CHỦ NHẬT LỄ BA NGÔI B
Đối với nhiều người, Ba ngôi vẫn chỉ là một định nghĩa trừu tượng và cao siêu về Thiên Chúa. Thật ra thì đó là khẳng định nền tảng để chúng ta xác tín mình được mời gọi đi vào một cuộc trao đổi tình yêu không ngừng. Bởi vì Thiên Chúa độc nhất và Ba ngôi là cuộc sống tương quan không ngừng trao đổi, và chúng ta vốn là những người được tạo dựng theo hình ảnh Người, nên chúng ta chỉ tìm được ý nghĩa cuộc đời trong một sự trao đổi tương tự. Nhờ vậy mà sẽ có ngày chúng ta sẽ được dự phần vào đó trong ánh sáng hoàn tòan.
Sách Đệ Nhị Luật:
Đọan sách nầy trích từ lời di chúc của ông Mô sê nói với Dân Chúa. Qua đó Thiên Chúa tỏ ra là một vì Thiên Chúa rất KHÁC, nhưng đồng thời lại là Thiên Chúa rất GẦN. Ngay từ thời xa xưa, Sách Đệ Nhị Luật đã khẳng định rằng tương quan giữa Thiên Chúa và con người là một tương quan Tình yêu.
Thánh Vịnh 32:
Thánh vịnh nầy ca tụng vinh quang Thiên Chúa, đấng vẫn theo đuổi việc thực thi chân lí, công chính và lề luật mặc sự chống đối của những kẻ hung dữ. Ngài mạc khải Danh Người cho các tín hữu và củng cố họ sống trong niềm vui và hi vọng.
Thư Rô ma:
Thánh Phao lô dạy chúng ta cảm tạ Thiên Chúa Cha vì được lãnh nhận Thánh Thần biến chúng ta thành những người con đích thực của Cha như Chúa Giê su. Được dẫn vào cuộc sống thần linh, chúng ta không còn phải sợ hãi nữa vì được sống trong tự do thật sự. Đó chính là sự thông dự vào sự Phục sinh của Chúa Giê su.
Tin mừng Mt 28,16-20
NGỮ CẢNH
Đây là đoạn văn cuối cùng trong Tin mừng Mt. Sau khi gặp các phụ nữ ở Giê ru sa lem (28,9-10), giờ đây Đức Ki tô Phục sinh long trọng gặp gỡ với tất cả các môn đệ ở Ga li lê. Phần nầy tạo thành phản đề đối với đoạn đi trước (11-15).
Có thể đọc đoạn văn theo bố cục như sau:
1. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê su và nhóm Mười Một (16-17)
2. Tuyên bố của Chúa Giê su (18-20)
- Mạc khải về quyền năng (18)
- Lệnh truyền giáo (19-20a)
- Sự hiện diện thường xuyên (20b)
TÌM HIỂU
Ga li lê: theo lời dặn của thiên sứ và của Đức Ki tô (28,7.10) và được các phụ nữ truyền lại, các môn đệ đã đi về vùng đất mở ra thế giới ngoại giáo. Ở đó họ sẽ được nhận từ nơi Đức Ki tô sứ mạng sai họ ra đi đến “với mọi dân tộc”.
Ngọn núi: các môn đệ đã nghe lời các phụ nữ, bỏ lại phía sau kinh thành Giê ru sa lem thù địch để gặp gỡ Đức Ki tô sẽ tỏ mình trên núi. Cũng như người Híp pri đã làm khi bỏ lại Ai cập thời Xuất hành.
Trên ngọn núi nào? Tác giả không nói rõ để nhấn mạnh đến tính cách biểu tượng: đây là cuộc gặp gỡ thứ năm của Chúa Giê su trên núi: đầu tiên với Sa tan (4,8) và kế đến với các môn đệ vào những lúc quyết định cho đức tin của họ (5,1;15,29;17,1). Chúng ta đã ghi nhận nhiều điểm tương đồng giữa Chúa Giê su và ông Mô sê (các chương 5-7) trong đó “núi” là một. Tuy nhiên ở đây người ta nghĩ đến núi Nê bô hơn là núi Si nai, vì Nê bô là điểm cuối cuộc hành trình dài của Mô sê và là vọng lâu của đất hứa. Chúa Giê su đã đi vào vinh quang ngang qua sự chết, như dân của Ngài đã vượt qua sông Gióc đa nô. Ngài đã lãnh lấy mọi quyền hành không những trên Israel mà còn trên toàn thế giới. Giờ đây Ngài nối kết các môn đệ của Ngài vào trong quyền năng của Ngài.
Các ông bái lạy: x. câu 28,9. Bái lạy là cử chỉ phụng vụ diễn tả niềm tin vào Chúa Ki tô. Chúa Giê su đã đến nơi hẹn trước. Con đường của các ông dừng lại dưới chân Ngài. Các ông phủ phục trong tư thế thờ lạy Ngài.
Hoài nghi: trong toàn bộ TƯ, từ nầy chỉ được dùng có hai lần (ở đây và trong câu 14,31). Chúa Giê su thường phàn nàn về đức tin yếu kém nơi các môn đệ của Ngài (x. 6,20). Ở đây ít nhiều họ được châm chước bởi vì họ vẫn chưa hết bàng hoàng bởi cái chết của Chúa Giê su. Tâm trạng đó dể dẫn đến nghi ngờ: đây có phải là Ngài chăng? Hơn nữa trong tất cả các lần hiện ra của Chúa Giê su sau khi chết, việc nhận ra đấng Phục sinh không bao giờ là một chuyện dễ dàng. Nhóm Mười Một là và vẫn là những con người như chúng ta; tuy nhiên họ nhận lãnh một sứ mạng với những con người như thế.
Chúa Giê su đến gần: các phụ nữ đã đến gần Chúa Giê su và đã sờ Ngài (28,9). Đức Ki tô vinh quang trên núi thoát khỏi mọi ảnh hưởng của con người. Nhưng Ngài đến gần con người, như Ngài đã làm ngay từ lúc Nhập thể và tiếp tục làm như thế. Ngài vẫn luôn luôn muốn ở với họ.
Nói với các ông: có hai khẳng định: “Thầy được trao toàn quyền trên trời dưới đất”; “Thầy ở cùng anh em” khép lại lệnh truyền giảng dạy (có thể dịch là: hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy). Dịch sát chữ: “Vậy hãy đi… giáo huấn… làm phép rửa….giảng dạy họ”.
Toàn quyền: trước kia trên núi, Sa tan đã cám dỗ bằng cách đề nghị ban cho Chúa Giê su toàn quyền, một điều vốn chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi (4,8-10). Ở đây chúng ta đứng trước một khung cảnh chân lí hoàn toàn ngược lại khung cảnh dối trá ở trên. Chúa Giê su đã không chinh phục quyền hành nầy bằng sức riêng mình, nhưng đã được Cha ban cho. Thì động từ hi lạp ở đây cho thấy đây không chỉ các quyền hành mà Chúa Giê su đã có từ muôn thuở mà Ngài đã thủ đắc và đã sử dụng (9,6;21,23-37), nhưng còn chỉ quyền tối thượng mà Ngài lãnh nhận trong sự Phục sinh. Tuy nhiên Ngài không còn nói như một vị Thầy nữa, mà với uy quyền tối thượng của Thiên Chúa.
Trên trời dưới đất: hai từ nầy nối kết lại chỉ toàn thể các sinh linh tạo thành (Stk 1,1). Do đó quyền thống trị của Đức Ki tô có tính phổ quát.
Anh em hãy đi: lời sai đi truyền giáo tiếp sau sự tôn vinh Đức Ki tô là nền tảng củng cố và đảm bảo cho việc truyền giáo của Giáo Hội. Trong CƯ các trình thuật ơn gọi có tính cách cá nhân với lời sai đi trong một sứ mạng cá nhân. Ở đây, lời sai đi dành cho một tập thể. Bao gồm nhóm Mười Một mà Chúa Giê su đã biến thành thân thể của Ngài sau khi đã nuôi dưỡng bằng Lời và Mình Ngài (26, 26). Do vậy, Chúa Giê su đã không kết thúc nhiệm vụ của mình, nhưng từ nay trở đi, Ngài sẽ tiếp tục hành động ngang qua các môn đệ của Ngài vì Ngài ở với họ.
Làm cho muôn dân trở thành môn đệ: hãy làm cho mọi người trở thành môn đệ Đức Ki tô như anh em: không giống như anh em chỉ đi theo Đức Ki tô cho đến lễ Lá, mà như anh em đã đi vào trong sự mới mẻ của sự Phục sinh.
