HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT II MÙA CHAY C
St 15,5-12.17-18 ; Pl 3,17-4,1 ; Lc 9,28b-36
MÙA CHAY HOÁN CẢI ĐỜI SỐNG
Lm. Đan vinh
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 9,28b-36
(28b) Hôm ấy Đức Giê-su lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. (29) Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. (30) Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. (31) Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc Xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. (32) Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su và hai nhân vật đứng bên Người. (33) Đang lúc hai vị này rời xa Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cái cho Thầy, một cái cho ông Ê-li-a, và một cái cho ông Mô-sê”. Ông không biết mình đang nói gì. (34) Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. (35) Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” (36) Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh. Và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.
2. Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU BIẾN HÌNH TRƯỚC MẶT BA MÔN ĐỆ
Cuộc hiển dung của Đức Giê-su xảy ra vào khỏang tám ngày sau khi Người tiên báo về cuộc Tử Nạn và Phục Sinh mà Người sắp trải qua. Bấy giờ Người dẫn ba môn đệ là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an lên núi (28). Đang lúc cầu nguyện, dung mạo Đức Giê-su đổi khác: y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa (29), có Mô-sê và Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người về “cuộc Xuất hành” mà Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem (31). Phê-rô đã xin Đức Giê-su cho dựng lều (33). Rồi có đám mây bao phủ các ông, và từ trong đám mây có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Đây là Con Ta, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe Lời Người” (34-35). Sau cuộc biến hình, các môn đệ đã “nín thinh, không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã chứng kiến” (36).
3. CHÚ THÍCH:
- C 28b-29: + Đức Giê-su lên núi: Đây có thể là núi Her-mon, cao 2.795 mét ở gần thành Xê-da-rê Phi-líp. Nhưng ngày nay đa số các nhà chú giải cho đó là núi Tha-bo, cao 562 mét, cách thành Xê-da-rê Phi-líp một đoạn đường, đi bộ mất từ 6 đến 8 ngày. + Cầu nguyện: Tin mừng Lu-ca đã ghi lại nhiều lần Đức Giê-su cầu nguyện với Chúa Cha (x. Lc 10,21 ; 22,41-42 ; 33,34.46). + Đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê: Đây là ba môn đệ thân tín, sau này sẽ được chứng kiến “Giờ” của Thầy trong vườn Cây dầu trước khi bị bắt (x. Mt 26,37). Vì thế hôm nay Đức Giê-su cho các ông thấy trước vinh quang của Người, hầu đủ sức vượt qua cơn thử thách ấy.
- C 30-31: + Ông Mô-sê và ông Ê-li-a: Mô-sê là một mục tử tài ba, sống vào thế kỷ XII trước Công nguyên. Ông có công cứu con cháu Gia-cóp thóat ách nô lệ cho dân Ai cập, biến dòng tộc Gia-cóp trở thành một dân tộc có luật pháp, tôn giáo và quân đội... Cuối cùng Mô-sê đã thành công trong việc đưa dân Ít-ra-en về miền Hứa Địa do Đức Chúa hứa ban cho tổ phụ Áp-ra-ham va con cháu ngài là miền Ca-na-an. Mô-sê là tiền ảnh của Đức Giê-su sau này.- Ê-li-a: là một ngôn sứ sống vào thế kỷ IX trước Công nguyên trong thời Các Vua. Ông có công chấn hưng tôn giáo, giải thóat dân Ít-ra-en khỏi sự tôn thờ thần tượng của dân ngoại. Ông là tiền ảnh của Gio-an Tiền sứ, là người sẽ đi trước dọn đường cho Đấng Thiên Sai (x Ga 1,21; Mc 9,11). + Hai vị hiện ra rạng ngời vinh hiển: Vì được tham dự vào công trình cứu độ của Thiên Chúa, nên Mô-sê và Ê-li-a đều được tham phần vào vinh quang của Đức Giê-su. + Nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem: Cuộc “Xuất hành” của Đức Giê-su gồm mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh, sắp được hoàn tất tại Giê-ru-sa-lem.
