THỨ NĂM THÁNH –
TIỆC LY: TRAO
BAN CHÍNH MÌNH
Kính
thưa quý OBACE, Thứ Năm thánh hôm nay gợi lên một bầu khí trầm lặng sâu thẳm của
tình yêu của một người cha đang xao xuyến buồn rầu vì phải chia tay với những
người con bé nhỏ yêu thương, và trước khi chia tay người cha ấy đã muốn làm tất
cả những gì có thể được để ở lại, ở bên con cái mình lúc mình vắng mặt. Người
cha ấy chính là Chúa Giêsu, trong bầu khí long trọng linh thiêng tại nhà tiệc
ly, Đức Giêsu muốn ở lại với các môn đệ qua việc lập Bí Tich Thánh Thể, và trao
ban chính mình cho các ông qua việc thiết lập Chức Linh mục, đồng thời dạy các
ông sống đến cùng bài học yêu thương và phục vụ qua việc cúi xuống rửa chân cho
họ.
Bữa
tiệc Chúa Giêsu cùng các môn đệ cử hành hôm nay nằm trong bối cảnh của bữa tiệc
mừng Lễ Vượt Qua của người Do Thái, kỷ niệm biến cố Thiên Chúa dùng cánh tay
hùng mạnh và những phép lạ vĩ đại để giải thoát dân Do Thái ra khỏi cảnh nô lệ
Ai cập. Mỗi gia đình phải chuẩn bị một
con chiên không tì vết và sát tế nó lấy máu bôi lên khung cửa, những nhà nào có
dấu máu chiên thì sẽ được cứu thoát và nhà nào không có dấu máu chiên thì sẽ bị
trừng phạt. Con chiên ấy chính là hình ảnh báo trước con Chiên của Thiên
Chúa là Đức Giêsu Kitô đã chịu sát tế, lấy máu mình để tẩy rửa tội lỗi và cứu
chuộc nhân loại, đem đến sự sống cho con người. Trong khung cảnh của bữa tiệc
ly, chính Chúa Giêsu đã diễn tả một tình yêu thương đến tột cùng, chính thánh
Gioan đã nhận ra điều đó: Trước lể Vượt
Qua, Đức Giêsu biết giờ của người đã đến, giờ Người phải bỏ thế gian mà về cùng
Cha, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu
thương họ đến cùng.
Chính
vì yêu thương đến cùng, muốn trao ban tất cả, không tiếc gì bản thân, muốn trở
nên một với những người mình yêu, nên
Ngài cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Anh em hãy
cầm lấy mà ăn, này là mình Thày. Từng động tác từng cử chỉ đều diễn tả một
trái tim yêu thương đến tột cùng, cầm lấy bánh bẻ ra, là chấp nhận chết đi, là
trao tặng, là không còn tiếc gì, không còn giữ lại riêng cho mình điều gì, chấp
nhận trở nên một tấm bánh được bẻ ra để cho người khác ăn. Với việc làm này,
Chúa Giêsu đã liên tục làm những phép lạ là biến bánh và rượu trở nên máu thịt
của mình và lại làm cho máu thịt ấy trở thành của ăn, của uống, thành lương thực
nuôi dưỡng linh hồn. Trở thành của ăn của uống, Chúa Giêsu, không muốn ở bên
ngoài, cũng không chỉ muốn ở bên cạnh những người mình yêu, mà muốn đi vào tận
trong tim gan người mình yêu, muốn đi vào tận đường gân thớ thịt của người mình
yêu và trở thành máu thịt người mình yêu, làm của nuôi sống người mình yêu.
Hãy cầm lấy mà ăn – một lời mời gọi và một lời Chúa
“nài xin” chúng ta đừng để ngài cô đơn lẻ loi một mình, đừng để sự hiến thân
trao tặng của Ngài trở nên vô ích, nhưng được chúng ta đón nhận và để cho Ngài
đi vào trong cuộc đời của chúng ta, ở trong, và nuôi dưỡng, nên một với chúng
ta.
Chúa
Giêsu đã tạo nên hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, trong lúc các tông đồ còn
chưa hiểu hết những lời Chúa nói, thì Ngài lại tiếp tục truyền cho họ: Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thày!
Với lệnh truyền này, Chúa Giêsu đã chính thức thiết lập thiên chức Linh Mục, chức
tư tế thừa tác, dầu biết rằng các môn đệ của mình là những con người bất toàn,
yếu đuối, Chúa biết rõ Phêrô là kẻ sẽ chối thày, còn những người khác thì sẽ
nhát đảm chạy trốn khi Thày gặp thử thách, vậy mà Chúa vẫn trao cho các ông cái
quyền: Làm như Thày vừa làm để tưởng nhớ
đến Thày. Với việc thiết lập chức linh mục này, Chúa Giêsu muốn qua những
con người yếu đuối tội lỗi này, Ngài được tiếp tục ở lại với nhân loại, tiếp tục
là tấm bánh được bẻ ra cho tất cả mọi người hưởng dùng, hơn thế nữa Ngài còn chấp
nhận trở nên hoàn toàn lệ thuộc vào những con người yếu đuối tội lỗi này.
Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày, đồng thời cũng là một đòi hỏi cho
các linh mục, họ là những con người như bất cứ một người nào, song Chúa muốn
chính họ cũng phải làm như Chúa, tức là cũng phải yêu thương anh em đến tận cùng,
đến hy sinh và trao ban cả hơi thở sức sống, máu thịt của mình cho những người
được trao cho họ, Chúa muốn họ là con người nhưng lại mang trái tim của Chúa,
có đôi tay và cái nhìn của Chúa, để qua họ Thiên chúa tiếp tục yêu thương phục
vụ những anh em đồng loại, xoa dịu và trở nên tấm bánh được bẻ ra trao cho người
khác. Không chỉ muốn các linh mục mang trái tim nhân từ yêu thương của Chúa, mà
qua việc lãnh nhận tấm bánh của Chúa mỗi ngày, tất cả mọi người đều được mời gọi
làm như Chúa, là mở rộng đôi tay, là bẻ mình ra cho anh em, vì anh em, là yêu
thương như Chúa đã yêu, sống như Chúa đã sống và làm như Chúa đã làm.
Cũng
trong khung cảnh của bữa ăn chia tay này Chúa đã làm một việc hết sức bất ngờ,
Thánh Gioan đã ghi lại từng cử chỉ, từng động tác của Chúa: Ngài đứng dậy rời bàn ăn, cởi áo ngòai ra, lấy
khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu, cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, và lây
khăn thắt lưng mà lau. Một hành động thật khó chấp nhận đối với các tông đồ,
thông thừơng chỉ có nô lệ mới phải rửa chân cho chủ, vậy mà giờ đây Chúa Giêsu
đang tự mình làm điều đó trước mặt các môn đệ và rửa chân cho chính những học
trò của mình. Chúa đã cúi xuống rửa chân cho cả Giuda kẻ phản bội, cho Phêrô kẻ
chối Chúa…cử chỉ ấy là một cử chỉ tột cùng của sự khiêm nhường hạ mình, không
còn quan tâm đến thế giá địa vị của mình nữa: thày rửa chân cho trò, chủ rửa
chân cho đầy tớ. Với việc rửa chân cho các tông đồ Chúa Giêsu đã đảo lộn hoàn
toàn không chỉ quan niệm mà còn đảo lộn cả trật tự phục vụ, phục vụ không chọn
lựa. Chính vì thế mà Simon Phêrô đã phản ứng gay gắt: Thưa Thày, không đời nào như thế! Thày định rửa chân cho con sao?
Chúa đã trả lời: Việc Thày làm bây giờ
con chưa hiểu, sau này con sẽ hiểu… Ta là Chúa, là Thày mà còn rửa chân cho các
con thì các con cũng hãy rửa chân cho nhau. Hãy rửa chân cho nhau đó chính là ý nghĩa của việc làm của Chúa
Giêsu và cũng là đòi hỏi của Ngài.
Thưa
quý OBACE, Rửa chân cho nhau, Chúa muốn mỗi người chúng ta phải chấp nhận cúi
xuống để phục vụ một cách vô điều kiện, phục vụ không phải là một việc ban ơn
phân phát mà là một bổn phận đòi buộc. Hãy cúi xuống để có thể lắng nghe và
thông cảm với những đau khổ và nhọc nhằn của anh chị em mình, bao lâu chúng ta
không dám cúi xuống, không dám rửa chân cho anh em, thì chúng ta không thể
nghe, không thể nhìn thấy những đau khổ bất hạnh của anh chị em mình. Hãy cúi
xuống để phục vụ, trước hết là người cha người mẹ già trong gia đình, là những
người sinh thành dưỡng dục mình bằng sự yêu thương kính trọng, hãy cúi xuống để
yêu thương và phục vụ người chồng người vợ và con cái của mình bằng sự hy sinh
bằng sự trao ban và yêu thương đến tận cùng, hãy quan tâm đến nhau nhiều hơn,
hãy quan tâm đến hàng xóm láng giềng, những người sống bên cạnh chúng ta, hãy để
cho trái tim mình nhạy bén và nhắc bảo cho chúng ta biết phải làm gì cho nhau.
Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày, là lời mời gọi tha thiết Chúa gửi
đến cho từng người chúng ta hãy siêng năng đến với Bí Tích Thánh Thể, siêng
năng lãnh nhận, cầm lấy mà ăn để nhận
được sự nâng đỡ bổ sức và tình yêu thương của Chúa. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thày
còn là lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta chu toàn chức linh mục của mình là thờ
phượng tế tự Thiên Chúa, là dâng hy lễ mỗi ngày cùng với những hy sinh vất vả để
làm nên của lễ tôn vinh Thiên Chúa đem ơn cứu độ cho chính mình và cho gia
đình, đừng để cho công việc và sự lười biếng làm cho chúng ta quên lệnh truyền
thiêng liêng này, đồng thời cũng cầu nguyện và thông cảm cho các linh mục thừa
tác, họ là những con người yêu đuối hèn mọn đang cần đến sự nâng đỡ và cảm thông
của chúng ta.
Yêu như Thày đã yêu, sống như Thày
đã sống - đòi chúng
ta phải trở thành hiện thân của Chúa Kitô nơi trần gian này, trở thành một Kitô
khác qua đời sống và hành động yêu thương phục vụ của mỗi chúng ta, dám hy sinh
dám cho đi tất cả kể cả mạng sống của mình vì hạnh phúc của anh em, để mọi người
khi tiếp xúc với người Công giáo, họ có thể nhìn thấy và đụng chạm được đến Đức
Giêsu qua hành động yêu thương của chúng ta. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí