Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 9

LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI TÔ C

ap_20101224042956489.jpgTiệc Thánh Thể là hành vi trung tâm trong cuộc sống đức tin của Giáo Hội tiên khởi. Thánh Thể có nghĩa là Tạ ơn, Chúc tụng. Thánh Irênê viết: “Cách thức giúp người ki tô hữu chúng ta tránh khỏi bị già cỗi là hiến dâng cho Thiên Chúa lời Cảm tạ của chúng ta”. Tạ ơn  là hoàn toàn hiến dâng, từ bỏ bản thân mình, tỏ lòng tri ân với Đấng Khác và chia sẻ với Người những lương thực đích thật, đó là con đường mà Chúa Giê su đã mở ra cho chúng ta vào buổi chiều thứ Năm Tuần Thánh.

Sách Sáng Thế kí 14,18-20

Đoạn văn kể lại câu truyện Mên ki sê đê đón gặp ông Abraham, Cha các tín hữu, để dâng lên Thiên Chúa lời chúc phúc và chúc tụng. Trong bánh và rượu mà ông dâng lên, truyền thống ki tô giáo đã nhìn thấy một hình ảnh xa xa về lễ dâng của Đức Ki tô.

Thánh Vịnh 109

Israel ca ngợi ngày mà vị Vua cao cả, được Thiên Chúa đặt lên làm Chủ tể và Tư tế hoàn thành xuất sắc tất cả các chức năng giúp cho Dân Chúa được SỐNG. Đối với người ki tô hữu, đấng Thiên sai người ta mong đợi ấy chính là Chúa Giê su, đấng Thiên Chúa tuyển chọn.

Thư 1 gửi tín hữu Cô rin tô 11, 23-26

Qua bản văn nầy, thánh Phao lô nhắc lại truyền thống từ Chúa Giê su mà ngài đã nhận được và truyền lại cho Hội Thánh về biến cố xảy ra trong đêm Ngài bị nộp. Chúa Giê su đã truyền phép cho Bánh và Rượu biến thành Mình và Máu Ngài, đánh dấu Giao Ước mới và vĩnh viễn giữa Thiên Chúa và nhân lọai. Ngài còn truyền cho chúng ta phải lặp lại dấu ấy cho tới khi Ngài trở lại.

Tin mừng Lc 9,11-17

NGỮ CẢNH

Trong tin mừng Luca, phép lạ hóa bánh ra nhiều được đặt giữa trình thuật sai Nhóm Mười Hai truyền giáo (9,1-6) rồi trở về tường trình cho Chúa Giê su (9,10-11) và lời tuyên tín của ông Phê rô (9,18-21). Do đó, nó đóng một vai trò quan trọng trong việc trưởng thành đức tin của các tông đồ. Thật vậy, ngang qua phép lạ nầy và biểu tượng của nó trong tương quan với man na trong sa mạc và Thánh Thể, chúng ta có một khoa sư phạm đích thực về đức tin của các tông đồ.

TÌM HIỂU

Đám đông: câu 13, dùng từ “dân” phải được hiểu theo nghĩa rất mạnh. Còn ở đây,chỉ đơn giản là “đám đông”.

Tiếp đón họ: các môn đồ ngạc nhiện vì thấy Chúa Giê su tiếp đón họ, vì trước đó, Chúa Giê su định đem các ông đi riêng với Ngài về Bếtsaiđa (9,10b). Như thế, Chúa Giê su đã bỏ chương trình đã dự tính, và tỏ ra sẵn sàng đón tiếp đám đông. Và Ngài thực hiện cho họ điều mà Ngài đã ra lệnh cho các Tông đồ phải làm (9,1). Ngài ban cho họ, qua Lời và dấu chỉ kèm theo, lương thực mà họ đang tìm kiếm vì đói khát. Mc đã chèn vào đây suy tư của ông về đàn chiên không có mục tử (6,34).

Cho đám đông về: Chúa Giê su không chiều theo đòi hỏi của các nhóm Mười Hai; trái lại Ngài còn thách thức họ hãy tự mình kiếm cái gì cho đám đông ăn. Bằng cách đó, Ngài đưa các đi vào dự định của Ngài (x. Xh 16).

Các môn đệ làm y như vậy: các môn đệ vâng theo lệnh của Chúa Giê su nhưng không hiểu gì, giống như ông Simôn thả lưới bắt cá (5,4-5). Họ chia đám đông thành một nhóm dân có trật tự để dễ phân chia lương thực. Chúa Giê su thực hiện phép lạ nhờ sự cộng tác đó và phần đóng góp ít ỏi của họ.

