Bác nông dân nọ có nuôi một con ngựa
để phụ giúp việc đồng áng. Hàng ngày, chú ngựa phải làm nhiều việc nhưng được
ăn rất ít. Nó cầu trời cho nó một ông chủ khác sung sướng hơn. Thế là nó được
bán cho một bác thợ gốm. Ngựa mừng thầm trong lòng nhưng thật ra nó còn phải
làm nhiều hơn, phải kéo đất, đốt lò nung đồ gốm. Ngựa ta lại nằm than vãn mong
được đổi một chủ khác. Cầu được ước thấy, bác thợ gốm lại bán nó cho người thợ
thuộc da. Nhìn thấy một đống da thú bầy nhầy trước sân, ngựa rú lên thảm hại: -
Ôi, khổ thân tôi! Tại sao tôi không ở lại với chủ cũ kia chứ? Bây giờ người ta
bán tôi không phải để làm việc mà để lột da. (Theo Lev N. Tolstoy)
Câu chuyện ngụ ngôn trên quả là ý nghĩa cho những ai lười biếng, đứng
núi này trông núi kia cao. Chú ngựa trên không bằng lòng với cuộc sống hiện tại
mà luôn tìm sự an nhàn dễ dãi. Trong cuộc sống, có những người chỉ chọn làm
công việc nhẹ mà lương cao, chọn hưởng thụ mà không phải vất vả, mong được
thành công mà không qua khổ luyện. Nhà văn Lỗ Tấn từng nói “Trên đường thành
công, không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Thành công là một tiến trình
dài của học hỏi và kiên trì tập luyện. Người đạt đến thành công phải chuyên
cần, có tư duy sáng tạo, dám ước mơ cầu tiến và dám chịu thất bại. Người lười
biếng thường ỷ lại, ngại khó, sợ khổ, sợ thất bại.
Trên con đường nên
thánh chúng ta cũng cần thời gian luyện tập. Nên thánh không phải là cú nhảy vọt
hay một bước đột phá mà là một tiến trình thực nghiệm với tất cả lòng khát khao
và con tim yêu mến. Có một phương cách giúp chúng ta nên thánh đó là kiên trì cầu
nguyện và luyện tập nhân đức. Cầu nguyện giúp chúng ta thao luyện con tim và mọi
ước muốn để sống theo thánh ý Chúa. Bông hoa không thể tỏa hương thơm nếu nó
không thấm đẫm sự tinh túy của thiên nhiên trời đất tích tụ qua những giọt
sương sớm. Chúng ta không thể hoàn thiện bản thân nếu không cầu nguyện kín múc
ân sủng từ Thiên Chúa. Qua cầu nguyện và hy sinh, chúng ta có đủ sức mạnh để thắng
vượt những cám dỗ của thế gian mà trung thành sống cho Chúa và tha nhân.
Chính Chúa Giêsu
đã khẳng định “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh
em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (c.24). Muốn qua
cửa hẹp phải sống từ bỏ những gì thuộc về thế gian, bỏ thói tham lam của cải vật
chất, bỏ thói kiêu căng ích kỷ. Muốn vậy, chúng ta phải thực hành các nhân đức
Kitô giáo, sống khiêm tốn nhận biết mình với những tính hư nết xấu, cần can đảm
từ bỏ những điều không phù hợp với giá trị Tin Mừng. Một viên ngọc sáng lấp
lánh nó phải được gọt dũa mài mòn.
