẽ cứu thoát chúng ta. Chúng ta còn cứu độ mình và tha nhân bằng lời cầu nguyện, khi chúng ta rước Mình Thánh Chúa Giêsu, chúng ta xin Chúa chữa lành cho chúng ta và mọi người các bệnh ích kỷ, tự ái, lười biếng, khô đạo, nguội lạnh trong việc cầu nguyện. Đó là những cơn sốt có thể giết chết linh hồn chúng ta. Chúng ta còn phải noi gương Chúa Giêsu trong công việc truyền giáo: Có thể bằng lời an ủi, khuyên bảo, khích lệ, hay bằng việc phục vụ giúp đỡ tha nhân những gì họ thiếu thốn, những gì họ cần mà chúng ta có thể làm được. Chúng ta giúp anh chị em chúng ta sống đạo tốt, thoát khỏi cách sống theo ma quỷ, thế gian, xác thịt, để sống theo lời Chúa, luật Chúa mà làm con Chúa, được ở trong vương quốc của Ngài . Đó là cách chúng ta chia sẻ cho anh chị em chúng ta tình yêu thương của Thiên Chúa như Thiên Chúa đã yêu thương cứu độ chúng ta. Chúa Giêsu còn để lại cho chúng ta một gương mẫu, một ánh sáng trong việc làm tông đồ và trong cách sống của người tông đồ nữa. Chúa Giêsu đã chữa bệnh cho bà mẹ vợ ông Simon Phêrô cách thân tình, cử chỉ cầm tay nâng bà chỗi dậy, Chúa muốn chúng ta sống thân tình hoà đồng với những người chúng ta muốn đem Chúa đến cho họ. Chúa Giêsu muốn chúng ta làm tông đồ với tinh thần khiêm tốn, thầm lặng, không ồn ào náo nhiệt, không khua chiêng đánh trống, qua việc Chúa cấm ma quỷ nói về thân thế danh tánh của Ngài, vì chúng biết rõ Ngài là ai. Người tông đồ còn cần sống nội tâm cầu nguyện, dành thời gian cầu nguyện gặp gỡ và tâm sự với Chúa, như Chúa từ tảng sáng đã tìm nơi thanh vắng để đàm đạo với Chúa Cha. Người tông đồ còn phải biết hợp tác với anh em, cùng nhau tìm kiếm Chúa, cùng nhau học hỏi, cầu nguyện và thờ phượng Thiên Chúa. Người tông đồ còn sống và dạy người khác sống tâm tình cảm tạ Thiên Chúa bằng việc nỗ lực phục vụ Chúa và Hội Thánh như bà mẹ vợ ông Simon Phêrô đã làm.
Gương mẫu của Chúa Giêsu là ánh sáng cho cuộc đời chúng ta, nhất là với những ai muốn dấn thân theo Ngài cách đặc biệt. Xin Chúa cho chúng ta được cứu độ và trở nên người tông đồ cho sứ mạng cứu độ của Đức Kitô.
Nt. M. Martin Hồ Thị Thu Thảo OP
Đaminh Monteils