CHÚA NHẬT XXIV TNA:
THA THỨ CÓ DỄ KHÔNG?
Trong mấy tuần qua, vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang đã gây sự chú ý của nhiều người, ai cũng muốn sớm biết hung thủ cướp của giết người đó là ai và sẽ phải đền tội như thế nào? Đến khi hung thủ bị bắt và lại được biết là hung thủ chưa tròn 18 tuổi, và theo luật của Việt Nam, người vị thành niên chỉ lãnh án tối đa là 18 năm tù, thì nhiều người tỏ ra bất bình. Trong phần commend ở cuối bài báo có những người phản ứng hết sức gay gắt và họ đề nghị những kẻ cướp hung ác như thế dù ở tuổi nào cũng đáng phải tử hình, không thể được hưởng sự khoan dung tha thứ của cộng đồng được; Có người còn lý luận rẳng cứ thử đặt mình vào hoàn cảnh gia đình nạn nhân, bạn có thể tha thứ được không? Có công bằng không? Người chết có an lòng không?
Trong khi đó tại một vụ xử án giết người dã man năm 2008 tại tòa án nhân dân TP HCM, người cha của nạn nhân đã đứng lên trước tòa và nói: “Vì tình thương yêu đối với con, tôi không bao giờ tha thứ cho kẻ đã giết con gái mình. Nhưng vì lòng nhân đạo, tôi không thể để thêm một người mẹ khác đau khổ vì mất con”- Ông kể lại: “Con tôi chết, bao nhiêu tiền bồi thường cũng không thể trả lại mạng sống cho nó, huống chi số tiền bồi thường không đủ để tôi nuôi một đứa con đi học trong một năm. Nhưng một lần nói chuyện với mẹ của hung thủ qua điện thoại, bà ấy nói: “Không có người mẹ nào có thể chịu được hình ảnh người ta trói con mình vào một cái cây để bắn. Như thế, thà tôi chết trước còn hơn”. Và đó là lý do tôi đã xin tòa tha thứ cho người đã giết chết con tôi.
Thưa quý ông bà anh chị em!
trong cuộc sống thường ngày, tha thứ là một việc khó, nhưng không phải là không thể thực hiện được, còn người Kitô hữu chúng ta tha thứ là một bổn phận mời gọi chúng ta phải tha hoài, tha mãi, và tha vô điều kiện. Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh cho chúng ta về bổn phận và đòi buộc ấy, đòi chúng ta phải biết tha thứ cho anh em mỗi khi họ xúc phạm hoặc làm tổn thương mình.
Sách Huấn ca đã đúc kết lại kinh nghiệm lâu dài trong cuộc sống và dạy rằng: Oán hờn và giận dữ là điều đáng ghê tởm, và còn khẳng định: kẻ báo thù sẽ chuốc lấy sự báo thù của Thiên Chúa. Biết tha thứ, thì lời cầu nguyện sẽ được chúa nhận lời, hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù. Những lời khuyên ấy quả là chí lý và thực tế, vì một khi trong lòng còn nuôi sự oán ghét hận thù với anh em, thì không thể có Chúa trong tâm hồn, vì Thiên Chúa là Đấng hay thương xót và tha thứ, Ngài không thể sống chung với những kẻ không biết tha thứ; Và những kẻ cố tình đem mối hận thù xuống dưới huyệt mồ, thì cũng không đáng được sự tha thứ của Thiên Chúa, vì họ không thể gặp được Chúa mà trong lòng còn nuôi sự trả thù oán hận vì: Nó chẳng biết thương người đồng loại mà lại dám xin tha tội cho mình(…) thì ai tha tội cho nó.
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu cho biết lý do tại sao chúng ta phải tha thứ. Simon Phêrô đến thưa với Chúa rằng: Thưa Thày, nếu anh em cứ xúc phạm đến con thì con phải tha cho họ đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không? Ông nhấn mạnh là người anh em cứ xúc phạm đến con, điều đó có nghĩa là sự xúc phạm lặp đi lặp lại và là sự xúc phạm cố tình chứ không còn là vô tình nữa, và Phêrô đã đưa ra một chuẩn mực theo ông nghĩ, là đã quá nhân nhượng: Con có phải tha đến 7 lần không? Vì tha đến bảy lần đối với luật cũ đã là quá nhiều, vì luật cũ cho phép trả thù mắt đền mắt, răng đền răng. Phê rô đã dám đưa ra mức 7 lần, ông nghĩ là Chúa Giêsu sẽ tán thành ngay, nhưng Chúa Giêsu đã không dừng ở đó, mà Ngài muốn Phêrô đi xa hơn trong việc tha thứ: Thày không bảo con tha đến bảy lần mà là đến bảy mươi lần bảy, tức là tha hoài, tha mãi, tha không điều kiện, không tính toán.