- C 32-33: + Ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt: Sự kiện các môn đệ ngủ mê cho thấy cuộc biến hình xảy ra vào ban đêm. Sự kiện này tương tự như sau này, ba ông cũng ngủ mê khi Đức Giê-su cầu nguyện trong vườn Cây Dầu (x Mt 26,40.43.45). + Chúng con xin dựng ba cái lều: một cái cho Thầy, một cái cho ông Mô-sê và một cái cho ông Ê-li-a: Câu này cho thấy lúc bấy giờ người Do thái đang mừng lễ Lều Trại tại Đền thờ Giê-ru-sa-lem (x. Lv 23,33-34 ; Ds 29,12-38).
- C 34-36: + Có một đám mây bao phủ các ông: Nhắc lại đám mây bao phủ dân Ít-ra-en trong thời kỳ Xuất hành (x. Xh 40,35). Khi truyền tin, sứ thần cũng đề cập tới quyền năng Thiên Chúa sẽ bang trợ Ma-ri-a như sau: “Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1,35). + “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn”: Chúa Cha từ trong đám mây xác nhận Đức Giê-su là Con, và là “Người Tôi trung được Thiên Chúa tuyển chọn” (x. Is 49,7). Trong cuộc Khổ Nạn, các thủ lãnh Do thái cũng nói rằng: “Nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, Người được tuyển chọn” (Lc 23,35). + “Hãy vâng nghe lời Người!”: Đức Giê-su là Ngôi Lời nhập thể (x. Ga 1,14). Người luôn nói Lời của Thiên Chúa cho loài người (x. Ga 3,34) và Lời Người cần phải được đón nhận. + Tiếng phán vừa dứt thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su: Cuộc hiển dung chấm dứt sau lời tuyên phán của Chúa Cha. Các môn đệ im lặng, chờ ngày các mặc khải kia được ứng nghiệm.
4. CÂU HỎI: 1) Đức Giê-su đã biến hình trên quả núi cao là núi nào? 2) Tại sao Đức Giê-su cho ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an được chứng kiến việc biến hình vinh quang của Người? 3) Hai nhân vật nào của Cựu ước đã hiện ra khi Đức Giê-su hiển dung và ba vị đã nói chuyện về vấn đề gì? 4) Cuộc biến hình xảy ra vào ban ngày hay ban đêm? Tại sao? 5) Đám mây bao phủ ba môn đệ nói lên điều gì? 6) Chúa Cha đã giới thiệu Đức Giê-su là ai?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Đang lúc cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác” (Lc 9,29)
2. CÂU CHUYỆN: THẾ NÀO LÀ HOÁN CẢI
Trong một nhà giam các tù nhân trọng án, có một tù nhân khét tiếng hung ác tên là SI-TA ĐÊ-LI (Starr Daily). Anh ta vào tù ra khám nhiều lần vì tội say sưa đánh lộn và làm mất an ninh trật tự. Trong lần tuyên án thứ năm, quan tòa đã tuyên bố như sau: “Chúng tôi biết rằng có bắt anh ở tù thêm cũng chẳng kết quả bao nhiêu. Phải nói thật là: chúng tôi hoàn toàn thất vọng về anh! Nhưng chúng tôi không thể không tuyên án được. Lần này anh bị phạt tù giam 10 năm”.
Sau khi vào nhà tù Đe-li vẫn ngoan cố, coi thường kỷ luật nhà tù hơn trước. Anh thường xuyên đánh đập bạn tù và chống lại cai tù, đến nỗi anh bị biệt giam trong một hầm tối dơ bẩn và đầy chuột cống... Một hôm, khi đang nằm ngủ trên nền gạch lạnh giá, đột nhiên Đe-li nghe thấy có tiếng nói như sau: “Hỡi Đe-li, tại sao mi lại bị nhốt riêng trong căn hầm khủng khiếp này? Tại sao mọi người đều thù ghét mi? Tại sao mi không dùng sức lực để làm tốt, mà cứ làm điều ác chống lại kẻ khác”... Tư tưởng này đã đánh động tâm hồn khiến Đê-li luôn suy nghĩ. Rồi một đêm kia Đe-li đã gặp được Đức Giê-su trong giấc mơ, Đấng mà anh đã xua đuổi ra khỏi cuộc đời mình từ năm 12 tuổi. Từ đó, hình ảnh của Đức Giê-su thường xuyên xuất hiện trong tâm trí anh. Anh mơ thấy Người đến bên âu yếm nhìn và nói với anh những lời mà anh đã từng thuộc lòng: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng”, “Hãy yêu thương kẻ khác như yêu chính mình ngươi”... Anh cảm thấy tâm hồn bình an mà từ trước đến nay anh chưa bao giờ được hưởng. Rồi những ngày sau đó, khuôn mặt của những người đã từng bị anh hãm hại lần lượt xuất hiện trong tâm trí khiến anh cảm thấy rất hối hận. Lần đầu tiên, anh đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13).
Cảm nghiệm ấy đã biến Đe-li từ một người hung ác gian tham và đầy thù hận, trở thành một con người độ lượng bao dung! Sự biến đổi nội tâm khiến cho Đe-li không còn la hét đập phá như trước, Các nhân viên cai ngục đã nhận thấy có sự biến đổi nơi anh, họ đã cho phép anh được trở lại trại giam thường phạm. Tại đây anh bắt đầu đối xử tốt với các bạn tù: Anh luôn bênh vực những người mới đến, nên dần dần anh được mọi người trong trại quý mến. Rồi anh được giảm án từ mười xuống 5 năm. Mãn hạn tù, anh gia nhập vào “Nhóm cải thiện chế độ lao tù”. Cùng với cha tuyên úy và các bạn, Đe-li đi thăm và động viên các tù nhân và hhuyên họ học tập tốt. Nhờ đó nhiều người đã sớm được trở về đoàn tụ với gia đình. Linh mục Pi-tơ Mác-sôn (Peter Marshall) đã bình luận về sự hóan cải này như sau: “Si-ta Đe-li là một bằng chứng sống động cho thấy: anh không chỉ là một người cũ được tân trang lại, nhưng chính là một tạo vật hoàn toàn mới của Thiên Chúa!”.
Như vậy chính nhờ ơn Chúa mà Si-ta Đê-li đã được ơn biến đổi từ một tù nhân khét tiếng hung ác trở thành một tín hữu có lòng nhiệt thành yêu mến Thiên Chúa, một môn đệ đích thực của Chúa Giê-su khi anh quyết tâm học hỏi và thực hành Lời Chúa dạy, bênh vực những người yếu thế và tích cực góp phần làm cho nhiều người trở về làm con Chúa như mình.
3. SUY NIỆM:
Bài Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay hôm nay cho thấy Mùa Chay là thời gian thuận tiện để người tín hữu được ơn biến đổi nện tốt hơn và cần phải có những điều kiện nào để được biến đổi:
1) Phải kiên trì cầu nguyện: Ba môn đệ thân tín của Đức Giê-su là các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đã ngủ mê mệt khi Đức Giê-su đang cầu nguyện. Nhiều tín hữu hôm nay cũng thường bỏ bê việc cầu nguyện trong cuộc sống hằng ngày. Ho viện cớ quá bận bịu với việc làm ăn sinh sống nên không có giờ cầu nguyện, trong khi sẵn sàng bỏ nhiều thời gian để nói chuyện “chat” với bạn bè, chơi games hay xem phim trên mạng hoặc tụ tập ăn nhậu bê tha… Sự cầu nguyện chính là thái độ tiên quyết cho thấy chúng ta có thiện chí muốn đổi mới đời sống hay không.
2) Phải nhờ ơn Chúa giúp: Đức Giê-su đã hiển dung khi đang cầu nguyện với Thiên Chúa như Tin Mừng ghi lại: “Dung nhan Ngừơi biến đổi và y phục Người cũng trở nên trắng tinh chói sáng”. Cũng vậy, muốn được ơn đổi mới, các tín hữu cần lên núi cao để gặp Thiên Chúa. “Núi cao” ở đây không nhất thiết ở nơi đâu xa mà có thể ngay trong lòng chúng ta, khi chúng ta cùng đọc kinh tối với gia đình, hay khi tham dự các buổi ngắm nguyện tại nhà thờ, khi tham dự các buổi tĩnh tâm trong Mùa Chay Thánh... Chính nhờ ơn Chúa giúp mà chúng ta mới có thể được biến đổi như lời Chúa dạy: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được!” (Ga 15,5).
3) Phải năng học sống Lời Chúa: Trong cuộc hiển dung, Chúa Cha từ trong đám mây đã xác nhận Đức Giê-su là Con yêu dấu được tuyển chọn, và kêu gọi các môn đệ: “Hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35). Lời Chúa có khả năng tỉa sạch các thói hư và biến đổi chúng ta nên tạo vật mới của Thiên Chúa (x. Ga 15,2). Trong Mùa Chay này, nhờ chấp nhận con đường “qua đau khổ vào trong vinh quang”, biểu lộ qua việc quýet tâm ăn chay, hãm mình và chia sẻ bác ái… mà chúng ta sẽ được ơn Chúa biến đổi nên con thảo của Chúa Cha như Chúa Giê-su xưa.
4. THẢO LUẬN: 1) Trong Tin Mừng, các môn đệ thường buồn ngủ mỗi lần cùng Đức Giê-su cầu nguyện. Còn bạn, bạn có gặp khó khăn nào khi cầu nguyện không? Bạn cần làm gì để vượt qua điều ấy? 2) Trong Mùa Chay Hội Thánh kêu gọi các tín hữu siêng năng cầu nguyện, ăn chay và chia sẻ cơm bánh cho người nghèo để được ơn biến đổi. Vậy bạn sẽ làm gì cụ thể?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU, Xin hãy biến đổi con người con trong Mùa Chay này: Mỗi lần con được gặp Chúa, xin biến đổi con được nên giống Chúa nhiều hơn: Xin hãy biến cái nhìn của con nên hiền từ bao dung như cái nhìn yêu thương của Chúa. Xin biến đổi môi miệng con chỉ nói những lời động viên an ủi những người đau khổ. Xin biến đổi tai con để sẵn sàng lắng nghe và cảm thông với những ai cần sẻ chia nâng đỡ. Xin cũng biến đổi khuôn mặt con luôn rạng ngời vinh quang của Chúa.
- LẠY CHÚA GIÊ-SU, ước chi những ai có dịp tiếp xúc với con đều nhận ra Chúa đang ở trong con qua ánh mắt nụ cười của con. Ước chi mọi người đều nhìn thấy sự hiền lành bao dung của Chúa qua lời nói và thái độ ứng xử của con. Con biết rằng: Thế giới hôm nay không cần những tín hữu chỉ đạo đức bằng kinh lễ tại nhà thờ, nhưng cần những ai biết vừa cầu nguyện kết hiệp mật thiết với Chúa, lại vừa biết tích cực dấn thân phục vụ tha nhân đau khổ. Xin cho con biết bỏ ý riêng ích kỷ để tích cực góp phần giúp cho nhiều người nhận được ơn cứu độ của Chúa.
CHÚA NHẬT II MC
Lm. Paul Nguyễn Nguyên
Sống trên trần gian này, không ai muốn phục tùng một người mà chẳng tài giỏi gì hơn mình. Không ai muốn hy sinh cho một lý tưởng không có thật. Và cũng không ai muốn thất vọng vì những gì mình mong đợi sẽ tan thành mây khói. Đó cũng là tâm trạng của các môn đệ khi đi theo Chúa Giêsu.
