Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

CHỦ NHẬT 1 CHAY C

ba_tinh_yeu_1949655564.jpgHiểu một lời Tình yêu đích thực thật là khó! Trong cuộc sống của chúng ta, biết bao nhiêu lời tình yêu ngỏ với chúng ta, nhưng chúng ta không nghe được gì cả! Đứa con không hiểu cha mẹ, thầy dạy nó…Người lớn không biết ai thực sự quan tâm tới mình. Chính xác hơn, họ tiếp nhận những lời tình yêu tùy theo ước muốn của mình, qui tụ về chính mình. Vì thế chúng ta hãy tập yêu thương và để mình được yêu thương.

Sách Đệ Nhị Luật  26,4-10

Bản văn nầy lấy lại lời tuyên xưng đức tin cổ nhất của Israel đánh dấu  một cách sâu xa ý thức tập thể. Đó là hoài niệm về Tổ phụAbraham, về thời lưu ngụ ở Ai cập mà họ bị đối xử như nô lệ, về thời gian lang thang trong sa mạc, về những ngày vào Đất hứa, hoàn thành mọi lời Chúa hứa. Thiên Chúa là đấng trung thành.

Thánh vịnh  90

Tòan bộ cuộc sống được ví như một cuộc vượt qua sa mạc đầy nguy hiểm để tiến về nơi Hạnh phúc. Giữa muôn vàn khó khăn, Thiên Chúa vẫn hiện diện ở đó. Người đáp lại mọi lời cầu nguyện tha thiết của những ai gắn bó với Người. Người che chở họ khỏi những thù địch  hăm dọa.

Thư gửi tín hữu Rô ma 10,8-13

Thánh Phao lô cho thấy rằng Do thái giáo hiểu ý sai nghĩa đích thực của lời Thiên Chúa mời gọi. Tương quan giữa Israel và Thiên Chúa là tương quan mặc cả. Họ cho rằng nhờ sống tuân giữ lề luật một cách tỉ mỉ, họ phải được Thiên Chúa đáp lại bằng yêu thương ban cho thành công trong cuộc sống. Như thế họ làm méo mó khuôn mặt của Thiên Chúa mà tình yêu của Người là nhưng không và mở ra cho tất cả mọi người.

Tin mừng Lc 4,1-13

NGỮ CẢNH

Bản văn nầy là một trong ba trình thuật mà ba tác giả nhất lãm Mt, Mc và Lc dùng để làm phần dẫn nhập vào đời sống công khai của Chúa Giê su: Gioan Tẩy giả rao giảng, phép rửa Chúa Giê su, và cám dỗ trong sa mạc. Lc giới thiệu sứ mạng của Gio an Tẩy giả trong một đọan văn khá dài (3,1-20). Kế đến là trình thuật phép rửa (3, 21-22). Lc giới thiệu Chúa Giê su qua hệ gia phả của Ngài (23-38) đi suốt chiều dài lịch sử Thánh Kinh. Và sau cùng là việc Chúa Giê su đối đầu với quỉ dữ (4,1-13) trước khi long trọng đưa Ngài vào sứ vụ công khai trong hội đường Na gia rát (4,14-30).

Có thể đọc bản văn nầy theo bố cục sau đây:

4, 1-2: nói chung về các cám dỗ trong sa mạc

4, 3-4: cám dỗ thứ nhất: quyền bính trên sự vật

4,5-8: cám dỗ thứ hai: quyền bính trên người

4,9-12: cám dỗ thứ ba: quyền bính trên các thiên thần

4,13: ma quỉ rời xa Chúa Giê su, chờ dịp khác.

