Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 10

CHỦ NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN C

NUSCA41ZVYYCAAV49Y6CA57IP0CCAYBSW1ICAHJ0IE8CA8VVQANCA0V0OSSCA5BJT7YCA2VYQ7XCA704HTUCAC60ZUPCAQ4PUO7CA8YBQGWCAI36A28CARIGUA0CAQH7GONCAAK089KCA5UERURCA0NWF2I0.jpgMột Lời mang lại sự sống thật. Đó chỉ có thể là Lời của Thiên Chúa. Êlia chỉ là người của Thiên Chúa, bị dân mình khước từ, đã chạy đến Sarépta đem hồng ân Thiên Chúa đến cho dân ngoại. Chính Đức Ki tô mới thật sự là Lời của Thiên Chúa mang đến sự sống thật cho những ai tin vào Ngài. 

1 V 17, 17-24

Vào thế kỉ thứ 9 trước Công Nguyên, vua Ít ra ên bỏ đức tin cha ông để bắt tay với dân ngoại. Bấy giờ tiên tri Êlia được sai đến để cảnh giác nhà vua và dân chúng, nhưng đã bị khước từ và bị truy đuổi. Ông chạy đến Sarépta và được một người góa phụ ngoại đạo cho ở nhờ. Ở đó, ông đã làm một phép lạ phục sinh con trai bà góa để cho thấy tình thương của Thiên Chúa đối với mọi người.

Gl 1, 11-19

Trong đoạn thư Galata nầy, thánh Phao lô cho thấy sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại là một hồng ân lớn lao mà ngài đã lãnh nhận từ chính Chúa Giê-su Ki-tô, nên ngài hết sức trân trọng và xuất sắc chu toàn. 

Lc 7, 11-17

Sau trình thuật chữa lành người nô lệ của viên đại đội trưởng (7,1-10), cũng được thánh Mát thêu kể lại (Mt 8,5-13), Lu ca viết tiếp câu truyện phục sinh con trai bà góa thành Nain từ tài liệu của riêng ông.

Một trong cách soạn thảo Tin mừng độc đáo của Luca là ông thường ghép hai trình thuật theo thế đối nhau để độc giả có thể chiêm nắm mầu nhiệm từ nhiều khía cạnh khác nhau. Như đầu chương 7 chúng ta thấy: một người đàn ông và nô lệ của ông gần chết đối lại một người phụ nữ và con trai bà đã chết; một lời cầu xin và một đức tin phải chịu thử thách đối lại sự im lặng của đau khổ; một vài người ngoại đối lại với một vài người do thái.

Nain: Ngôi làng ngày nay vẫn còn, không xa núi Ta bo rê.

Đám đông: Hai đám đông đi ngược chiều và gặp nhau: một đi vào thành, một đi ra; một qui tụ quanh Chúa Giê su, còn đám đông kia đi theo người chết.

Một bà góa: Bà góa nầy chỉ có một đứa con trai và đã chết. Chi tiết ấy nhắc độc giả nhớ lại bà góa Sarépta cũng có đứa con trai duy nhất chết, nhưng được tiên tri Êlia phục sinh (1 V 17, 17-24). Theo Luca, thì Chúa Giê su chính là Êlia mới (x. 9,8).

Chúa chạnh lòng thương: được dịch từ tiếng hi lạp diễn ta một cảm tình thương xót mạnh mẽ, sâu xa, một mối yêu thương phát xuất từ tận cõi lòng. Người ta cũng tìm thấy từ nầy trong bài ca Dacaria (1,78), được dịch là “đầy lòng trắc ẩn”. Thánh Luca thường dùng từ ấy như trong câu 10,33 để diễn tả lòng thương xót của người Sa ma ri đối với người bị nạn; hay trong câu 15,20 để nói về lòng thương của người Cha đối với người đứa con trai hoang đàng.

Hãy trỗi dậy: đây là một trong hai động từ mà các tin mừng thường dùng để chỉ sự phục sinh của Chúa Giê su (9,22;24,34). Vì thế có thể dịch là “Hãy sống lại”.

Chúa Giê su trao anh ta cho bà mẹ: cũng những từ nầy được dùng trong câu turyện Êlia phục sinh con trai bà góa Sarépta. Việc so sánh nầy được xác định bởi câu 16 kể lại lời của đám đông: “Một tiên tri lớn (như Êlia) xuất hiện giữa chúng ta”(cũng một động từ ở c.14 và c.1,69).

Mọi người tôn vinh Thiên Chúa: hai đám rước cuối cùng qui tụ thành một đoàn dân duy nhất để ca tụng Thiên Chúa vì Chúa Giê su: “Một tiên tri lờn đã xuất hiện giữa chúng ta”. Trình thuật nhằm so sánh người thanh niên với Chúa Giê su đồng thời cho thấy hai đám đông qui tụ lại thành một.

Trình thuật nầy có nhiều ý nghĩa: trước hết, sự phục sinh con trai bà góa Nain báo trước sự phục sinh của Chúa Giê su. Thứ đến, trình thuật trước (7,1-10) loan báo việc Ngài chuyển hướng sang dân ngoại: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít ra ên, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế”. Trong câu chuyện nầy, bà góa thánh Nain chỉ có thể là hình ảnh Ít ra ên mất hết mọi hi vọng khi khước từ Đấng Messia của mình, nhưng rồi được ban lại qua sự phục sinh. Tin mừng lan rộng trong toàn vùng Giu đêa (= Ít ra ên ) và trong khắp vùng (= dân ngoại) nối kết hai dân tộc thành một.

SỨ ĐIỆP

Thiên Chúa là đấng làm cho chúng ta được sống lại.

Các bài đọc chủ nhật nầy loan báo cho chúng ta một tin mừng: Thiên Chúa chúng ta là “Đấng làm cho sống lại”. Sách các Vua (bài đọc thứ nhất) kể lại câu turyện con trai bà góa thành Sarépta. Bà nầy đã chấp nhận cậy dựa vào đức tin của Êlia. Dù chỉ còn có một nắm bột và một ít dầu, thế nhưng Bà cũng đã cho tiên tri trọ tại nhà mình. Khi tiếp đón ông vào nhà, bà đã cứu sống ông. Nhưng khi con trai bà góa nầy vừa qua đời, thì bà lại nghĩ rằng sự hiện diện của tiên tri Êlia gây ra cái chết đó. Phần tiếp sau câu truyện chúng ta đã biết: lời cầu của Êlia và đứa con trai được sống lại.

Trong tin mừng, chính Chúa Giê su đến thành Na in. Ngài gặp một đám tang một bà góa đưa con mình về nơi an nghĩ cuối cùng. Chứng kiến nỗi đau khổ tột cùng của bà, Chúa Giê su  không sao cầm được cảm xúc dâng trào trong tâm hồn chạnh lòng thương xót. Ngài là Đấng tự trở nên gần gủi tất cả mọi khổ đau của con người. Sự can thiệp của Ngài đã có kết quả, đem lại sự phục sinh cho người thanh niên. Tất cả mọi người đều hết sức ngỡ ngàng và dâng lời ca tụng Thiên Chúa.

Ngang qua hai câu truyện đó, chúng ta khám phá ra một Thiên Chúa đã nhìn thấy sự khốn cùng của dân Ngài và Ngài đang hành động. Người thanh niên chết, đó chính là toàn thể nhân loại, đó chính là mỗi người trong chúng ta. Người mẹ, đó chính là Giáo Hội Chúa Giê su Ki tô. Chính Đức Ki tô tiếp tục đến gặp chúng ta. Ngài luôn luôn hành động, luôn hiện diện ngày hôm nay cũng như ngày xưa. Ngài nhìn thấy hết mọi chệt hướng của xả hội đương thời, sử dụng bạo lực và mọi phương tiện để làm giàu. Các gia đình tan rã. Ngài nhìn thấy mầm móng sự chết đang phát sinh và lớn mạnh và ngự trị trong nhân loại cũng như trong từng người. Chính nó làm suy yếu để rồi cuối cùng tiêu diệt sự sống của Thánh Thần.

