CHÚA NHẬT XXIV TN-B
TỪ BỎ
“ Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo tôi”
(Mc.8,34).
Trải qua bao phố thị, làng mạc, chứng kiến nhiều phép lạ, nhất là hai lần thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều của Thầy Giêsu, lắng nghe biết bao lời ca tụng, bàn tán, gán đặt danh xưng nào là Gioan Tẩy Giả, nào Êlia hoặc một ngôn sứ vĩ đại nào đó cho Thầy. Các môn đệ của Đức Giêsu cảm thấy hãnh diện, các ông cùng một cảm nghĩ: “ Mình từ bỏ tất cả để bước theo Thầy Giêsu quả là thượng sách, thật chí lý…”. Để rồi qua những cảm nghĩ đó và qua câu hỏi của Thầy Giêsu: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Phêrô đã thay mặt anh em dõng dạc trả lời: “Thưa Thầy! Thầy là Đức Kitô” ( Mc.8,29).
Vừa hồ hởi đó, hân hoan đó, bỗng chốc các môn đệ của Đức Giêsu, đặc biệt là ông Phêrô rơi vào tình trạng hụt hẫng, thất vọng và nhất là không thể nào chấp nhận sự thật khi Thầy Giêsu tiên báo: “Con người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc.8,31). Không, không thể được! Thầy mình không thể nào rơi vào hoàn cảnh, không thể đi vào con đường bi đát đó. Mình phải làm gì để điều đó không thể xảy ra với Thầy và với tương lai của mình cũng như của anh em đồng môn.
Vì không hiểu và không chấp nhận những lời tiên báo của Thầy. Ông Phêrô đã mạnh dạn thay mặt anh em lên tiếng nửa như can ngăn, nửa như lời cầu nguyện:“Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy” (Mt.16,22). Sau lời can ngăn ấy ông Phêrô cảm thấy sững sờ và như một gáo nước lạnh tạt vào ông khi Thầy Giêsu quay lại quở trách: “ Satan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc.8,33).
Vào thời điểm mà Tin Mừng trình thuật, cả dân tộc Do Thái đang bị đô hộ bởi bàn tay hung bạo của người La-Mã, họ đang khắc khoải chờ đợi lời hứa của Thiên Chúa qua miệng các ngôn sứ và tiên tri. Lời hứa ban tặng cho dân tộc họ một đấng minh quân, đấng này sẽ dẫn dắt dân đánh bại kẻ thù, đem lại cho họ cuộc sống tự do và hạnh phúc…
Là thần dân, những người có nhiệt huyết và tâm huyết với đất nước, nên các môn đệ của Đức Kitô cũng cùng một cảm nghĩ như bao người, hơn nữa trải dài trên con đường bước theo, lắng nghe và chứng kiến tất cả những việc Thầy dạy và thực hiện, các ông cũng cứ ngỡ: “Đây rồi, đích thực Thầy mình là một đấng minh quân, rồi đây, Thầy mình sẽ giải phóng dân tộc, riêng các ông, sau khi Thầy thành công các ông cũng cùng được hưởng vinh quang với Thầy…!”
Chỉ dừng lại theo cách nghĩ trên mà người Do Thái năm xưa cũng như những môn đệ thân tín của Đức Kitô không hiểu, không biết Thiên Chúa đã và đang thực hiện lời hứa cứu độ nhân loại ngang qua Đức Kitô khi Ngài bước xuống cõi trần mặc lấy thân phận kiếp người nghèo hèn, cơ cực, ngoại trừ tội lỗi. Hơn nữa, Đức Kitô đã chấp nhận từ bỏ, vác thập giá để cứu độ nhân loại qua lời mời gọi của Ngài “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo tôi”(Mc.8,34).
Vâng! Qua suy nghĩ, cách gọi của dư luận quần chúng, của các môn đệ, và nhất là lời của ông Phêrô trong việc gán đặt danh xưng của Đức Giêsu trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Thiết tưởng Đức Kitô cũng mời gọi ta dừng lại đôi chút để kiểm chứng lại hành trình niềm tin, hành trình bước theo lời mời gọi của Ngài trong vai trò, bổn phận làm con cái Thiên Chúa và là môn đệ của Ngài. Ngài cũng sẽ hỏi ta, ngay hôm nay và chính giây phút này: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ta có dám mạnh dạn trả lời: “Thưa Thầy! Thầy là Đức Kitô” ( Mc.8,29) không?