Cầm lấy, chúc tụng, bẻ ra: đó là những động tác mà Chúa Giê su đã thực hiện trong bữa Tiệc li (22,19): tường thuật về bữa Tiệc li được phổ biến trong Hội Thánh sơ khai đã ảnh hưởng đến việc soạn tác bản tường thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều. Sự tương ứng ấy nói lên rằng phép lạ họa trước và loan báo bữa Tiệc li của Chúa. Và ngược lại, bữa Tiệc li nầy không thể tách rời khỏi việc chia sẻ bánh và những của cải khác giữa anh em (1Cr  11,17-34').

Bánh và Cá từ tay nhóm Mười Hai chuyển sang đôi tay Chúa Giê su. Khi chúc phúc, Chúa Giê su nhìn nhận đó là quà tặng của Thiên Chúa ban, Ngài dâng về Cha khi ngước mắt lên trời. Bấy giờ Ngài mới nhận lại từ nơi Cha, nhưng được đổi mới, và nhờ nhóm Mười Hai phân phát cho tất cả mọi người..

Trao cho: không chỉ đơn thuần có nghĩa là sự trao cho. Lương thực ngang qua đôi tay Chúa Giê su đã được hóa ra nhiều. Nhóm Mười hai tích cực kết hợp với Bữa tiệc li Xuất hành của đám dân đông đảo nầy. Vậy trong lúc ấy, tất cả họ và đám dân lại đã không trở thành dân tộc trong sa mạc lãnh nhận manna từ trời sao? Và dân ấy đã không là phiên bản có trước của Hội Thánh được nuôi dưỡng bằng Lời và Bánh, không những phát xuất từ Chúa Giê su, mà còn là chính Chúa Giê su sao? Khi làm như thế, Chúa Giê su đã ban cho nhóm Mười hai một huấn giáo giúp họ tiến triển trong đức tin; thay vì cầm giữ Chúa Giê su cho mình, họ phải chấp nhận để cho Ngài trở thành quà tặng mà Thiên Chúa gửi đến cho đám đông. Nước Thiên Chúa mà họ rao giảng lại không phải là chính Chúa Giê su tự trao ban như bánh nuôi dưỡng mọi người và từng người mà không hao hụt đi sao?

Mười hai thúng: một thúng cho mỗi ông: con số nầy, nhắc lại con số 12 chi tộc Israel, cho thấy nhóm Mười Hai có nhiệm vụ lo lương thực thiêng liêng cho Hội Thánh, dân Israel mới. Rồi chúng ta sẽ thấy họ trong ngày lễ Hiện Xuống phân phát đầy tràn Tin Mừng ơn cứu độ cho mọi người thuộc mọi ngôn ngữ qui tụ ở Giêrusalem (Cv 2). Sự tràn đầy phép lạ diễn tả sự phong phú đến dư dật ơn ban của Thiên Chúa mà các Tông đồ phân phát trong Hội thánh. Sự đóng góp mà con người thực hiện cho chương trình của Thiên Chúa không là gì cả so với quà tặng của Thiên Chúa là Chúa Giê su (Ga 4,10).

SỨ ĐIỆP

Lễ Mình Máu Thánh Chúa hôm nay mừng kính Chúa Giê su Bánh ban sự sống, Thánh Phao lô nhắc cho chúng ta rằng không phải con người đã phát minh ra Thánh lễ. nhưng đó là điều được lãnh nhận từ các tông đồ: “Tôi truyền lại cho anh em điều mà tôi đã lãnh nhận từ truyền thống của Chúa Giê su” (1Cr 11,23). Để tiếp cận mầu nhiệm nầy, chúng ta phải đi vào bản văn tin mừng hôm nay.

Đức Ki tô là bánh sự sống qua sứ điệp và Lời của Ngài: “Chúa Giê su nói về Nước Thiên Chúa cho đám đông”. Nhưng đối với Ngài, Lời có một ưu tiên hơn vì “con người không chỉ sống bằng bánh nhưng bằng mọi lời do miệng Thiên Chúa phán” (Mt 4,4). Lời ấy, không chỉ là những bài giáo huấn mà còn là những hành vi cụ thể. Khi chữa cho các bệnh nhân, Ngài nhắm đến việc cứu chữa tâm hồn; Ngài muốn giải thoát con người khỏi tội lỗi. Lời Thiên Chúa là một lời linh hoạt và đem lại hoa trái. Đó là lời giải phóng. Lời ấy đến để mạc khải cho chúng ta biết bản tính của chúng ta là con Thiên Chúa. Rồi đến dấu chỉ gợi lên một thực phẩm khác, mà Chúa Giê su đã ban cho nhân lọai buổi chiều thứ Năm tuần thánh.

