Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 9

LỄ CHÚA BA NGÔI :

TÔN VINH THIÊN CHÚA TÌNH YÊU

chua-ba-ngoi-trinity.jpg

Từ xưa đến nay, con người luôn khao khát tìm kiếm và khám phá về Thiên Chúa của mình. Người ta muốn biến Thiên Chúa thành một đối tượng khoa học để nghiên cứu hơn là bằng sự cảm nghiệm và đón nhận. Chúng ta có thể thấy khao khát này thể hiện qua câu chuyện ông Môsê khi được tiếp xúc với Thiên Chúa ở bụi gai cháy lửa. Ông hỏi Thiên Chúa: “Thưa Ngài, Ngài là ai? Ngài tên là gì?”. Chắc chắn với trí óc hạn hẹp, Môsê không thể hiểu hết được câu trả lời của Thiên Chúa: “Ta là Đấng Ta là”, nhưng ông đã tin, đã đón nhận Thiên Chúa như một Đấng siêu việt.

Thánh Augustinô, một lần đi dạo trên bãi biển suy gẫm về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thấy một em bé đang chơi trên bờ biển, em bé lấy vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái lỗ nhỏ. Thánh Augustinô tiến lại hỏi em: Cháu đang làm gì vậy? Em bé trả lời: Cháu định múc hết nước biển để đổ vào cái lỗ này. Thánh nhân trả lời em bé : Sao cháu làm chuyện vô ích như vậy ? Làm sao có thể múc được hết nước biển để đổ vào cái lỗ được? Em bé trả lời: Cháu đang làm một việc giống như bác thôi: Làm sao bác có thể dùng trí khôn của mình để chứa đựng hết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được ?

 Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội tuyên xưng mầu nhiệm chính yếu của đức tin Kitô Giáo, đó là mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Chúng ta không thể dùng trí khôn hạn hẹp để khám phá hết mầu nhiệm Thiên Chúa, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể hiểu biết gì về Thiên Chúa. Để hiểu biết về Thiên Chúa, chúng ta không chỉ dùng trí khôn suy luận, nhưng điều quan trọng hơn là cần cảm nghiệm bằng trái tim và đón nhận bằng đức tin.

Bài đọc một hôm nay cho thấy Môsê đã cảm nhận được sự hiện diện quan phòng của Thiên Chúa, Đấng mà ông đã từng trò chuyện với Ngài nơi bụi gai, Đấng đã dùng cánh tay hùng mạnh để bênh vực Israel. Môsê đã nói lên niềm tin ấy. Ông còn nhắn nhủ dân Israel hãy nhìn vào kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện để thêm tin tưởng và tự hào mình là dân được Chúa tuyển chọn. Thiên Chúa Israel tôn thờ là Thiên Chúa vô hình, nhưng Ngài vẫn hiện diện bằng quyền năng và nhất là Israel có thể nghe được tiếng Thiên Chúa nói với họ. Ngài tuy ở xa nhưng lại rất gần. Ngài là Thiên Chúa thống trị cả vũ trụ mà lại chọn Israel làm dân riêng, để từ đó, Ngài trở nên liên lụy với con người và chăm sóc con người như người cha lo cho con cái.

Nhận ra Thiên Chúa là Đấng quyền năng, là Cha yêu thương, dân Israel phải một lòng một dạ tôn thờ Thiên Chúa. Ai một dạ trung thành với Thiên Chúa thì sẽ được hưởng hạnh phúc đời đời, còn ai thay lòng đổi dạ chạy theo thờ cúng các thần minh khác, thì sẽ bị loại trừ và sẽ phải chết đời đời. Vì chỉ có Thiên Chúa của Israel tôn thờ mới là Thiên Chúa duy nhất chân thật.

Niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất của dân Israel là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Khi Chúa Giêsu đến, qua lời giảng dạy và các giáo huấn, Ngài hướng mọi người về niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, là Thiên Chúa Ba Ngôi : Cha, Con và Thánh Thần. Qua lời giảng dạy và các phép lạ, nhất là qua cuộc tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu cho thấy Ngài chính là Ngôi Hai của Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, Đấng đến từ cung lòng Thiên Chúa Cha để nói cho chúng ta về Thiên Chúa là Cha và Chúa Giêsu chính là Chúa Con, là Đấng Cứu Thế.

Lời khẳng định của Chúa Giêsu không dễ dàng được chấp nhận, vì vậy, Ngài đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ những người Do Thái. Tuy nhiên vẫn có nhiều người đã tin theo Chúa Giêsu, đón nhận Ngài như một vị Thiên Chúa, mặc dù họ chưa thể hiểu hết về Ngài. Chỉ sau cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu, các môn đệ mới đi đến một niềm tin chắc chắn Thầy của các ông chính là Thiên Chúa. Các ông bái lạy Ngài như các ông vẫn bái lạy Thiên Chúa, Đấng mà dân Israel tôn thờ.

Không chỉ mạc khải về chính mình là Thiên Chúa, Chúa Giêsu còn nói đến Chúa Thánh Thần là Đấng từ nơi Thiên Chúa Cha sai đến để canh tân, biến đổi và thánh hóa những kẻ tin vào Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu trình bày dưới rất nhiều hình ảnh khác nhau. Khi nói chuyện với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu ví Chúa Thánh Thần như làn gió mát; khi nói với các Tông đồ, Chúa Giêsu gọi Chúa Thánh Thần là Đấng Phù Trợ, Thần Chân Lý và là Thiên Chúa.

Việc dùng nhiều tên, nhiều hình ảnh để mạc khải về Chúa Thánh Thần cho thấy Chúa Thánh Thần là một vị Thiên Chúa “linh hoạt”, Ngài hoạt động trong hết mọi chương trình của Thiên Chúa, từ khi tạo dựng đến chương trình cứu độ. Kể từ sau khi Chúa Giêsu về trời, Chúa Thánh Thần lại càng hoạt động cách mạnh mẽ và cụ thể hơn nơi Giáo Hội và thế giới. Khởi đi từ ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã làm nên cuộc canh tân kỳ diệu nơi các Tông đồ và hoạt động mạnh mẽ trên Giáo hội sơ khai để quy tụ muôn dân muôn nước.

Thư Rôma còn cho thấy Chúa Thánh Thần không chỉ hoạt động cách chung chung trong Giáo Hội và thế giới mà Ngài vẫn đang hoạt động mạnh mẽ trong tâm hồn của từng tín hữu. Chính nhờ được thanh tẩy trong nước và Thánh Thần, mỗi người được trở nên tạo vật mới, được gọi Thiên Chúa là Cha, được nên anh em với nhau trong tình nghĩa tử với Chúa Giêsu. Chính Chúa Thánh Thần cho chúng ta sức mạnh và làm cho lòng tin của chúng ta thêm kiên vững để chúng ta có thể mạnh dạn gọi Thiên Chúa là Abba, nghĩa là Cha ơi, Bố ơi. Thánh Thần còn liên tục hoạt động trong tâm hồn mỗi người, giúp chúng ta sống cho xứng đáng với ơn gọi làm con Thiên Chúa.

Suy niệm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không làm cho chúng ta rối trí, nhưng giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện cụ thể của Ba Ngôi Thiên Chúa trong thế giới và trong mỗi người. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là mầu nhiệm xa lạ, nhưng gần gũi với tất cả mỗi người. Nhờ chiêm ngắm các hoạt động của Thiên Chúa, chúng ta như có thể đụng chạm đến sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa  trong vũ trụ và nơi chúng ta.

Cử hành mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta khiêm tốn sấp mình thờ lạy Thiên Chúa, Đấng muôn trùng siêu việt, đồng thời tin tưởng và dám phó thác cuộc đời trong vòng tay Thiên Chúa. Chúng ta nhớ rằng, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu thương. Vì thế, chúng ta có bổn phận sống đáp đền tình yêu của Thiên Chúa, gìn giữ và làm cho hình ảnh của Thiên Chúa ngày càng thêm rõ nét nơi gương mặt và cuộc sống chúng ta.

Thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần, linh hồn chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì thế, chúng ta cần bảo vệ và gìn giữ sự thánh thiêng trong sạch của đền thờ Thiên Chúa nơi linh hồn và thân xác mình. Cần tẩy trừ khỏi đền thờ tâm hồn những gì là cũ kỹ, hôi hám của tội lỗi; những màng nhện và bụi bặm bởi thói quen, tật xấu; đồng thời, tô điểm cho đền thờ tâm hồn bằng những nhân đức và các việc hy sinh, bác ái, yêu thương. Các bạn trẻ đang sống trong một thế giới ô nhiễm bởi những phim ảnh, sách báo và lối sống đề cao tình dục, bạo lực. Chúng ta cần can đảm chiến đấu để chống lại những khuynh hướng và những lôi kéo xấu đó. “Lối sống đen” này đang len lỏi vào tâm hồn, bôi bẩn, làm ô uế thân xác và tâm hồn chúng ta. Cậy nhờ ơn Chúa qua Bí tích giải tội và Thánh Thể, xin Chúa giữ gìn linh hồn và thân xác mình trong sạch và cũng biết tôn trọng và bảo vệ sự trong sạch của người khác nữa.

Mỗi gia đình được dựng nên theo hình ảnh và khuôn mẫu của gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, cha mẹ cần làm cho gia đình mình nên giống Gia đình Ba Ngôi bằng việc củng cố, xây dựng tình yêu thương, sự hiệp thông trong gia đình. Muốn được như vậy, hãy sống yêu thương quảng đại hơn nữa để làm cho gia đình mình ngập tràn niềm vui và tiếng cười, canh tân biến đổi đời sống bản thân để làm cho gia đình mỗi ngày nên thánh, nên giống gia đình Ba Ngôi hơn.

Xin cho chúng ta biết mạnh dạn tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mỗi khi chúng ta làm dấu thánh giá trên mình. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên - Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IX Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IX Thường Niên - Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IX Thường Niên - Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IX Thường Niên - Nt Anna Kim Luyến SSS
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi - LM ĐAN VINH - HHTM
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IX Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IX Thường Niên_Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi: YÊU THƯƠNG HIỆP NHẤT CHIA SẺ NHƯ CHÚA BA NGÔI. LM ĐAN VINH
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên C: GHI NHỚ TRONG LÒNG. Thiên Thảo SJP
     Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu :TRÁI TIM NHÂN HẬU YÊU THƯƠNG.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IX Thường Niên Năm C: SỰ SỐNG LẠI. Nữ Tỳ Thánh Thể.
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần IX Thường Niên Năm C: SỐNG CÔNG BÌNH. Nt. Maria Anh Thư, OP
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai tuần IX thường niên năm C: “Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy…” Nt. Teresa Minh Thùy
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IX thường niên năm C: LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI TÔ. Nhiều tác giả
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IX thường niên năm C: LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KI TÔ. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU TUẦN IX THƯỜNG NIÊN NĂM B: DANH XƯNG “CON VUA ĐAVÍT”. M. AnhThư. OP