TÌM HIỂU

Thánh  Thần: một trong những nét đặc trưng của riêng Lc là dành không gian hoạt động cho Chúa Thánh Thần. Ngài không chỉ nói về Thánh Thần khi trình bày sự kiện Hiện xuống (Cv 2,4) và trong phần còn lại của sách Công vụ (8,18-19; 19,2-6), nhưng còn cho thấy Thánh Thần hoạt động ngay từ khi khởi đầu sứ vụ của Chúa Giê su, cả nơi nguồn gốc của Ngài trong biến cố Truyền tin (1,35). Ba lần ngài nói đến Thánh Thần: trong phép Rửa (3,22), trong cơn cám dỗ (4,1) và lúc khởi đầu sứ vụ (4, 14-18). Phép Rửa thoáng cho thấy mầu nhiệm của Ba ngôi: Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giê su khi Chúa Cha gọi Ngài là Con của Người. Trong sa mạc, Chúa Giê su “đầy Chúa Thánh Thần” (4,1), có thể đương đầu với tên cám dỗ mà vẫn trung thành với Cha. Với Thánh Thần được lãnh nhận, Chúa Giê su được giới thiệu như là ngôn sứ, khi ở Na gia rét Ngài đọc và áp dụng cho chính mình lời trong sách Isaia (4,18-24).

Hoang địa: trong Kinh Thánh hoang địa vừa là nơi cám dỗ vừa là nơi hiện diện của Thánh Thần.

Suốt bốn mươi ngày: bản văn qui chiếu đến 40 ngày trong sa mạc. Con số 40 năm chỉ tròn một thế hệ trong đó Dân chúa được canh tân; như ông Mô sê ở trên núi Si nai 40 ngày (Xh 24,18); Ê li a đi 40 ngày đàng tới núi thánh (1V 19,8). Sách Tin mừng nối kết hai nhân vật ấy bên cạnh Chúa Giê su trên núi Biến Hình (9,30).

Bốn mươi ngày mà Chúa Giê su đã trải qua trong sa mạc khai mở thời gian hoạt động công khai của Ngài và cuộc chiến đấu chống lại Sa tan. Nó sẽ tấn công Ngài lần quyết định trong cuộc Khổ nạn. Thời gian ấy kéo dài cùng với 40 ngày kết thúc giữa Phục sinh và Thăng Thiên, trong đó Chúa Giê su sẽ đưa các môn đệ của mình vào trong sự hiểu biết mầu nhiệm phục sinh cần thiết cho sứ vụ. Giữa Phép rửa của Chúa Giê su và sự Phục sinh của Ngài, hoàn thành điều mà 40 ngày trong sa mạc loan báo: đó là sự canh tân hoàn toàn cho toàn thể dân Thiên Chúa.

Con Thiên Chúa: Chúa Giê su không trực tiếp trả lời cho ma quỉ khi nó đòi hỏi Ngài thực hiện một dấu quyền năng để xác nhận tư cách là Con Thiên Chúa của Ngài (như Ngài sẽ trả lời cho vị Thượng tế ở 22,70). Nhưng Ngài trích dẫn một câu trong sách Đệ Nhị Luật 8,3, một lời nói mà Dân của Ngài đã lãnh nhận để nhắc nhớ về sự nghèo khó và sự lệ thuộc của Ngài đối với Thiên Chúa.

Bánh: Chủ đề về thức ăn xuất hiện thường xuyên trong sách Xuất hành (manna, chim cut: x. Tv 78,18-31).

Lên cao: không phải là trên một ngọn núi cao như trong Mt 4,8; theo kiểu nói nầy thì trình thuật Lc có thể qui chiếu đến một nơi cao ở Giê ru sa lem.

Toàn quyền cai trị và vinh hoa lợi lộc: cám dỗ thứ hai đặt trên nền tảng quyền cai trị trong lãnh vực chính trị. Cám dỗ nầy được gợi hứng từ những kẻ muốn lợi dụng tư thế thuộc về gia đình hoặc nhóm của Chúa Giê su; như các môn đệ muốn Ngài xây dựng Vương quốc Is ra el (Cv 1,6). Ma quỉ bắt chước Thiên Chúa ban mọi quyền hành cho đấng Messia của Người: “Con cứ xin rồi Cha ban tặng muôn dân nước làm sản nghiệp riêng, toàn cõi đất làm phần lãnh địa” (Tv 2,8).

Đã được trao cho tôi: dịch sát chữ: đã được ban cho tôi, do đó, thuộc về tôi. Ai tìm kiếm quyền hành để được phục vụ chứ không phải để phục vụ, thì quì gối trước Sa tan nài xin nó chia sẻ quyền bính trên thế gian nầy.

