CHÚA GIÊSU SẼ CHỊU CHẾT
LỜI CHÚA, Lc 13, 31-35
(31) Cũng vào giờ
ấy, có mấy người Pharisêu đến thưa Ðức Giêsu rằng: "Xin ông đi ra khỏi
đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!" (32) Người bảo họ:
"Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: "Hôm nay và ngày mai tôi
trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. (33) Tuy
nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà
chết ngoài thành Giêrusalem thì không được.
(34)
"Giêrusalem, Giêrusalem! Người giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được
sai đến cùng ngươi! Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập
hợp gà con dưới cánh, mà các người không chịu. (35) Thì này, nhà các
người sẽ bị bỏ mặc cho các người. Mà Ta nói cho các người hay: các người sẽ
không còn thấy Ta nữa cho đến thời các người nói:Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân
danh Ðức Chúa!"
SUY NIỆM
"Như trời cao hơn
đất bao nhiêu, thì tư tưởng và đường lối của Ta cũng vượt trên tư tưởng và đường
lối các ngươi bấy nhiêu". Đó là lời khẳng định trong sách ngôn sứ Isaia,
và điều ấy chúng ta thấy cũng được diễn tả qua ý tưởng của bài Tin Mừng hôm
nay.
Cứ
theo suy nghĩ của người đời, lánh mặt một người trong lúc họ đang tìm cách giết
hại mình thì sẽ là khôn ngoan. Vì thế khi những người Pharisêu khuyên Chúa
Giêsu trốn đi vì Hêrôđê, một con người
gian ác đang tìm cách giết Chúa Giêsu thì việc trốn đi là hợp lý như người ta vẫn
thường nói: “Đào vi thượng sách”. Tuy nhiên Chúa Giêsu lại không theo sự khôn
ngoan của thế gian. Người biết lên Giêsrusalem là lên đường chịu nạn chịu chết
để hoàn thành kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha, nên Ngài coi thường mọi âm
mưu của Hêrôđê (qua kiểu nói ví Hêrôđê như con cáo của người Do Thái xưa) vì biết
Hêrôđê chẳng thể làm gì được Ngài trước khi thời gian dành cho sứ mạng Ngài kết
thúc, bởi đó Chúa Giêsu mới nói: “Hôm nay, và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành
bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất” (Đây là kiểu nói chỉ một thời gian ngắn).
Sở
dĩ Chúa Giêsu có sự bình thản đó là vì Chúa Giêsu luôn trung thành tuyệt đối với
Thánh Ý của Thiên Chúa nên không điều gì khiến Ngài phải bận tâm ngoài tình yêu
với Chúa Cha qua việc chu toàn công việc được Chúa Cha trao phó và tình yêu đối
với con người là để cứu chuộc họ.
Từ suy nghĩ đó, trở về
với cuộc sống, chúng ta hiểu rằng một khi chúng ta xác tín Thiên Chúa là Cha đầy
yêu thương, thì chúng ta sẽ có được sự tin tưởng phó thác trước tương lai và
bình an trong mọi thử thách, mọi nghịch cảnh ở cuộc đời vì biết rằng tương lai
không hoàn toàn thuộc về mình và mọi nghịch cảnh có xảy đến cho chúng ta cũng
không nằm ngoài ý định yêu thương của Chúa Cha, do đó chúng ta không quá lo lắng,
sợ hãi đến nỗi phải đi coi bói, hoặc tin tưởng vào một điều dị đoan nhảm nhí
nào đó.
Đọc đoạn Tin Mừng chúng
ta cũng thấy sự độc ác của Hêrôđê. Tuy nhiên, sự độc ác của con người không thể
làm cho Chúa Giêsu không yêu thương con người. Trái lại, Chúa Giêsu đã chấp nhận
trở nên yếu hèn, bị khinh chê, Ngài vẫn yêu thương con người và yêu thương cho
đến chết trên Thập giá. Tuy nhiên, cái chết của Chúa Giêsu không phải là một thất
bại vĩnh viễn, bởi vì rồi đây con người sẽ trở lại nhìn nhận Thiên Chúa. Lời
tiên báo của Chúa Giêsu hé mở cho chúng ta thấy viễn tượng hy vọng: “Các ngươi
sẽ không còn thấy Ta nữa, cho đến lúc các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến
nhân danh Chúa”. Đây là lời tiên tri về cuộc chiến thắng cuối cùng của Chúa vào
thời cánh chung.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin Chúa dạy chúng con biết tin tưởng
tuyệt đối vào sự quan phòng yêu thương của Chúa, để chúng con có thể vượt qua
những gian nan thử thách trong cuộc sống. Xin Chúa ban thêm cho chúng con lòng
can đảm và trung thành để chúng con bước theo Chúa mỗi ngày. Amen.
Lm. J.P