Thật vậy, khi bỏ mọi sự mà đi theo Chúa, dưới con mắt của các môn đệ, Chúa Giêsu là một vị Thầy nổi tiếng làm được nhiều phép lạ, được coi là một Đấng Thiên Sai đến để giải phóng dân tộc Do Thái, Ngài sẽ lên ngôi, thiết lập vương quốc, và hẳn nhiên, các ông là những kẻ đã theo Ngài, sẽ được chia sẻ chút hơi hám của vinh quang lợi lộc. Các ông sẽ được thăng quan, tiến chức. Vì Chúa là Vua còn các ông là những thượng thư, bộ trưởng tương lai ở trong vương quốc ấy.
Vậy mà mới hôm nào đây Chúa lại đành đoạn nói rằng: “Ngài phải chịu nhiều đau khổ, bị loại bỏ và bị giết chết”. Điều này có nghĩa là bao nhiêu mộng ước các ông dệt nên khi đi theo Thầy sẽ biến thành mây khói. Bao nhiêu hy vọng về một tương lai tươi sáng cho cuộc đời các ông đặt vào Thầy mình nay đã hết. Vì vậy đã làm cho các tông đồ hoảng sợ và hoang mang.
Thế cho nên, để chuẩn bị tinh thần, và giúp các ông bình tĩnh trước cuộc khổ nạn mà Ngài đã loan báo. Hôm nay, Chúa dẫn theo ba môn đệ lên núi và biến hình cho các ông nhìn thấy trước vinh quang Phục sinh của Chúa, nhìn ra con người thật của Ngài. Chúa biến hình để Chúa lật cho các ông thấy đàng sau cây thập giá có gì, đó là sự phục sinh vinh quang. Nhưng quan trọng nhất là dạy cho các ông bài học về giá trị của đau khổ: phải chết đi rồi mới được sống lại, phải qua thập giá thì mới tiến tới vinh quang. Có khổ nhục ngày thứ Sáu Tuần Thánh, mới rạng rỡ sáng Chúa nhật Phục sinh. Sẽ không có vinh quang và hạnh phúc nào mà không phải trả bằng hy sinh và mất mát. Nếu có thứ hạnh phúc nào ở trần gian thì đó cũng chỉ là hạnh phúc chóng qua, giống như một cơn gió thoảng làm dễ chịu trong chốc lát vậy thôi. Nó cũng giống như giây phút mau qua của các 3 môn đệ trên Núi Tabo ngày xưa. Bất cứ một chiến thắng nào cũng chỉ đến sau một cuộc chiến đấu khốc liệt. Đứa con chào đời là kết tụ của hơn chín tháng mang nặng đẻ đau.
Như vậy, khi kể lại cho chúng ta việc biến hình của Chúa Giêsu trong Chúa nhật thứ hai của Mùa chay thánh này, Giáo hội cũng muốn nói với chúng ta rằng: chúng ta cũng có thể biến hình đổi dạng khi chúng ta sẵn lòng cùng vác thập giá lên đồi Canvê với Chúa, khi trong cuộc sống thường nhật, chúng ta dám hy sinh bản thân để hiến dâng cho Thiên Chúa và tha nhân bằng một tình yêu trao ban vô vị lợi, qua cách nhìn hoặc cách cư xử của chúng ta, từ ánh mắt tràn đầy thù hận biến thành đôi mắt thương yêu trìu mến, từ lòng tham lam ích kỷ chúng ta đối xử với nhau trong tin yêu chia sẻ. Hay nói một cách khác, chúng ta phải lột bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới tốt lành thánh thiện, phải chết đi cho tội lỗi mà sống cho Chúa, để qua cuộc lột xác này chúng ta trở thành một tạo vật mới xinh đẹp với ân sủng của Chúa.
Như thế, sống mùa Chay chính là bóc hết lớp vỏ tội lỗi, giả tạo, phô trương để dung nhan Thiên Chúa tỏ hiện rạng ngời. Và hành trình mùa Chay là hành trình trở về đáy lòng mình để gặp được Thiên Chúa nơi tha nhân, bằng thái độ kính trọng, cảm thông, sẻ chia và tha thứ. Tuy nhiên, thay đổi nào cũng đòi có từ bỏ, từ bỏ trong xót xa, nuối tiếc. Phải bị vùi lấp trong âm thầm lặng lẽ, hạt giống mới có thể đâm chồi vươn tới vụ mùa trĩu hạt. Phải lột xác trong đau đớn khó khăn, chú sâu nhỏ bé mới có thể bỏ lại lớp vỏ bọc cũ kỹ để trở thành cánh bướm tung tăng …
Nguyện xin Chúa ban ơn trợ giúp để mỗi người chúng ta can đảm biến đổi đời sống mình, sẳn lòng chấp nhận một cuộc thanh tẩy tâm hồn, tránh xa những cạm bẫy tội lỗi, những tư lợi nhỏ nhen ích kỷ, biết bỏ đi con người tự mãn tự kiêu để mặc vào con người nhu mì khiêm tốn, biết tháo gỡ khuôn mặt u mê tội lỗi để nhận lại khuôn mặt ngời sáng thánh thiện, biết tẩy chay tâm địa xấu xa để có thể đón nhận ơn thánh Chúa. Để mùa chay thánh năm nay thực sự là mùa hồng ân đối với mỗi người chúng ta. Amen.
BƯỚC NHẢY DÀI CỦA ĐỨC TIN
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Kinh thưa quý OBACE, ngày nay khoa học thực nghiệm phát triển, nó kéo theo một cái cám dỗ người ta muốn kiểm chứng đức tin bằng thực nghiệm khoa học và gạt Thiên Chúa ra khỏi thế giới. Dù có nhiều vấn đề vượt ra khỏi phạm vi của khoa học, và nó thuộc lãnh vực tâm linh, song người ta cứ muốn chứng minh bằng thực nghiệm, và cho rằng nhưng gì khoa học không giải thích được thì đều không gía trị. Trong khi đó đức tin không đi ngược lại khoa học nhưng giúp cho khoa học đi đúng hướng, và để đạt đến được đức tin, thì cần phải có một bước nhảy dài, nhảy vọt vượt trên những lý luận của lý trí thông thường, của khoa học, để dám chấp nhận và tín thác vào Đấng mà mình tin nhận. Nhưng quan trọng hơn nữa, là để có được một đức tin vào Thiên Chúa, thì cần phải có ơn của Chúa ban, và chỉ nhưng ai được Chúa ban, thì mới có thể hiểu và tin, còn những người dân ngoại sẽ không thể hiểu được điều này.
Trước hết chúng ta nhìn vào đức tin của cụ tổ Apbraham, ông đang sống một cuộc sống yên ổn với nhà cửa chiên cừu súc vật, tài sản, thế mà ông đã dám bỏ lại tất cả để bước theo tiếng mời gọi của Thiên Chúa: Hãy rời bỏ quê hương nhà cửa của cha người mà đi đến đất ta sẽ chỉ cho. Ông đã tin không một chút băn khoăn, không một lời thắc mắc, ông đã tin vào Thiên Chúa Đấng đã hứa cho ông trở thành cha của một dân tộc đông đúc như sao trên trời như cát bải biển, cho dù rằng đến lúc này ông vẫn chưa có được một người con nối dõi. Apraham đã tin vào lời hứa của Thiên Chúa sẽ ban cho ông một vùng đất làm gia nghiệp, cho dù đến lúc này ông vẫn lang thang vô định, ông lên đường ra đi mà không biết mình đi đâu, và vì tin, nên ông đã để cho Thiên Chúa dẫn dắt đời ông, làm chủ cả tương lai và hy vọng mà không hề cưỡng lại.