Nhưng không một tạo vật nào có thể phủ nhận quyền uy tối thượng phổ quát của Thiên Chúa. Trong thực tế, Chúa Giê su trong cuộc Khổ nạn và Phục sinh, đã nhận lãnh từ nơi tay Thiên Chúa Cha quyền bính tối thượng trên tất cả mọi tạo vật của Người.

Ngươi phải bái lạy: một lần nữa Lc trích dẫn một đoạn sách Đệ Nhị Luật (6,13-14). “Ngươi” ở đây hướng về dân chúng và Chúa Giê su không nằm trong nhóm ấy. Cơn cám dỗ thứ hai cho thấy một Chúa Giê su đương đầu với ma quỉ, cương quyết sống Giáo Ước với Thiên Chúa và chấp nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa.

Đền thờ: đó là nơi hiện diện của Thiên Chúa và cùng lúc, là khoảng không gian nơi dân Chúa tập họp. Do đó, thực hiện một hành vi ngọan mục ở nay mới thực sự gây ấn tượng. Trong các trường hợp khác Chúa Giê su cũng sẽ đuợc đề nghị tương tự (11,16).

Có lời chép rằng: đến phiên ma quỉ cũng sử dụng Lời Chúa (Tv 91,11-12).

Ngươi chớ thử thách: một lần nữa trích dẫn sách Đệ nhị luật (6,16) nhắc lại đâu là tội nặng của dân Is ra el trong sa mạc: họ đã dám thử thách Thiên Chúa của họ; đã muốn bắt Chúa phải dùng phép lạ cung cấp thức ăn, chiến thắng và quyền năng cho họ. Nhưng Ngài vẫn tỏ ra là Con đích thực.

Cám dỗ Người: cả ba cơn cám dỗ nầy không phải là những câu chuyện thực sự đã xảy ra như thế: nhìn một cách tổng quát, chúng là biểu tượng gợi lại tất cả các cơn cám dỗ mà Chúa Giê su đã gặp phải trong cuộc đời của Ngài.

Chờ đợi thời cơ: đó là cuộc Khổ nạn (22,3.31.53).

SỨ ĐIỆP

Hằng năm, vào Chủ nhật thứ nhất mùa Chay, chúng ta nghe lại trình thuật về các cơn thử thách mà Chúa Giê su phải đương đầu trong sa mạc. Ngay sau khi đã lãnh nhận phép rửa, và được giới thiệu là Con chí ái của Cha, Chúa Giê su được Thánh Thần thúc đẩy vào sa mạc để cầu nguyện. Trong bầu khí thanh vắng tĩnh mịch của hoang địa, Ngài bỏ lại cuộc sống ồn ào của trần gian để đắm chìm trong cuộc sống thân mật với Thiên Chúa Cha để chuẩn bị cho sứ mạng. Ngài sẽ nói Lời Thiên Chúa chứ không phải lời lòai người của Ngài. Lời cầu nguyện của Ngài sẽ giúp Ngài vâng phục theo ý Thiên Chúa và tình yêu của Người. Bốn mươi ngày cũng sẽ là thời gian ăn chay. Ăn chay chính là tự nguyện hi sinh tất cả những gì phù phiếm để dành ưu tiên cho kho tàng duy nhất là tình yêu Thiên Chúa, Lời của Người và vị trí của Người trong cuộc đời chúng ta.

Cơn cám dỗ thứ nhất là cơn cám dỗ đến với một người đang đói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy ra lệnh cho những hòn đá nầy trở thành bánh đi”. Tòan bộ Tin mừng nói cho chúng ta biết rằng Chúa Giê su đã nhập thể để sống bản tính nhân lọai của chúng ta cho đến độ phải chiến đấu. Ma quỉ đề nghị với Ngài là hãy tỏ rõ mình là Con Thiên Chúa bằng cách thoát ra khỏi tình trạng người phàm và khỏi ảnh hưởng của Thiên Chúa Cha. Nó dụ dỗ Ngài sử dụng quyền năng siêu phàm để thỏa mãn cơn đói của Ngài. Dỉ nhiên là Chúa Giê su có thể thực hiện phép lạ đó. Nhưng như thế thì phép lạ sẽ còn ý nghĩa sâu xa nữa. Nên Ngài trích dẫn Thánh Kinh: “Con người sống không chỉ nguyên nhờ bánh”. Đối với xã hội chúng ta ngày nay, lấy việc tiêu thụ làm mục tiêu chính yếu cho cuộc đời mình, thì đó là một sứ điệp quan trọng, vì còn có một thứ lương thực bổ dưỡng hơn và thiết yếu hơn lương thực vật chất nữa.

Đó còn là một lời cảnh giác cho tất cả những ai có trách nhiệm trong xã hội và Giáo hội. Chúng ta không được phép lạm dụng chức năng của mình để trục lợi cá nhận. Vì thế, tìm lại ý nghĩa thực sự của việc phục vụ là một điều cấp bách. Trước đám đông đang đói, Chúa Giê su nói: “Anh em hãy lo cho họ ăn đi”. Chính khi chia sẻ với anh em mình mà chúng ta tìm gặp Chúa. Mùa Chay sẽ cho chúng ta cơ hội. Chúng ta thừa biết rằng hiện nay trên thế giới có tới ba tỉ người hằng ngày ăn không đủ no. Đó là chưa kể những người đói khát tình yêu, đói khát những điều kiện sống và làm việc xứng với nhân phẩm, đói khát Thiên Chúa. Trong suốt sứ vụ của mình, Đức Ki tô đã chỉ cho chúng ta đâu là của ăn đích thực để làm dịu cơn đói khát ấy.

Cơn cám dỗ thứ hai: “Nếu ông quì gối thờ lạy ta, thì ta sẽ ban cho ngươi mọi quyền bính thuộc về ta”. Các hình thức thờ lạy ma quỉ thường thấy ngày nay là tôn sùng tiền bạc, tôn thờ danh vọng . Đó là cơn đói quyền lực kéo theo những cuộc thảm sát và tra tấn. Thế kỉ 20 vừa qua đã chứng kiến nhiều tên độc tài khát máu: họ tạo ra những cơn tắm máu dã man và những trại tập trung khủng khiếp. Dù không đưa tới đó, những cuộc chạy đua chiếm đoạt quyền bính kéo theo nhiều bạo lực, tranh chấp trong các gia đình, phe nhóm, các môi trường sống và làm việc. Nếu không cảnh giác, chúng ta dễ quì gối trước những bụt thần như thế. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần chỉ cho chúng ta phát hiện những vinh quang giả trá ẩn núp dưới nhiều hình thức trong cuộc sống của chúng ta.

Cơn cám dỗ thứ ba: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đất đi...” Tên cám dỗ tiếp tục dụ dỗ Chúa Giê su bằng cách trích dẫn Thánh vịnh 90: “Người sẽ bồng ngươi trên cánh tay của Người để chân ngươi khỏi vấp chân vào đá”. Một lần nữa, ma quỉ xuyên tạc bản văn Lời Chúa. Nhưng câu trả lời của Chúa Giê su thật rõ ràng và dứt khoát. Chúng ta không được phép tạo áp lực lên Thiên Chúa. Chúa Giê su từ chối ép buộc Thiên Chúa vào tư thế phải can thiệp. Ngài cũng sẽ không xin phép lạ để cứu thoát mình. Đó là thái độ mời gọi chúng ta, muốn đòi hỏi Thiên Chúa phải thực hiện điều chúng ta muốn mỗi khi có một bất hạnh xảy đến.

Đòi được nuôi ăn, đòi được bái lạy, đòi được che chở.. đó là ba cơn cám dỗ đầy hấp dẫn mà chúng ta phải đương đầu trong suốt cuộc sống chúng ta. Tên cám dỗ không ra mặt nhưng tìm mọi cách làm cho chúng ta phải xa rời tin mừng. Nhưng Chúa không để chúng ta một mình. Ngài chỉ cho chúng ta thấy cách chiến thắng cám dỗ bằng lời cầu nguyện, nuôi dưỡng chúng ta bằng lời và Thánh Thể của Ngài. Trong suốt mùa Chay nầy, Ngài mời gọi chúng ta hãy lui vào nơi thanh vắng, xa lánh thế gian ồn ào huyên náo để hồi tâm, tìm mọi cách để điều chỉnh lại mọi sự trong cuộc sống. Điều quan trọng là phải phát triển trong chúng ta một tình yêu đích thực.

Lạy Chúa, chúng con muốn trở về với Chúa trong bốn mươi ngày mùa Chay nầy. Xin hãy ban cho chúng con biết dành một nơi trong cuộc sống, trong tâm hồn, và trong mối bận tâm của chúng con: một nơi cho Chúa và cho người khác. Xin hãy đem chúng con đến sa mạc, và giúp chúng con sống lời Chúa. Xin hãy giúp chúng con chiến đấu cùng với Chúa và chiến thắng các cơn thử thách nhờ quyền năng của Thánh Thần.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Bài đọc một có nội dung như thế nào?

THƯA: Bài đọc một trích từ Sách Đệ nhị luật có thể được gọi là quyển sách nhắc nhớ, trong đó, tác giả nhắc lại cho dân những kì công Thiên Chúa đã làm cho dân Người kể từ lúc khởi sự cho đến bây giờ. Một trong những hành vi tưởng niệm là dâng lễ vật.

2. HỎI: Dâng lễ vật có gì đặc biệt trong Ít ra ên?

THƯA: Tất cả các tôn giáo thế giới đều có nghi thức dâng lễ vật cho thần linh của mình. Nhưng điều đặc biệt nhất trong Ít ra ên là ý nghĩa gán cho hành vi ấy. Trong khi các tôn giáo khác, dâng lễ vật là để xin thần linh ban ơn, thì ngược lại trong Ít ra ên, hành vi dâng lễ vật được coi như là một cử chỉ biết ơn. Đó là cách tuyên xưng đức tin: Tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng ta là, đều là ơn Thiên Chúa ban. Vì thế, dâng lễ vật là hành vi tưởng niệm.

3. HỎI: Tại sao sách Đệ nhị luật lại nhấn mạnh điều đó?

THƯA: Vì người ta thường quên những kì công Thiên Chúa làm cho họ. Khi còn lang thang trong sa mạc, dân Ít ra ên dễ nhớ rằng cuộc sống luôn tùy thuộc vào Thiên Chúa. Nhưng khi đã đến đất hứa, thì họ lại quên sự tùy thuộc căn bản đó. Đàng khác, họ phải chung sống với nhiều tôn giáo khác nhau của dân cư trong xứ nên đừng để mình bị lây nhiễm thực là một điều khó khăn.

4. HỎI: Thánh Lu ca đặc biệt nhấn mạnh sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trên Đức Giêsu?

THƯA: Đúng. Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, Tin mừng Luca thường xuyên đề cập đến Chúa Thánh Thần và đặc biệt, trong Tin Mừng thời thơ ấu (Lc 1,15. 35. 41. 67. 80; 2,25 -27; 4,1, 14).

5. HỎI: Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần dẫn đi vào hoang địa??

THƯA: Không chính xác. Theo Lu ca, không phải Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần thúc đẩy vào trong sa mạc (x. Mc1,1), nhưng tự Ngài đi. Không phải Ngài được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, nhưng tự hướng dẫn trong Thánh Thần.  Thánh Thần không hành động như đã hành động trong các Thủ lãnh: Ót-ni-ên (Tl 3,10), Ghít-ôn (Tl 6,34), Gíp-tắc (Tl 11,29). Chúa Thánh Thần ngự trên họ, giúp họ thi hành những công việc lớn và rời bỏ họ sau khi đã hoàn tất. Còn Chúa Giêsu thì Ngài không được Thánh Thần chiếm lấy, nhưng Ngài có Thánh Thần. Ngài không chỉ nhận được một ơn ban tạm thời là Chúa Thánh Thần, nhưng chiếm hữu Thánh Thần liên tục, không ngừng. Vì được sinh ra bởi Chúa Thánh Thần và Đức Trinh Nữ Maria, nên Ngài luôn luôn hành động trong Thánh Thần.

6. HỎI: Kinh Thánh chỉ cho thấy khía cạnh tiêu cực của sa mạc?

THƯA: Không hẳn như thế. Kinh Thánh cho thấy cả hai mặt tiêu cực và tích cực của sa mạc: vừa được coi là nơi cư ngụ của cái ác, vừa là một nơi cô tịch và khổ hạnh để suy niệm và cầu nguyện.

