CHÚA NHẬT XXIII TN B:
TÔI CÓ BỊ CÂM ĐIẾC KHÔNG?
Thưa quý OBACE, các nhà khoa học cho rằng, ngày nay cuộc sống của nhiều thành phố bị ô nhiễm không chỉ bởi khói bụi vệ sinh đường phố, mà người ta còn bị ô nhiễm bởi âm thanh nữa, có quá nhiều âm thanh từ tiếng xe, còi xe, máy nghe nhạc, các thứ loa cực đại, loa tuyên truyền quảng cáo…, nó làm cho con người bị giảm thính lực. Nhiều bạn trẻ tỏ ra xiteen, sành điệu, lúc nào cũng phải có hearphone nghe nhạc, và lúc nào cũng phải ồn ào với các điệu nhạc từ Rock đến Rap, và các nhịp điệu nhanh, mạnh, dẫn đến tình trạng nhiều bạn giảm thính lực rõ rệt. Đó là thứ âm thanh bên ngoài tác động đến tai, làm giảm thính lực của con người, nhưng cũng còn có những thứ âm thanh khác, tuy không thành tiếng, nhưng nó cũng làm giảm khả năng lắng nghe của con người, đó là là sự ồn ào trong tâm hồn, là tình trạng ù lỳ và những lo toan của của cuộc sống, đang làm ô nhiễm tâm hồn của nhiều người.
Hôm nay Tin mừng thuật lại Chúa Giêsu đi ngang qua thành Tia và Sidon, thì người ta đem đến cho Chúa một người câm điếc. Khi nói đến Tiro và Sidon, ta nhớ ngay đó là vùng đất thuộc dân ngoại, phía bên kia Biển Hồ Galilêa. Như thế phép lạ này được Chúa Giêsu thực hiện trên vùng đất của những dân tộc không phải là người Do Thái, điều đó cũng cho thấy Tin mừng của Chúa Giêsu và sứ mạng của Ngài không bị giới hạn ở đất Do Thái, mà còn lan truyền đi khắp nơi, cho mọi dân tộc, và tình thương của Thiên Chúa không chỉ giới hạn nơi người Do Thái, mà được ban phát cho muôn dân. Những người dân ngoại này đã thấy quyền năng nơi Chúa Giêsu, nên họ đem đến cho Người một người câm điếc để xin Người chữa lành, Người đưa anh ta ra khỏi đám đông, đặt tay trên tai anh, bôi nước miếng vào lưỡi anh, Ngài chữa lành cho anh nói được và nghe được. Việc làm của Chúa Giêsu quả là hơi lạ, Ngài phải tách anh ra khỏi đám đông để chữa lành cho anh, tách ra khỏi đám đông, có lẽ Chúa muốn tách anh ra khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống, và sự xô bồ hiếu kỳ của đám đông, để cho anh có thể dễ dàng gặp gỡ riêng tư với Chúa, tách anh ra khỏi đám đông dân ngoại ấy còn là hình ảnh Thiên Chúa đưa anh câm điếc này ra khỏi thế giới chưa có ánh sáng, thế giới của tà thần và sự chết, theo quan niệm lúc ấy. Đức Giêsu đã đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh, đây là cách chữa bệnh theo các thày thuốc dân gian lúc bấy giờ vẫn làm, song việc đặt tay này nó còn là một sư đụng chạm tiếp xúc giữa Thiên Chúa và con người, giữa những con người đau khổ tội lỗi với Đấng quyền năng có thể tha thứ và chữa lành, giữa Đấng tạo dựng với thụ tạo của Ngài.
Bằng một mệnh lệnh: Êp-pha-ta – hãy mở ra lập tức tai người điếc mở ra, và miệng lưỡi anh được tháo cởi, anh nói được rõ ràng. Việc làm này thể hiện uy quyền của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, nếu như trong công trình tạo dựng thủa ban đầu, Thiên Chúa chỉ cần phán: Hãy có, thì mọi sư liền có, thì hôm nay, Ngài chỉ cần ra lệnh, hãy mở ra, thì môi miệng của người câm, tai của người điếc đã được mở ra. Tuy nhiên, theo Thánh Marcô, Chúa Giêsu vẫn muốn ngăn cấm việc người ta loan truyền cho mọi người biết chuyện này, bởi vì, theo tác giả Marcô, bí mật về Đấng Mêsia nơi Chúa Gisêsu, chỉ được tỏ lộ một cách rõ ràng qua cuộc tử nạn và phục sinh của Người, còn trước đó, vì dân chúng chưa thể hiểu, hoặc hiểu sai về sứ mạng Mêsia của mình, nên Đức Giêsu thường ngăn cấm họ loan truyền những phép lạ Người làm, song dường như Người càng ngăn cấm, thì họ lại càng loan truyền nhiều hơn.
Phép lạ chữa người câm điếc của Chúa Giêsu, đã khai mở một thời đại mới, thời đại của Đấng Mesia mà tiên tri Isaia đã loan báo: Hãy nói với những kẻ nhát gan, can đảm lên đừng sợ! Thiên Chúa của ngươi đã đến đây rồi…, Khi người đến mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được, bấy giờ người què sẽ nhảy như nai, miệng người câm sẽ reo hò. Như thế, thời của Đấng Mesia đến, thực sự là một thời của sự giải thoát, Ngài sẽ giải thoát con người khỏi xiềng xích trói buộc của tội lỗi và sự chết, và khỏi những ràng buộc thể lý cũng như những đau khổ do tội lỗi và ma quỷ gây ra. Qua các phép lạ Chúa Giêsu minh chứng Ngài là Đấng đem đến thời đại mới cho nhân loại, mà những người dân ngoại lại là những người đã đón nhận và thừa hưởng ân phúc này, như Thánh Phêrô đã nói: Tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng bất cứ ai, mở lòng ra đón nhận Đức Giêsu, thì đều được lãnh nhận ơn cứu độ.