 Trình thuật hóa bánh ra nhiều mà ai trong chúng ta cũng thuộc lòng vì được nghe nhiều lần. Nhưng hôm nay, chúng ta cần phải đọc kĩ. Chúng ta nhận thấy các cử chỉ của Chúa Giê su giống y như trong buổi tiệc li ngày thứ Năm tuần thánh: “Ngài cầm lấy bánh và cá, ngước mặt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ”. Đó là bốn động từ mà chúng ta gặp trong các Thánh lễ. Qua thân xác của Ngài, Chúa Giê su tự hiến làm lương thực đem lại Sự Sống đời đời. Khi tham dự vào bữa ăn đó, chúng ta được củng cố đức tin. Chúng ta tiếp nhận lương thực chữa trị những tính mê tật xấu, thân phận mỏng dòn của chúng ta.

Bài tin mừng còn ghi nhận rằng Đức Ki tô đang đứng trước một đám đông đang đói khát. Nhóm Mười hai biết rõ điều ấy, nhưng hoàn toàn bất lực. Bấy giờ Chúa Giê su ra lệnh: “Hãy cho họ ngồi lại từng nhóm năm mươi người”. Chi tiết chính xác nầy không chỉ nhắm việc tổ chức, nhưng còn gợi ý sâu xa. Chúa Giê su qui tụ những người lang thang và vô danh để làm thành một hội nhóm loan báo Giáo hội và các thừa tác vụ của Ngài. Ơn ban nầy của Thiên Chúa là một lời loan báo “Tiệc cưới của Chiên Con” vào lúc cuối thời gian. Trong ngày đó, nhân lọai được qui tụ sẽ được ngồi vào Bàn Tiệc Nước Trời. Qui tụ và liên kết trong Giáo Hội vẫn là bổn phận chính yếu đối với các môn đệ Đức Ki tô. Sứ vụ ấy đã được trao phó cho các thừa tác viên chức thánh được sai đi để trở thành những dấu chỉ và người qui tụ.

Nhưng họ không cô đơn một mình. Vì còn có cả cộng đòan ki tô hũu trợ giúp. Việc chú ý đến những người yếu đuối và nghèo khổ hơn phải là ưu tiên đối với một môn đệ Đức Ki tô. Thánh Lu ca lưu ý rằng Nhóm Mười hai phân phát bánh và cá “cho tất cả mọi người”. Đó là một thách đố nặng nề cho xã hội của chúng ta hôm nay, đang tạo nên những khoảng cách trầm trọng. Chúng ta là những người Ki tô hữu, chúng ta không thể bỏ rơi những người yếu nhất và nghèo nhất bên lề đường, bởi vì  Tin mừng được ưu tiên loan báo cho những người nghèo khổ. Họ là những người chiếm chỗ ưu tiên trong trái tim Thiên Chúa.

Sứ mạng ấy được nhấn mạnh một cách mạnh mẽ trong Chủ nhật nầy. Tác giả Tin mừng mô tả cho chúng ta hoạt động của các tông đồ: Chúa Giê su đặt họ trước trách nhiệm của mình: “Anh em hãy cho họ ăn đi! Ngài trao phó trách nhiệm tổ chức đám đông, phân phát lương thực và thu lượm những miếng vụn còn dư lại. Đó chính là vai trò của các người thợ Tin Mừng. Dấu chỉ hóa bánh ra nhiều phải được hiểu như một lời sai phái mỗi người đã được chịu phép Rửa tội ra đi thực hiện sứ mạng. Tất cả chúng ta được mời gọi trở thành những người phục vụ chứ không chỉ là người được phục vụ. Chắc chắn nhiều lúc chúng ta bị cám dỗ trốn chạy, hay biện minh rằng chúng ta không có phương tiện, rằng chúng ta không được cung ứng đủ trước nhu cầu bao la. Nhưng Chúa không ngừng đặt cho chúng ta câu hỏi: “Các con có bao nhiêu chiếc bánh?”. Và Ngài nói với chúng ta rằng điều mà chúng ta đang có thật ít nhưng cũng đủ để thực hiện những điều lớn lao. Điều kiện duy nhất là chúng ta đóng góp cho Ngài phần nhỏ bé của chúng ta.