Nếu như trước đây khi gọi Apram lên đường, Thiên Chúa chỉ hứa với ông bằng lời, thì lần này Thiên Chúa đã ký kết một giao ước với Apraham, nghi lễ diễn ra hết sức long trọng theo thói quen của lúc bấy giờ, người ta xẻ đôi các con vật tế lễ, và hai bên cam kết sẽ đi ngang qua giũa những con vật xẻ đôi đó với ý thề rằng, nếu bên nào bội thề, thất hứa, thì sẽ bị xẻ thịt phanh thây như những con vật này. Câu chuyện cho thấy, trong lần ký kết giao ước này, chỉ có một mình Thiên Chúa tự cam kết và tự trói buộc mình với lời thề cùng Apraham, còn lúc đó Apraham đã chìm vào giấc ngủ. Thiên Chúa đã lặp lại lời hứa một cách long trọng: Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông cả đến sông Euphơrat. Điều đó cho thấy rằng, một khi con người hoàn toàn tin vào Thiên Chúa, Thì Thiên Chúa cũng sẽ hoàn toàn tin vào con người và sẽ cam kết bảo vệ con người và thực hiệt tất cả những gì Ngài đã hứa.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu đã dùng biến cố Biến Hình để củng cố đức tin cho các tông đồ. Đức tin mãi là một điều nghịch lý, vượt trên lý trí nhưng không hề vô lý, mà nó đòi sự chấp nhận tuân phục của lý trí. Chúa Giêsu muốn các tông đồ chấp nhận một biến cố vượt hẳn trên suy nghĩ thông thường của các ông, đó là biến cố thập giá sắp xảy ra. Theo Chúa đã nhiều năm, đã từng chứng kiến nhiều phép lạ, chứng kiến việc Người ra lệnh cho sóng yên biển lặng, cho người què đi được và người chết sống lại, và các tông đồ đi đến một xác tin rằng: Thày của các ông là Đấng Kitô Con Thiên Chúa. Tuy nhiên đức tin của các tông đồ mới chỉ là đức tin dựa trên các điều các ông đã được nhìn thấy nơi Đức Giêsu, nhưng có một điều quan trọng hơn mà các ông sẽ phải tin, đó là việc các ông sẽ thấy Thày của các ông bị người ta bắt, đánh đòn, xỉ nhục và bị giết chết trên thập giá, và điều này quả sẽ là một cú sốc trong đức tin, và không dễ để chấp nhận.
Chính vì thế hôm nay Đức Giêsu đã đem các môn đệ thân tín của Ngaì lên một ngọn núi cao, ở đó Ngài biến đổi hình dạng nên sáng láng vinh quang cho các ông được xem thấy. Các tông đồ đã ngây ngất trước vinh quang ấy và Simon Phêrô đã xin dựng ba lều để được ở mãi trong vinh quang hạnh phúc ấy. Nhưng mục đích của cuộc biến hình này, chính là Lời của Thiên Chúa phán: Đây là con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe Lời Ngài. Lời này không chỉ là một lời giới thiệu, mà còn như là một lời Thiên Chúa Cha gửi gắm trao phó Con của Ngài cho các tông đồ và Ngài muốn các ông: Hãy nghe theo lời Ngài. Thiên Chúa Cha muốn cho các tông đồ tin một cách chắc chắn vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, để các ông đón nhận Ngài và làm theo Lời Ngài, đây chính là những hành động phải có của đức tin. Hơn thế nửa tin vào Đức Giêsu không chỉ là tin vào một Đấng biến hình vinh quang sáng láng, mà cón phải tin vào cả con người của Ngài và con đường mà Chúa Giêsu sắp bước vào đó là con đường thập giá và cái chết nhục nhã.
Cuộc khổ nạn thập giá quả là một thử thách trong đức tin, vượt ra khỏi sự suy luận của lý trí mà Thiên Chúa muốn chuẩn bị cho các tông đồ có thể chấp nhận, khi cho các ông nhìn thấy trước vinh quang của Ngài. Vì thực sự các tông đồ cũng như mỗi chúng ta rất phần khời để theo Chúa Chúa lúc thành công và gặt hái được vinh quang, thế nhưng sắp tới đây, các ông sẽ chứng kiến những thất bại, đau khổ vì sẽ thấy Thày của các ông bị người ta hành hạ và giết chết, không còn những vinh quang quyền uy như trước đây nữa, lúc đó, Thiên Chúa muốn các ông vẫn phải tin và không vấp ngã vì biến cố thập giá này.