Muôn dân: trải nghiệm truyền giáo đầu tiên đã được dành riêng cho các con chiên lạc nhà Israel (10,5-6), theo hình ảnh cuộc truyền giáo của Chúa Giê su trần thế. Trái lại cuộc sai đi nầy hướng đến tất cả mọi dân tộc (không loại trừ Israel), không phân biệt, không độc quyền, theo hình ảnh của vương quốc phổ quát được giao phó cho Đức Ki tô phục sinh. Giáo Hội sẽ không ngừng sống theo lệnh truyền nầy.
Làm phép rửa cho họ: phép rửa của Chúa Giê su trong sông Gióc đa nô, là cửa ngỏ dẫn người Híp pri vào đất hứa, là lời loan báo trước về sự dìm mình trong cái chết, được Ngài gọi là phép rửa của Ngài (x. Mc 10,38) và đã đưa Ngài đạt tới trong vinh quang. Một khi đã sống lại, Đức Ki tô truyền lệnh cho các môn đệ làm phép rửa trong Thánh Thần (3,11). Nghi thức khai tâm và đi vào cộng đoàn ki tô giáo nầy đưa những ai muốn làm môn đệ của Đức Ki tô vào trong sự chết-sống lại của Ngài.
Người làm phép rửa và người được rửa, cả hai đều được đưa vào trong năng động của Thánh Thần và tạo thành phần tử của Giáo Hội.
Nhân danh Cha..: công thức độc nhất trong TƯ để diễn tả đức tin trong điều mà sau nầy sẽ được gọi là mầu nhiệm Ba Ngôi. Mt đã lấy lại từ thói quen sử dụng trong các cộng đoàn thời của ông. Có lẽ ở thời đầu người ta rửa tội nhân danh Chúa Giê su (Cv 2,38). “Nhân danh” diễn tả khởi đầu một liên kết cá nhân và mới mẻ với một ai đó.
Ngang qua công thức nầy Đức Ki tô phục sinh đặt ba Ngôi Thiên Chúa trên cùng một bình diện. Việc qui chiếu đến Ba Ngôi dần dần trở thành bắt buộc để trung thành với việc đọc lại để đào sâu Tin mừng trong đó nói đến sự tỏ hiện của Thiên Chúa trong phép rửa của Chúa Giê su (3,16-17), giáo huấn của Chúa Giê su về Cha (7,21;10,32..), về Con (11,27;17,5;21,37) và về Thánh Thần (10,20;12,28). Và như thế câu công thức phép rửa nhắc lại việc tuyên xưng đức tin của người được rửa tội trong Thiên Chúa Ba Ngôi được Chúa Giê su mạc khải.
Dạy bảo họ: việc giáo huấn được liên kết với phép rửa. Ở đây chúng ta chờ đợi trình tự đảo ngược: trước tiên phải có giáo huấn dẫn đến đức tin, rồi mới có phép rửa. Nhưng bổn phận giáo huấn phải đi trước (dạy dỗ) và theo sau phép rửa. Đối với Mt được rửa tội để được cứu độ là chưa đủ. Còn cần phải học một cách sống theo Tin mừng và các giới răn của Chúa Giê su đã mang lại cho Mười điều răn những phần khai triển mới (các chương 5-7). Không được huỷ bỏ nhưng phải tiếp nhận tất cả.
Thầy ở cùng anh em: khi truyền cho các môn đệ các lời nầy, Đức Ki tô đã đưa lời hứa của Thiên Chúa xuyên suốt CƯ kể từ Xh 3,12 đến chổ hoàn thành quyết định. Đấng Phục sinh không ở bên ngoài hay bên cạnh, mà trong cuộc sống hiệp thông với thân thể sống động của mình. Các ông không cô đơn, không bị bỏ mặc cho sức lực riêng mình: Đức Ki tô giao cho họ quyền năng của Ngài khi trao ban cho họ các quyền cần thiết (9,8). Ngài sẽ là một với họ. Và đây là cách lặp lại danh Chúa Giê su: “Emmanuel” (1,23).
