NỘP THUẾ CHO XÊ-DA
( Mc 12, 13-17)
Bài tin Mừng hôm nay là một trong số những cuộc chạm trán nảy lửa giữa Chúa Giê-su và các chức sắc tôn giáo tại Giêrusalem. Chúa Giêsu đối đầu với một định chế tôn giáo cao cả nhất. Sự việc này xảy ra tại đền thờ đã huy động cả hai nhóm Pharisiêu và phe Hêrôđê tập trung, qui chiếu thẳng vào vị tiên tri xứ Galilê. Nhưng trước khi kể lại cuộc tranh luận về việc nộp thuế cho Xêda, thánh sử Máccô cho ta thấy Chúa Giêsu là vị thày giảng dạy đầy uy quyền trong đền thờ. Ngài đối chất với giáo quyền Dothái thời bấy giờ cả về đức tin lẫn thực hành. Chúng ta cùng theo chân thánh Máccô để xem sự việc xảy ra lý thú thế nào.
Mở đầu bài Tin Mừng bằng câu "họ cử mấy người Pharisiêu và mấy người thuộc nhóm Hêrôđê đến cùng Người…"(13a). Vậy là thủ đoạn của họ chẳng cần che đậy giấm giếm gì cả. Họ cử người đến. Việc này có ý định, xếp đặt rõ ràng. Có mục đích, có phương tiện hẳn hoi. Mấy người được sai đến – chắc là do các thượng tế. Đại từ "họ" ám chỉ đến một thế lực uy quyền, cao vọng trong tôn giáo – " để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy" (13b). Đây không phải là lần đầu họ gài bẫy Chúa đâu. Họ nói " Chúng tôi biết Thầy là người chân thật, không vị nể, không đánh giá bề ngoài.." (14a). Tuy đây chỉ là lời xu nịnh khởi xướng cho một âm mưu mờ ám, nhưng chúng ta cũng thấy được họ đã đánh giá cao về Chúa Giêsu – một con người đón tiếp mọi người, không loại trừ ai. Cái âm mưu mờ ám đó được khai sáng rõ qua câu hỏi " Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?" (14b). Thật vậy việc đóng thuế luôn là đề tài tranh cãi trong các nơi hội họp của người Dothái. Chúa Giêsu biết rõ là : Nếu lên tiếng về việc nộp thuế , thì sẽ bị liệt vào hạng người cộng tác hoặc chống đối chính quyền. Vấn đề hóc búa là ở chỗ này. Trả lời "có" cũng chết, mà nói "không" cũng chẳng được yên thân. Một lần nữa, chúng ta thấy cách ứng xử tài tình của Chúa Giêsu qua một hành động cụ thể, một câu hỏi mà chính người Dothái phải trả lời, để " gậy ông lại đập lưng ông".
Hiểu rõ tâm can của họ, Chúa Giêsu nói : "Tại sao các ông lại thử tôi ? Đem đồng bạc cho tôi xem" (15). Một câu hỏi tố cáo lòng dạ đen tối của họ. Một đề nghị để mở ra hướng câu trả lời và dẫn đến chân lý ngàn đời. Phái Pharisiêu và phe Hêrôđê đâu lường được tôn ý của Ngài, nên họ hí hủm đưa cho Ngài một đồng bạc. Cầm lấy đồng bạc, Ngài liền hỏi "Hình và danh hiệu này của ai đây?" (16). Một câu hỏi không phải để hỏi nhưng để dẫn vào câu trả lời " Của Xêda trả cho Xêda", nghiã là các ông đã xác định đồng tiền này in tên và hình của Xêda, vậy hành vi trả cho ông ấy qua việc nộp thuế là hiển nhiên rồi. Nhưng Ngài nhấn mạnh hơn "Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa" (17b) mới là quan trọng. Chúa Giêsu buộc họ hãy đặt sự việc đúng nơi, đúng chỗ, đúng người. Nhà nước là nhà nước. Thiên Chúa là Thiên Chúa. Đừng lẫn lộn. Đừng cào bằng.
Đọc kỹ bản văn, chúng ta thấy Chúa Giêsu chỉ muốn bắt các kẻ chất vấn Ngài trở về vấn đề chính họ đặt ra. Vì họ sử dụng đồng tiền Rôma, nên họ phải nộp thuế cho hoàng đế. Chúa Giêsu có nghệ thuật khi buộc đối thủ đón nhận trách nhiệm của họ. Câu trả lời của Chúa đã gây họ sự ngạc nhiên về cách ứng xử (17c). Vì thế, Ngài đã thoát bẫy cách ngọan mục.
Chân lý trên khiến chúng ta suy nghĩ không ít. Nhiều khi chúng ta lẫn lộn giữa quyền lực trần thế và quyền năng thần linh. Thiên Chúa phải được đặt ở bậc thang giá trị cao nhất. Không thể so sánh Ngài với bất kỳ một mãnh lực nào.
Lạy Chúa, là Ki-tô hữu nhưng không ít lần chúng con đặt Chúa ngang hàng với tiền tài, danh vọng, thậm chí đôi lúc chúng con còn xem trọng chúng và làm nô lệ cho những thú vui nhục dục của mình. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa đã chỉ cho chúng con một "khuôn vàng thước ngọc", đó là "của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa". Ấy là chúng con phải xác định : mình là ai ? từ đâu đến ? sẽ đi về đâu? Biết phân định lãnh vực nào thuộc trần thế, lãnh vực nào thuộc thiên đàng, để chỉnh đốn lại cùng đích cuộc đời là chính Chúa và chỉ một mình Chúa mà thôi. Amen
Nữ Tỳ Thánh Thể