Thánh Phaolô trong bài đọc hai, đã cảnh báo những người mang danh là kitô hữu tức là những người nghe, tin, làm theo Lời Đức Giêsu và đón nhận thập giá của Ngài, thế nhưng, nhiều người đã sống thù nghịch với thập giá của Đức Giêsu, hoặc chỉ muốn đón nhận một Đức Giêsu vinh quang mà không muốn đón nhận Đức Giêsu vác thập giá, chúa tể của những người này là cái bụng, là vật chất. Vì thế, thánh Phaolô kêu gọi chúng ta dù đang sống dưới đất, nhưng phải hướng lòng về trời, vì nước trời mới là quê hương và là hạnh phúc thật của chúng ta, và vì nước trời mà chúng ta chờ đợi và hy vọng, tin và hành động, đừng để cho cái bụng điều khiển cuộc đời chúng ta.
Thưa quý OBACE, chúng ta đang cùng với Giáo Hội cử hành Năm Đức Tin trong bối cảnh thế giới ngày nay người ta đang tìm nhiều cách để loại trừ Đức Giêsu và thập giá của Ngài; bên cạnh đó cùng với lối sống chạy theo khoa học và hưởng thụ ngày nay, nó đang muốn tìm cách xóa bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa trong xã hội và cuộc sống, nguy hiểm hơn, là nó đang xóa bỏ sự hiện diện của Chúa Giêsu và thập giá của Ngài trong tâm hồn của nhiều tín hữu; nhiều người tin Đức Giêsu, nhưng lại tìm kiếm một Đức Giêsu không thập giá, tức là chỉ muốn tìm kiếm một Thiên Chúa dễ dãi chứ không muốn một Thiên Chúa đòi hỏi và càng không muốn một thập giá nào cả.
Trong năm Đức Tin này chúng ta được mới gọi làm cho Đức Giêsu được hiện diện trong thế giới, trong gia đình và trong tâm hồn chúng ta và tin rằng thập giá không còn phải là điều ô nhục, sợ hãi, mà là cách thế Thiên Chúa bày tỏ tình yêu thương và để cứu độ con người. Vì thế, các bậc làm cha mẹ trước hết sẽ phải là những bênh vực cho Chúa Giêsu, đứng về phía Thiên Chúa ngay trong gia đình của mình, tức là hoàn toàn tin tường vào Thiên Chúa cả khi thành công hay thất bại, cả lúc nhục nhã lẫn lúc vui cười, dám đặt gia đình mình hoàn toàn trong sự dẫn dắt của Thiên Chúa như Apbraham ngày xưa, là dám gieo mình vào vòng tay của Thiên Chúa.
Tin vào Đức Giêsu và thập giá của Ngài đang là một thách thức nơi các bạn trẻ, vì nhiều người đang bị cám dỗ cậy dựa vào sức riêng của mình hơn là cậy vào Thiên Chúa, đang tin vào khoa học hơn tin vào Lời của Ngài, tin vào thày bói hơn tin vào Tin Mừng, họ muốn một Thiên Chúa dễ dãi không giới răn, không ràng buộc, tìm sư thanh công ngaoì xã hội hơn là tim hạnh phúc, và vì thế họ không dám nhảy bước nhảy dài của đức tin để đến với Thiên Chúa.
Xin Chúa củng cố nâng đỡ đức tin của chúng ta, như xưa Chúa đã cũng cố đức tin của các tông đồ qua cuộc biến hình, để dù chúng ta có phải đối diện với thử thách của thập giá cuộc đời, chúng vẫn tin tưởng tuyệt đối vào sự dẫn dắt của Thiên Chúa cho dù trước mặt mình là bóng tối dày đặc. Amen