Hằng ngày chúng ta nhìn thầy sức mạnh của sự dữ và sự sống hiện diện trước mắt chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ mình khỏi sức mạnh lôi cuốn ấy, phải tránh xa và phải hành động để loại trừ. Nhất là chúng ta phải mở lòng đón nhận sức sống mạnh mẽ bằng cách tạ ơn Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ những đứa con bệnh tật của mình. Chúng ta đang ở trong tháng kính Thánh Tâm Chúa Giê su. Tháng nầy nhắc chúng ta nhớ tình yêu mãnh liệt của Chúa Giê su đối với thế gian. Cùng với Ngài, chúng ta đi vào thời đại “Lòng thương xót đối với tất cả mọi người”.

Chúng ta không quên trong ngày Phục sinh, Chúa Giê su đã ra khỏi mồ, đã chiếtn thắng tội lỗi và sự chết. Với Ngài, sự ác không thể là tiếng nói cuối cùng:  vì sự sống đã chiến thắng. Đức Ki tô muốn nối kết tất cả chúng ta vào trong chiến thắng của Ngài. Ngài tiếp tục hiện diện trong thế giới chúng ta bằng Thánh Thần và bí tích của Ngài. Bằng cách đó Ngài không ngừng đến với chúng ta để củng cố và ban sự sống cho chúng ta.

Bài tin mừng cho chúng ta thấy quyền năng phục sinh của Chúa Giêsu có thể ban lại sự sống cho tất cả mọi người và mọi sự. Ngài có thể ban lại sự sống cho người những người trẻ hôm nay đang trượt dài trên những con đường tội lỗi. Ngài có thể phục sinh chồng hoặc vợ đã phản bội bạn mình. Ngài có thể hồi sinh tổ ấm mà người ta chưa yêu thương bằng tình yêu chân thật. Nơi nào tội lỗi đầy tràn, nơi đó tình yêu càng chan chứa. Ngài cho thấy chính tình yêu chứ không phải sự dữ sẽ có tiếng nói sau cùng.

Giáo hội chính là bà mẹ mà chúng ta được giao phó. Bà mẹ đau khổ nhìn thấy nhiều người lao đầu vào hố sâu hư vọng. Tất cả chúng ta thuộc thành phần Giáo Hội có vai trò chữa lành và cứu độ. Tách rời khỏi Giáo Hội, chúng ta trở thành những người mang lấy bệnh tật và sự chết. Đó là lời mời gọi cho từng người chúng ta phải dấn thân vào một con đường hoán cải thực sự. Như ngày xưa ở Nain, Chúa Giê su đang trên đường chúng ta. Ngài có thể nâng chúng ta lên và trả lại cho Mẹ Giáo Hội chúng ta.

Bài thứ hai không lien kết trực tiếp với hai bài kia vì không nói gì về sự chữa lành một đứa bé. Nhưng lại nhấn mạnh đến đức tin của Phao lô vào quyền năng và lòng tốt của chúa Giê su. Chính Ngài đã đi bước trước đến với người bách hại mình là Phao lô. Cuộc gặp gỡ với Ngài trên đường Đa mát đã là một cuộc chuyển biến thực sự. Nó biến Ngài trở thành một tông đồ của tin mừng.

Cả ba bài đọc thánh kinh đều là một lời mời gọi đến đức tin. Chúng nói với chúng ta về quyền năng và lòng yêu thương của Thiên Chúa. Khi chúng ta gặp trở ngại, Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua trong đức tin, trong hi vọng và tình yêu. Chính với Chúa Giêsu đầy quyền năng và hay thương xót mà cuộc đời chúng ta có thể trở nên tốt đẹp và phong phú.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, chúng con cầu nguyện với Chúa. Chúa đã đến gặp cộng đoàn chúng con đang qui tụ nhân danh Chúa. Chúa sai chúng ta con đi đến với những người bị thương trong cuộc sống. Xin hãy ban Thánh Thần của Chúa cho chúng con để chúng ta con trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa trong thế giới hôm nay.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Đâu là bối cảnh bài đọc thứ nhất?