7. HỎI: Chúa Giêsu chịu Satan cám dỗ trong 40 ngày. Số 40 có một ý nghĩa tượng trưng?

THƯA: Trong CƯ, số 40 nhắc lại thời gian của một vài sự kiện quan trọng trong lịch sử dân Do Thái. Như thời gian của Đại lụt (Stk 7,14); thời gian ra khỏi Ai Cập và lang thang trong sa mac (Ds 14,33), lệnh Chúa truyền cho Ê-dê-ki-ên nằm nghiêng bên phải trong vòng 40 ngày để gánh lấy tội lỗi nhà Giu đa (Êd 4,6). Dựa theo các đoạn Cựu Ước trên, Thánh Luca muốn cho độc giả của mình hiểu rằng: tội lỗi của nhiều người dân đã khiến Thiên Chúa ra tay thanh tẩy họ (Đại lụt, sa mạc, Đất Hứa); Người đã chọn Edêkiên và yêu cầu ông chuộc tội lỗi nhà Israel. Nhưng chỉ có một đấng có thể chuộc lỗi cho loài người là Đấng Cứu Thế: Chúa Giê su thành Nazareth.

8. HỎI: Cả cuộc đời, Chúa Giêsu chỉ bị cám dỗ ba lần như được mô tả trong đoạn văn này?

THƯA: Ba cám dỗ trong sa mạc là tổng hợp, là khúc dạo đầu cho cuộc chiến đấu liên tục đầy gian khó của Chúa Giêsu chống lại Satan cho đến lúc kết thúc cuộc sống trần gian. Thực vậy, trong những ngày cuối cùng, Chúa Giêsu cho biết: “Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc thầy gặp thử thách gian nan”(Lc 22,28).  Thực vậy, trong Tân ước, có nhiều kiểu nói cho thấy rằng cám dỗ đi theo Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời của Ngài, như trong thư Híppri. “Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta, nhưng không phạm tội” (Hr 4,15).

9. HỎI: Cám dỗ thứ nhất có ý nghĩa gì?

THƯA: Ma quỉ đã biết rất rõ Chúa Giê su là Con Thiên Chúa, nên câu đầu tiên: “Nếu ông là con Thiên Chúa” có nghĩa là: “Vì ông là Đấng thiên sai, ông hãy dùng quyền năng thiên sai để làm những điều kì diệu có lợi cho mình, như biến đá nầy thành bánh đi”.

10. HỎI: Và Chúa Giêsu đã trả lời thế nào?

THƯA: Chúa Giê su tỏ cho biết Ngài là con Thiên Chúa, Ngài có đủ quyền năng, nhưng không muốn sử dụng quyền năng ấy phục vụ cho bản thân, không muốn đi đến vinh quang Thiên sai qua lối biểu dương quyền lực, nhưng Ngài đã chọn con đường khiêm hạ, vâng phục Thiên Chúa Cha.

11. HỎI: Tại sao Thánh Luca đã thay đổi thứ tự cám dỗ thứ hai và thứ ba?

THƯA: Thánh Luca đã thay đổi cám dỗ thứ hai xuống thứ ba, để kết thúc các cuộc cám dỗ tại đền thờ Giê ru sa lem. Theo cách xếp đặt của ngài, cuộc đời của Chúa Giê su được đóng khung trong đền thờ Giê ru sa lem: khởi đầu và kết thúc ở Giê ru sa lem.

12. HỎI: Cám dỗ thứ hai có ý nghĩa gì?

THƯA: Qua cám dỗ nầy, ma quỉ hứa ban cho Chúa Giê su quyền lực chính trị trên mọi nước thế gian nầy. Nó ép buộc Chúa Giê su phải lựa chọn: Nhận quyền thống trị trần gian hoặc từ tay ma quỉ ở ngay đây, hoặc từ tay Thiên Chúa sau khi đã trải qua đau khổ và tử nạn.

13. HỎI: Và Chúa Giêsu đã trả lời thế nào?

THƯA: Qua câu trả lời: “Ngươi phải thờ lạy Thiên Chúa của ngươi”, Chúa Giê su đã chọn con đường thiết lập Nước Thiên Chúa: chính Thiên Chúa là đấng Ngài phải tôn thờ, chứ không phải ma quỉ.

