XÉT XỬ BẰNG TÌNH YÊU
Ngày 12.10.1998, có một cuộc tĩnh tâm linh mục quốc tế, tại thành phố Monterrey, nước Mexico, với 91 giám mục, 1500 linh mục tham dự. ĐHY Nguyễn Văn Thuận được mời giảng tĩnh tâm. Chủ đề ngài chọn làm mọi người ngạc nhiên: “Tôi đã bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu, vì tôi yêu thích những khuyết điểm của Chúa”. Ngài kể ra Chúa có mười khuyết điểm: kém trí nhớ, không biết làm toán, không sành luận lý, không biết kinh tế tài chánh, bạn bè với người tội lỗi, thích ăn uống tiệc tùng, không giữ luật của người Do Thái, Chúa điên cuồng, Chúa phiêu lưu, Chúa có những lời giảng dạy mâu thuẫn.
Mọi người ngạc nhiên … lắng nghe. Khuyết điểm đầu tiên ĐHY trình bày là Chúa Giêsu không có trí nhớ tốt: quên hết các tội lỗi của tên trộm bên phải, của người đàn bà tội lỗi xức thuốc thơm cho chân Chúa, còn người con hoang đàng, chẳng những người cha quên hết tội lỗi của anh mà còn tỏ ra yêu quí anh như là người rất đẹp lòng ông: “Hãy mang quần áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy xỏ nhẫn vào tay và xỏ giầy cho cậu. Hãy mang bê béo đã vỗ béo để làm thịt, và chúng ta hãy mở tiệc, vì con ta đã chết nay được sống lại…”
Và ĐHY kết luận: “Chúa Giêsu không có một trí nhớ như trí nhớ của tôi. Không những Ngài tha thứ cho mỗi người, nhưng Ngài còn quên là Ngài đã tha thứ.”
Lúc bắt đầu bài giảng, khi ngài nói: “Tôi yêu các khuyết điểm của Chúa Giêsu”, thì các giám mục, linh mục nhìn nhau với vẻ ngạc nhiên, bỡ ngỡ! Nhưng ngài nói đến đâu thì họ lại cười đến đó, cuối bài hầu hết xúm lại quanh ĐHY và bảo: "Chúng tôi cũng yêu các khuyết điểm của Chúa Giêsu".
ĐHY kể ra nhiều khuyết điểm Chúa như kém trí nhớ, dốt toán, dốt luận lý, điên khùng, phiêu lưu … Nhưng đó mới là sự khôn ngoan và là phép tính của tình yêu. Tình yêu tìm kiếm sự sống cho người khác, chạy đuổi theo những nhu cầu của họ, và vui mừng vì hạnh phúc của họ: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải” (Lc 15,7).
Ngay cả với người con bỏ nhà ra đi, điều trước tiên người cha nghĩ đến không phải là thấy mình bị xúc phạm, mà là lo lắng cho cuộc đời cậu và chỉ ước mong một điều là cậu được hạnh phúc, vì “lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4,8).
Vâng, đó là tin mừng cho hết thẩy chúng ta. Chúa xét xử bằng tình yêu, vì Chúa chính là Tình Yêu. Bất kỳ chúng ta hành xử như thế nào, Chúa vẫn yêu thương: “Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm” (Tv 145,17).
“Đầy yêu thương trong mọi việc Người làm” là dấu hiệu của Chúa, nên sống yêu thương phải được coi là dấu hiệu của chúng ta, các môn đệ của Chúa: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Ngày 01.9.2010, Tổng giáo phận Sài Gòn mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình. Trên tuần san Công Giáo và Dân Tộc có đăng bài của cha Hồ Văn Xuân kể lại các kỷ niệm và ấn tượng về Đức TGM, trong đó có một đoạn ngắn mà đầy ý nghĩa về tình yêu mục vụ của Đức Cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình:
“Ngài cũng quan tâm đối với đến đời sống các cha, những cộng tác viên thân thiết của ngài. Khi các cha đến gặp, ngài hay hỏi: “Cha có sống được không?”; “Cha có gặp khó khăn nào không?”; “Tôi có thể giúp gì cho cha?” … Thực tế ngài giúp đỡ không những cho một số cha ở thành phố này mà còn cho nhiều cha ở các giáo phận khác nữa”.
Mấy câu hỏi đơn sơ mà toát lên đức ái mục tử của Đức TGM, quan tâm đến hạnh phúc của người đến gặp mình.
Ước chi tôi tập được thói quen hỏi thăm và nghĩ đến những câu hỏi đó với anh em trong nhà, và với mọi người tôi gặp!
“Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Lm. HK