Thánh Giacobê trong bài đọc hai nhắc cho các tín hữu hãy noi gương Thiên Chúa, đừng cư xử thiên vị với nhau, đừng trọng người giàu khinh người nghèo, vì người nghèo là những người được Thiên Chúa yêu thương bênh vực, vì họ là những người cậy trông vào Chúa.
Thưa quý OBACE, ngày nay khoa tai mũi họng cho thấy bệnh câm điếc cũng có nhiều dạng và nó phức tạp hơn chúng ta tưởng nhiều, bệnh nhân không thể nói được là vì từ nhỏ không nghe được nên không thể tập nói, nếu phát hiện sớm, có thể cho bệnh nhân bị điếc mang máy trợ thính, em sẽ có thể nghe và có thể tập nói được. Tuy nhiên về mặt tâm lý thì hoàn toàn khác, có thể một người tai không bị điếc, nhưng họ vẫn không nghe thấy dược, có thể vì người đó không lắng nghe hoặc không muốn nghe, có thể họ không bị câm, nhưng vẫn không thể nói được.
Tin Mừng của Đức Giêsu, và lời mời gọi của Ngài được liên tục loan báo kêu mời, nhưng vẫn có những người đã đóng chặt tai lại khiến cho Lời Chúa không đi vào trong tâm hồn được. Một người sẽ bị điếc về mặt thiêng liêng khi người ấy không muốn lắng nghe Lời của Thiên Chúa. Nghe (hearing) thôi chưa đủ, mà cần phải có một thái độ tích cực hơn đó là lắng nghe (listenning) thì mới có thể nghe được, ví dụ, mọi người đang ngồi đây được gọi là nghe giảng, nhưng chắc chắn có những người không để một lời giảng nào lọt vào tai, vì họ ngồi đây mà lòng ở nơi khác, hoặc ngồi đây mà không chú ý lắng nghe. Chính vì không nghe được Lời của Chúa, nên người ta cũng không thể nói lời của Chúa cho người khác và cũng không thể nói về Chúa cho người khác được. Chính vì vậy mà có những người mang danh là Kitô hữu mà không thể nói lại được một câu Lời Chúa cho nguyên vẹn, không biết gì về Lời Chúa, không thể nói về Chúa Giêsu và giáo lý của Người, hoặc là vì lười biếng hoặc cố tình bị điếc, nên họ chỉ nghe loáng thoáng câu được câu mất, vì vậy mà đời sống đạo của họ như một tấm áo vá víu, lai tạp không có nền tảng hoặc chỉ là một đời sống đạo hời hợt bên ngoài. Cũng có nhiều người đang cố tình bị câm, không dám nói về Chúa cho anh em vì sợ ảnh hưởng đến công việc, địa vị và không dám lên tiếng bênh vực cho sự thật và công lý
Người ta cũng thường nói người câm điếc thường cục cằn nóng nảy, cũng thế, người câm điếc về đời sống thiêng liêng cũng có những biểu hiện như vậy, dù rằng tai không bị điếc, nhưng vì không muốn lắng nghe, nên không thể thông cảm và đồng cảm với những hoàn cảnh của anh chị em xung quanh, vì vậy mà có nhiều sự hiểu lầm giận dỗi kéo dài từ năm này qua năm khác, mà cũng không thể bỏ qua cho nhau được, vì cả hai bên không thiện chí để lắng nghe, và vì không lắng nghe nhau, nên không thể có những lời ngọt ngào dễ nghe, mà toàn nói với nhau bằng những lời cọc cằn tục tĩu chua chát.
Ở trong gia đình, vì qúa bận rộn với công việc, nên nhiều khi cha mẹ trở nên bị điếc vì không còn thời giờ để chú tâm lắng nghe con cái và lắng nghe nhau, cũng chính vì thế mà nhiều gia đình trở nên xào xáo bất hòa, cha mẹ chửi bới nhau, anh chị em không còn trật tự trên dưới, không còn nhường nhịn nhau được nữa. Cũng chính vì không còn khả năng lắng nghe, mà nhiều bậc cha mẹ đã vô tình biến con cái mình trở thành kẻ cô đơn trong gia đình, và vì thế, con cái bỏ nhà ra đi để tìm người có thể nghe và cảm thông với nó; Bên cạnh đó nhiều bạn trẻ hôm nay cũng đang cố tình điếc không đón nhận lời dạy bảo của cha mẹ, họ để ngòai tai tất cả những lời khuyên dạy, họ bị câm vì đã tạo nên chiến tranh lạnh trong gia đình, dẫn đến tình trạng vô tâm dửng dưng với người bên cạnh.
Xin Lời của Chúa và Thánh Thể Ngài đụng chạm đến tai và miệng lưỡi mỗi người chúng ta, để chữa lành những chứng bệnh câm điếc về phần thiêng liêng nơi mỗi chúng ta, giúp chúng ta có thể lắng nghe Lời Chúa và mạnh dạn nói về Chúa cho anh chị em và nói những lời yêu thương với anh chị em. Amen