14. HỎI: Cám dỗ thứ ba có ý nghĩa gì?

THƯA: Ma quỉ đã xúi giục Chúa Giê su gieo mình từ nóc Đền thờ xuống để thứ thách sự che chở của Thiên Chúa mà Thánh Kinh đảm bảo (Tv 91,11), và qua đó chứng tỏ Ngài có quyền năng do Thiên Chúa và thế lực nơi Thiên Chúa.

15. HỎI: Và Chúa Giêsu đã trả lời thế nào?

THƯA: Chúa Giê su đã trả lời: Đừng thử thách Thiên Chúa bằng cách lạm dụng sự che chở mà Người đã hứa cũng như ép buộc Người phải ra tay che chở cho mình. Chúa Giê su muốn phục vụ Thiên Chúa chứ không muốn lạm dụng Người, muốn vâng lời Người chứ không muốn bắt Người làm theo ý muốn của mình.

16. HỎI: Ma quỉ cố tình cám dỗ Chúa Giê su điều gì?

THƯA: Ma quỉ cố tình cám dỗ Chúa Giê su nghi ngờ Thiên Chúa và tìm sự an ninh ở nơi khác. Cả ba cơn cám dỗ đều lặp lại những cơn cám dỗ của dân Ít ra ên trong lịch sử Kinh Thánh. Cả ba lần, nó đều gợi ý: Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì ông có thể làm tất cả những gì ông muốn. Ông là đấng cao cả, sức riêng ông có thể tạo hạnh phúc cho mình. Nhưng Chúa Giê su biết rõ rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm thỏa mãn cơn đói của con người và Ngài đã chọn tin tưởng vào Thiên Chúa cho đến cùng. Cả ba lần, ma quỉ cám dỗ: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy chứng minh đi!”. Chúa Giê su đã chứng minh điều đó, nhưng bằng cách trung thành tin tưởng vào Thiên Chúa Cha.

 17. HỎI: Giê su đã lấy từ đâu sức mạnh để chống lại kẻ muốn tách Ngài ra khỏi Thiên Chúa Cha?

THƯA: Từ Lời Chúa. Ma quỉ ba lần nói với Chúa Giê su, nhưng không lần nào Chúa Giê su tranh luận với nó; cả ba câu trả lời đều là những lời trích dẫn Kinh Thánh, sách Đệ nhị luật, cuốn sách được viết để giúp dân Ngài không bao giờ được quên Thiên Chúa. Về điểm đó Ngài là kế thừa truyền thống của dân Ngài: thật đúng khi áp dụng cho Ngài lời trong sách Đệ nhị luật mà thánh Phao lô lặp lại trong thư Rô ma: “Lời Chúa ở gần ngươi, ngay trong miệng ngay trong lòng ngươi” (Đnl 30,14).

18. HỎI: Theo câu nói: “Ma quỉ bỏ Ngài mà đợi dịp”, Chúa Giê su còn bị ma quỉ cám dỗ lần nào nữa không?

THƯA: Luca sẽ còn kể nhiều lần Chúa Giê su chiến thắng ma quỉ trong những việc chữa lành bệnh tật và trừ quỉ (44,41; 6,18;7,21; 8,2;10,18;11,14-22), nhưng không kể lại một cuộc cám dỗ nào khác của ma quỉ. Như thế Lu ca đánh dấu cuộc chiến thắng đầu tiên và tiên báo cuộc vinh thắng dứt khoát của Chúa Giê su trong biến cố Vượt qua.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     CHÚA NHẬT I MÙA CHAY C: CÁM DỖ - CHỌN LỰA
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN THÁNH NĂM B: NGẮM NHÌN THÁNH GIÁ. Lm.Jos Tạ duy Tuyền
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN THÁNH NĂM B: CÁI CHẾT CỦA CHÚA GIÊSU. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN THÁNH NĂM B. Tracy Liên Đồng
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN THÁNH:TIỆC LY: TRAO BAN CHÍNH MÌNH. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN THÁNH: LỜI TRỐI. Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Thanh Phương
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ THƯ TUẦN THÁNH NĂM B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN THÁNH NĂM B. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B. Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B. Lm Trần Bình Trọng