CHÚA NHẬT
XXX TN A :
YÊU MẾN THIÊN CHÚA – YÊU NGƯỜI NHƯ CHÍNH MÌNH
Một
vấn đề mà xã hội Việt Nam đang phải đối diện đó là : khi đời sống vật chất được
nâng cao, cuộc sống gia đình giàu có thoải mái hơn, thì đời sống tình cảm giữa
con người với con người, vấn đề đạo đức xã hội lại giảm sút. Khi đời sống xã hội
càng thực dụng, con người chạy theo vật chất, thì dường như ngay trong lãnh vực
thiêng liêng nhất là tình yêu thương, cũng bị hoen ố, bị ảnh hưởng. Những việc
làm yêu thương, quảng đại ngày càng trở nên như hàng hiếm. Ngược lại, sự độc ác,
bạo lực ngày càng ngập tràn trong xã hội. Các tương quan thân tình dần dà cũng được
đánh giá theo tiêu chuẩn tiền bạc. Ngay đến tình yêu nam nữ, tình yêu hôn nhân
cũng mất đi sự trong sáng, thay vào đó là sự tính toán, cân nhắc thiệt hơn và nặng
màu sắc nhục dục.
Thưa
quý OBACE, trong một hoàn cảnh xã hội thiếu vắng tình yêu thương đích thực như
thế, thì lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay : Ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên
Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và yêu thương người thân cận
như chính mình, quả là một thách thức cho mỗi chúng ta.
Ngày
xưa, người Do Thái có hàng trăm khoản luật cấm và luật buộc phải làm, khiến cho
nhiều người lúng túng không biết đâu là điều chính, đâu là điều phụ. Riêng các thầy
thông luật trong câu chuyện hôm nay, có lẽ không phải vì họ không phân biệt được
điều nào là quan trọng, mà là họ muốn đặt vấn đề để thăm dò quan điểm của Chúa
Giêsu, khi thấy cách giảng dạy và lối hành xử của Chúa Giêsu hoàn toàn khác với
các luật sĩ và biệt phái. Họ hỏi Chúa : Thưa Thầy, trong các giới răn, điều nào
là trọng nhất ?
Với
Chúa Giêsu, giới răn trọng nhất là giới răn yêu mến Thiên Chúa. Ngài đòi mỗi
người phải dành cho Thiên Chúa một tình yêu cá vị, cụ thể và tuyệt đối. Tức là
phải có một tình yêu riêng tư, cá nhân đối với Thiên Chúa, chứ không phải một
tình yêu chung chung với mọi người. Tình yêu đó phải là một tình yêu cụ thể được
thể hiện qua hành động, chứ không chỉ là lời nói trên môi, và còn phải là tình
yêu tuyệt đối, phát xuất từ sự cảm nhận và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa cách
hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mình. Đó là một tình yêu trọn vẹn
với hết khả năng con người, với cả sự hiểu biết, lòng muốn và cả trái tim.
Tại
sao Chúa lại đòi chúng ta một tình yêu tuyệt đối như thế, và con người có thể
đáp lại cách tuyệt đối như vậy không ? Thiên Chúa mong muốn và đòi chúng ta phải
yêu Ngài như thế, dù tình yêu của con người chẳng thêm gì cho Thiên Chúa, nhưng
khi yêu mến Thiên Chúa, con người bày tỏ sự chấp nhận và vâng phục Ngài là Đấng
Tạo dựng nên mình. Khi yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, con người không
bị giảm giá trị, cũng không bị mất tự do. Trái lại, khi dành cho Thiên Chúa một
tình yêu tuyệt đối, chúng ta sẽ đón nhận được tình yêu của Ngài thông chuyển cho
chúng ta và đem đến cho chúng ta một sức sống viên mãn, hạnh phúc.
Hơn
thế nữa, vì chúng ta được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, mà thiên Chúa
là Tình Yêu, nên khi chúng ta càng yêu thương, càng gắn bó với Thiên Chúa,
chúng ta càng trở nên giống Thiên Chúa và tỏa sáng hình ảnh của Thiên Chúa
trong chúng ta. Ngược lại, nếu không yêu mến Thiên Chúa thì chúng ta tự làm cho
hình ảnh của Thiên Chúa bị lu mờ và sức sống của Thiên Chúa bị sút giảm trong
cuộc đời chúng ta.
Điều
răn thứ hai Thiên Chúa muốn nơi chúng ta là : Hãy yêu người thân cận như chính
mình, hay nói đúng hơn, Thiên Chúa muốn chúng ta thể hiện tình yêu đối với Ngài
qua việc thương yêu những người thân cận. Người thân cận là ai ? Yêu như chính
mình là gì ? Luật Do Thái giới hạn bổn phận phải yêu thương đối với những người
đồng hương, đồng chủng. Đối với Chúa Giêsu, khi đòi hỏi phải yêu thương người
thân cận, Chúa muốn gỡ bỏ tất cả những hàng rào giới hạn, để yêu thương không
giới hạn, không điều kiện. Người thân cận Chúa Giêsu nói đến không chỉ là người
bên cạnh, ruột thịt họ hàng, mà là tất cả mọi người mà chúng ta có dịp gặp gỡ.
Người bên cạnh còn là những người chúng ta thích và cả những người chúng ta
không thích, những người khó ưa hoặc những người không yêu chúng ta.
Yêu
như chính mình là yêu như thế nào ? Ai trong chúng ta cũng yêu mến bản thân
mình, chăm sóc cho mình, muốn điều tốt đẹp nhất cho mình, cho gia đình mình, …
Chúa muốn chúng ta lo cho mình như thế nào, yêu bản thân mình thế nào thì cũng
biết lo, biết yêu, biết nghĩ tới anh em bên cạnh như vậy. Sách Xuất Hành đã chỉ
cho cho chúng ta lý do tại sao phải yêu anh em như thế : Ngươi không được áp bức
ngoại kiều, mẹ góa con côi, các ngươi đừng ức hiếp nó, vì Ta sẽ nghe tiếng nó
kêu cứu. Các ngươi cho người nghèo vay tiền thì đừng lấy lãi, cũng không được
coi thường nó. Các ngươi phải trả lại cho người nghèo áo choàng nó đã cầm cố,
vì nó chỉ có một chiếc áo để che thân, nó lấy gì mà đắp khi nằm ngủ ? Nó mà kêu
đến Ta, Ta sẽ nghe tiếng nó. Vì Ta vốn nhân từ. Những lời cảnh báo ấy cho thấy
lý do Chúa muốn mỗi người phải cư xử với người bên cạnh bằng tình yêu thương là
vì Chúa là Đấng nhân từ. Chỉ khi chúng ta cư xử giống Thiên Chúa là Đấng nhân từ
thì chúng ta mới được hưởng sự nhân từ của Thiên Chúa.
Thánh
Phaolô đã chỉ cho cộng đoàn Thesalonica thấy khi họ sống đức tin và thực hành đạo,
khi họ đón nhận lời Chúa với niềm vui dù gặp những gian truân, thì đời sống đức
tin và tình yêu thương của cộng đoàn sẽ trở thành gương sáng cho các cộng đoàn
khác. Thánh Phaolô đã khen cộng đoàn Thesalonica vì họ đã sống tràn ngập tình
yêu thương đối với nhau và đối với mọi người trong niềm hy vọng đợi chờ ngày
Chúa trở lại.
Thưa
quý OBACE, Mến Chúa Yêu Người là hai giới răn ai trong chúng ta cũng biết và thuộc
lòng. Tuy nhiên, từ chỗ biết và thuộc lòng đi đến hành động cụ thể vẫn là một
khoảng cách, một bước dài mà chúng ta phải bước tới mỗi ngày. Yêu mến Chúa hết
lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức mình : Chúa muốn chúng ta dành cho
Ngài một tình yêu trọn vẹn và tuyệt đối, và là ưu tiên số một. Tình yêu luôn có
sức hút đến với nhau, thế nhưng nhiều người ngày nay đến với Chúa hoàn toàn
không phải vì tình yêu. Họ đến với Chúa cho qua lần, cho khỏi phạm luật mỗi
ngày Chúa nhật. Còn ngày thường, thời gian rảnh rỗi, họ dành những cho ti vi hoặc
cho những thú vui ăn uống, nhậu nhẹt, bạn bè, rất ít người nghĩ tới việc đến với
Chúa. Nhiều người khác chỉ đến với Chúa khi gặp khó khăn thử thách, còn khi thuận
lợi, bằng an, họ quên mất tình yêu Thiên Chúa dành cho họ và mời gọi họ.
Hãy
yêu mến người bên cạnh như chính mình. Chúng
ta không thể yêu Chúa mà không yêu anh em, và ngược lại, tình yêu đối với
người anh em bên cạnh nếu không phát xuất và được Thiên Chúa thúc đẩy, thì nó sẽ
biến thành ích kỷ. Tuy nhiên, nhiều người, tuy đến với Chúa thường xuyên, nhưng
lại thiếu hẳn tình yêu dành cho gia đình và cho anh em. Hãy bắt đầu dành tình
yêu thương cho những người trong gia đình của mình, đó là tình yêu của vợ chồng
dành cho nhau, tình yêu của cha mẹ dành cho con cháu và của con cháu đối với
ông bà, cha mẹ. Hãy đối xử với nhau bằng sự nhân từ và cảm thông, lắng nghe và
thấu hiểu. Hãy mở rộng tình yêu đến với những người hàng xón láng giềng, bạn bè
trong công ty xí nghiệp, có thể họ không có những điểm dễ thương, nhưng hãy cố
gắng để yêu thương họ, nhận ra hình ảnh và phẩm giá mà Thiên Chúa đặt để nơi
con người của họ. Hãy biết nghĩ tới những người bên cạnh. Ví dụ : Khi mình muốn
cửa nhà mình sạch sẽ, thì phải hiểu nhà bên cạnh cũng muốn như thế ; mình muốn
một bầu khí tĩnh lặng thì đừng gây ồn ào với hàng xóm…
Đối
với giới trẻ, hai chữ “tình yêu, yêu thương” dường như đã mất đi vẻ trong sáng.
Họ lầm lẫn tình yêu và tình dục, họ đánh đồng sống yêu thương với cuộc sống
buông thả trong giới tính. Nhưng lối sống đó không phải là tình yêu đích thực.
Vì tình yêu đích thực không phải là thứ tình quy về bản thân, tìm kiếm lạc thú,
mà trái lại, tình yêu đích thực cần phải bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải theo
khuôn mẫu tình yêu Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Đó là một tình yêu không loại
trừ, không nghi kỵ ; là loại bỏ sự báo thù, báo oán ; là dám cúi xuống để rửa
chân, để phục vụ mà không mong đáp đền ; là tha thứ bao dung, và cuối cùng đó
là dám hy sinh cả mạng sống mình cho người mình yêu thương.
Yêu
như Chúa yêu mới thực sự là yêu thương. Vì thế, các bạn đừng phung phí tuổi trẻ,
năng lực của mình vào những điều vô ích, giả dối, mà hãy dành hết khả năng, thời
giờ, tuổi trẻ và sức lực của mình cho Chúa bằng việc yêu thương, phục vụ anh chị
em. Yêu Chúa hết lòng và yêu người như chính mình không làm cho chúng ta suy
nhược hay cạn kiệt, nhưng trái lại, nó sẽ giống như nguồn nước trong giếng,
càng tuôn trào nhiều, thì càng trong, càng sạch và càng ngọt ngào hơn.
Xin
cho chúng ta nhờ yêu Chúa, được Tình yêu của Chúa đổ vào lòng chúng ta và qua
chúng ta, tình yêu ấy tuôn tràn đến với anh em chung quanh. Amen.
Lm.Giuse
Đỗ Đức Trí – Gp.Xuân Lộc
Chia sẻ bài viết này
Các bài viết mới hơn
Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX Thường niên - Lm. Duy Khang
Suy niệm thứ Tư Tuần XXX Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXI Thường Niên_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư. OP
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên Năm A - Lm. J.P
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXX Thường Niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXX Thường Niên - Lm GB Nguyễn Trường Sơn
Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXX Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXX Thường Niên LỄ CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI- Lm. Duy Khang
Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXX Thường Niên LỄ CÁC THÁNH- Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Các bài viết cũ hơn
Suy Niệm Tin Mừng chúa Nhật XXX Thường Niên A: YÊU THƯƠNG LÀ GIỚI RĂN THỨ NHẤT. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Đông
Bài Đọc Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm A
Thánh Vịnh - Chúa Nhật XXX Thường Niên Năm A
LỄ CÁC LINH HỒN 2013: LÒNG BIẾT VÀ THẢO KÍNH ĐỐI VỚI TỔ TIÊN. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
CÁC THÁNH KHÔNG HÀO QUANG. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Suy Niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXX TN C: Lễ Các Thánh Nam Nữ. Minh Tứ
Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên C: LÝ LẼ TÌNH YÊU. Lm. GB. Nguyễn Trường Sơn
Suy Niệm Thứ Tư tuần XXX Thường Niên C. Nữ Tỳ Thánh Thể.
Suy Niệm tin Mừng Thứ Ba XXX Thường Niên C.Nt. Maria Chinh Anh
Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai XXX Thường Niên C: Thánh SIMON và GIUDA Tông Đồ. Nhiều tác giả