Nếu ta tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô”, thế thì ta đã dám từ bỏ một cách trọn vẹn cái tôi, cái ích kỷ, cao ngạo, những đam mê, danh quyền và chức lợi đạo cũng như đời để bước theo Ngài?
Nếu ta tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô”, thế thì ta đã noi gương Ngài mà mạnh dạnh lên tiếng bênh vực cho những hoàn cảnh đang bị áp bức, bóc lột, chà đạp? Đặc biệt việc lên tiếng đó nằm trong tầm tay với của ta.
Nếu ta tuyên xưng “Thầy là Đức Kitô”, thế thì ta có dành thời gian cho Ngài qua việc ta hy sinh chút thời gian tham dự thánh lễ ngày thường, ngày Chúa nhật, các giờ đạo đức… một cách trọn vẹn, việc nhỏ nhất là tắt nguồn điện thoại di động khi tham dự thánh lễ? Nhất là ta có tìm gặp và chiêm ngắm dung mạo của Ngài nơi Kinh Thánh, nơi bí tích Thánh Thể không?
Đức Kitô đã vác lấy thập giá để cho ta được sống, ta có chấp nhận vác thập giá đời mình và gánh lấy thập giá của anh em mình bằng một trái tim yêu?
Qua cách sống, nói cười và hành động của Đức Kitô đã làm cho người Do Thái gán đặt cho Ngài những cái tên được Thiên Chúa yêu mến như ông Gioan Tẩy Giả, ông Êlia…và như ông Phêrô nhận ra Ngài là Đức Kitô. Với ta, ta đã sống, nói, cười và hành động, để người đời, nhất là những người chưa nhận ra Đức Kitô buông lời “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh” khi ta mang trong mình dòng máu của Đức Kitô?
Lời mời gọi của Đức Kitô “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo tôi”(Mc.8,34). Quả là một thách đố lớn đối ta giữa xã hội ngày hôm nay, một xã hội đầy những lời mời gọi ngọt ngào, đầy những thú vui, hưởng thụ của thế gian, làm sao ta có thể lắng nghe và bước theo Đức Kitô một cách triệt để nếu ta không cậy nhờ sức Chúa, không từ bỏ cái tôi đang đè nặng, ta không chấp nhận thập giá và vác lấy thập giá. Thập giá đó là người vợ, người chồng khó ưa, những đứa con bất toàn, những thử thách do bệnh hoạn yếu đau, khó nghèo… Xin mượn câu chuyện của cha Anthony de Mello tron tác phẩm “Chạy trốn” để kết thúc đôi dòng suy tư:
Kẻ tầm sư học đạo đến trước mặt thầy, khi thầy đang ngồi giữa các đồ đệ, anh ta trông thầy thầy không một chút gì quan tâm đến sự hiện diện của anh, Không những thế, thầy còn cười, nói một cách hồ hởi khi các đồ đệ đang tâng bốc thầy về mọi mặt. Kẻ tầm sư học đạo liền nghĩ:
Chán thật! Mình đã gõ lầm cửa, ông ấy không phải là một Rabbi như mình tưởng. Ông ta khinh người, thích tâng bốc, trông chẳng có một chút gì khiêm nhường của một Rabbi….ta nên đi nơi khác tìm thì hơn. Từ đầu vị Rabbi đã thấy satan ngồi ở góc phòng. Sau khi người tầm sư học đạo lui gót, vị Rabbi liền nói với satan:
Ngươi hãy đi! Ngươi thừa biết anh ta sẽ thuộc về ngươi mà! Quay sang những đồ đệ vị Rabbi nói với giọng buồn bã:
Thật tiếc cho một con người đã từ bỏ hết tất cả từ tuổi trẻ, sự nghiệp, gia đình.. để đi tìm chân lý, nhưng cuối cùng anh ta không thể từ bỏ được cái tôi của mình. Thật tiếc và thật đáng tiếc!
Lạy Chúa! Con xin lỗi Chúa vì đã bao lần con khước từ lời mời gọi của Chúa: Từ bỏ chính mình và vác thập giá để theo Chúa. Không những thế, con lại trở thành thập giá đè nặng trên vai anh em con qua cách sống hằng ngày. Xin Chúa giúp con biến đổi để con nên giống Chúa, biết cho đi mà không cần đáp trả, biết thứ tha và không oán hận, biết đón nhận tất cả những vui buồn trong cuộc sống để đời con nên như của lễ tiến dâng lên Chúa là Đấng đã hiến mạng vì con. Amen
Sài Gòn, ngày 13 tháng 05 năm 2012
Antôn Lương Văn Liêm