Anh em: bao gồm toàn thể Giáo Hội, nhóm Mười Một, và tất cả các cộng tác viên và các môn đệ, cùng với các đồ đệ của môn đệ của họ. Ngày nay, từng người chúng ta phải nhận ra mình trong từ “anh em” nầy, phải tháp nhập bản thân mình trong thân thể Giáo Hội của Đức Ki tô, và trong Ba Ngôi qua trung gian của Ngài. Được kết hợp như thế với Đức Ki tô và nhờ Ngài với Thiên Chúa Ba Ngôi, cả chúng ta nữa cũng sẽ được sai đi “vào thế gian để chiêu tập môn đệ”.
Như thế, toàn thể Giáo Hội cuối cùng được thiết lập để phục vụ Vương quốc. Trong lời hứa nầy, cũng như lời hứa với ông A bra ham và vua Đa vít (1,1-16), luôn có bảo đảm rằng Đức Ki tô hiện diện với những người được kết hợp trong danh của Ngài (18,20), với những người mà Ngài gọi là anh em (28,10). Sự bảo đảm của lời hứa được củng cố bởi sự kiện Chúa Giê su luôn thực hiện những gì Ngài đã hứa.
RAO GIẢNG
Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Các thần học gia luôn cố gắng tìm cách đưa ra một định nghĩa có thể hiểu được, nhưng điều quan trọng đối với chúng ta hôm nay, là Thiên Chúa chúng ta là một đấng đã can thiệp vào đời sống của con người. Một đấng đã đi vào và luôn hiện diện trong lịch sử.
Bài đọc thứ nhất nói về sự can thiệp của Thiên Chúa vào đời sống dân Ngài trong kiếp nô lệ nơi đất khách. Thiên Chúa đã chọn một người, ông Mô sê để dẫn đưa dân Ngài ngang qua sa mạc tiến về Đất hứa. Ngày hôm nay, dân tộc ấy được mời gọi ý thức xemvào thời xa xưa có một điều gì lớn lao như thế không ? Ngày hôm nay, hãy nhận biết Ngài trong tâm hồn: Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, Ngài ngự trên cao và hiện diện ở dưới đất nầy. Ngoài Ngài không có một thần linh nào khác.
Với việc Chúa Giê su đến trần gian, không chỉ dân Ít ra ên được kêu gọi vào ơn Cứu độ, mà tất cả mọi người trên toàn thế giới và khắp mọi thời. Tất cả các sách Tin mừng cho chúng ta thấy Chúa Giê su gọi Thiên Chúa là ‘Cha’ ; Ngài cũng nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa cũng là Cha chúng ta, một người Cha yêu thương từng đứa con của mình và muốn tất cả được cứu độ. Chúng ta hãy nhớ đến thái độ hồ hởi tiếp đón mà người cha dành cho đứa con trai hoang đàng khi nó trở về nhà. Dù chìm trong đáy vực thẳm tội lỗi, người con ấy cũng được đón tiếp như một người con, và sẽ tìm lại chổ đứng của một người con trong gia đình.
Suốt ba năm dài, Chúa Giê su đã loan bào Tin mừng ấy. Khi kết thúc sứ mạng. Ngài kêu gọi các tông đồ và hẹn gặp các ông ở Ga li lê. Đó là điều mà chúng ta được nhắc lại trong bài tin mừng hôm nay. Một cuộc hẹn hò đầy biểu tượng. Ga li lê là một nơi vãng lai, là ‘Ngã tư quốc tế’. Đó là nơi người nước ngoài qua lại như đi chợ. Chi tiết ấy đem lại một sứ điệp quan trọng. Các tông đồ không còn chỉ được sai đến với những người tín hữu, mà còn đến với các dân ngoại, với tất cả những người không biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ và đến để cứu thoát họ.
Điều đó đáng cho chúng ta tự hỏi: chúng ta gán cho Giáo Hội hôm nay khuôn mặt nào ? Có phải chúng ta chỉ ở giữa người ki tô, giữa những người có cùng một xác tín. Dĩ nhiên thực trạng ấy đem lại cho chúng ta một cuộc sống an toàn hơn, nhưng như thế chúng ta còn ở xa điều mà Chúa Giê su đòi hỏi. Vậy thì hãy nhớ lại lời Ngài nói rõ ràng trong bài tin mừng nầy: « Hãy đi khắp muôn dân, và thu tập môn đồ ». Chắc hẳn không phải ra đi chinh phục thế gian hay hoán cải bằng sức mạnh. Điều duy nhất đòi hỏi nơi chúng ta đó là làm chứng nhân, không sợ hãi nói lên niềm hi vọng trong tâm hồn. Phần còn lại không phải là việc của chúng ta nhưng là việc của Thiên Chúa.