Khi mọi người ăn xong, các môn đệ còn một việc khác phải làm là cẩn thận lượm lại tất cả những miếng bánh còn dư. Thật vậy, vẫn còn nhiều đám đông khác cần được nuôi dưỡng. Dọc suốt các thế kỉ, vẫn cần phải phân phát các ơn ban của Thiên Chúa.

Khi cử hành tiệc Thánh thể, chúng ta cùng nhau hướng về Chúa. Xin Ngài giúp chúng ta vào sâu hơn trong chuyển động dâng hiến hòan tòan chính bản thân cùng với Ngài và nhờ Ngài. Ứơc gì sự dâng hiến của chúng ta càng ngày càng xứng đáng hơn với đấng đã hiến ban chính mình cho chúng ta vì sự sống và vì vinh quang của Cha.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Trong bài đọc một, tác giả sách Sáng thế kí nói gì về Vua Mên-ki-sê-đê?

THƯA: Mên-ki-sê-đê chỉ được nhắc đến hai lần trong Cựu Ước, nhưng trở thành nhân vật quan trọng trong tâm trí những người chờ đợi đấng Messia và người Ki tô hữu.

2. HỎI: Diện mạo Mên-ki-sê-đê có gì đặc biệt?

THƯA:  Trong vài câu ngắn, tác giả sách Sáng thế đã nói đến những điều lạ lùng về ông như sau: Ông không có gia phả, ông vừa là Vua vừa là tư tế, là Vua thành Sa lem, lễ vật mà ông mang đến gồm bánh và rượu chứ không phải là thú vật, ông chúc tụng Thiên Chúa tối cao và chúc phúc cho ông Abraham nhân danh mình; và cuối cùng Abraham dâng một phần mười chiến lợi phẩn cho ông, nghĩa là nhìn nhận ông là tư tế.

3. HỎI: Mên-ki-sê-đê là hình ảnh báo trước ai?

THƯA: Chắc hẳn, diện mạo lạ lùng của Mên-ki-sê-đê cùng với lễ vật gồm bánh và rượu, đóng ấn một bữa tiệc Giao Ước, được dâng lên nhờ tay của Vua công chính và bình an, là vua thật và là tư tế thật của Thiên Chúa Tối cao cho chúng ta nhận ra hành vi của Đức Ki tô và khám phá sự liên tục trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

4. HỎI: Trong mỗi thánh lễ, chúng ta làm lại cử chỉ của Mên-ki-sê-đê như thế nào?

THƯA: Trong mỗi thánh lễ, chúng ta làm lại cử chỉ của Mên-ki-sê-đê bằng cách chúc tụng Thiên Chúa khi dâng lên lễ vật bánh và rượu: “Chúc tụng Thiên Chúa là Chú tể càn khôn, vì đã ban cho chúng con bánh và rượu nầy..”

5. HỎI: Đâu là mối tương quan giữa Bí tích Thánh Thể và phép lạ hóa bánh ra nhiều?

THƯA: Thánh Lu ca đã nhấn mạnh đến mối tương quan giữa bí tích Thánh Thể và phép lạ hóa bánh bằng cách mô tả hành vi của Chúa Giê su hóa bánh bằng những từ dùng trong lúc thiết lập bí tích Thánh Thể: “Chúa Giê su cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lển trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và ban cho các môn đệ”.

6. HỎI: Giáo huấn về Nước Thiên Chúa có liên can đến phép lạ hóa bánh không?

THƯA: Thánh Lu ca thích nhấn mạnh đến sự hài hòa giữa lời nói và hành vi. Ngài mô tả: “Chúa Giê su nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa”. Qua đó, Ngài cho thấy Chúa Giê su loan báo Nước Thiên Chúa vừa bằng lời vừa bằng hành vi. Việc hóa bánh ra nhiều được Ngài thực hiện tiếp liền sau đó. Như thế, việc hóa bánh ra nhiều cũng là Nước Trời trong hành vi, vì ban bánh cho những người đang đói đó chính là làm cho Nước Thiên Chúa phát sinh.

