SUY NIỆM TIN
MỪNG THỨ
NĂM TUẦN THÁNH
LỜI TRỐI
LỜI
CHÚA
: Ga 13, 1-1
(1) Trước lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu biết
giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu
thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. (2)
Trong bữa ăn tối, ma quỷ đã gieo vào lòng Giuđa, con ông Simon Ítcariốt, ý định
nộp Ðức Giêsu. (3) Ðức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự
trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, (4)
nên bấy giờ Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt
lưng. (5) Rồi Ðức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các
môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
(6) Vậy, Người đến chỗ ông Simon Phêrô,
ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con
sao?" (7) Ðức Giêsu trả lời: "Việc Thầy làm, bây giờ anh
chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu". (8) Ông Phêrô lại thưa:
"Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!" Ðức Giêsu
đáp: "Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với
Thầy". (9) Ông Simon Phêrô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin
cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa". (10) Ðức
Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người
ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!" (11)
Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh
em đều sạch".
(12) Khi rửa chân cho các môn đệ xong,
Ðức Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho
anh em không? (13) Anh em gọi Thầy là 'Thầy', là 'Chúa', điều đó
phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. (14) Vậy, nếu Thầy là
Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho
nhau. (15) Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy
đã làm cho anh em.
SUY
NIỆM
:
Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết rằng mình
không còn ở với các môn đệ bao lâu nữa. Nhìn lại hơn ba năm trôi qua, Thầy trò
đã từng bên nhau dãi dầu mưa nắng, đã từng cùng nhau lê gót chân phiêu bạt đi
khắp các nẻo đường xứ Palestina, đã từng có nhau khi đói, khi no, đã từng chia
sẻ với nhau niềm vui và thông cảm cho nhau bao muộn phiền, gian khổ……
Và cũng giống như bất cứ cuộc chia tay nào, trong
giờ phút này những kỷ niệm xa gần cứ lần lượt hiện ra, nó làm cho ta cảm thấy
nuối tiếc quãng thời gian đã qua và muốn thời gian hiện tại này kéo dài mãi mãi.
Tuy nhiên, ngoài nỗi xao xuyến thường tình như
bất cứ ai, Chúa Giêsu còn canh cánh trong lòng một nỗi niềm riêng mà chiều hôm
nay Ngài phải tỏ cho các môn đệ, những người mà Ngài đã hết lòng yêu thương và
muốn yêu thương cho đến cùng (x. Ga 13, 1).
Tin mừng theo thánh Gioan thuật lại: Chúa Giêsu
rời khỏi giường tiệc, cởi áo lấy nước rửa chân cho các môn đệ. Hành động này đã
bị Phêrô phản đối, bởi vì làm sao ông dám để Thầy Giêsu rửa chân cho mình.
Nhưng Chúa Giêsu trả lời: “ Điều Thầy làm
bây giờ con không hiểu, nhưng sau sẽ hiểu” và hơn nữa “Nếu Thầy không rửa chân cho con, thì con sẽ không được dự phần với
Thầy”. Có gì liên quan giữa việc rửa chân với phần rỗi của các môn đệ?
Trước thái độ cương quyết của Chúa Giêsu,
Phêrô, rồi tất cả các môn đệ khác đã để cho Chúa Giêsu rửa chân mặc dù họ chẳng
hiểu gì cả.
Ai có thể quên được ánh mắt, cử chỉ và lời nói
cuối cùng của người thân trong giờ phút chia ly? Cũng vậy, chắc chắn các tông
đồ không bao giờ quên được hành động và những lời nói tha thiết của Chúa Giêsu
chiều hôm nay, buổi chiều biệt ly.
Phần Chúa Giêsu, Ngài biết những việc sắp xảy ra
cho mình và biết các môn đệ của Ngài yếu đuối như thế nào trước những biến cố
ấy. Chính trong đêm nay, Giuđa sẽ nộp Ngài cho giới lãnh đạo Do Thái, Phêrô sẽ
chối Thầy mình ba lần và các môn đệ khác bỏ trốn. Một mình Gioan theo Chúa
Giêsu đến đồi Canvê, nhưng ông cũng để mặc Ngài đơn độc trước những lời vu
khống, mà không hề lên tiếng bênh vực hoặc làm chứng cho Ngài.