Các tông đồ đã đi rao giảng. Họ đã loan báo Tin mừng. Nhưng đã có một ai đó đi trước họ và hoạt động trong tâm hồn những người nghe họ và nhìn họ sống: đó là Chúa Thánh Thần. Chính nhờ Ngài mà lời chứng các thánh Tông đồ đã có thể sinh hoa trái nhanh chóng như thế.
Tin mừng Thánh Mát thêu nhắc lại một lệnh truyền rõ ràng: « Anh em hãy rửa tội họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần ». Lời tin mừng đó chắc đã vai mượn từ một công thức phụng vụ đang thịnh hành trong cộng đoàn Ki tô giáo. Đó chính là hệ luận từ ý thức rằng Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thánh, rằng Thiên Chúa là tình yêu: nhờ phép rửa, chúng ta đã được dìm xuống trong Ba Ngôi, nghĩa là trong Tình yêu.
Trên đây là một vài điều có thể nói về Ba Ngôi. Rất nghèo nàn và rất hạn chế bởi vì không một lời phàm nào có thể nói hết về thực tại kì diệu của Thiên Chúa. Điều quan trọng hơn hết là cần hướng về Thiên Chúa là tình yêu, là đón nhận tình yêu và làm chứng cho tình yêu ấy nơi tất cả những người sống chung quanh chúng ta.
Lời chứng ấy không dễ dàng. Trong cuộc sống chúng ta, có những lúc hồ nghi. Chúng ta phải đương đầu với cả một thế giới dửng dưng. Một vài nghi lễ tôn giáo thực sự không phải là lời chứng đức tin. Thường có một khoảng cách giữa điều mà Giáo Hội đề ra và điều mà người ta đòi hỏi. Tất cả những khó khăn đó là có thực. Các Tông đồ đã biết, nhưng họ đã dấn thân làm chứng cho đến tử đạo. Họ luôn luôn tin tưởng vì họ nhớ lời hứa của Chúa Giê su: « Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế ».
Chúa Giê su cũng ở với chúng ta vì chúng ta qui tụ nhân danh Ngài. Ngài tin cậy vào lời chứng của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta có thể nói hoặc làm sẽ luôn luôn rất thiếu sót đối với những điều kì diệu của Thiên Chúa. Nhưng đừng bao giờ quên rằng chính Ngài làm cho lời chứng của chúng ta mang lại hoa trái. Khi cử hành Thánh Thể, chúng ta hướng về Thiên Chúa là tình yêu và chúng ta cầu xin Ngài giữ gìn chúng ta luôn được khiêm nhường và sẵn sàng trả lời khi Ngài mời gọi chúng ta.
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Kinh Thánh đã mạc khải Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào?
THƯA: Cách giáo dục của Thiên Chúa về Mầu nhiệm của Ngài được thực hiện qua hai giai đoạn: Thời Cựu Ước, vì dân Thiên Chúa sống trong môi trường đa thần, nên mục tiêu của mạc khải là dạy họ biết Thiên Chúa là Thần Linh Độc Nhất. Đến thời Tân Ước, Thiên Chúa tiếp tục tỏ cho biết đấng Thiên Chúa độc nhất ấy không cô đơn nhưng hiệp thông tình yêu giữa Ba Ngôi.
2. HỎI: Sách Đệ nhị luật (Bài đọc 1) là sách gì ?
THƯA: Đệ nhị luật là một trong những cuốn sách quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn trong Thánh Kinh Cựu Ước. Nội dung chính của sách là ba diễn từ của Môsê nói với dân Israel trước khi họ qua sông Giođan tiến vào Đất Hứa. Mục đích là để củng cố niềm tin của dân vào Thiên Chúa và kêu gọi họ trung thành với giao ước đã ký kết với Thiên Chúa.
3. HỎI: Bài đọc một cho ta biết gì về Thiên Chúa ?
THƯA: Bài sách Đệ Nhị luật không đưa ra một định nghĩa hay mô tả trừu tượng nào về Thiên Chúa, mà chỉ nêu lên những công việc Ngài thực hiện cho loài người: Ngài tạo dựng loài người, đã nói với dân Ngài, đã chọn lựa và giải phóng dân Ngài, đã ban cho họ các giới răn, và cuối cùng là đất hứa.
