Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

THỨ SÁU TUẦN THÁNH - CÁI CHẾT CỦA CHÚA GIÊSU!

golgotha.jpgMới cách đây hai tuần, một người đàn ông khi thấy đứa con trai bị nạn, máu chảy đầy người, ông vội vã đặt con lên xe honda để chở con tới bệnh viện, song vì qua vội vàng, một chiếc xe tải đã đâm thẳng vào chiếc xe của ông, ông bị hất xuống đập đầu xuống đường và chết, còn đứa con thì vẫn còn sống. Trong đám tang của người cha, đứa con ấy vật vã dằn vặt chính mình mà kêu lên: Ba ơi! Con đã làm cho Ba phải chết, ba đã chết vì con!

Thưa quý OBACE trong buổi chiều bi thương này, Giáo Hội không cử hành thánh lễ, cũng không có một cử hành nào khác, mà Giáo Hội muốn dừng lại ở dưới chân cây thập giá của Chúa Giêsu, để hồi tưởng lại cả một cuộc đời, một hành trình thập giá của Chúa mình, để chiêm ngắm tôn thờ và biết ơn một tình yêu vô cùng lớn lao: yêu đến nỗi chịu chết vì người mình yêu. Chiêm ngắm cái chết của Chúa để mỗi người suy gẫm, để xét mình nhìn lại chính mình vì tôi mà Chúa đã chấp nhận hy sinh như vậy ?

Trước hết, cái chết của Chúa Giêsu không phải là cái chết bất ngờ đối với Thiên Chúa, mà là cái chết đã được Thiên Chúa thấy trước. Ngay khi cho con của mình là Đức Giêsu xuống thế làm người thì cũng đồng nghĩa là Thiên Chúa chấp nhận cho con của mình chịu nhiều rủi ro của thân phận con người, và chấp nhận cả đến cái chết của phận người. Trong câu chuyện trao đổi với Nicodemo, Đức Giêsu cũng đã nhìn thấy kết cục cuộc đời của Ngài là cái chết treo: như Mose treo con rắn nơi hoang địa thế nào thì con người cũng bị treo lên như vậy, và nhiều lần khác Ngài cũng nói về việc Con người bị treo lên để kéo mọi người lên cùng Ngài.

Hình phạt thập giá là một hình phạt của người Phênixi, đã được người Rôma lấy làm bản án tử hình dành cho những tội phạm nguy hiểm và cho những nô lệ bỏ trốn với mục đich răn đe trấn áp. Đây là một cái chết khủng khiếp dã man mà con người đã nghĩ ra để hành hạ nhau, và người Do Thái nhìn những kẻ bị chết treo là dấu hiệu những kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa. Thế nhưng với cái chết đóng đinh thập giá của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã biến sự độc ác dã man của con người trở thành phương thế đem ơn tha thứ cho nhân loại, đã biến cây thập giá chết chóc thành cây mang lại sự sống đời đời, và cây thập giá không còn là sự nguyền rủa của Thiên Chúa mà là sự chúc phúc và là cách diễn tả tình yêu tột cùng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan quyền năng của Ngài.

Cái chết của Chúa Giêsu là cái chết của sự vâng phục hiếu thảo của một người con hết mực yêu mến vâng lời cha, của một người tôi tớ trung thành tuyệt đối với chủ mình, điều này đã được tiên tri Isai nhìn thấy và diễn tả trong bài ca về người tôi tớ của Thiên Chúa qua bài đọc một. Đây là một bài ca bi hùng về một người tôi tớ được Thiên Chúa hết mực yêu mến, song lại bị người đời khinh miệt hành hạ, người tôi tớ ấy chấp nhận tất cả những roi đòn hành hạ vì chúng ta: Tội lỗi chúng ta, người mang lấy vào thân, người ta tưởng Người bị Thiên Chúa trừng phạt, nhưng thực ra Người chịu đánh đòn bị đâm thâu là vì chúng ta…Lời Tiên báo của Isai đã hoàn toàn ứng nghiệm khi chúng ta nghe bài thương khó của Chúa Giêsu.

Giáo Hội đã hát lên bài thương khó của Chúa Giêsu, cũng một phần nào cho thấy bầu khí bi hùng của phụng vụ hôm nay. Cái chết của Chúa Chúa Giêsu là cái chết hết sức đau thương, và trong cái chết này thì sự tàn ác của con người cũng lên đến cực độ, song Giáo Hội vẫn nhìn thấy thập giá không phải là một sự thất bại của Thiên Chúa, cũng không phải là dấu chấm hết của cuộc đời của một con người Giêsu, mà thập giá lại trở thành tiếng nói yêu thương tuyệt vời là đỉnh cao của sự tha thứ, vì thế thập giá trở thành biểu tượng của tình yêu thương và tha thứ: Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người dám hiến mạng sống mình vì người mình yêu, và trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã tuyên bố lời tha thứ, xin Chúa cha tha thứ cho những kẻ hành hạ và giết chết mình, không chỉ xin tha thứ mà Chúa Giêsu còn biện hộ cho chúng nữa: Lạy cha xin tha cho chúng vì chúng lầm không biết. Thập giá trở thành cầu nối giữa đất với trời, giữa Thiên Chúa và nhân loại, thành chìa khóa mở cửa nước trời cho nhân loại. Xưa vì tội lỗi của con người Adam Eva đã cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa, nay được nối lại, sự sống lại được thông ban, xưa vì nguyện tội khiến cho cửa trời bị đóng lại, thì nay nhờ cây thập giá của Chúa Giêsu, cửa trời đã được mở ra cho con người bước vào.