7. HỎI: Tại sao Chúa Giê su không chấp nhận cho giải tán dân chúng?

THƯA: Chúa Giê su không chấp nhận cho giải tán dân chúng vì một mầu nhiệm qui tụ, không phù hợp với giải pháp “mạnh ai nấy lo cho mình”. Do đó, Chúa Giê su bảo các môn đệ: “Chính anh em hãy cho họ ăn đi” (9,13).

8. HỎI: Tại sao Chúa Giê su truyền cho các môn đệ bảo người ta ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một?

THƯA: Chúa Giê su muốn cho thấy, nếu Nước Trời là một cộng đoàn, thì không phải là một đám đông ô hợp, nhưng là một đám đông có tổ chức, một cộng đoàn được sắp xếp, có trật tự.

9. HỎI: Chúa Giê su “dâng lời chúc tụng” có nghĩa là gì?

THƯA: Chúa Giê su dâng lời chúc tụng không có nghĩa là làm đọc một công thức phù phép nhưng là nhìn nhận bánh là ơn huệ Thiên Chúa ban và xin Người cho biết cách dùng để phục vụ những người đói khát.

10. HỎI: Phần chuẩn bị lễ vật trong Thánh lễ có ý nghĩa gì?

THƯA: Phần chuẩn bị lễ vật trong Thánh lễ chính là cách nhìn nhận tất cả mọi sự đều là ơn Thiên Chúa ban, còn chúng ta không phải là người chủ, mà chỉ là người quản lí, có bổn phận phải chia sẻ phân phát cho những ai cần đến.

11. HỎI: Mối tương quan giữa phép lạ hóa bánh ra nhiều và Bí tích Thánh Thể được Thánh Gioan nhấn mạnh như thế nào?

THƯA: Trong khi các tin mừng nhất lãm kể lại việc Chúa Giê su lập phép Thánh Thể vào chiều thứ năm tuần thánh, thì Thánh Gioan lại kể việc Chúa Giê su rửa chân cho các môn đệ và dạy rằng: “Điều Thầy vừa làm cho anh em, anh em cũng hãy làm cho nhau”. Như thế, có hai cách cử hành tưởng niệm Chúa Giê su không thể tách rời nhau được: không những chia sẻ Mình Máu Thánh cho nhau mà còn phải phục vụ người khác (biểu tượng qua việc rửa chân cho nhau).

12. HỎI:  Kinh Thánh nói gì về Bí tích Thánh Thể?

THƯA: Trong Kinh Thánh, chúng ta có nhiều chứng từ biện minh đầy đủ cho đức tin và sự thờ phượng của Giáo hội Công giáo trong Bí tích Thánh Thể. Đó là sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô và tính cách hy tế trong Thánh Lễ.

13. HỎI:  Đâu là lời chứng cổ nhất trong Kinh Thánh?

THƯA: Đó là đoạn 1 Cr 10,14-21. Đoạn này nói rằng như người Do Thái có hy tế của họ qua đó, khi ăn các hi vật, người ta hiệp thông với chính các hi vật đó, để được vào  trong mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa, thì cũng thế, các Kitô hữu tham dự trong Bữa Tiệc Ly của Chúa, hoàn thành một hi tế và đi vào mối quan hệ gần gũi với Chúa Kitô.

14. HỎI:  Thánh Phaolô cũng nói đến hi tế của ngoại giáo?

THƯA: Có, để tránh cho các Kitô hữu tham gia trong các nghi lễ ngoại giáo. Ngài đối nghịch hi tế ngoại giáo với hi tế Kitô giáo để khuyến dụ các Kitô hữu không nên tham gia vào các nghi thức tế thần ngoại giáo, vì họ đã có nghi thức hy tế riêng của mình  trong Bữa Tiệc Ly Thánh. Trong nghi thức này, bánh và thân mình của Chúa Kitô, trở thành một thực tế duy nhất, và những người ăn bánh Thánh Thể hiệp thông với Chúa Kitô. Bời đó, trong tấm bánh, Chúa Kitô thực sự hiện diện.

15. HỎI:  Có lời bằng chứng quan trọng nào khác của Thánh Phao lô về Thánh Thể không?

THƯA: Có, trong thư 1 Cr 11,23-29. Trong đoạn ấy, Thánh Phaolô khẳng định một cách rõ ràng hơn rằng Mình và Máu Chúa Kitô hiện diện thực sự trong bánh và rượu trong Bữa Tiệc Ly.  Ngài trách các tín hữu Côrintô vì họ hành xử một cách không xứng đáng đối với Mình và Máu Chúa. Ngài dạy rằng những ai thiếu tôn trọng đối với bánh và rượu thánh hiến là thiếu tôn trọng đối với Mình và Máu Chúa Kitô. Điều này Ngài không thể khẳng định nếu  trong bánh và rượu được thánh hiến không thực sự là Mình và Máu Chúa.

16. HỎI: Thánh Phaolô còn nói điều gì khác về văn bản này?

THƯA: Có, Ngài trách các Kitô hữu bởi vì hành vi của họ cho thấy là không có sự phân biệt giữa bánh thông thường và bánh thánh hiến. Bánh và rượu được thánh hiến không còn là Bánh và Rượu thường nữa, nhưng chính là Mình và Máu của Chúa, nơi Ngài thực sự hiện diện.

17. HỎI:  Trong đoạn thư ấy, Thánh Phao lô cũng nói thêm về bản chất hy tế của Bữa Tiệc Ly?

THƯA: Đúng. Ngài nhắc lại những lời Chúa Giêsu đã gọi chén là "giao ước mới trong máu của Thầy". Vì giao ước mới được thực hiện bởi Máu Chúa Kitô, thì những gì mà chén chứa đựng cũng phải có đặc tính hy tế của Máu Chúa Ki tô.

18. HỎI: Thánh Phao lô còn nói điều gì khác liên quan đến Bữa Tiệc Ly không?

THƯA: Ngài còn nói rằng khi ăn bánh và uống và rượu, các Kitô hữu công bố cái chết của Chúa. Tóm lại, Ngài khẳng định rằng bánh và rượu trong Bữa Tiệc Ly là một việc nhắc lại hiện thực, nghĩa là một sự làm mới lại hoặc tưởng niệm, chứ không chỉ có tính cách biểu tượng cho sự hy sinh của Chúa Kitô trên thập giá.

19. HỎI:  Ngoài Thánh Phao lô, có ai khác nói về  Bữa Tiệc Ly của Chúa không?

THƯA: Ngoài thánh Phao lô, còn có ba tác giả tin mừng đầu tiên, thường được gọi là “Nhất Lãm” kể lại Bữa Tiệc li của Chúa Giê su.

Các sách Tin Mừng thuật lại chính lời Ngài nói và lệnh Ngài truyền làm lại để nhớ đến Ngài (Mc 14, 22-24, Mt 26,26-28, Lc 22,19-20). Động từ mà Chúa Giêsu dùng trong câu: “Nầy là Mình Thầy, Nầy là Máu Thầy có một ý nghĩa hiện thực chứ không phải biểu tượng. Vì thế, qua những lời đó Mình và Máu Chúa Kitô thực sự hiện diện trong bánh và rượu được thánh hiến.

20. HỎI: Chỉ qua động từ “LÀ” trong câu: “Nầy LÀ Mình Thầy..” mà chúng ta khẳng định rằng Chúa Giêsu đem lại ý nghĩa hiện thực chứ không tượng trưng cho ​​lời Ngài nói?

THƯA: Không chỉ như thế mà còn bởi sự kiện nầy là Chúa Giêsu thốt ra những từ đó trên bánh và rượu nhất định, là những gì mà Ngài có trong tay và phân phát cho tất cả những người hiện diện. Ngài nói: “bánh này ... rượu này ...” chứ không nói bánh bất kỳ và rượu bất kì. Nếu Ngài nói: bánh là Mình Thầy, rượu là Máu Thầy, người ta có thể nghĩ rằng Ngài đã sử dụng một ngôn ngữ biểu tượng như khi Ngài nói, “hạt giống, bất kì hạt giống nào cũng là lời Thiên Chúa” (x. Lc 8 , 11). Trái lại Ngài nói “cái này”, chứ không phải cái khác, rõ ràng cho thấy rằng bánh và rượu ấy có một mối quan hệ đặc biệt, duy nhất, với Mình và Máu Người. Mối liên hệ ấy chính là sự hiện diện thật.

21. HỎI:  Nếu không phải như thế, người ta sẽ phải nghĩ như thế nào về  Chúa Giêsu?

THƯA: Người ta phải nói rằng Ngài muốn đánh lừa các môn đệ khi nói không thật. Giống như một giáo viên cho sinh viên của mình thấy một vật và nói: “đây là một miếng gỗ” nếu điều này là không đúng sự thật, thầy đánh lừa sinh viên của mình.

22. HỎI: Suy tư thần học làm thế nào để trình bày giáo lý về sự hiện diện thật?

THƯA: Thần học đã sáng tác từ “Biến bản thể” trình bày giáo lí ấy. Thuật ngữ này đã tìm cách giải thích rằng dù bánh và rượu thánh hiến vẫn hiện hiện nguyên hình như vậy đối với thị giác, vị giác, xúc giác, nhưng trong thực chất bên trong của chúng (= bản thể) không còn như thế nữa. Chúa vinh quang vẫn là chính mình, lại hiện diện trong bánh và rượu. Bằng từ “Biến Bản thể” người ta muốn cho thấy ý nghĩa thực sự của cụm từ Kinh Thánh: “Đây là Mình Thầy, đây là Máu Thầy”.

23. HỎI:  Tuy nhiên, Thánh Gioan, khi nhắc lại Bữa Tiệc Ly, không kể lại việc thiết lập Bí tích Thánh Thể?

THƯA: Thánh Gioan không kể lại việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, vì trong lần soạn thảo cuối cùng của Phúc Âm, việc cử hành Thánh Thể đã là một thực tế. Phúc âm của Ngài là một Tin mừng thần học. Ngài đưa ra cho chúng ta một suy tư sâu xa về Bí tích Thánh Thể trong diễn từ nổi tiếng của Chúa Giêsu ở Ca-phác-na-um, đó là lời hứa ban bí tích Thánh Thể (x. Ga 6,51-68).

24. HỎI:  Chúa Giêsu đã nói gì trong diễn từ ấy?

THƯA: Ngài nói những lời rõ ràng như thế này: “Quả thật, quả thật, tôi nói với anh em, nếu không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, thì không có sự sống nơi anh em, vì thịt Ta là của ăn và máu Ta là của uống”. Người Do Thái hiểu ý nghĩa thực trong những lời của Chúa Giêsu đến nỗi một số bị sốc, nghĩ rằng Ngài muốn cho người ta ăn và uống máu của mình theo nghĩa đen. Và chính Chúa Giêsu cũng không bao giờ rút lại lờiNgài đã nói theo nghĩa đen.

25. HỎI:  Và Chúa Giêsu đã cắt nghĩa điều ấy như thế nào?

THƯA: Ngài nói rằng Chúa Thánh Thần sẽ giúp cho họ hiểu biết chính xác lời nói của Ngài. Ngoài ra, Ngài muốn rằng các môn đệ của mình, dù không nhìn thấy bằng mắt sự hiện diện của Ngài trong bánh truyền phép, đã chấp nhận lời hứa của Ngài bằng đức tin.

26. HỎI:  Đâu là hậu quả của việc hóa bánh ra nhiều trên đám đông?

THƯA: Được hưởng một phép lạ cả thể như thế, đàm đông tin rằng Chúa Giêsu thực sự chính là Đấng Mê-si mà người ta mòn mõi chờ đợi qua nhiều thế kỷ. Họ chờ đợi  Ngài sẽ giải phóng dân ưu tuyển khỏi ách nô lệ của ngoại bang và thu hồi Vương quyền. Nhưng Chúa Giêsu không thể đáp ứng kì vọng chỉ có tính cách trần tục ấy, nên sau khi thực hiện phép lạ dấu chỉ của tình yêu Ngài âm thầm rút lui lên núi cầu nguyện.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên - Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IX Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IX Thường Niên - Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IX Thường Niên - Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IX Thường Niên - Nt Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi - LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IX Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IX Thường Niên_Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN IX THƯỜNG NIÊN NĂM B: DANH XƯNG “CON VUA ĐAVÍT”. M. AnhThư. OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN IX THƯỜNG NIÊN B. Nt. Maria Chinh Anh
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN IX THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     HIỆP THÔNG VÀ YÊU THƯƠNG NHƯ CHÚA BA NGÔI. Lm. Đan Vinh
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN NĂM B: BA NGÔI THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU.Lm Jos Tạ Duy Tuyền
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI. Lm. Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG TUẦN IX THƯỜNG NIÊN NĂM B: BA NGÔI TÌNH YÊU. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN IX THƯỜNG NIÊN NĂM A-Phải thực hành Lời Chúa- Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI- NHÂN DANH CHA, VÀ CON , VÀ THÁNH THẦN. Lm HK
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI. Lm Phaolo Nguyễn văn Đông