4. HỎI: Huấn giáo về Thiên Chúa được ban cho dân Ít ra ên như thế nào?
THƯA: Đó là huấn giáo theo từng giai đoạn tùy khả năng tiếp nhận của dân. Trong giai đoạn giáo dục đầu tiên của Thiên Chúa Ngài dạy rằng: ‘trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa’ (Đnl 4,39). Qua đó, Ngài tỏ cho dân biết rằng: không có Thần Linh nào trên trời, dưới biển, Thần các đạo binh và Phong nhiêu như dân ngoại thờ lạy. CHỈ có Thiên Chúa độc nhất là Thiên Chúa.
5. HỎI: Như thế, Thiên Chúa của Ít ra ên là đấng nào?
THƯA: Lạ lùng là Kinh thánh không có một định nghĩa hay mô tả nào về Thiên Chúa, mà chỉ kể lại những việc kì diệu mà Thiên Chúa đã làm cho loài người và cho dân Ngài.
6. HỎI: Đó là những việc gì?
THƯA: Đó là việc Thiên Chúa tạo dựng loài người (c. 32), Thiên Chúa đã nói với loài người (c. 33), Thiên Chúa đã chọn và giải thoát dân Ngài (c.34), Thiên Chúa đã ban Mười điều răn như phương thế để đạt được hạnh phúc (c. 40), và cuối cùng là Thiên Chúa đã ban cho Dân Ngài đất hứa (c.40).
7. HỎI: Tại sao gọi đó là những điều kì diệu?
THƯA: Điều kì diệu ở đây là Thiên Chúa đã mạc khải bản thân Ngài hoàn toàn khác biệt với những gì người ta có thể tưởng tượng. Trong khi người ta chờ đợi Thiên Chúa cho thấy quyền năng vô song của Ngài, thì Ngài lại cho thấy một vì Thiên Chúa nói với loài người, chọn cho mình một dân tộc, quan tâm chăm sóc và nhiều lần can thiệp bảo vệ họ, ban cho họ một đất hứa, tiết lộ những bí quyết đem lại một cuộc sống hạnh phúc
8. HỎI: Điều kì diệu nhất là gì?
THƯA: Trong những điều kì điệu mà Thiên Chúa thực hiện thì điều kì diệu nhất là việc Ngài mạc khải Danh Ngài và cho biết Ngài chính là Thiên Chúa luôn hiện diện ở giữa dân Ngài để bảo vệ họ.
9. HỎI: Để bảo vệ họ thôi sao?
THƯA: Bước đầu họ được dạy rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của riêng Ít ra ên. Dần dần Thiên Chúa hướng dẫn họ khám phá ra rằng họ được chọn lựa không phải để tiêu diệt, mà là để phục vụ và đưa các dân tộc khác về với Ngài.
10. HỎI: Với Chúa Giê su, mạc khải về Thiên Chúa đã diễn ra như thế nào?
THƯA: Với Chúa Giê su, mạc khải về Thiên Chúa đã hoàn tất. Với những giáo huấn còn ghi lại trong các sách tin mừng, Ngài dạy cho chúng ta về Thiên Chúa Ba Ngôi.
11. HỎI: Bài đọc 2 và bài tin mừng nhắc chúng ta điều gì?
THƯA: Bài đọc 2 và bài tin mừng nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không phải là những nô lệ sống trong sợ hãi, nhưng là những người con thuộc gia đình của Thiên Chúa, vì Ngài đã dựng nên chúng ta giống hình ảnh Ngài.
12. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng như thế nào?
THƯA: Bài tin mừng (Mt 28, 16-20) là đoạn cuối cùng trong Tin mừng Mt dành để ghi lại những lần hiện ra của Đức Ki tô phục sinh. Sau trình thuật ngôi mộ trống (28,1-8), và gặp các phụ nữ ở Giê ru sa lem (9-10), giờ đây Đức Ki tô Phục sinh long trọng gặp gỡ với tất cả các môn đệ ở Ga li lê. Phần nầy tạo thành phản đề đối với đoạn đi trước (11-15).
13. HỎI: Tại sao Chúa Giê su chọn Ga li lê làm nơi qui tụ các môn đệ?
THƯA: Lúc bấy giờ, Ga li lê được gọi là ngã tư gặp gỡ các dân tộc. Nếu Chúa Giê su chọn nơi ấy để qui tụ các môn đệ trước khi về trời, chính là để sai họ đến các dân ngoại.
14. HỎI:Tại sao Chúa Giê su hẹn gặp các môn đệ trên một ngọn núi?
THƯA: ‘Núi’ trong tin mừng Mát thêu có nghĩa biểu tượng (x. 5,1;15,29). Ở đây cũng thế, núi là một địa điểm tiêu biểu cho mạc khải. Trong Kinh Thánh, núi thường là nơi tốt nhất để gặp gỡ Thiên Chúa.
15. HỎI: Các ông ‘bái lạy’ Ngài có nghĩa gì (c.17)?
THƯA: Các ông ‘bái lạy Chúa Giê su’ vì đã nhận biết Ngài là Thiên Chúa, đó là điều mà trước khi Chúa Giê su phục sinh, các ông không thể đạt tới.
16. HỎI: Tại sao lúc ấy ‘còn có kẻ hoài nghi’(c.17)?
THƯA: Nỗi hoài nghi ở đây không phải của một vài môn đệ trong biến cố đã qua, nhưng là sự hoài nghi của cộng đoàn Mát thêu đã bị lời của Đấng Phục sinh đánh đổ.
17. HỎI: ‘Quyền’ (c.18) của Chúa Giê su là quyền gì?
THƯA: Đó là quyền Chủ tể (quyền Chúa) trên mọi tạo vật và làm Quan Án cánh chung mà Thiên Chúa ban cho Ngài qua cuộc Phục sinh. Quyền ấy tối thượng, sung mãn, phổ quát bào trùm toàn thể vũ trụ (x. Đn 7,14).
18. HỎI: Lời huấn thị của Chúa Giê su (cc.19-20a) gồm những điều gì?
THƯA: Gồm ba điều chính yếu: thâu nạp môn đề khắp muôn dân, làm phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, và giảng dạy họ tuân giữ những gì Ngài đã truyền cho các môn đệ.
19. HỎI: Công thức ‘Nhân danh Cha..’ xuất hiện ở đâu ?
THƯA: Chỉ có ở đây trong toàn bộ TƯ công thức ‘Nhân danh Cha..’ để diễn tả đức tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi. Mt đã lấy lại từ thói quen sử dụng trong các cộng đoàn thời của ông. Có lẽ ở thời đầu người ta rửa tội nhân danh Chúa Giê su (Cv 2,38). “Nhân danh” diễn tả khởi đầu một liên kết cá nhân và mới mẻ với một ai đó.
20. HỎI: Công thức ấy có nghĩa gì?
THƯA: Ngang qua công thức nầy Đức Ki tô phục sinh đặt ba Ngôi Thiên Chúa trên cùng một bình diện như nhau. Việc qui chiếu đến Ba Ngôi dần dần trở thành bắt buộc để trung thành với việc đọc lại để đào sâu Tin mừng trong đó nói đến sự tỏ hiện của Thiên Chúa trong phép rửa của Chúa Giê su (3,16-17), giáo huấn của Chúa Giê su về Cha (7,21;10,32..), về Con (11,27;17,5;21, 37) và về Thánh Thần (10,20;12,28). Và như thế công thức phép rửa nhắc lại việc tuyên xưng đức tin của người được rửa tội trong Thiên Chúa Ba Ngôi được Chúa Giê su mạc khải.
21. HỎI: Lời hứa cuối cùng là lời hứa gì?
THƯA: Cũng như Thiên Chúa đảm bảo hiện diện với toàn dân của Người, Chúa Giê su cũng hứa sẽ ở cùng các môn đệ mình như thế. Ngài là ‘Em ma nu ên, Đấng Thiên Chúa ở cùng chúng ta’ (1,23) sẽ ở bên các môn đệ Ngài mọi nơi mọi lúc để giúp đỡ ủi an, khuyến khích, mời gọi và không ngừng dõi theo hoạt động của họ.
22. HỎI: Lễ Ba Ngôi muốn chúng ta suy niệm về điều gì?
THƯA: Lễ Ba Ngôi muốn chúng ta suy nhiệm chương trình cứu độ đầy tình thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha tạo dựng, Thiên Chúa Con Cứu chuộc và Thiên Chúa Thánh Thần thánh hóa. Ba Ngôi hành động khác nhau nhưng theo một mục tiêu duy nhất là làm cho tất cả mọi người được chia sẻ sự sống đời đời và hạnh phúc bất tận của Ba Ngôi.
23. HỎI: Câu nào trong bài tin mừng tóm tắt các mầu nhiệm ấy?
THƯA: Đó là lệnh truyền của Chúa Giê su cho các môn đệ: “Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”
24. HỎI: Mầu nhiệm Ba Ngôi và bí tích Rửa tội có liên quan với nhau không?
THƯA: Có liên quan mật thiết. Bí tích Rửa tội là mạc khải đầu tiên và nền tảng mầu nhiệm Ba Ngôi, vì nhờ đó, Ba Ngôi Thiên Chúa đến ngự nơi người tín hữu, biến đổi họ thành con cái của Ngài, và giúp họ nhận biết tình yêu Ba Ngôi.
25. HỎI: Vậy người tín hữu phải sống như thế nào để đáp lại tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa?
THƯA: Người tín hữu phải gắn bó với Ba Ngôi hằng hiện diện trong tâm hồn bằng cách thực hành tất cả những gì mà Đức Ki tô đã truyền dạy. Như thế, giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và người tín hữu luôn có một cuộc đối thoại thân tình trong suốt cuộc sống.
26. HỎI: Kinh thánh có dùng kiểu nói “Thiên Chúa Ba Ngôi” không?
THƯA: Kinh thánh không bao giờ dùng kiểu nói Thiên Chúa Ba Ngôi, mà chỉ nói đến Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Như trong thư thứ 1 Cô rin tô 13,13 chúng ta đọc được: “Ân sủng của Chúa Giê su Ki tô Chúa chúng ta, tình yêu của Thiên Chúa và sự hiệp thông của Thánh Thần ở với tất cả anh chị em”.
27. HỎI: Nơi nào trong Kinh thánh cho biết Thiên Chúa là Ba Ngôi khác biệt không?
THƯA: Có.Tin mừng Ga 14,16-17 cho ta thấy Chúa Giê su cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha xin ban Thánh Thần cho các môn đệ của Ngài: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người ban cho anh em một Đấng Bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”. Câu trên cho thấy có Ba Đấng (Ngôi) khác biệt.
28. HỎI: Nơi nào trong Kinh thánh cho biết Ngôi Cha, Con và Thánh Thần là Thiên Chúa?
THƯA: Tin mừng Gioan 6, 27 cho ta biết Ngôi Cha là Thiên Chúa. (X. Rm 1,7; 1 Pr 1,2). Tin mừng Ga 1,1 cho ta biết Ngôi Con là Thiên Chúa: “Ngôi Lời là Thiên Chúa”. (x. Rm 9,5; Cl 2,9; Hr 1,8; 1 Ga 5,20). Cv 5,3-4 cho ta biết Ngôi Ba là Thiên Chúa: “Sao anh lừa dối Thánh Thần.. lừa dối Thiên Chúa? (X. 1 Cr 3,:16 (X. Ga 14,16-17; Cv 2,1-4).
29. HỎI: Chúng ta có những tương quan nào với Ba Ngôi Thiên Chúa không?
THƯA: Có ba tương quan. Tương quan thứ nhất là chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Nếu luôn nhớ sự thật ấy, chúng ta sẽ cố gắng sống thánh thiện, không làm gì hoan ố hình ảnh mà Thiên Chúa đã thương tạo dựng nơi chúng ta.
30. HỎI: Tương quan thứ hai với Ba Ngôi Thiên Chúa là gì?
THƯA: Tương quan thứ hai với Ba Ngôi Thiên Chúa là được thánh hóa trong phép Rửa tội. Nhân danh Ba Ngôi, chúng ta đã được Rửa tội, được lãnh nhận ấn tích tái sinh để mãi mãi thuộc về Ngài.
31. HỎI: Tương quan thứ ba với Ba Ngôi Thiên Chúa là gì?
THƯA: Tương quan thứ ba với Ba Ngôi Thiên Chúa là được trở thành đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, nhờ ơn sủng của Ngài trong tâm hồn chúng ta.