Thập giá và cái chết của Chúa Giêsu trở thành một hy lễ xá tội cho nhân loại và vì nhân loại. Xưa kia trong cựu ước hàng năm người ta phải dâng con chiên non làm con vật đền tội, thì hôm nay trên thập giá, Chúa Giêsu chính là con chiên đền tội cho nhân loại, và hơn thế nữa, thư Do Thái còn nhìn thấy Chúa Giêsu trên thập giá chính là lúc Ngài thi hành trọn vẹn chức năng Thượng Tế của Người, Người không dâng con chiên làm của lễ xá tội mà là dâng chính mình cùng với sự đau đớn để làm nên của lễ tha tội cho nhân loại, Người đã lấy chính máu mình mà tẩy rửa hoàn toàn tội lỗi của nhân loại từ ngàn xưa cho đến ngày tận cùng thế giới. Vị thượng tế Giêsu là người đã có thể cảm thông được với những đau khổ yếu đuối của chúng ta, Ngài đã chịu thử thách tư bề và đã chiến thắng và lên trời ngự trên Ngai của Thiên Chúa trong vinh quang.

Thánh Gioan cũng nhận ra Chúa Giêsu là một vị Thượng Tế ngay trong cuộc khổ nạn của Ngài, chính Chúa Giêsu đã biết trước tất cả những gì sẽ xảy đến cho Ngài và Ngài chủ động đón nhận nó như là một kế hoạch đã được thiết lập, Ngài bước vào cuộc khổ nạn thập giá như một chiến sĩ bước ra trận, như một thày thượng tế chuẩn bị tất cả những lễ vật cần thiết cho cuộc hiến tế. Khi đối diện với các thày thượng tế và luật sĩ Do Thái, Chúa Giêsu dõng dạc xưng mình là Con Thiên Chúa khiến cho thượng tế Anna tức giận đến xé áo mình ra, khi đối diện với Philatô Chúa Giêsu xác nhận vương quyền của Ngài và làm chứng cho sự thật về chính Ngài, về Thiên Chúa khiến cho Philatô vô cùng bối rối, suy nghĩ và phải đặt vấn đề: Sự thật là gì?

Suy niệm về cái chết thập giá của chúa Giêsu trong bầu khí của ngày Thứ Sáu Thánh hôm nay, đòi chúng ta phải có một chọn lựa dứt khoát, chúng ta không chỉ thương cảm về cái chết của Chúa Giêsu theo cảm xúc tự nhiên, mà đòi chúng ta phải tỏ rõ thái độ chọn lựa của mình hoặc chọn Đức Giêsu và thập giá của Người hoặc là chạy trốn hay chọn thế gian. Ngày xưa trong sân của dinh Philatô những người Do Thái đã gào thét để đòi giết bằng được Giêsu: Giết đi, giết đi! Đóng đinh nó vào thập giá. Họ đòi tha Baraba là tên cướp nguy hiểm và đòi giết Đức Giêsu, họ đã công khai chọn đứng về phía của sự ác của sự xấu để loại trừ Chúa Giêsu, cũng có thể ngày hôm nay chúng ta là người Kitô hữu song chúng ta đã không dám đứng về phía Chúa Giêsu, không dám sống và làm chứng cho Ngài không dám sống đến cùng giới răn của Chúa, vì sợ thiệt thòi ảnh hưởng đến quyền lợi, chúng ta buông theo lối sống người đời và loại trừ Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài ra khỏi cuộc sống của bản thân và gia đình, khi chúng ta ngang nhiên vi phạm lề luật của Thiên Chúa bằng một cuộc sống buông thả, bằng cuộc sống khô khan lười biếng, bằng gian tham lỗi bác ái lỗi công bằng.

Cũng tại sân của dinh Philatô, các thượng tế và dân Do Thái đã công khai từ chối vương quyền của Thiên Chúa và chấp nhận vương quyền của hòang đế Rôma: Chúng tôi không có vua nào khác ngoài Caesare. Thái độ ấy cũng có thể đang xảy ra trong cuộc sống của người Kitô hữu khi chúng ta chối bỏ thập giá của Đức Giêsu, chúng ta tôn thờ của cải vật chất, đặt quyền lực danh vọng làm vua điều khiển và chi phối cuộc đời mình. Chúng ta cũng sẽ giống người Do Thái nhận Caesare làm vua khi lòng chúng ta, tâm hồn chúng ta không có chỗ cho Thiên Chúa. Trong ngày sống, chúng ta để cho công việc và nhiều mối lo toan chiếm cứ hết cả tâm hồn, khiến cho không có giờ nào dành cho Thiên Chúa, ngay cả đến và phút gia đình cùng nhau đọc kinh cầu nguyện mà nhiều người trong gia đình còn muốn tránh né.

Suy niệm về cái chết thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi đón nhận Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào cuộc đời, cùng bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá và để cho tình yêu thương tha thứ từ thập giá của Chúa trở nên sức sống cho chúng ta, đồng thời sống và bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa vì Ngài đã chết cho chúng ta được sống bằng sống ngoan thảo theo giới răn và lệnh truyền của Chúa. Amen

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN THÁNH NĂM B. Tracy Liên Đồng
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN THÁNH:TIỆC LY: TRAO BAN CHÍNH MÌNH. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ NĂM TUẦN THÁNH: LỜI TRỐI. Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Thanh Phương
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ THƯ TUẦN THÁNH NĂM B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN THÁNH NĂM B. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B. Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B. Lm Trần Bình Trọng
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B. Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B: Bệnh « Hùa theo đám đông ». Lm.Jos Tạ duy Tuyền
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN NĂM MÙA CHAY NĂM B: CHẾT THAY. Thiên Thảo SJP