Tha thứ không chì là tạm quên những tổn thương mà người khác gây ra cho mình, mà là phải thực sự xóa hết, tẩy hết mọi tức tối giận hờn oán ghét, và còn phải yêu thương và làm điều tốt cho người đó nữa. Nói lời tha thứ có lẽ dễ, hành động tha thứ sẽ khó hơn và đi bước trước trong việc tha thứ lại khó hơn nữa, vì dù sao nếu chỉ đón nhận lời xin lỗi và nói lời tha thứ, thì mình vẫn là người đứng ở thế thượng phong, ở bậc trên để nhìn xuống, còn hành động để chứng tỏ sự tha thứ đòi chúng ta phải thật sự hạ mình như kẻ phạm lỗi để làm hòa với anh em.
Chúa Giêsu cho thấy chúng ta phải biết tha thứ, vì chính mỗi chúng ta đã từng được tha thứ, và chỉ khi chúng ta biết tha thứ thì chúng ta mới đáng hưởng sự tha thứ khoan hồng của Chúa, dụ ngôn đã cho thấy điều đó: Một người mắc nợ nhà vua 10 ngàn yến vàng – (tính ra thời giá bây giờ đã là một số tiền khủng khiếp)- đáng lẽ người ta sẽ bỏ tù anh, siết nợ, hóa giá nhà cửa và thậm chí bán cả vợ con có lẽ cũng không đủ trả nợ, anh đã van xin với nhà vua và ông đã chạnh lòng thương và tha hết nợ cho anh.
Anh này vừa mới được tha một món nợ quá lớn như thế, vậy mà khi ra về anh gặp một người bạn chỉ nợ anh một trăm quan tiền, một món nợ quá nhỏ không đáng là gì so với mười ngàn yến vàng, vậy mà anh đã túm lấy người bạn, bóp cổ để đòi cho bằng được 100 quan tiền. Người bạn kia còn nghèo hơn anh và cũng đã hết lời van xin anh để khất lại, thế nhưng anh đã không hề động lòng trắc ẩn đã tống người bạn kia vào tù cho đến khi trả hết nợ. Sự bất công và bất nhân là ở chỗ đó!
Thiên Chúa là ông chủ đã không chấp nhận thái độ ác độc và bất nhân đó, ông đã gọi anh ta đến và trách hỏi anh ta một câu hết sức quan trọng: Ta đã tha hết nợ cho ngươi vì ngươi đã van xin ta, tại sao ngươi không biết thương xót và thứ cho anh em ngươi? Ông đã trừng phạt anh chỉ vì anh đã được yêu thương và tha thứ mà lại không biết thương xót và tha thứ cho người anh em mình.
Thưa quý ông bà anh chị em!
Lời trách cứ tên đầy tớ gian ác nêu trên, có thể cũng đang là lời Chúa tra vấn lương tâm mỗi chúng ta. Nhìn thẳng vào cuộc đời mình, có ai trong chúng ta là hoàn toàn vô tội đâu? Chúng ta đã sai phạm rất nhiều lần đối với Chúa và đối với anh chị em, vậy mà Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn và quảng đại tha thứ cho chúng ta. Bí Tích Giải tội chính là nơi tình yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện cụ thể nhất, dù chúng ta có tội lỗi ngập tràn, dù chúng ta có đáng chết, thì đến với Bí Tích Giài tội chúng ta đều đón nhận được sự tha thứ: Cha tha tội cho con, con về đi và từ nay đừng tái phạm nữa. Vây mà nhiều khi chúng ta vẫn cứ để lòng chấp nhất anh em mình từ những cái nhỏ nhặt, và nuôi trong mình sự oán giận cay cú và tìm cách trả thù!
Tha thứ là điều kiện để chúng ta được hưởng sự tha thứ, trong Kinh Lay Cha, chúng ta đã thưa với Chúa như thế: Xin cha tha cho chúng con NHƯ chúng con cũng tha kẻ có lỗi với chúng con, tức là chúng ta lấy sự tha thứ của mình làm thước tấc để xin Chúa tha thứ cho chính mình. Vậy nếu chúng ta không biết tha thứ, không can đảm nói lời tha thứ, không hành động tha thứ, thì chúng ta tự mình từ chối sự tha thứ của Thiên Chúa.
Tha thứ là một việc khó nhưng chúng ta sẽ làm được cùng với Ơn Chúa, Bí Tích Thánh Thể và Lời Chúa sẽ là sức mạnh giúp chúng ta sống yêu thương và tha thứ, siêng năng lãnh nhận Thánh Thể và lắng nghe, suy niệm Lời Chúa, chúng ta có thêm sức mạnh để nói lời tha thứ và hành động tha thứ cho anh em mình. Xin Chúa giúp chúng ta. Amen