THƯA: Bài đọc một nói về phép lạ tiên tri Êlia thực hiện để cứu sống con trai của bà góa Sarépta. Lúc bấy giờ Ít ra ên đang gặp một trận hạn hán khốc liệt kéo dài 32 năm dưới thời Vua Akháp. Êlia đi đến Sarépta, ông gặp bà góa và đứa con trai. Dù trong nhà chỉ còn một chút bột và một ít dầu trong bình, nhưng bà đã chia sẽ phần lương thực ấy cho ông. Nhờ vậy Chúa đã cho hủ bột và bình dầu đầy mãi cho cả ba người dùng trong suốt một năm. Bài đọc một của chúng ta bắt đầu từ đây.

2. HỎI: Bà góa giải thích ra sao về cái chết của con trai bà?

THƯA: Bà góa giải thích cái chết con trai bà như hình phạt tội lỗi bà. Chính sự hiện diện của vị tiên tri đã làm cho Thiên Chúa nhớ đến tội lỗi ấy (1 V 17,18). Não trạng ấy vẫn còn thấy rõ trong thời Tân Ước, như câu truyện Thánh Gioan kể lại trong đoạn 9,2: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”.

3. HỎI: Sau đó, phép lạ cứu sống con trai đã nói lên điều gì?

THƯA: Phép lạ cứu sống con trai cho Bà góa hiểu rằng việc Thiên Chúa làm không phải là trừng phạt và giết chết mà là chữa lành và cứu sống. Từ nay bà biết rằng sự chết không phải là một hình phạt, và Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống.

4. HỎI: Như vậy Thiên Chúa cũng ban ơn cho người ngoại nữa sao?

THƯA: Đúng vậy. Qua phép lạ nầy, tác giả muốn cho mọi người đương thời biết rằng, Thiên Chúa không dành riêng các hồng ân của Ngài cho riêng dân Ít ra ên. Trái lại Người muốn ban ơn Người cho toàn thể loài người đúng như Người lời hứa với ông Abraham: “Nhở ngươi mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (Stk 12,3).

5. HỎI: Trong các tác giả nhất lãm, chỉ có thánh Lu ca kể lại phép lạ chữa lành con trai bà góa Nain. Vậy Ngài có mục đích gì?

THƯA: Khi kể lại phép lạ chữa lành con trai bà góa Nain, Thánh Lu ca muốn so sánh với phép lạ Êlia thực hiện cứu sống con trai bà góa Sa rép ta được kể lại trong Cựu ước. Có nhiều điểm giống nhau trong hai câu truyện chứng tỏ điều đó: cái chết của đứa con trai duy nhất của bà góa, phép lạ diễn ra ở cổng thành, người được cứu sống “được trao lại cho mẹ nó”, tác giả phép lạ được tung hô như một vị tiên tri. Hơn nữa, tiên tri Êlia nhiều lần được Lu ca so sánh với Chúa Giê su.

6. HỎI: Thánh Lu ca đặt câu chuyện nầy tiếp theo sau câu chuyện chữa lành người nô lệ của viên đại đội trưởng (7,1-10) với ý gì?

THƯA: Ngài muốn cho thấy rằng, việc phục sinh đứa con bà góa Nain chính là chứng cớ cho thấy thời đại Thiên sai đã bắt đầu và Chúa Giê su chính là “Đấng đang đến”. Ngài được gọi là “Chúa” (7,13), một danh xưng dành riêng cho Thiên Chúa.

7. HỎI: Thành Nain (Nayim) ở đâu?

THƯA: Thành Nain (Nayim) nằm trong vùng Ga li lê, cách Na gia rét khoảng 3 giờ đi bộ về phía Đông Nam, và cách Capharnaum khoảng 9 giờ đi bộ về phía Tây Nam.

8. HỎI: Tại sao Lu ca lại cẩn thận nhắc đến địa danh Nain, một điều mà ít khi ông làm?

THƯA: Luca cẩn thận nhắc đến Nain vì thành nầy gần cổ thành Shunem. Nơi mà tiên tri Êlisêô đã thực hiện phép lạ cứu sống con trai bà góa. (2V4,8).

9. HỎI: Tước hiệu Chúa có nghĩa gì?

THƯA: Tước hiệu Chúa (= ho kyrios) được dùng lần đầu tiên ở đây trong Luca (x. 10,1.40; 11,39; 12,42;13,15). Tước hiệu nầy được dùng để dịch danh thánh Thiên Chúa trong Cựu Ước (bản 70). Được dùng ở đây khi Chúa Giê su cho thấy Ngài có quyền năng trên sự sống và sự chết.

10. HỎI: Những chi tiết nào cho thấy Lu ca muốn gợi lại phép lạ trong Cựu Ước?

THƯA: Đó là các chi tiết: “Khi Ngài vừa đến thành thì..; “người con trai độc nhất”; “Ngài giao nó cho mẹ nó”; “một tiên tri lớn”. Nhưng khi muốn gợi lại các phép lạ tương tự trong Cựu Ước, thánh Luca muốn nhấn mạnh đến sự khác biệt căn bản: khác với các tiên tri Êlia, Êlisêô, Chúa Giê su chỉ dùng một lời thôi cũng đủ thực hiện phép lạ.

11. HỎI: “Động lòng thương”?

THƯA: Luca cho biết nguyên do của phép lạ hành động của Chúa Giê su: Ngài động lòng thương xót trước sự khổ đau mà bà góa phải chịu đựng khi mất đứa con trai duy nhất của mình.

12. HỎI: “Một tiên tri lớn” có nghĩa gì?

THƯA: Đối với người đương thời Chúa Giê su, chỉ có hai tiên tri lớn mà Cựu Ước nói đến với các phép lạ như thế là Êlia và Êlisêô.

13. HỎI: Tại sao “Tất cả đều sợ hãi”?

THƯA: Sự sợ hãi nầy là thái độ thường xảy ra trước việc Thiên Chúa biểu lộ quyền năng (Lc 1,12.65; 2,9; 5,26..) kèm theo lời ca ngợi Thiên Chúa (2,20; 5,25).

14. HỎI: Ghi chú: “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” có nghĩa gì?

THƯA: Cựu Ước thường dùng kiểu nói ấy để chỉ việc Thiên Chúa ban ơn (Stk 21,1; Xh 3,16; Gr 29,10; Tv 65,10) hoặc trừng phạt (Xh 32,34; Is 10.12; Ed 23,21).

15. HỎI: Luca muốn cho thấy điều gì nơi dung mạo Chúa Giê su?

THƯA: Luca là tác giả thích trình bày Chúa Giê su như một Elia mới. Tuy nhiên, Ngài là một vị tiên tri quyền năng trong lời nói và trong hành động, hơn hẳn các tiên tri lớn trong Cựu Ước, vì Ngài là người của Thiên Chúa mang đến ơn cứu độ quyết định cho nhân loại.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần X Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần X Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần X Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Tâm Chúa Giuêsu - Lm Đan Vinh HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần X Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần X Thường Niên - Lm Tam Thái
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần X Thường Niên - Nt Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần X Thường Niên - Lm Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Mình Máu Chúa Ki-Tô - LM ĐAN VINH - HHTM

Các bài viết cũ hơn
     TIẾNG NÓI CỦA TRÁI TIM. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN X THƯỜNG NIÊN NĂM B. Nt. Maria Mai Xinh
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN X THƯỜNG NIÊN B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BA TUẦN X THƯỜNG NIÊN NĂM B: CÁC CON LÀ MUỐI CHO...! Minh Tứ
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI SAU CHÚA NHẬT MÌNH MÁU CHÚA. Nữ Tỳ Thánh Thể
     SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ MÌNH MÁU CHÚA. Lm. Phao Lô. Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ MÌNH MÁU CHÚA: QUÀ TẶNG TÌNH YÊU. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM THỨ SÁU LỄ THÁNH TÂM CHÚA- THIÊN CHÚA LUÔN TÌM KIẾM, CỨU VỚT KẺ LẠC. Nt. Madalena Nguyễn Thị Lan. O.P
     SUY NIỆM THỨ BẢY TUẦN X LỄ TRÁI TIM ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM. Nt Têrêsa Ngọc Lễ
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN X THƯỜNG NIÊN NĂM C- YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ.