Lễ
Thánh Simon và thánh Giu-đa Tông Đồ
«Người chọn lấy
mười hai ông»
Lời
Chúa: Lc 6, 12-19
(12) Trong những
ngày ấy, Ðức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện
cùng Thiên Chúa. (13) Ðến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy
mười hai ông và gọi là Tông Ðồ. (14) Ðó là ông Si-môn mà Người gọi
là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an,
Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, (15) Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê,
Si-môn biệt danh là Quá Khích, (16) Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa
Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
(17) Ðức Giêsu đi xuống cùng với các ông,
Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn
lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và
Xiđon (18) đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật.
Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. (19) Tất
cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra,
chữa lành hết mọi người.
Suy
Niệm
Bài Tin
Mừng kể lại cho chúng ta ơn kêu
gọi của các Tông Đồ, trong đó có thánh Simon Nhiệt Thành và thánh Giu-đa
Ta-đê-ô mà chúng ta mừng kính hôm nay. Chiêm ngắm ơn gọi của các ngài, sẽ giúp
chúng ta hiểu được ơn gọi của chính chúng ta; bởi vì ơn gọi của các Tông Đồ là
khuôn mẫu của mọi ơn gọi; và mọi ơn gọi khơi nguồn từ ơn gọi của các Tông Đồ và
tham dự vào ơn gọi của các Tông Đồ.
1. Đức
Giê-su lên núi
“Trong
những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu
nguyện cùng Thiên Chúa” (c. 12). Trong lịch sử cứu độ, núi là biểu tượng của
nơi Thiên Chúa hiện diện:
Lạy Chúa,
ai được vào ngụ trong Nhà Chúa,
được ở trên
núi thánh của Ngài. (Tv 15)
Con
yêu mến Ngài Lạy Chúa, là sức mạnh của con,
Lạy
Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con. (Tv 18)
Với câu
Thánh Vịnh được trích dẫn ở trên, núi còn là một tên gọi của Đức Chúa: “Người
là Núi Đá”. Trong cuộc sống, chúng ta cũng cần một nơi diễn tả sự hiện diện của
Thiên Chúa.
Trước đó,
Đức Giêsu ở trong hội đường giảng dạy và chữa bệnh; bây giờ Ngài lên núi để cầu
nguyện. Đó chính là hai chiều kích làm nên chính cách sống của Đức Giê-su,
chiều kích hoạt động (hay làm việc) và chiều kích cầu nguyện. Và đó cũng là hai
chiều kích làm nên đời sống của tất cả những ai đi theo Đức Giê-su trong ơn gọi
gia đình, và nhất là trong ơn gọi dâng hiến, dù đan tu hay Tông Đồ. Và quả thực, hàng ngày chúng
ta vẫn sống theo nhịp sống của Đức Giê-su: hoạt động và cầu nguyện đan xen nhau
mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, mỗi giai đoạn huấn luyện và cả đời sống Ki-tô hữu
và đời sống dâng hiến của chúng ta.
Đôi khi,
nhịp sống này đối với chúng ta trở thành nặng nề, nhất là cầu nguyện. Nhưng
dưới ánh sáng cuộc đời của Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi nhận ra đó là một
ơn huệ, ơn huệ được trở nên giống Chúa ở mức độ đơn sơ nhưng thiết yếu nhất.
Nhờ đó, chúng ta dễ dàng đi vào tâm tình tạ ơn và làm trổ sinh hoa trái trong
đời sống của chúng ta.
2. Đức
Giêsu chọn các Tông Đồ
Mỗi lần Đức
Giê-su lên núi cầu nguyện và cầu nguyện suốt đêm, chính là để chuẩn bị làm một
việc hệ trọng. Giống như chúng ta đi tĩnh tâm, trong những thời điểm quan trọng
trong hành trình làm người và nhất là trong hành trình ơn gọi. Trước khi
Đức Giê-su chọn mười hai vị mà Ngài gọi là Tông Đồ, có thể nói Người đã “tĩnh
tâm” tĩnh tâm trước. Điều này có nghĩa là, ơn gọi của các Tông Đồ và ơn gọi của chính chúng ta,
không phải là một chuyện may rủi, hay do nỗ lực “trụ lại bằng mọi giá”, nhưng
là một việc hệ trọng đối với Chúa, Chúa phải chuẩn bị bằng một đêm cầu nguyện
trên núi với Thiên Chúa Cha.
Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại Giê-su gọi mười hai môn đệ lại và chọn
lấy mười hai ông. (c.
13)
Như thế, ơn gọi đến từ chính ý muốn và tiếng gọi của
Chúa. Và ơn gọi của chúng ta cũng vậy, cho dù chúng ta đã đến với đời sống ơn
gọi của chúng ta như thế nào, bởi những động lực hay lí do nào. Nhưng với thời
gian, nhất là trong thời gian huấn luyện, chúng ta được mời gọi đặt đời sống ơn
gọi của mình trên nền tảng tận cùng là “Ơn Được Gọi”. Nếu ơn gọi của chúng ta
đặt trên một nền tảng khác, thì chắc chắn sẽ sụp đỗ, không sớm thì muộn; và sụp
đổ ngay từ bên trong.
Nhưng Chúa muốn gọi chúng ta từ khi nào? Chúng ta nghe
được tiếng gọi của Chúa vào một lúc nào đó trong cuộc đời; nhưng theo Thánh
Phao-lô, Chúa đã gọi và chọn chúng ta ngay từ trong bụng mẹ và từ trước muôn
đời. Xác tín này giúp chúng ta nhận ra rằng, ơn gọi là một ơn hoàn toàn nhưng
không, chúng ta được Chúa tạo dựng là để sống ơn gọi mà chúng ta đang sống (Tv
139; Gl 1, 15). Và Chúa gọi đích
danh từng người:
Đó là ông Si-môn mà
Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là các ông
Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con
ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích,16 Giu-đa con ông
Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt… (c. 14-15)
Cũng vậy, Chúa cũng gọi tên từng người chúng ta. Chúng ta
hãy hình dung từng khuôn mặt ngang qua tên gọi: ngoại hình, nguồn gốc, tương
quan, khuynh hướng, nghề nghiệp, thao thức… Như thế, các môn đệ được Chúa gọi,
khi các ông vẫn còn đầy giới hạn, bất toàn như chúng ta. Bởi vì, tiếng gọi của
Chúa là nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người được gọi. Ghi nhớ lòng tin
« muôn ngàn đời » của Chúa đặt để nơi chúng ta, khi chúng ta chưa là
gì và khi đã « là gì », thì là gì một cách rất bất xứng và sẽ mãi mãi
« là gì » rất bất xứng, sẽ khởi dậy nơi chúng ta lòng khát khao đáp
trả cách quảng đại và nhưng không.
3. Đức
Giêsu xuống núi cùng với các Tông Đồ
Các Tông Đồ được chọn ở trên núi, nhưng
chính là để theo Đức Giê-su xuống núi, vì cả một nhân loại đông đúc đang mong
chờ để nghe lời Đức Giê-su và để được chữa lành. Nhưng các ông chưa phải làm gì
cả, chỉ lắng nghe Đức Giê-su giảng và nhìn ngắm Ngài chữa lành bệnh tật, nhất là
nhìn ngắm sự kiện:
Tất cả đám đông tìm
cách đụng vào Ngài, vì có một năng lực tự nơi Ngài phát ra, chữa lành hết mọi
người.(c. 19)
Các Tông Đồ và cả chúng ta nữa, sẽ được
Đức Giê-su tin tưởng trao ban sứ mạng thực hiện cùng những gì mà Ngài đã làm,
nghĩa là rao giảng Lời Chúa và phục vụ sự sống của nhiều người. Nhưng dù chúng
ta làm việc gì, có chức vụ gì, sứ mạng của chúng ta vẫn là giúp người ta “đụng
chạm” cho được Đức Ki-tô.
* * *
Nhưng thật
ra, Ngài vẫn đến “đụng chạm” chúng ta hằng ngày ngang qua Lời của Ngài và Thánh
Thể của Ngài. Xin cho chúng ta biết để cho Chúa “đụng chạm”, như khi chúng ta
còn nằm trong bụng mẹ (x. Tv 139, 13-16) và cảm nhận được, từ nơi Ngài, xuất
phát một sức mạnh chữa lành tất cả và tái sinh chúng ta cho sự sống và cho Gia
Đình Nhân Loại mới của Chúa.
Lm Giuse Nguyễn
Văn Lộc