Giữa
cuộc sống đề cao cái tôi ích kỷ, hơn ai hết, người tín hữu hôm nay dễ bị cám dỗ
đánh mất nhiệt tình vì không còn nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi bước vào cuộc mạo
hiểm đức tin. Giáo hội có thể bị cám dỗ tìm kiếm một hình thức an toàn giả mạo,
trần tục. Những người trẻ được mời gọi gìn giữ vẻ trẻ trung của Giáo hội. Nhờ đó,
họ giúp Giáo hội tránh khỏi sự hư hoại, tránh khỏi thói kiêu căng, giúp Giáo
hội đứng về phía người nghèo, người bị ruồng bỏ, đấu tranh cho công lý và khiêm
tốn để mình bị thử thách. Những người trẻ có thể cống hiến cho Giáo hội vẻ đẹp
của tuổi trẻ bằng khả năng biết vui mừng với những khởi đầu mới, dâng hiến
không tính toán, dám biến đổi và lên đường thực hiện kế hoạch lớn lao (x. Christus
Vivit 37).
Hãy để cho Chúa Thánh Thần là thầy
dạy khôn ngoan uốn nắn, khai tâm mở trí cho chúng ta. Trong tiến trình ấy, có
lúc chúng ta gặp khó khăn vấp ngã, niềm tin chao đảo mờ mịt. Dù trong hoàn cảnh
nào, chúng ta không được đánh mất niềm hy vọng, phải cắm rễ cuộc đời mình vào
Đức Giêsu (x. Cl 2,7). Có lúc chúng ta cảm thấy như bị Chúa bỏ rơi khiến chúng
ta rơi vào màn tối tuyệt vọng. Chính Chúa Giêsu cũng từng trải qua những kinh
nghiệm như thế. Nhưng Người vẫn thiết tha chờ đợi và lắng nghe ý muốn của Thiên
Chúa Cha.
Con người chúng ta thường thích sống
theo sự dễ dãi của thế gian. Không thiếu những người sống nô lệ cho những đam
mê xấu, cho thói tham lam ích kỷ. Chúa Giêsu đã cảnh tỉnh chúng ta về thói giả
dối ích kỷ là nguyên nhân gây ra những hệ lụy đáng tiếc. Chúng ta phải tập phân
định đâu là ý muốn của Thiên Chúa trước những bày vẽ mưu kế của thế gian và thần
dữ. Thánh Phaolô tông đồ giúp chúng ta phân biệt sự xảo trá của thế gian với sự
khôn ngoan của Thiên Chúa qua mầu nhiệm thập giá. Nơi thập giá, Thiên Chúa “sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan,
và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái” (1Cr 1,19).
Trong một lần gặp
gỡ giới trẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khơi lên cho người trẻ ý thức về mục
đích và giá trị của cuộc đời, ngài đã đặt câu hỏi: “Hỡi các bạn trẻ, kho tàng của các bạn ở đâu? Bạn đặt con tim của mình
trên kho tàng nào?” Người ta thường mải miết xây dựng kho tàng vật chất hữu
hình mà bỏ qua những giá trị thiêng liêng. Tiếng leng keng của đồng tiền luôn hấp
dẫn hơn lời thì thầm của sự từ bỏ. Ánh sáng lấp lánh của vàng bạc thu hút hơn
nét khiêm nhu giản dị. Người ta thích nghe những lời tâng bốc ca tụng hơn những
lời giáo huấn bảo ban. Người ta thích tỏa sáng, thích thể hiện mình hơn là chịu
lu mờ. Những trạng thái ấy là một thách đố cho những ai truy tầm Chân Lý và những
giá trị của Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày sống là một cơ hội Chúa ban để chúng con học
biết lẽ khôn ngoan và tình yêu thương của Chúa, ước gì chúng con biết kiên trì
trên con đường hoàn thiện theo như ý Chúa muốn. Xin tẩy trừ chúng con khỏi thói
lười biếng ích kỷ, nhưng biết cố gắng từng bước từng ngày. Xin Chúa cắt tỉa
chúng con khỏi thói kiêu hãnh tự tôn, cho chúng con biết nhìn nhận mình còn
nhiều yếu đuối cần được Chúa nâng đỡ, để cuộc đời chúng con sinh nhiều hoa trái
thiêng liêng. Amen.
Nt. M. Anh Thư, OP