Ba năm sống bên nhau bao là thân tình, bao là
thương mến kia nay còn có ý nghĩa gì? Có khác nào những bóng mây thay đổi nhau
trên bầu trời, để rồi cùng tan biến đi mà thôi.
Các môn đệ không phải là
không thương Chúa Giêsu. Làm sao giải thích được một Phêrô lúc nào cũng sợ xa mất Chúa,
một Gioan đã từng áp đầu vào ngực Chúa Giêsu để nghe từng tiếng đập của trái
tim Thầy mình, mà giờ đây lại để Thầy một mình trong cơn hoạn nạn? Đó chính là
sự yếu đuối cố hữu bên trong của con người. Vâng, chính sự yếu đuối đã làm cho
các môn đệ hoảng sợ trước những biến cố bất ngờ và dồn dập đến với Chúa Giêsu.
Và rồi cũng chính sự yếu đuối sẽ làm cho các môn đệ đau đớn, xót xa vì mình đã
làm điều mà mình không muốn (x. Rm 7, 19). Nỗi mặc cảm về sự khốn nạn của mình
sẽ mãi mãi vây hãm tâm hồn các ông.
Hơn ai hết, Chúa Giêsu hiểu và thương các môn đệ
của mình. Ngài biết: Tựa như tiếng sét gây bàng hoàng trong cơn giông, khi bình
yên trở lại, sẽ làm cho ai đó tự cảm thấy tủi hổ trong lòng. Thế thì, mai đây,
sau những ngày khổ nạn, Ngài sẽ phục sinh vinh quang, hỏi rằng các môn đệ có
dám ra trình diện với Thầy mình hay không? Chúa Giêsu biết rõ tâm hồn của các
môn đệ, nên hôm nay, trước lúc đi vào cuộc khổ nạn, Ngài đã ngồi xuống để rửa chân
cho từng người môn đệ. Ngài đã rửa chân cho người môn đệ mà Ngài yêu dấu. Ngài
cũng rửa chân cho cả Phêrô, người sẽ chối Ngài. Ngài cũng rửa chân cho cả
Giuđa, kẻ đã bán Ngài với giá của người nô lệ, ba mươi đồng bạc.
Rửa chân cho các môn đệ, rồi Ngài từ biệt các
ông, tự nguyện đi chịu chết, các môn đệ lần lượt vấp ngã… Tất cả những chuyện
đó xảy ra trong thời gian chưa trọn một ngày. Nhưng khi Chúa Giêsu tắt thở, các
môn đệ hiểu ngay hành động rửa chân của Chúa Giêsu và vì sao rửa chân lại có
liên quan tới việc các ông sẽ được dự phần với Ngài.
Bằng máu của mình đổ ra trên thập giá, Chúa
Giêsu đã thực sự rửa các môn đệ khỏi mọi vết nhơ, trước khi các ông vấp ngã,
phản bội, Chúa Giêsu đã biết cả rồi và Ngài tỏ dấu tha thứ cho các ông bằng
hành động rửa chân. Chúa Giêsu phục sinh đã tha thứ trước cho những yếu đuối
của các môn đệ, vì Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài, và Ngài vẫn tiếp
tục yêu thương họ cho đến cùng (x. Ga 13, 1). Chính vì tin tưởng vào tình yêu
vĩ đại đó của Thầy, các môn đệ mới có đủ can đảm để trình diện với Đức Kitô
phục sinh và bày tỏ niềm hạnh phúc được chứng tỏ lòng trung thành của mình bằng
cái chết. Cảm nếm được tình yêu tuyệt vời của Chúa Giêsu, các môn đệ từ nay
không bao giờ còn phản bội Chúa Giêsu nữa (x. Ga 21, 15-19). Đối với tất cả họ,
tình yêu của Chúa Giêsu đã ban tặng cho họ niềm vinh dự đời đời mà họ chẳng bao
giờ đền đáp được.
Lạy Chúa Giêsu! Con khô khan nguội lạnh quá, nên
giờ này chưa cảm thấy hạnh phúc vì được Chúa yêu thương. Trong giờ phút này xin
hãy cho con được nếm cảm tình yêu ngọt ngào của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con cảm nhận được tình
yêu Chúa, để con có thể thực hành sứ điệp của Chúa: yêu thương anh em như Chúa
đã yêu thương con (x. Ga 15, 34-35).
Amen.
Nt. Têrêsa
Nguyễn Thị Thanh Phương